donderdag 5 april 2012

Sừng tê giác đắt như vàng, người Việt vẫn mua

5/4/2012

Sừng tê giác nay sánh cùng túi xách Gucci, xe hơi Maybach, trở thành những thứ không thể thiếu đối với các tay nhà giàu mới nổi ở Việt Nam, các nhà bảo tồn động vật quốc tế nhận xét.
> Tê giác một sừng tuyệt chủng ở Việt Nam
> Sừng tê giác có công dụng gì?


Hoa, cô gái Hà Nội, thích tiệc tùng nhưng ghét mùi cồn trong miệng sau những bữa chè chén. Vì thế, cứ sau khi uống rượu whiskey, cô mài sừng tê giác lên một đĩa gốm đựng nước rồi uống.

Cha của Hoa tặng cô một mẩu sừng tê giác màu nâu có độ dài khoảng 10 cm. Ông nói với con gái rằng sừng tê giác có thể chữa mọi bệnh – từ đau đầu tới ung thư. Giờ đây giá của nó còn cao hơn cả giá bán cocaine.

“Tôi không biết trị giá của mẩu sừng tê giác đó, chỉ biết rằng nó là thứ đắt tiền”, cô gái 24 tuổi phát biểu sau khi khoe mẩu sừng trong căn hộ nằm trong một tòa nhà cao tầng ở Hà Nội.

Các chuyên gia lo ngại nhu cầu mua sừng tê giác của người dân tại Việt Nam là một mối hiểm họa đối với những con tê giác còn sống trên hành tinh. Việc săn, bắt tê giác trái phép tại châu Phi đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2011 và tình hình có thể trở nên tệ hơn trong năm nay. Mới đây Nam Phi kêu gọi Việt Nam tăng cường hợp tác chống hoạt động buôn lậu sừng tê giác sau khi một số lượng lớn tê giác bị sát hại trong vài tháng đầu năm.

Người Trung Quốc đánh giá cao các tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác dù những tác dụng ấy chưa bao giờ được chứng minh. Nhưng giới chức Mỹ và các chuyên gia quốc tế về động vật hoang dã khẳng định nhu cầu tăng vọt tại Việt Nam trong thời gian gần đây mới là yếu tố tạo nên áp lực lớn chưa từng có đối với khoảng 28.000 con tê giác còn sống trên toàn thế giới. Phần lớn số tê giác này sống tại Nam Phi.

Số liệu thống kê về hoạt động buôn bán sừng tê giác trên phạm vi toàn cầu khá hiếm, song giới hành pháp và bảo tồn đều khẳng định số vụ sát hại tê giác tăng vọt trong hai năm qua. Giới chức Mỹ nhận định Trung Quốc và Việt Nam là hai điểm đến của phần lớn sừng tê giác. Sức hút từ Trung Quốc và Việt Nam quá lớn nên rất ít sừng lọt vào thị trường Mỹ. Giới bảo tồn nói rằng trong vòng một thập kỷ qua, sừng tê giác cùng với túi xách Gucci, xe hơi Maybach đã trở thành những thứ không thể thiếu đối với những người mới giàu ở Việt Nam.

Hồi tháng 2 năm nay, lực lượng hành pháp Mỹ đã phá một đường dây buôn lậu sừng tê giác do những người Mỹ gốc Việt cầm đầu. Felix Kha, một người Mỹ gốc Việt trong đường dây, khai rằng anh ta đã tới Việt Nam 5 lần trong năm ngoái.

“Sừng tê giác vẫn tới Trung Quốc song Việt Nam mới là yếu tố khiến tình trạng giết tê giác để lấy sừng tăng lên”, Chris R. Shepherd, phó giám đốc khu vực Đông Nam Á của tổ chức TRAFFIC, phát biểu.

Lợi nhuận từ sừng tê giác lớn hơn nhiều so với các sản phẩm khác từ động vật hoang dã, như mật gấu hay cao hổ. Các quan chức Mỹ cho hay, một kg bột sừng tê giác có thể được bán với giá tới 55.000 USD (hơn 1,15 tỷ đồng). Con số này lớn hơn cả mức giá của một kg cocaine được bán trên các đường phố của Mỹ. Vì thế bột sừng tê giác có giá trị ngang với vàng.

Hoa mài sừng tê giác trên một đĩa sứ đựng nước rồi uống trong căn hộ của cô. Ảnh: AP.

Sức hút từ sừng tê giác rất lớn nên ngày nay những tên trộm sẵn sàng đánh cắp sừng tê giác từ các bảo tàng và cửa hàng bán thú nhồi tại châu Âu. Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) xác nhận kẻ gian đã lấy 72 sừng tê giác từ 15 nước châu Âu trong năm 2011.

Những kẻ săn trộm tại Nam Phi thường xuyên dùng cưa máy để cắt sừng tê giác. Chúng cắt sừng khi những con tê giác còn sống và để lại những lỗ thủng đầy máu trên đầu những con vật may mắn sống sót. Thỉnh thoảng chúng bắn chết tê giác dù biết rằng sừng tê giác có thể mọc trở lại trong vòng hai năm. Giới chức và các tổ chức bảo tồn tại Nam Phi đã nghĩ ra cách cắt sừng tê giác để bảo vệ chúng. Nhưng ngay cả khi gặp tê giác bị cắt sừng, bọn săn trộm vẫn giết chúng để lấy phần sừng còn sót lại.

Con tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam đã chết trong vườn quốc gia Cát Tiên vào năm 2010 bất chấp nỗ lực bảo vệ của chính phủ.

Trần Đăng Trung, người quản lý một vườn thú bên ngoài Hà Nội, nói rằng vườn thú của ông đã nhập khẩu 4 con tê giác trắng từ Nam Phi. Trung lo ngại cho sự an toàn của những con tê giác dù vườn thú được canh gác 24 giờ trong ngày.

“Nếu những kẻ bất lương muốn giết những con tê giác để lấy các bộ phận trên cơ thể, chúng có thể ra tay bất cứ lúc nào”, ông nói.

Các chiến dịch trấn áp những kẻ buôn lậu sừng tê giác ở Việt Nam hiếm khi diễn ra dù chính phủ quyết tâm thanh trừng tệ nạn này.

Trong khi đó, số vụ sát hại tê giác trái phép tại Nam Phi đang tăng vọt – từ 122 vụ vào năm 2009 lên 333 vụ vào năm 2010 và 448 vụ vào năm 2011. Tuần trước giới chức Nam Phi thông báo 150 con tê giác bị giết từ đầu năm tới nay và 60% chúng bị săn trộm trong công viên quốc gia Kruger.

Ở thủ đô Hà Nội, người Việt Nam mua sừng tê giác tại khu vực phố cổ. Nhiều bác sĩ ở Hà Nội kể rằng, một số bệnh nhân uống bột sừng tê giác cùng với thuốc Tây vì họ tin rằng nó có thể hạ sốt và chữa những bệnh thông thường. Thậm chí một số người còn uống bột sừng tê giác vì nghĩ nó có thể chữa ung thư.

Nguyễn Hữu Trường, một bác sĩ làm việc tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Hà Nội, nói nhiều bệnh nhân gặp ông để điều trị những vết phát ban. Bác sĩ Trường nghi ngờ những vết phát ban là hậu quả của việc dùng bột sừng tê giác.

“Nhiều người Việt Nam tin những thứ đắt mới tốt. Nhưng nếu có ý định bỏ ra một khoản tiền lớn để mua sừng tê giác thì bạn nên gặm móng tay. Sừng tê giác được tạo nên từ keratin, một loại protein tồn tại trong tóc và móng tay, móng chân của người”, ông nói.

Hoa, người thường xuyên uống bột sừng tê giác sau những lần uống nhiều rượu hoặc bị dị ứng do chất cồn, tuyên bố cô không quan tâm tới cảnh báo của bác sĩ và cũng chẳng quan tâm cha cô mua sừng tê giác từ đâu. Do Hoa chỉ mài sừng tê giác một hoặc hai lần trong ba tháng, cô dự đoán mẩu sừng của cô sẽ tồn tại trong 10 đến 15 năm nữa. Tới khi Hoa dùng hết mẩu sừng, có lẽ tất cả tê giác trên trái đất sẽ biến mất và cô sẽ không thể tìm được sừng tê giác để tiếp tục thú vui xa xỉ của cô nữa.

Minh Long (theo AP)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten