zaterdag 21 augustus 2021

Danh họa Mai Thứ và duyên nợ với Mâcon (Pháp) + Dấu ấn của Mai Thứ tại nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon

 

Danh họa Mai Thứ và duyên nợ với Mâcon

Phần âm thanh 09:43
Âm nhạc cũng là một trong những đề tài thường được họa sĩ kiêm nhạc sĩ Mai Thứ thể hiện trong các bức tranh của ông. Ảnh chụp tại triển lãm tranh Mai Thứ ở Mâcon.
Âm nhạc cũng là một trong những đề tài thường được họa sĩ kiêm nhạc sĩ Mai Thứ thể hiện trong các bức tranh của ông. Ảnh chụp tại triển lãm tranh Mai Thứ ở Mâcon. © RFI

Trong mùa hè này, nền hội họa Việt Nam đang được vinh danh tại Pháp với cuộc triển lãm đặc biệt các tác phẩm của cố họa sĩ Mai Trung Thứ tại Viện bảo tàng Ursulines của thành phố Mâcon, miền trung nước Pháp, một thành phố mà nhà danh họa đã có nhiều duyên nợ.


Là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930 ), Mai Thứ là một họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, đặc biệt là những tác phẩm tranh lụa. Ông là một trong bốn họa sĩ được mệnh danh là nhóm « tứ kiệt trời Âu » của nền hội họa Việt Nam (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm). Ngay khi bước vào phòng triển lãm tranh Mai Thứ, ta có thể nhìn thấy bức hình thật lớn chụp họa sĩ Mai Thứ và một số bạn đồng khóa ( Lê Phổ, Georges Khánh, Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Trung , Lê Văn Đệ, chụp với họa sĩ Pháp Victor Tardieu, đồng sáng lập viên và là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Tốt nghiệp ở Việt Nam, nhưng phần lớn cuộc đời của ông, Mai Thứ sống và làm việc ở Pháp, trong đó có hai năm sống tại thành phố nhỏ Mâcon. Ông đã để lại đây nhiều dấu ấn, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi thành phố này đứng ra tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt mang tên « Mai-Thu (1906-1980) écho d'un Vietnam rêvé » (“Mai Thứ (1906-1980)  tiếng vọng từ một Việt Nam trong  mơ”).

Tổng cộng 140 tác phẩm của nhà danh họa được trưng bày tại cuộc triển lãm  kéo dài từ ngày 16/6 đến ngày 24/10 tại Bảo tàng Ursulines ở Mâcon với sự hợp tác của Bảo tàng Cernuschi (Bảo tàng Nghệ thuật châu Á của Paris), cùng sự hỗ trợ và tham gia của bà Mai Lan Phương, con gái của danh họa Mai Trung Thứ. 

Đây là lần đầu tiên có một cuộc triển lãm nhiều tác phẩm của Mai Thứ như thế, Cho nên sự kiện này thu hút rất nhiều khách đến xem, đặc biệt là người dân thành phố Mâcon, vốn xem danh họa Việt Nam như là một người của họ.

Điều đáng nói là trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc Viện bảo tàng Ursulines, nơi trước đây là một tu viện thế kỷ 17, bà Michèle Moyne Charlet không hề biết đến tranh của Mai Thứ, nhưng ngay từ khi khám phá các tác phẩm của danh họa Việt Nam, bà đã nghĩ ngay đến chuyện tổ chức cuộc triển lãm này. Trả lời RFI Việt ngữ, bà cho biết:

“Tôi đã có ý định tổ chức cuộc triển lãm này ngay từ khi tôi đến làm việc ở Mâcon vào cuối năm 2017. Tình cờ tôi phát hiện trong nhà thờ Thánh Phêrô một bức tranh tường rất lạ, vì đó là bức vẽ để tuyên dương những người lính thời Thế chiến thứ nhất. Hiếm có một tác phẩm như vậy trong một nhà thờ. Hơn nữa, cùng với những người lính là hình ảnh Đức Mẹ với những nét châu Á. 

Bức tranh đặc biệt đó đã gợi lên sự tò mò của tôi. Sau đó, tôi đã liên lạc với con gái của họa sĩ Mai Thứ. Bà ấy đã giúp tôi rất nhiều, vì lúc ấy bà cũng đang thực hiện một bộ toàn tập các tác phẩm của cha, cho nên quan hệ rất nhiều với các nhà sưu tập khác . Bà ấy đã cho chúng tôi mượn một phần trong bộ sưu tập và giúp tôi liên lạc với các nhà sưu tập khác. Nhờ vậy mà chúng tôi đã có thể quy tụ được 140 tác phẩm cho cuộc triển lãm này.”

Giám đốc Bảo tàng Ursulines Michèle Moyne Charlet trước một tác phẩm của danh họa Mai Thứ được trưng bày ở Mâcon, Pháp.
Giám đốc Bảo tàng Ursulines Michèle Moyne Charlet trước một tác phẩm của danh họa Mai Thứ được trưng bày ở Mâcon, Pháp. © RFI

Các tác phẩm được trưng bày tại Mâcon tiêu biểu cho sự nghiệp của danh họa từ đầu thập niên 1930 cho đến thập niên 1970, phản ánh những chuyển biến về phong cách của nhà doanh họa Việt Nam.

Trong những năm học ở trường Mỹ Thuật, lúc đầu Mai Thứ vẽ tranh sơn dầu mô tả cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó, về sau ông chuyển sang vẽ tranh lụa, chất liệu tranh đã tạo nên tên tuổi ông sau này mà trong đó thời gian ở Mâcon là một dấu mốc quan trọng. Bà Michèle Moyne Charlet, giám đốc Viện bảo tàng Ursulines, nêu bật mối liên hệ giữa Mai Thứ với Mâcon:

“Mối liên hệ giữa Mai Thứ với Mâcon rất quan trọng, vì nghệ sĩ đã đến thành phố này vào năm 1940, lúc ấy ông là quân nhân phục vụ trong quân đội Pháp. Tại sao ông lại đến Mâcon? Là bởi vì thành phố này là trung tâm giải ngũ rất lớn, và cũng nơi trú đóng của một trung đoàn bộ binh. Thật ra thì chúng tôi không có nhiều tư liệu để giải thích về việc Mai Thứ được giải ngũ ở đây. Nhưng rõ ràng là ông đã được các gia đình ở Mâcon chú ý ngay khi vừa đến thành phố. 

Tại Mâcon thời đó có một phụ nữ hoạt động rất tích cực, bà đã lập ra một tòa nhà dành cho các binh lính giải ngũ để họ có nơi thư giãn, đọc sách, hội họp với nhau. Tòa nhà này nằm ở số 31 đường Dufour, trung tâm Mâcon, được khánh thành tháng 02/1940. Bà cũng đã lập ra một ủy ban để quản lý trung tâm, quy tụ những nhân vật có ảnh hưởng trong thành phố. Chính tại tòa nhà này mà bà đã gặp họa sĩ Mai Thứ, đến đây để vẽ tranh, rồi giới thiệu cho những người bạn. Từ đó mà họa sĩ lập các mối quan hệ với Mâcon, nhất là với một nhân vật quan trọng là ông Louis Combeau, lúc ấy vừa là dược sĩ, vừa là nghị viên hội đồng thành phố và là thành viên của phòng thương mại thành phố.

Ông Combeau đã đặt Mai Thứ vẽ nhiều tranh, độc đáo nhất là các bức chân dung. Cậu bé mà ông thấy trong bức tranh này chính là Pierre Combeau, con trai của ông Louis Combeau. Đó là những bức chân dung vẽ theo phong cách phương Tây, như bức tranh trên lụa này, chân dung một phụ nữ trẻ với đứa con, được vẽ vào năm 1941. Phụ nữ này là vợ của một bác sĩ, là con dâu của người sáng lập bệnh viên tư ở Mâcon, Jean-Baptiste Denis, một gia đình cũng rất quan trọng ở thành phố này.”

Bức chân dung một phụ nữ ở Mâcon do Mai Thứ vẽ vào năm 1941.
Bức chân dung một phụ nữ ở Mâcon do Mai Thứ vẽ vào năm 1941. © RFI

Tại triển lãm, chúng ta thể thấy một số bức chân dung mà Mai Thứ đã vẽ cho một số người dân thành phố Mâcon, với những đường nét rất sắc sảo, và với chất liệu màu khá đặc biệt, tuy là chân dung người phương Tây, nhưng cũng phản phất một nét Á đông nào đó. Cũng chính là qua họa sĩ Mai Thứ mà người dân ở thành phố Mâcon nói riêng và công chúng ở Pháp nói chung khám phá kỹ thuật vẽ tranh lụa, theo lời giám đốc Viện bảo tàng Ursulines:

“Ngay từ khi ở Mâcon, ông đã thật sự phát triển kỹ thuật vẽ tranh trên lụa, tuy rằng ông đã bắt đầu vẽ tranh trên vật liệu này khi còn ở Việt Nam. Để vẽ các bức tranh trên lụa đó, Mai Thứ đã vẽ nhiều bức họa nháp. Người ta thấy ngay ảnh hưởng của truyền thống văn hóa Việt Nam trong các bức tranh của ông.

Có một giai thoại có ý nghĩa về các bức tranh này của Mai Thứ, đó là bảng vẽ mà ông thấy ở đây đã được tìm thấy trong gác xép của một cửa hàng vào năm 2014 khi cửa hàng này được bán. Cùng với bảng vẽ là một bức tranh vẽ nháp nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon. Đó là những thứ mà Mai Thứ đã để lại trong cửa hàng của một người thợ làm khung và cũng là một nhà sưu tầm nghệ thuật, luôn hỗ trợ các nghệ sĩ và chắc là có mối quan hệ đặc biệt với Mai Thứ. Cửa hàng này được bán vào năm 1960, khi chủ cửa hàng về hưu, nhưng những người chủ mới vẫn giữ các bức tranh trên gác xép và chỉ đến tận năm 2014 mới được tìm thấy trở lại. Triển lãm tranh Mai Thứ được tổ chức tại Mâcon chính là vì những mối quan hệ đặc biệt đó.”

Không có gì đáng ngạc nhiên khi rất đông đảo công chúng tại Mâcon đã đến thưởng lãm các bức tranh của nhà danh họa, mà đối với họ giống như một người thân quen, đặc biệt là  những người đã từng được Mai Thứ vẽ chân dung lúc còn nhỏ, hoặc  con cháu của những người này. Bà Michèle Moyne Charlet cho biết: 

“ Ai cũng rất hào hứng, triển lãm đạt rất nhiều thành công ở địa phương. Đối với người dân thành phố, nhất là vị khách đã nhận ra mình trên bức tranh này, có rất nhiều cảm xúc. Nhiều người trong số họ đã rất muốn triển lãm tranh Mai Thứ được tổ chức ở Mâcon. Đây là một dự án đã có từ lâu và nay đã được thực hiện tốt đẹp. Ví dụ như người phụ nữ trong bức tranh lụa này chính là một nhân viên trong hiệu thuốc của ông Louis Combeau. Có một mối liên hệ giữa những người đã từng được Mai Thứ vẽ chân dung.

Tôi cũng muốn nói thêm một điều là khi trong thời gian ở Mâcon, Mai Thứ cũng đã đem tranh đến Lyon để triển lãm tại Galerie Bellecourt. Và khi đã nổi tiếng ở Pháp rồi, ông có trở lại Mâcon vào năm 1954 để triển lãm các bức tranh lụa của ông. Như ông thấy, ở đây chúng tôi có trưng bày tấm áp phích quảng cáo cuộc triển lãm ấy tại trụ sở hiện nay của Phòng thương mại Mâcon. Cuộc triển lãm được tổ chức theo sáng kiến của ông Louis Combeau. Chính ông Combeau đã mời Mai Thứ trở về Mâcon. Tại triển lãm, họa sĩ có cho chiếu một bộ phim về kỹ thuật vẽ tranh trên lụa mà ông thực hiện vào năm 1948. Phim này đã gây ấn tượng mạnh cho người dân thành phố Mâcon vào thời ấy. Báo chí đã đưa tin nhiều về cuộc triển lãm này.”

Có thể nói thời gian sống tại thành phố Mâcon tuy chỉ có khoảng hai năm, nhưng thành phố này như là một bệ phóng đưa Mai Thứ đến một chân trời xa hơn là Paris, nơi mà ông đã thật sự tạo danh tiếng, đến mức trở một trong những họa sĩ Việt Nam đắt giá nhất, với bức tranh "Chân dung Madam Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ đạt mức giá kỷ lục 3,1 triệu đôla, trở thành bức tranh cao nhất có giá công khai của mỹ thuật Việt Nam tại Sotheby's Hong Kong ngày 18/04 năm nay, gây xôn xao trong giới mỹ thuật.

Danh họa Mai Thứ và duyên nợ với Mâcon - Tạp chí văn hóa (rfi.fr)

Dấu ấn của Mai Thứ tại nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon

Phần âm thanh 09:09
Tranh tường của cố danh họa Mai Thứ trong nhà thờ Thánh Phêrô ở thành phố Mâcon, Pháp.
Tranh tường của cố danh họa Mai Thứ trong nhà thờ Thánh Phêrô ở thành phố Mâcon, Pháp. © RFI The Hung PHAM

Trong phần tạp chí Người Pháp, Nước Pháp hôm nay, RFI xin mời quý vị đến thăm nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon, vì đây chính là nơi mang dấu ấn của cố danh họa Việt Nam Mai Trung Thứ trong thời gian ông sống tại thành phố này. 


Mâcon là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Saône-et-Loire, miền trung nước Pháp, chỉ cách thành phố Lyon khoảng 60 cây số về phía bắc. Vào thế kỷ 19, chính quyền thành phố Mâcon tính đến việc xây một nhà thờ mới, được đặt tên là nhà thờ Thánh Phêrô, để thay thế cho nhà thờ cũ. Kiến trúc sư André Berthier, học trò của một trong những kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp Eugène Viollet-le-Duc, được giao nhiệm vụ thiết kế ngôi nhà thờ này. Ông đã chọn lối kiến trúc La Mã pha lẫn kiến trúc gothique để xây ngôi nhà thờ nằm đối diện với tòa thị chính Mâcon, như biểu tượng của sự liên hệ giữa giáo quyền và thần quyền.  

Nhưng giai đoạn cuối của công trình xây dựng nhà thờ thánh Phêrô cũng là lúc mà thành phố Mâcon gặp những khó khăn về tài chính. Ngày 24/08/1860, nhân lúc hoàng đế Napoléon đệ tam đến thăm Mâcon, Jean-Claude Naulin, cha xứ của giáo xứ Saint- Pierre, là một trong những người được hoàng đế trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Với hỗ trợ của nam tước Ponsard, tỉnh trưởng Saône-et-Loire, cha Naulin mới mạnh dạn thỉnh cầu hoàng đế giúp huy động 200.000 franc cần để hoàn tất công trình và đã được toại nguyện.

Nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon.
Nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon. © RFI The Hung PHAM

Cha Đa Minh Nguyễn Xuân Nghĩa, cha xứ của Saint-Vincent de Paul, một giáo xứ trong vùng và cũng là cha tuyên úy của cộng đồng Công Giáo người Việt của vùng Lyon, mà chúng tôi có dịp gặp ở Mâcon vào cuối tháng 7, cho biết vài nét tiêu biểu của công trình kiến trúc này:

"Nhà thờ Thánh Phêrô được xây vào khoảng năm 1862-1865 do một kiến trúc sư khi đó làm việc cho giáo phận Autun thiết kế. Khi giới thiệu nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon, người ta luôn luôn nói đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, xem nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là bản sao gần như hoàn chỉnh của nhà thờ này. Nhà thờ Thánh Phêrô nằm trong một thành phố nhỏ, nhưng bao quanh là rất nhiều cánh đồng nho. Người dân ở đây thì rất thân thiện. 

Trước đó tại đây đã có một nhà thờ khác rồi. Mâcon có đặc điểm là người Công Giáo đến đây từ rất sớm, vì vậy còn rất nhiều vết tích của người Công Giáo trong thành phố này. "

Cha Đa Minh Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời RFI trước nhà thờ Thánh Phêrô, Mâcon.
Cha Đa Minh Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời RFI trước nhà thờ Thánh Phêrô, Mâcon. © RFI The Hung PHAM

 

Nhà thờ thánh Phêrô có mặt tiền gồm ba tầng, và bên trên là hai tháp chuông có đường nét rất thanh thoát, hiếm thấy. Trong nhà thờ còn có một số tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý, trong đó có bức tranh tường nổi tiếng của danh họa Việt Nam Mai Trung Thứ, bên cạnh bức tranh vẽ thánh Vincent de Paul, theo lời cha Đa Minh Nguyễn Xuân Nghĩa: 

" Trong nhà thờ Thánh Phêrô có một bức tranh rất nổi tiếng, nói đến sự hiện diện của thánh Vincent de Paul ở Mâcon, tả lại cảnh ngài đang giảng trong một thánh lễ. Điểm thứ hai đối với người Việt chúng ta đó là bức tranh tường của họa sĩ Mai Trung Thứ do thành phố đặt. Bức tranh vẽ hình ảnh Đức Mẹ đang giơ tay để chỉ tới trái tim Chúa và ở dưới là những lính, có những người chết và có những người bị thương, nhìn lên theo hướng tay Đức Mẹ chỉ trái tim Chúa. Đó là bức tranh rất nổi tiếng và rất đẹp tại nhà thờ này.

Sau chiến tranh, Mai Trung Thứ có đến sống ở Mâcon trong vài năm, và đã được một số gia đình Công Giáo trong thành phố này đón tiếp. Ông đã vẽ tranh cho các gia đình đó để kiếm sống trong thời gian đầu và đặc biệt là ông đã giữ được những tình bạn rất sâu sắc với những gia đình đó. Hôm rồi, trong buổi khai mạc triển lãm tranh của ông, những người con của những gia đình mà ông đã được đón tiếp đã  đến dự. Có những bức tranh Mai Thứ vẽ về họ khi họ chỉ mới, 4 tuổi 5 tuổi, 7 tuổi và bây giờ thường đã trên 80 tuổi" 

Cố họa sĩ Mai Trung Thứ(1906-1980) hay Mai Thứ là một trong nhóm « tứ kiệt trời Âu » của nền hội họa Việt Nam (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm), một họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại nước Pháp. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông. 

Rất nhiều tác phẩm của Mai Thứ đã được ông vẽ ở thành phố Mâcon, cho nên thành phố này hiện đang có một cuộc triển lãm mang tên “Mai Thứ ( 1906-1980 ) - Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ” / (Mai Thu  ( 1906-1980 ) – Écho d’un Vietnam rêvé) tại viện bảo tàng Ursulines.

Nhưng tác phẩm mà ông để lại cho thành phố Mâcon chính là bức tranh tường trong nhà thờ Thánh Phêrô, được thực hiện năm 1941, trên tường của nhà nguyện đầu tiên phía bên phải của nhà thờ. Hướng dẫn chúng tôi đến xem bức tranh này, bà Claire Santoni-Magnien, phụ trách truyền thông của viện bảo tàng Ursulines, cho biết: 

“ Mai Thứ đã vẽ bức tranh này trong thời gian ông giải ngũ ở Mâcon vào đầu thập niên 1940. Chắc là các gia đình người dân Mâcon mà ông quen biết đã giới thiệu ông cho cha xứ nhà thờ Thánh Phêrô, không biết chính xác là gia đình nào.

Ông đã thực hiện bức tranh này để vinh danh những người lính Pháp tham gia Thế chiến thứ nhất. Phải nói đây là dấu ấn lớn nhất của họa sĩ Mai Thứ ở Mâcon, vì tác phẩm này nhằm tưởng niệm một thời điểm lịch sử rất quan trọng đối với phương Tây, đó là Thế chiến thứ nhất và nó cũng thể hiện sự kết hợp giữa hai nền văn hóa, bởi vì Đức Mẹ trong bức tranh có nét của người châu Á.

Mai Thứ vẽ bức tranh chủ đề người lính vì bản thân ông cũng từng tham chiến. Chúng ta biết là Mai Thứ đã tình nguyện nhập ngũ để tham gia Thế chiến thứ hai. Bức tranh này cũng nhằm thể hiện sự tôn trọng của ông đối với quá khứ, đối với những vị anh hùng của một quốc gia. Đó cũng là những giá trị mà Mai Thứ cũng rất gắn bó do nguồn gốc văn hóa của ông. Nhưng những người lính ngày đang hướng về trái tim Chúa, thể hiện đức tin và chắc là nhờ có đức tin mạnh mẽ như vậy mà họ đã có thể giữ vững tinh thần trong suốt cuộc chiến. Đây cũng là một cách để tuyên dương sự dũng cảm của những vị anh hùng đó, mà đa số đã có sự hỗ trợ của tôn giáo trong cuộc sống hàng ngày.”

 

Họa sĩ Mai Thứ và bức chân dung tự họa.
Họa sĩ Mai Thứ và bức chân dung tự họa. © RFI The Hung PHAM

Có thể nói bức tranh trường của danh họa Mai Thứ trong nhà thờ Thánh Phêrô chính là dấu tích vĩnh viễn về sự sự hiện diện của họa sĩ Mai Thứ ở Mâcon, theo lời bà Claire Santoni-Magnien: 

“ Những người sống ở Macon từ lâu đều biết đến bức tranh, nhưng những ai chưa biết thì rất ngạc nhiên khi nhìn thấy. Rõ ràng đây là chứng tích duy nhất còn lại của sự hiện diện của Mai Thứ ở Mâcon vào những năm 1940, tiêu biểu cho những sự giao lưu giữa các gia đình ở Mâcon với nghệ sĩ đến từ một nơi rất xa như thế.

Mai Thứ đã mất rất nhiều tháng để thực hiện bức tranh này. Nhiều bản thảo do chính tay Mai Thứ vẽ đang được trưng bày ở Viện Bảo Tàng  Ursulines trong khuôn khổ cuộc triển lãm tranh của ông. Nói chung vẽ một bức tranh tường mất rất nhiều thời gian. Có một bức ảnh chụp Mai Thứ trước bức tranh, kế bên cái thang mà ông dùng để làm việc. Bức ảnh được chụp từ năm 1941, cho thấy phải mất nhiều tháng sau đó ông mới hoàn thành bức tranh.”

Ngoài việc là nơi lưu giữ dấu tích của cố danh họa Mai Trung Thứ, như cha Đa Minh Nguyễn Xuân Nghĩa có nói ở trên, nhà thờ Thánh Phêrô còn khiến chúng ta liên tưởng ngay đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, được xây từ năm 1877 và được khánh thành năm 1880, vì hai công trình này có lối kiến trúc rất giống nhau.

Dấu ấn của Mai Thứ tại nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon - Tạp chí văn hóa (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten