maandag 6 november 2023

Hút cần sa tăng nguy cơ các bệnh tim mạch

 Hút cần sa tăng nguy cơ các bệnh tim mạch

DALLAS, Texas (NV) – Những người lớn tuổi không hút thuốc lá nhưng dùng cần sa có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ cao hơn khi vào bệnh viện, trong khi những người dùng cần sa hàng ngày có nguy cơ suy tim cao hơn 34%, theo hai nghiên cứu mới chưa đăng tải nhưng được công bố hôm Thứ Hai, 6 Tháng Mười Một tại Phiên Họp Khoa Học của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ AHA tại Philadelphia.

“Dữ kiện theo dõi đang chỉ ra một thực tế rõ ràng… sử dụng cần sa tại bất kỳ thời điểm nào, dù là giải trí hay chữa bệnh, đều có thể dẫn tới bệnh tim mạch,” Robert Page II, chủ tịch nhóm viết nghiên cứu tình nguyện trong Tuyên Bố Khoa Học của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ năm 2020: Cần Sa Y Tế, Cần Sa Giải Trí và Sức Khỏe Tim Mạch, cho biết trong một tuyên bố. Ông không tham gia cả hai nghiên cứu mới.

Các khuyến nghị của AHA khuyên người ta không nên hút thuốc hoặc hút vape với bất kỳ chất nào, kể cả các loại cần sa, vì có thể gây hại cho tim, phổi và mạch máu.

Một người vấn cần sa để hút (Hình minh họa: Harrison Haines)

“Nghiên cứu mới nhất về việc sử dụng cần sa chỉ ra rằng hút và hít cần sa làm tăng nồng độ carboxyhemoglobin trong máu (carbon monoxide, một loại độc khí), hắc ín (chất dễ cháy một phần) tương tự như tác động của việc hít thuốc lá dạng điếu, cả hai đều có liên quan tới bệnh cơ tim, đau ngực, rối loạn nhịp tim, đau tim và các bệnh trạng nghiêm trọng khác,” Page, giáo sư khoa dược lâm sàng và y học thể chất/phục hồi chức năng tại Trường Dược và Khoa Học Dược Phẩm Skagss thuộc đại học University of Colorado Skaggs tại Aurora, Colorado cho biết.

Hút cần sa đang gia tăng ở người lớn tuổi. Nghiên cứu năm 2020 cho thấy người Mỹ cao niên trên 65 tuổi hiện đang hút cần sa hoặc ăn các món có chứa cần sa tăng gấp đôi từ 2015 tới 2018. Nghiên cứu năm 2023 cho thấy uống rượu say sưa và sử dụng cần sa vào tháng trước trong nhóm người trên 65 tuổi tăng 450% trong khoảng thời gian từ 2015 và 2019.

Gần ba trong số 10 người hút cần sa bị lệ thuộc vào chất này được gọi là rối loạn sử dụng cần sa. Một người được coi là lệ thuộc cần sa là khi họ cảm thấy thèm ăn hoặc chán ăn, khó chịu, bồn chồn, tâm trạng bất ổn và khó ngủ sau khi bỏ hút, theo Viện Nghiên Cứu Lạm Dụng Ma Túy Quốc Gia.

Người cao niên thường mắc một số chứng bệnh kinh niên ở độ tuổi 65 dường như làm cho tác động từ cần sa trở nên tệ hại hơn, theo một trong những nghiên cứu kiểm tra hồ sơ bệnh viện đối với người cao niên trên 65 tuổi mắc chứng rối loạn sử dụng cần sa và không hút thuốc lá.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy 8,535 người trưởng thành lạm dụng cần sa có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc não cao hơn 20% khi vào bệnh viện, so với hơn 10 triệu người cao niên nhập viện không hút cần sa.

Cả người lạm dụng và người không sử dụng đều được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường loại 2 hoặc cholesterol cao. Nghiên cứu cho thấy chỉ số huyết áp cao trên 130/80 mm Hg và cholesterol cao là những yếu tố dự báo chính về các biến cố bất lợi lớn về tim và não ở những người hút cần sa.

Một nghiên cứu thứ hai được trình bày hôm Thứ Hai, 6 Tháng Mười Một theo dõi gần 160,000 người trưởng thành với độ tuổi trung bình là 54 trong khoảng bốn năm để xem liệu việc sử dụng cần sa có ảnh hưởng tới nguy cơ tiến triển bệnh suy tim hay không. Suy tim không có nghĩa là tim ngừng hoạt động mà là tim không lưu thông máu như bình thường, theo AHA.

Ở cuối nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người hút cần sa hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh suy tim tăng 34%, so với những người không bao giờ dùng cần sa. (TTHN)

Hút cần sa tăng nguy cơ các bệnh tim mạch - Nguoi Viet Online (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten