donderdag 30 november 2023

Henry Kissinger để lại gì trong suy nghĩ của người Việt Nam

 

Henry Kissinger để lại gì trong suy nghĩ của người Việt Nam

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (phải) và Cố vấn đặc biệt của chính quyền Bắc Việt Lê Đức Thọ (trái-chỉ tay) sau một tuần hòa đàm Hiệp định Paris tại St. Nom La Breteche, ở ngoại ô thủ đô nước Pháp, ngày 23/5/1973.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (phải) và Cố vấn đặc biệt của chính quyền Bắc Việt Lê Đức Thọ (trái-chỉ tay) sau một tuần hòa đàm Hiệp định Paris tại St. Nom La Breteche, ở ngoại ô thủ đô nước Pháp, ngày 23/5/1973.

Truyền thông Việt Nam do nhà nước quản lý đưa tin về cái chết của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, gọi ông là một nhà ngoại giao có ảnh hưởng lớn nhưng không nói nhiều tới vai trò của ông trong việc kết thúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Các bản tin, hầu hết là ngắn gọn và dịch từ các hãng thông tấn và báo nước ngoài như Reuters, điểm lại thân thế và sự nghiệp của ông Kissinger, người đã qua đời tại nhà riêng ở bang Connecticut của Mỹ hôm 29/11. Người từng là cố vấn an ninh quốc gia kiêm ngoại trưởng Mỹ qua hai đời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford đã sống trọn một thế kỷ.

Hãng tin nhà nước Việt Nam, TTXVN, gọi ông Kissinger là “một nhà ngoại giao nhiều ảnh hưởng, từng phục vụ dưới thời của hai tổng thống Mỹ” và “để lại nhiều dấu ấn lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.”

Một bản tin ngắn của VTV nhắc đến việc ông Kissinger từng tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.

Tờ Đại biểu Nhân dân của Quốc hội Việt Nam đưa tin về sự ra đi của ông trong bài viết với tựa đề “Henry Kissinger: Nhà ngoại giao có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất thế kỷ XX” dịch lại từ bản tin của kênh CBS News của Mỹ. Bài viết đề cập 1 câu ngắn gọn về sự liên quan của ông Kissinger tới chiến tranh Việt Nam, nói rằng “ông cùng với cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ của Việt Nam đã được trao giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp cho cuộc đàm phán chấm dứt sự can dự của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.”

Cũng nhắc tới việc này, VnExpress gọi đây là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất lịch sử Nobel Hòa bình kể từ khi ra đời năm 1895.

“Ông Lê Đức Thọ gây chấn động truyền thông quốc tế khi từ chối nhận giải thưởng vì ông cho rằng hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam và ‘người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình chính là nhân dân Việt Nam’,” VnExpress viết trong bản tin về việc cựu ngoại trưởng Mỹ qua đời, trích dẫn lời ông Thọ nói khi từ chối nhận giải.

Tờ báo mạng lớn nhất Việt Nam cho biết ông Thọ, trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris của chính phủ Bắc Việt, đã “trải qua những màn ‘đấu trí’ căng thẳng với Kissinger để đi đến Hiêp định, với hàng chục phiên đàm phán căng thẳng tại Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.”

Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, theo đó Mỹ rút toàn bộ quân đội ra, và thôi can dự vào cuộc chiến, để lại quân Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chiến đấu với quân Bắc Việt đến ngày Sài Gòn sụp đổ vào 30/4/1975.

Trong khi đó Tuổi Trẻ nhắc đến mối quan hệ đặc biệt của ông Kissinger với Trung Quốc bởi ông đã giúp bình thường hóa mối quan hệ Mỹ-Trung sau khi “bỏ rơi” Việt Nam Cộng hòa, theo như lời những người thuộc chế độ miền Nam Việt Nam cáo buộc ông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/11 đã gửi điện chia buồn về cái chết của ông Kissinger.

Cho đến cuối ngày 30/11, lãnh đạo Việt Nam chưa chính thức đưa ra tuyên bố nào sau khi ông Kissinger qua đời. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về di sản của ông Kissinger liên quan đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Theo nhà văn Phạm Viết Đào cho biết từ Hà Nội, các lãnh đạo Việt Nam sẽ không nói gì về ông Kissinger.

“Vai trò của ông Kissinger đối với Việt Nam khác với Trung Quốc, vốn coi trọng ông Kissinger vì ông ấy khai thông quan hệ (giữa Trung Quốc với Mỹ), còn Việt Nam giờ không có hàm ơn gì ông Kissinger cả, mà thù ghét ông ấy thì cũng không,” ông Đào, tác giả cuốn sách Vị Xuyên và Thế sự Việt-Trung, nói.

Nhận định về việc đưa tin của báo chí trong nước về cái chết của ông Kissinger, ông Đào cho rằng truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý tránh bình luận về di sản của cựu ngoại trưởng Mỹ khi mà quan hệ giữa Hà Nội và Washington giờ đây đã gắn bó là những đối tác chiến lược toàn diện.

“Bình luận mà ca ngợi ông ấy giúp có chiến thắng (cho Mỹ) thì không được mà chê ông ấy thì cũng không nên,” ông Đào, người từng viết blog về thời sự tại Việt Nam, nói.

Ông Đào cho biết bản thân ông “quý trọng” ông Kissinger và cho rằng ông Kissinger đã phải hành động cho lợi ích của nước Mỹ trong giai đoạn lịch sử mà nước Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phải rút quân khỏi Việt Nam.

Trong khi đó, nhà báo Lưu Nhi Dũ viết rằng: “Với thế giới, ông (Kissinger) là chính khách tài năng nhưng với Việt Nam ông có nhiều nợ nần, nhiều người không có thiện cảm với ông.”

Một số người Việt Nam đã phẫn nộ về vai trò của ông Kissinger trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, nước láng giềng hùng mạnh phía bắc luôn có ý đồ thâu tóm Việt Nam.

Ông Dương Quốc Chính, một kiến trúc sư và nhà bình luận chính trị ở Hà Nội, nói với New York Times rằng việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung năm 1979 đã nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc và mở đường cho sự trỗi dậy của nước này.

“Mọi người bây giờ không thích ông (Kissinger) chủ yếu vì họ coi ông ấy là người chịu trách nhiệm cho sự thịnh vượng của Trung Quốc,” ông Chính nói với NYT.

Những người thuộc thế hệ trẻ ở Việt Nam cũng không có cái nhìn thiện cảm đối với ông Kissinger khi họ nhìn vào hậu quả của cuộc chiến tranh với hàng triệu người Việt Nam bị giết hại.

Một sinh viên 23 tuổi sống tại TPHCM có tên Anh Nguyễn mô tả ông Kissinger là “tội phạm chiến tranh,” theo South China Morning Post. Sinh viên này nói với tờ báo có trụ sở ở Hong Kong rằng cô hy vọng “ông ấy ra đi với sự hối hận sâu sắc về những gì mình đã làm”. SCMP cho rằng ý kiến của sinh viên Anh Nguyễn phản án một lịch sử được giảng dạy qua nhiều thế hệ của những người Cộng sản đã chiến thắng trong cuộc chiến.

Đối với ông Trần Văn Đức, người sống sót sau trận càn quét của binh lính Mỹ trong trận Mậu Thân 1968, vết thương chiến tranh vẫn rỉ máu bởi mẹ ông đã mất mạng trong trận càn ở làng Sơn Mỹ.

“Ông Kissinger đã từng là bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (trong chiến tranh Việt Nam) mà cuộc chiến này gia đình (tôi) đã mất tất cả những gì thân thương yêu quí nhất,” ông Đức nói. “Nhưng dù sao nghĩa tử là nghĩa tận, (tôi) cầu mong ông an nghỉ và siêu độ.”


Henry Kissinger để lại gì trong suy nghĩ của người Việt Nam (voatiengviet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten