vrijdag 24 november 2023

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc cao tăng uyên bác từng bị nhà cầm quyền CSVN kết án tử hình, đã viên tịch ngày 24/11/2023 tại Long Thành, Đồng Nai, thọ 78 tuổi

 Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc cao tăng uyên bác từng bị nhà cầm quyền CSVN kết án tử hình, đã viên tịch lúc 4 giờ chiều Thứ Sáu, ngày 24 Tháng Mười Một (nhằm ngày 12 Tháng Mười năm Quý Mão) tại Chùa Phật Ấn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, theo Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN).

Theo bản tiểu sử do hội đồng đưa ra, “Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 theo khai sanh (gia đình khai tăng tuổi để thầy đi học), tuổi thật sinh ngày 05 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào.”

Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ húy thượng Nguyên hạ Chứng, đời thứ 44 Dòng Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 Thiền Phái Liễu Quán, là Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Sau một thời gian nằm bịnh viện, ông được đưa về Chùa Phật Ấn hôm Thứ Năm.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại Học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền CSVN, theo trang mạng Quảng Đức.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (1943-2023)

Ông thông thạo tiếng Trung Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật.

Lúc bị CSVN bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là hai nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.

Ông qui y Phật lúc 7 tuổi, học Phật pháp trong Viện Hải Đức tại Nha Trang, rồi sau đó là tại Thiền Viện Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn.

Ông tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học năm 1964, Viện Đại Học Vạn Hạnh phân khoa Phật học năm 1965, được đặc cách bổ nhiệm là giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ nhiều công trình nghiên cứu và khảo luận triết học nổi tiếng. Ông là chủ bút của tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại Học Vạn Hạnh phát hành. Ông cũng làm thơ, viết một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Khởi Hành (1969-1972), Thời Tập (1973-1975). Ngoài ra ông cũng hiểu biết rất nhiều về triết học Tây phương. Ông là người đầu tiên thuyết trình về Michel Foucault tại Việt Nam.

Sau năm 1975 ông về lại Nha Trang, đến năm 1977 thì vào sống tại Thị Ngạn Am, chùa Già Lam ở Sài Gòn. Đầu năm 1978 ông bị tù 3 năm, đến năm 1980 thì được thả.

Ngày 1 tháng Tư năm 1984 ông bị bắt cùng với ông Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tin rằng nguyên nhân việc bắt giữ Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu là do hai ông là thành viên của GHPGVNTN, một tổ chức tôn giáo CSVN không công nhận và thường xuyên đàn áp.

Tháng Chín năm 1988 ông và Lê Mạnh Thát bị CSVN tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tháng Mười Một năm 1988 sau một cuộc vận động quốc tế, bản án giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng Chín năm 1998 ông được thả về từ trại Ba Sao-Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Một năm sau, vì tiếp tục hoạt động cho GHPGVNTN, ông cùng với Hòa Thượng Thích Quảng Độ lại bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi.

Năm 1998 tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards cho Thích Tuệ Sỹ và 7 người Việt khác gồm có Hoàng Tiến, nhà văn Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Tần, Phạm Thái Thụy, Thích Trí Siêu và hai người được giấu tên.

Theo di nguyện của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lập ngày 19 Tháng Chín năm 2023, đăng tải trên trang mạng của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, kim quan được quàn tại chùa Phật Ân ở Long Thành, tang lễ sẽ do Hòa Thượng Thích Minh Tâm làm trưởng ban tổ chức. Sau đó, nhục thân sẽ đưa đi hỏa táng và tro cốt rải ngoài khơi Thái Bình Dương.

Tại Hoa Kỳ, thông bạch của Hội Đồng Hoằng Pháp cho hay, sẽ có buổi lễ truy tán công hạnh và tưởng niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ vào 4 giờ 30 chiều Thứ Bảy, 2 Tháng Mười Hai, 2023, tại Tu Viện Đại Bi, 13852 Newland Street, thành phố Garden Grove. (TTHN) [đ.d.]

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch - Nguoi Viet Online (nguoi-viet.com)

Mỹ gọi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là ‘nhà đấu tranh không mệt mỏi cho tự do tôn giáo’

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và từng bị chính quyền bỏ tù trong 10 năm, viên tịch hôm 24/11.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và từng bị chính quyền bỏ tù trong 10 năm, viên tịch hôm 24/11.

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra tuyên bố sau khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trong đó ca ngợi nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, từng bị chính quyền trong nước bỏ tù, vì đã đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và nhân quyền.

Hòa thượng Tuệ Sỹ, vị trưởng lão thông tuệ của Phật giáo Việt Nam, viên tịch hôm 24/11 tại chùa Phật Ấn ở Đồng Nai, nơi ông cư ngụ trong những năm cuối đời.

Thông cáo của BNG Mỹ đưa ra hôm 27/11 nói rằng “thay mặt cho người dân Mỹ, chúng tôi chia buồn sâu sắc tới người dân Việt Nam và các tín đồ trên toàn thế giới sau khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, đó là vị lãnh đạo lỗi lạc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nam Thống nhất”.

Truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý hầu như không đưa tin về sự kiện Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch, người từng bị chính quyền coi là một nhà bất đồng chính kiến và bị giam cầm trong hơn một thập niên.

Theo tìm hiểu của VOA, Tuổi Trẻ là tờ báo chính thống duy nhất đưa tin về việc Hòa thượng Tuệ Sỹ qua đời sau một thời gian điều trị bệnh, cùng một số dòng tiểu sử về ông cũng như những tác phẩm và công trình nghiên cứu Phật học và Thiền học có giá trị được ông để lại cho hậu thế.

Hòa thượng Tuệ Sỹ trở thành lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) vào tháng 9 năm ngoái sau khi Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của Giáo hội được tái lập theo di nguyện của cố Tăng thống Thích Quảng Độ, người viên tịch hai năm trước đó.

GHPGVNTN là tổ chức Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở miền Nam nhưng sau năm 1975, chính quyền cộng sản Việt Nam phủ nhận sự tồn tại của giáo hội này trong khi ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

“Trong nhiều thập kỷ, (Hòa thượng) Thích Tuệ Sỹ là một nhà đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền con người liên quan, khiến chính quyền Việt Nam bỏ tù ông hơn một thập kỷ”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói trong tuyên bố. “Ông cũng là một học giả uyên bác, một nhà văn và triết gia có nhiều tác phẩm”.

Cả cuộc đời của Hòa thượng Tuệ Sỹ, sinh năm 1943, tập trung vào các sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy và dịch kinh điển Phật giáo ra tiếng Việt. Nhưng vào năm 1984, ông bị chính quyền Cộng sản bắt giam và bị kết án tử hình 4 năm sau đó về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Sau gần 15 năm bị giam trong tù, ông được thả tự do vì áp lực của quốc tế lên chính quyền Việt Nam.

Tuy nhiên vào năm 2010, Hòa thượng Tuệ Sỹ lại bị chính phủ Việt Nam đặt dưới chế độ quản thúc tại gia vì bị cáo buộc vi phạm các luật lệ an ninh quốc gia. Ông cùng hai vị thượng tọa khác bị chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lúc đó áp chế độ quản thúc tại gia trong hai năm. Trước đó, vào năm 2003, ông cũng bị chính quyền quản chế hành chính hai năm cùng Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Hòa thượng Tuệ Sỹ được biết đến với lập trường mạnh mẽ về việc tách Phật giáo ra khỏi chính trị nhà nước. Ông kiên quyết phản đối việc sáp nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chính trị, và khẳng định rằng Phật giáo phải duy trì tính phi chính trị và độc lập với mọi đảng phái chính trị.

Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn luôn nói rằng không có việc đàn áp tôn giáo ở Việt Nam mà chính quyền chỉ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong nước.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người cùng giảng dạy với Hòa thượng Tuệ Sỹ tại Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975, nói với VOA hồi tuần trước rằng Hòa thượng Tuệ Sỹ là người “rất trực tính, tôn trọng sự thật” và do đó “không thể nào thích hợp dưới chế độ cộng sản”. Nhưng theo GS Hoạt, những gì Hòa thượng Tuệ Sỹ từng lên tiếng “không đề cập đến chính trị mà chỉ nói về tư tưởng, các vấn đề về con người, về xã hội”.

“Tiếng nói của (Hòa thượng) Thích Tuệ Sỹ sẽ vô cùng đáng nhớ khi chúng ta suy ngẫm về sự vận động của ông đối với nhân dân Việt Nam”, người phát ngôn BNG Mỹ nói. “Tâm trí của chúng tôi hướng về cộng đồng GHPGVNTN của ngài ở Việt Nam và trên toàn thế giới”.

https://youtu.be/rcPJVk8FhrY

Mỹ gọi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là ‘nhà đấu tranh không mệt mỏi cho tự do tôn giáo’ (voatiengviet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten