Đài Loan bầu tổng thống: Chiến tranh hay hòa bình?
Hiếu Chân/Người Việt
Chỉ một tháng nữa 23.5 triệu dân Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống và Quốc Hội. Bắc Kinh đe nẹt người Đài Loan sẽ phải chọn “chiến tranh hay hòa bình,” trong khi giới quan sát quốc tế nhận định, cuộc bầu cử này là một bước ngoặt sẽ quyết định tương lai Đài Loan, hoặc sẽ củng cố chủ quyền quý giá của đảo quốc, hoặc sẽ gia tăng xung đột, thậm chí chiến tranh, giữa hai bờ eo biển.
Tưởng cần nhắc lại, từ khi Quốc Dân Đảng Trung Hoa (Kuomintang – KMT) và chính phủ Trung Hoa Dân Quốc chạy ra Đài Loan năm 1949, đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) và chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Quốc) chưa bao giờ chiếm được hoặc đặt được quyền cai trị lên hòn đảo này dù Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ, là “một tỉnh nổi loạn” mà họ sẽ thâu tóm, kể cả bằng vũ lực.
Cuộc đua tam mã – ai là ai
Tham dự cuộc đua vào ghế tổng thống ngày 13 Tháng Giêng, 2024 có ba liên danh đại diện cho ba đảng chính trị.
Bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan đương nhiệm của đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DPP) sẽ không tiếp tục tranh cử sau hai nhiệm kỳ. Đảng này đã giới thiệu liên danh tranh cử gồm ông Lại Thanh Đức (William Lai) cùng nhà ngoại giao trẻ tuổi Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim).
Ông Lại, 64 tuổi, con một người thợ mỏ than, học thành bác sĩ giải phẫu rồi tham gia chính trị, làm thủ tướng và hiện là phó tổng thống. Ông cương quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước dựa vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và phương Tây. Bà Tiêu Mỹ Cầm mới tháng trước còn là đại diện Đài Loan tại Mỹ, thực tế là đại sứ, là người đã vận động tích cực và có hiệu quả viện trợ của Hoa Kỳ cho Đài Loan. Bà Tiêu có bằng thạc sĩ đại học Columbia University ở New York, từng có song tịch Mỹ-Đài trước khi bỏ quốc tịch Mỹ để làm thượng nghị sĩ trong Đài Loan, cũng là người được giới trẻ đảo quốc hâm mộ. Cả ông Lại và bà Tiêu đều có tên trong danh sách cấm vận của Trung Quốc và liên danh Lại-Tiêu bị Trung Quốc coi là “liên minh của những kẻ ly khai ủng hộ độc lập” sẽ đẩy Đài Loan vào chiến tranh.
Đảng DPP chủ trương không tuyên bố Đài Loan độc lập mà nỗ lực duy trì hiện trạng của eo biển Đài Loan, giữ vững chủ quyền, gia tăng năng lực quốc phòng để tự vệ trước sức ép đe dọa và khả năng tấn công quân sự của Trung Quốc. Về kinh tế, DPP có chiến lược “hướng Nam” gia tăng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để mở rộng thị trường và nguồn cung cấp thay cho việc phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Về mặt lịch sử, từ khi Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống theo hình thức phổ thông, trực tiếp năm 1996 đến nay, DPP đã giành được bốn trên bảy nhiệm kỳ tổng thống.
Liên danh của KMT đối lập gồm ông Hầu Hữu Nghĩa (Hou You-yih), cựu thị trưởng thành phố Tân Đài Bắc, và ông Jaw Shaw-kong, một nhà truyền thông thân Bắc Kinh. KMT do nhà cách mạng Tôn Dật Tiên thành lập hơn 129 năm trước, theo khuynh hướng quốc gia, đã làm nên cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911, xóa bỏ chế độ phong kiến nhà Thanh lập ra nước Trung Hoa Dân Quốc. Từng là kẻ thù một mất một còn với đảng CSTQ trong cuộc nội chiến Trung Hoa trước khi thất trận năm 1949, nhưng khi Đài Loan bắt đầu cải cách dân chủ năm 1987, KMT đổi sang lập trường thân Bắc Kinh. Khi Trung Quốc mở cửa kinh tế, các nhà đầu tư Đài Loan tận dụng mối tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa, và huyết thống ồ ạt đổ sang Trung Quốc kinh doanh và hưởng lợi rất nhiều. Hiện KMT đại diện cho tầng lớp thượng lưu có gốc gác từ Trung Quốc và các nhà kinh doanh Đài Loan muốn quan hệ kinh tế mật thiết với thị trường Trung Quốc. Về chính trị, KMT cam kết bảo vệ Đài Loan nhưng thông qua các cuộc đàm phán, đồng thuận và thỏa hiệp với Bắc Kinh. KMT phản đối chủ trương tăng cường năng lực tự vệ của Đài Loan vì lo ngại điều đó sẽ kích thích một cuộc xung đột nóng ở eo biển. Các thượng nghị sĩ KMT từng ngăn chặn nỗ lực của chính quyền mua các tàu ngầm tân tiến của Mỹ và chặn cả kế hoạch tự phát triển đội tàu ngầm của Đài Loan. Năm ngoái, KMT giành chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương và gây sức ép cạnh tranh đáng kể đối với đảng cầm quyền DPP.
Đảng Nhân Dân Đài Loan (TPP) mới thành lập cử ông Kha Văn Triết (Ko Wen-ji), cựu đô trưởng Đài Bắc, và nữ Dân Biểu Cynthia Ngô (Wu Hsin-ying), nhà kinh doanh nhiều năm sống ở Anh, đại diện. Shin Kong Group và đế chế kinh doanh của gia tộc bà Ngô có quan hệ làm ăn mật thiết với Trung Quốc. TPP có khuynh hướng dân túy, phê phán gay gắt tình trạng tham nhũng và lạm quyền trong hàng ngũ quan chức cao cấp của KMT đối lập, đồng thời không tán thành chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh của DPP. Từng đi theo đường lối của DPP nhưng gần đây, ông Kha tách ra, tự quảng bá là “lực lượng thứ ba” (third force), cam kết đưa Đài Loan vào con đường mới, hòa hoãn với Bắc Kinh nhưng không đánh mất chủ quyền và nền dân chủ của đảo quốc.
Những cuộc thăm dò ý kiến cử tri gần đây cho thấy, cuộc bầu cử ngày 13 Tháng Giêng, 2024, là cuộc đua sát nút giữa DPP cầm quyền và KMT đối lập. TPP theo sau không xa. Cử tri Đài Loan sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn một chính đảng để gửi gắm tương lai của đảo quốc.
Chọn lựa giữa hòa bình và chiến tranh
Bầu cử Đài Loan diễn ra trên nền cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine – một nước lớn bác bỏ chủ quyền của một nước nhỏ láng giềng và phát động chiến tranh để chiếm lãnh thổ. Trung Quốc đứng về phía Nga và liên tục đe dọa dùng vũ lực thâu tóm Đài Loan buộc cử tri đảo quốc phải nghĩ tới một tình huống tương tự trong tương lai. Bóng ma chiến tranh ám ảnh tâm trí cử tri Đài Loan và các ứng cử viên đối lập khai thác nỗi ám ảnh đó để chống lại đường lối cứng rắn với Bắc Kinh của đảng đương quyền.
Một ví dụ, trong cuộc vận động bầu cử cuối tháng trước, ứng cử viên Jaw Shaw-kong của KMT nói rằng chỉ có thể ngăn ngừa chiến tranh bằng cách chấp nhận Đài Loan là một thực thể không tách rời của Trung Quốc và làm giảm căng thẳng với Bắc Kinh thông qua việc gia tăng liên kết kinh tế.
Nhưng triển vọng thống nhất với Trung Quốc cũng không hấp dẫn người Đài Loan sau khi Bắc Kinh ra tay triệt hạ nền dân chủ Hồng Kông, xé bỏ những cam kết tôn trọng tự do và tự chủ của vùng lãnh thổ này mà đảng CSTQ đã long trọng đưa ra trước khi tiếp nhận thuộc địa được Anh trao trả năm 1997. Sự kiện quyền tự do và tự chủ của Hồng Kông bị triệt tiêu đã làm sụp đổ mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc quảng bá. Người Đài Loan nhìn vào đó và thấy họ không thể trở thành một Hồng Kông thứ hai, giao phó tương lai của mình, của con cháu mình vào tay những người cộng sản độc tài ở Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và tình trạng Hồng Kông dường như đang củng cố quyết tâm của người Đài Loan bảo vệ thể chế dân chủ và tự do mà họ đang thụ hưởng. Tổng Thống Thái Anh Văn sắp mãn nhiệm hôm 3 Tháng Mười Hai khẳng định với cử tri rằng không người Đài Loan nào muốn chiến tranh, nhưng cũng không muốn hòa bình “kiểu Hồng Kông.”
“Chúng ta muốn một nền hòa bình có phẩm giá (dignified peace),” bà Thái nói, theo báo Nikkei Asia Review.
Trong khi đó, Trung Quốc vừa gia tăng áp lực đối với đảo quốc cả về quân sự lẫn kinh tế, vừa thực hiện các chiến dịch tung tin giả, tin xuyên tạc để tác động tới cuộc bầu cử, tập trung vào các bình luận chống Mỹ và chống DPP để thao túng quan điểm của cử tri.
Vẫn là điểm nóng Mỹ-Trung
Đài Loan luôn là điểm nóng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco tháng trước, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc thúc giục Tổng Thống Joe Biden của Mỹ chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan và ủng hộ “chính sách một Trung Quốc,” trong khi ông Biden cảnh báo Trung Quốc chớ can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan. Tuy Đài Loan không có hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ nhưng ông Biden nhiều lần nói Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu đảo quốc bị tấn công. Trong khi đó, Luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act) năm 1979 quy định Mỹ có trách nhiệm cung cấp cho Đài Loan vũ khí phòng thủ.
Từ góc nhìn của người Đài Loan, đảo quốc này luôn trong thế chông chênh giữa hai cường quốc, vừa không muốn bị Trung Quốc thôn tính vừa không thể tin cậy hoàn toàn ở người Mỹ. Khảo sát dư luận cho biết hiện ở Đài Loan có 61% cử tri ủng hộ Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, chỉ 22% ủng hộ Bắc Kinh.
Nhưng tình trạng phân cực chính trị giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ở Mỹ và sự thay đổi nhanh chóng các chính sách đối với đồng minh của Washington làm cho không ít cử tri lo ngại khi Đài Loan phải nương tựa nhiều vào sự bảo vệ của người Mỹ. Sự kiện Thượng Viện Mỹ đầu tuần này chưa chấp thuận bỏ phiếu đề nghị của chính quyền Biden về viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, Israel, và Đài Loan để tập trung giải quyết vấn đề nhập cư càng làm cho người Đài Loan thất vọng và lo lắng. Mỹ thì xa và hay thay đổi, Trung Quốc thì sát cạnh và luôn gây hấn. Sự tồn vong của Đài Loan xem ra khá bấp bênh cho dù ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử vào tháng tới.
Chưa biết DPP hay KMT sẽ thắng trong cuộc đua tam mã. Đài Loan là quốc gia dân chủ, bầu cử tự do, và công bằng. Người ta chỉ có thể biết kết quả thắng thua khi lá phiếu cuối cùng được kiểm. Từ đây đến ngày đó, thế giới sẽ tiếp tục lo lắng về lựa chọn sinh tử của người Đài Loan trên lằn ranh chiến tranh và hòa bình. [đ.d.]
Đài Loan bầu tổng thống: Chiến tranh hay hòa bình? (nguoi-viet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten