dinsdag 17 augustus 2021

Taliban chiếm quyền tại Afghanistan: 20 năm đánh du kích, 3 tháng phản công + Taliban thông báo ân xá cho toàn bộ công chức chế độ cũ

 

Taliban chiếm quyền tại Afghanistan: 20 năm đánh du kích, 3 tháng phản công

Taliban vừa đánh, vừa đàm. Trong ảnh, các đại diện Taliban trong đoàn đàm phán với Hoa Kỳ tại Qatar ngày 12/08/2021.
Taliban vừa đánh, vừa đàm. Trong ảnh, các đại diện Taliban trong đoàn đàm phán với Hoa Kỳ tại Qatar ngày 12/08/2021. KARIM JAAFAR AFP/File

Nắm cơ hội khi Mỹ và liên quân quốc tế thông báo rút quân khỏi Afghanistan hồi đầu tháng 5/2021, lực lượng nổi dậy Taliban dù không được trang bị vũ khí hiện đại, đã mở nhiều cuộc tấn công vào quân đội chính phủ. Chỉ sau hơn ba tháng, Taliban trở lại Kabul nắm quyền.

Phong trào Taliban ra đời sau khi Liên Xô đưa quân xâm chiếm Afghanistan 1980, lập lên chế độ thân Cộng sản tại Afghanistan. Sau khi quân đội Liên Xô buộc phải rút khỏi Afghanistan (1989), đến năm 1994, Taliban tổ chức thành một lực lượng nổi dậy tại các tỉnh miền đông và đông nam Afghanistan. Chỉ 2 năm sau, 1996, Taliban chiếm Kabul lập lên tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan và nắm quyền đến năm 2001 dưới sự lãnh đạo của giáo sĩ Mohammad Omar.

Trên phương diện kinh tế, để tồn tại, Taliban ở trong nước dựa chủ yếu vào nguồn thu thuế, buôn bán thuốc phiện và nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Sau các vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ 11/09/2001, Hoa Kỳ cùng các đồng minh NATO mở các cuộc tấn công ồ ạt vào Afghnistan để truy tìm trùm khủng bố Oussama Bin Laden bị tình nghi đang được chính quyền Taliban che chở. 

Từ năm 2001, Taliban đã bị Mỹ tấn công đánh đuổi, chấm dứt 5 năm cai trị Afghanistan bằng những đạo luật Hồi Giáo hà khắc nhất.

Năm 2003, lợi dụng quân đội đồng minh phương Tây cắt giảm quân số chia sẻ cho cuộc chiến tranh Irak, lực lượng Taliban đã nhanh chóng tổ chức chiến tranh du kích tại Afghanistan.

Năm 2020, sau nhiều lần đàm phán không thành công, cuối cùng Taliban và Mỹ đã ký thỏa thuận Doha, ấn định các điều kiện rút quân đội nước ngoài ra khỏi Afghanistan. Lịch trình rút quân bắt đầu từ ngày 08/07/2021. Ngay lập tức 75 nghìn quân nổi dậy Taliban đã chớp thời cơ trở lại chiếm quyền lãnh đạo.

Ngay từ ngày 01/05 năm nay, khi có thông tin rút dần 9500 quân của NATO trong đó có 2500 lính Mỹ, lực lượng nổi dậy đã bắt đầu triển khai phản công và nhanh chóng kiểm soát được nhiều vùng miền nam, cũng như một số tỉnh quan trọng ở phía bắc Afghanistan.

Ngày 02/07 mở ra thời cơ mới cho các cuộc tấn công của Taliban khi quân Mỹ và NATO trao lại cho quân đội Afghanistan quyền quản lý căn cứ không quân Bagram, cách phía bắc Kabul 50km, một trung tâm đầu não của các chiến dịch quân sự của liên quân quốc tế trong suốt 20 năm hiện diện ở nước này. Trong tháng 7, quân nổi dậy liên tiếp đánh chiếm thủ phủ của hầu hết các tỉnh trọng yếu. Đến cuối tháng, Taliban đã kiểm soát được 65% lãnh thổ đất nước.

Tháng 8 đánh dấu sự đột phá của quân Taliban. Trong vòng 10 ngày, lực lượng nổi dậy đã tiến vào kiểm soát hầu hết thủ phủ các tỉnh của Afghanistan, rồi cuối cùng đến sáng ngày 15/08 tiến vào Kabul mà không gặp sự kháng cự nào của quân chính phủ, buộc tổng thống Ashral Ghani chạy khỏi Afghanistan.

Taliban chiếm quyền tại Afghanistan: 20 năm đánh du kích, 3 tháng phản công (rfi.fr)

Afghanistan : Taliban thông báo ân xá cho toàn bộ công chức chế độ cũ

Một lính Taliban trước  phủ tổng thống Afghanistan tại Kabul ngày 16/08/2021.
Một lính Taliban trước phủ tổng thống Afghanistan tại Kabul ngày 16/08/2021. AP - Rahmat Gul

Hai ngày sau khi giành chính quyền ở Afghanistan và nay kiểm soát hầu như toàn bộ đất nước, phe Taliban đã tỏ các dấu hiệu hòa dịu đối với người dân, hiện rất lo sợ là sẽ lại sống dưới sự cai trị hà khắc của lực lượng Hồi Giáo cực đoan.

Cụ thể, hôm nay 17/08/2021, phe Taliban thông báo quyết định ân xá cho toàn bộ các công chức Nhà nước, kêu gọi họ quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho AFP biết là phe Taliban tiếp tục truy bắt các viên chức chế độ cũ. 

Nói chung, đa số người dân Afghanistan vẫn không tin vào chính quyền mới. Vào thời mà họ nắm quyền ở Kabul (1996 đến 2001), phe Taliban đã áp đặt một xã hội Hồi Giáo rất nghiêm ngặt, nhất là phụ nữ không được đi học, không được đi làm.

Theo hãng tin AFP, cuộc sống ở thủ đô Kabul hôm nay đang dần dần trở lại bình thường, các cửa hàng mở lại, và người dân lại đổ ra đường, nhưng ít phụ nữ dám ra khỏi nhà. Đàn ông thì mặc trở lại y phục truyền thống shalwar kameez, thay cho các bộ Âu phục. Đài truyền hình thì chỉ phát toàn các chương trình Hồi Giáo.

Tuy đã chiếm được phủ tổng thống Afghanistan ở Kabul, phe Taliban sẽ khó mà nắm được nguồn dự trữ ngoại tệ hàng tỷ đô la của nước này, bởi vì phần lớn số tiền nằm ở nước ngoài.

Tuyên bố với hãng tin AFP hôm qua, một quan chức chính quyền Joe Biden cho biết là các tài sản mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan đang có ở Hoa Kỳ sẽ không được giao cho phe Taliban. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tính đến tháng 4/2021, nguồn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương của Afghanistan lên đến 9,4 tỷ đôla. Một nguồn tin cho AFP biết là đa số các khoản ngoại tệ đó nằm ở nước ngoài, nhưng không nói rõ là tại những nước nào và có bao nhiêu tiền nằm ở Mỹ.

Hoa Kỳ, quốc gia vẫn hỗ trợ quân sự và tài chính cho Afghanistan từ 20 năm nay, có thể sẽ tìm cách ngăn chặn viện trợ của IMF và Ngân hàng Thế giới cho nước này, như họ đã làm với các nước mà Washington không công nhận chính quyền, chẳng hạn như Venezuela.

Afghanistan : Taliban thông báo ân xá cho toàn bộ công chức chế độ cũ (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten