woensdag 15 november 2023

Quan chức quốc hội trực ngôn Lưu Bình Nhưỡng bị bắt với cáo buộc ‘cưỡng đoạt tài sản’

 

Quan chức quốc hội trực ngôn Lưu Bình Nhưỡng bị bắt với cáo buộc ‘cưỡng đoạt tài sản’

15/11/2023
Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, một quan chức thuộc quốc hội Việt Nam, hôm 15/11/2023.
Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, một quan chức thuộc quốc hội Việt Nam, hôm 15/11/2023.

Công an tỉnh Thái Bình vừa bắt ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản, nhiều báo trong nước đưa tin. Nhiều người tỏ ra sốc về tin này vì lâu nay họ vẫn coi ông Nhưỡng là người trực ngôn phản biện các chính sách cũng như đứng về phía người dân trong nhiều vấn đề.

Tuổi Trẻ, Công An Nhân Dân và nhiều báo, đài Việt Nam cho hay công an bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, 60 tuổi, và khám nhà ông ở Hà Nội hôm 15/11 để điều tra về sự dính líu của ông tới vụ án cưỡng đoạt tài sản mà trong đó nghi phạm chính có tên là Phạm Minh Cường, 37 tuổi, cư trú ở tỉnh Thái Bình.

Các báo dẫn lại tài liệu của công an tường thuật rằng ông Cường đã dùng một số thủ đoạn phi pháp để ép buộc những doanh nghiệp khai thác cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, phải chấp nhận sự bảo kê của ông này.

Tuy đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cấp phép, song những doanh nghiệp này vẫn “phải trả tiền cho nhóm của Cường theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường”, các bản tin cho hay, dựa trên thông tin của công an.

Báo Công An Nhân Dân viết rằng bằng các thủ đoạn, ông Cường và những người đồng lõa đã “chiếm đoạt” hàng tỷ đồng của các doanh nghiệp từ năm 2020 đến năm 2022.

“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị can đã chiếm đoạt số tiền lớn, gây bức xúc trong nhân dân, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh”, theo Công An Nhân Dân.

Báo chí trong nước nói rằng ông Cường đã bị bắt hồi năm 2022. Sau đó, công an Thái Bình “tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, đặc biệt tập trung làm rõ các đối tượng có hành vi tiếp tay, giúp sức cho bị can thực hiện hành vi phạm tội để xử lý triệt để theo quy định của pháp luật”, tờ Công An Nhân Dân viết.

Mặc dù vậy, các bản tin trên báo chí trong nước không nói rõ ông Lưu Bình Nhưỡng có vai trò cụ thể gì liên quan đến ông Phạm Minh Cường đến mức ông Nhưỡng bị bắt.

Một luật sư không muốn nêu danh tính nói với VOA rằng nếu ông Nhưỡng cố vấn về pháp lý cho ông Cường, việc làm đó không thể bị xem là hành vi “đồng phạm giúp sức” và không đáng bị khởi tố.

Một chuyên gia luật khác, cũng muốn giấu tên, nhận định với VOA rằng có lẽ ông Nhưỡng đã tư vấn với ông Cường một số điều bị nhà chức trách xem là “xúi giục người khác phạm tội”.

Hai người này, với am hiểu sâu về luật, viện dẫn một điều trong Bộ luật Hình sự 2015 để nói khái quát rằng “cưỡng đoạt tài sản” là việc đe dọa sẽ dùng “vũ lực” hoặc “thủ đoạn uy hiếp tinh thần” người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Họ cho rằng thật khó tin là ông Nhưỡng, bản thân là chuyên gia cao cấp về luật đồng thời đang là quan chức cao cấp thuộc quốc hội, lại có hành động vi phạm điều luật nêu trên.

Ông Nhưỡng từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Ông làm giảng viên tại trường này trong 22 năm, tính đến năm 2010. Sau đó, ông nắm vị trí Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án Dân sự, Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

VOA cố gắng liên lạc với công an Thái Bình để tìm hiểu thêm về vụ bắt ông Nhưỡng nhưng không có hồi đáp.

Trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA, nhiều người bày tỏ họ bị “sốc”, “sững sờ”, “bất ngờ” về tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì từ lâu họ vẫn tôn trọng, quý mến và xem ông như một tiếng nói hiếm hoi bênh vực cho người dân yếu thế, đặc biệt là việc ông kiến nghị xem xét lại án tử của một số trường hợp có thể bị oan, cũng như nhiều lần ông đã phát biểu thẳng thắn phản biện về các chính sách.

Các bản tin trên truyền hình và báo chí Việt Nam vẫn còn lưu lại nhiều ý kiến gai góc của ông Nhưỡng, người từng là đại biểu quốc hội trong các năm 2016-2021, nói về các khiếm khuyết, nhược điểm trong hoạt động hay việc xây dựng, thực thi chính sách của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, và các cơ quan nhà nước khác.

Ông Nhưỡng cũng từng có những phân tích dựa trên pháp luật nói về việc trừng trị tội phạm tham nhũng trái ngược với quan điểm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nói trong một chương trình thảo luận trên kênh VTC Now thuộc Đài Tiếng Nói Việt Nam hồi tháng 8/2022, ông Nhưỡng nhấn mạnh rằng cán bộ nhà nước được trao quyền lực, được hưởng một số ưu đãi cũng như được nhân dân trông cậy vào, nên khi cán bộ tham ô, biển thủ, họ phải bị trừng phạt nặng hơn người khác. Ông cho rằng không thể chấp nhận việc cán bộ nộp tiền khắc phục hậu quả thay cho đi tù.

Chỉ ít tháng sau, Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng nói trong một cuộc gặp cử tri hồi tháng 11 cùng năm rằng Trung ương Đảng có chủ trương khuyến khích cán bộ có sai phạm hãy “tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng thì sẽ được miễn giảm xử nhẹ hơn” và ông Trọng cho rằng “Đây là cái mới, rất nhân văn”.

“Không phải xử nặng mới là tốt, không phải cách hết chức vụ mới là tốt”, Tổng Bí thư Trọng được báo chí trong nước trích lời đăng lại ở thời điểm đó.

Không ít người đặt câu hỏi trên mạng xã hội về sự liên quan giữa việc ông Nhưỡng “nói nhiều điều khó nghe” trên báo chí và ở chốn nghị trường với việc ông vừa bị bắt, theo quan sát của VOA. Một vài người nói rằng mất đi tiếng nói của ông đồng nghĩa là người dân yếu thế mất đi một chỗ dựa.

Quan chức quốc hội trực ngôn Lưu Bình Nhưỡng bị bắt với cáo buộc ‘cưỡng đoạt tài sản’ (voatiengviet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten