UAE sản xuất nước uống từ không khí
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang có kế hoạch lắp đặt máy sản xuất nước bằng cách hút hơi ẩm trong không khí thành nước uống cho cộng đồng.
Máy siêu hút ẩm hoạt động nhờ năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường sẽ cung cấp nguồn nước dồi dào và liên tục từ không khí ẩm ướt của UAE.
Khoảng 20 máy siêu hút ẩm có thể tạo ra 6.700 lít nước mỗi ngày khi điều kiện thời tiết địa phương ở ngưỡng 26 độ C và độ ẩm 60%.
Công nghệ tạo nước uống từ không khí đang được thử nghiệm thí điểm vào tháng 10 năm nay. Nếu thành công, công nghệ này sẽ được triển khai ở Masdar, thành phố bền vững tương lai đang xây dựng cạnh sân bay Abu Dhabi.
Masdar có một cánh đồng rộng 22ha chứa 87.777 tấm pin mặt trời, cũng như các tấm pin bổ sung trên mái các tòa nhà trong thành phố để cung cấp năng lượng cho toàn thành phố.
Những tấm pin mặt trời này cũng cung cấp năng lượng cho những chiếc quạt lớn khổng lồ của máy tạo nước từ không khí, giúp máy hút không khí ẩm từ môi trường xung quanh.
Chất làm mát dạng lỏng luân chuyển trong các đường ống chứa đầy không khí ẩm giúp không khí đã được làm mát đi tới "điểm sương", tại đó hơi nước ngưng tụ thành nước lỏng.
Sau khi chất lỏng hình thành được thu thập và làm sạch dẫn ra các trạm chuyên dụng mà cư dân có thể lấy nước miễn phí.
Dự án tạo nước từ không khí ở UAE do công ty công nghệ nước Aquovum có trụ sở tại Mỹ hợp tác với Masdar và Đại học Khoa học và Công nghệ Khalifa ở Abu Dhabi thực hiện.
Theo các chuyên gia, công nghệ không có carbon giúp giảm bớt sự phụ thuộc của UAE vào việc khử mặn nước biển và nhập khẩu nước đóng chai đắt đỏ.
Trung Đông và Châu Phi là một trong số vùng khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới và cần nước sạch nhất. Các chuyên gia nhận định, UAE thuộc một trong những khu vực căng thẳng về nước trên thế giới nhưng có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp để cung cấp nước qua hút ẩm.
"Đôi khi có những khoảng thời gian sương mù dày đặc ở Abu Dhabi và Dubai, ở khu vực ven biển cũng như có các kiểu thời tiết, độ ẩm dao động trong khoảng 60-90%" - Robert Wood, giám đốc công nghệ của Aquovum, chia sẻ.
Nếu quá trình thí điểm sản xuất nước từ không khí suôn sẻ, các máy tạo nước sẽ được lắp đặt tại Viện Masdar Institute Solar Platform của Đại học Khalifa ở thành phố Masdar.
Thành phố Masdar được khởi công xây dựng vào tháng 2.2008. Thành phố được dự kiến hoàn thành sớm nhất vào năm 2030, thời điểm có sức chứa khoảng 40.000 người và 10.000 người khác đến đây mỗi ngày. Thành phố của tương lai được thiết kế để trở thành trung tâm cho các công ty công nghệ sạch, với hệ thống căn hộ, trường học, cửa hàng, quán cà phê và giao thông bền vững.
https://laodong.vn/the-gioi/hiem-hoa-tu-sieu-nui-lua-lon-nhat-trai-dat-sang-to-sau-nghien-cuu-moi-913126.ldo
Dubai đón cơn "mưa vàng" giải nhiệt giữa nắng nóng nhờ công nghệ tạo mưa nhân tạo.
Video mưa nhân tạo xối xả ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) vừa được chia sẻ gây bất ngờ, bởi nơi đây nhiệt độ tháng 7 thường tăng cao trên 40 độ C.
Video do Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE phát hành cho biết, mưa nhân tạo được tạo ra bằng phương pháp gieo mây (cloud seeding) qua việc đưa các tinh thể muối vào những đám mây để kích hoạt tạo mưa.
UAE cũng thử nghiệm phương pháp tạo mưa nhân tạo bằng cách sử dụng máy bay không người lái (UAV). Theo đó, máy bay không người lái sẽ bay vào các đám mây và phóng điện tích kích hoạt tạo mưa.
Chính phủ UAE đã đầu tư hàng triệu USD vào các dự án nhằm tạo mưa nhân tạo. National News cho hay, UAE đã giám sát hơn 200 hoạt động gieo mây trong nửa đầu năm 2020 và tạo mưa thành công.
Việc tạo mưa nhân tạo cũng từng được thực hiện thành công ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.
Theo nghiên cứu do Hiệp hội Khí tượng Mỹ công bố, gieo mây trong thời gian dài ở vùng núi Nevada làm tăng lượng băng tuyết ở đây lên 10% trở lên mỗi năm. Một thí nghiệm gieo mây kéo dài 10 năm ở Wyoming giúp lượng băng tuyết tăng lên 5-10%.
Báo cáo của Scientific American cho hay, phương pháp tạo mưa nhân tạo được sử dụng ở ít nhất 8 bang ở miền Tây nước Mỹ và ở hàng chục quốc gia khác.
UAE là một trong những quốc gia đầu tiên của khu vực Arab vùng Vịnh sử dụng công nghệ tạo mưa nhân tạo, theo trang web của Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE. Nỗ lực này là một phần của "nhiệm vụ đảm bảo an ninh nguồn nước" kể từ những năm 1990 của UAE.
Một nghiên cứu năm 2021 do Đại học Sharjah của Mỹ dẫn dắt chỉ ra, các dự án tạo mưa nhân tạo cũng có thể đang góp phần cải thiện chất lượng không khí của UAE trong những năm gần đây.
Cho đến nay, các dự án tạo mưa nhân tạo ở UAE tăng cường mưa cho những khu vực miền núi phía đông bắc đất nước, nơi những đám mây tập trung vào mùa hè.
HẢI ANH
Geen opmerkingen:
Een reactie posten