zaterdag 16 december 2023

“Vua vọng cổ hài” Văn Hường từ giã cuộc chơi, ngày 7/12/2023 thọ 89 tuổi.

“Vua vọng cổ hài” Văn Hường từ giã cuộc chơi

16/12/2023
VĂN HƯỜNG VÀ LỆ THỦY
Văn Hường & Lệ Thủy.


Trước 1975, người Sài Gòn nói chung và dân miền Nam nói riêng, dù là người ít mê... vọng cổ, song hầu như không ai là không biết nghệ sĩ Văn Hường, ông “Vua vọng cổ hài” của đầu thập niên 1960 cho đến khi ông “gác kiếm” lui về quê Thủ Đức “ở ẩn”. Tin ông vừa mới qua đời, chính thức “từ giã cuộc chơi” vào tối ngày 7 tháng 12 năm 2023 làm giới mộ điệu ông trong và ngoài nước vô cùng thương tiếc...
    Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức, Sài Gòn. Ông được chú ý khi còn là một cậu bé mới vừa 15 tuổi, bán dạo hạt dưa trước rạp hát Nguyễn Văn Hảo, một lần nghệ sĩ Lệ Liễu đi ngang, phát hiện giọng ca mùi mẫn của ông, trong lúc bán... ế, ngồi nghêu ngao hát, Lệ Liễu bèn rủ rê ông theo nghiệp hát, sau đó, ông bầu Bảy Cao, gánh Hoa Sen, phát hiện, đem ông về đoàn làm kép hát, song do tướng ông vốn thấp bé nhỏ con, lại... kém bô trai, không phù hợp với các vai kép chính, nên giới thiệu ông với soạn giả Viễn Châu, người chuyên sáng tác các bài bản vọng cổ lúc bấy giờ. Tìm hiểu “bộ dạng” và giọng ca của ông, Viễn Châu đã khuyên ông nên ca vọng cổ... hài, và “đo ni, đóng giày” cho ông với các bài bản hài như “Tư Ếch đi hội chợ”, “ Tư Ếch đại chiến Văn Hường”, “ Tư Ếch đi Sài Gòn”, “ Văn Hường mê số đề”, “ Văn Hường thương vợ nhỏ”, “Vợ tui tui sợ”, v.v... đã đưa tên tuổi Văn Hường lên trở thành “Ông vua vọng cổ hài”, không ai có thể vượt qua được.
    Với khuôn mặt và lối hát trào lộng, tự trào, lại vui vẻ, ý nhị, chỉ cần nghe Văn Hường ca một lần, là khách mộ điệu đâm ra mê mẩn, khoái chí với những tiếng đệm “ứ, hự”, luyến láy ở những âm “R”, và lên cao ở các thanh điệu “hỏi, ngã, sắc” rất riêng biệt, giọng ca Văn Hường không lẫn vào đâu được, và cũng khó có nghệ sĩ hài nào bắt chước được. “Cuộc chơi” của ông ngày càng thăng hoa mà theo như ông tâm sự là “nhờ Tổ đãi và công sức rất lớn của Sư phụ Viễn Châu, đã giúp ông thành Vua không ngai trong làng vọng cổ hài”, bên cạnh danh hài của kịch nghệ là Tùng Lâm nổi tiếng.
    Những bài bản, và giọng ca của Văn Hường, luôn để lại những tiếng cười “sảng khoái” nhưng tế nhị, lên án những thói hư tật xấu trong xã hội, mà người nghe luôn thấy như “có mình” ở trong đó, từ các tệ nạn số đề cho đến tứ đổ tường, nhất là bản vọng cồ “Tư Ếch đi Sài Gòn”, cái “quê mùa”, “chất phác” mà hầu như dân “tỉnh lẻ” ai cũng gặp phải khi lần đầu ghé chân đến “Hòn ngọc Viễn đông” thời bấy giờ, nên ai cũng thích.
    Sau 1975, Văn Hường về đầu quân cho đoàn cải lương Thống Nhất (Tây Ninh), kế đó là đoàn Sống Chung ( Phước Chung). Năm 1987, ông xin nghỉ, về Thủ Đức mở quán và “mai danh ẩn tích” cho dù máu mê ca hát vẫn luôn chảy mãi trong trái tim ông. Điều mà rất nhiều nghệ sĩ và người hâm mộ kính phục ông là tính ngay thẳng, không tham danh lợi, khi có vị quan chức gợi ý ông làm đơn để xin phong tặng “danh hiệu nghệ sĩ”, ông đã cương quyết từ chối và nói: “Tôi đã bỏ cuộc chơi, không còn trong giới nghệ sĩ, thì xin danh hiệu để làm gì?”
    Giờ thì ông đã chính thức xa rời “ngôi vua”, giã từ cuộc chơi ở cõi trần thế để ngao du về miền tiên cảnh, xin được kính tiễn đưa ông, cầu chúc hương linh ông sớm siêu thăng tịnh độ.

– TrHoàng V


https://vietbao.com/a317739/vua-vong-co-hai-van-huong-tu-gia-cuoc-choi?fbclid=IwAR3MzL7n_9KzXdEPyrYQ0yHnHy6RqqL4ZjrX6mAjDlG8MjDAK1NkYM-hg3U

Geen opmerkingen:

Een reactie posten