zaterdag 28 augustus 2021

Frédéric Chopin : Những bản Etude nên thơ

 

Frédéric Chopin : Những bản Etude nên thơ

Phần âm thanh 09:31
Tượng đài dành riêng cho nhà soạn nhạc thế kỷ 19 Frederic Chopin trong một công viên ở thủ đô Vacxava, Ba Lan.
Tượng đài dành riêng cho nhà soạn nhạc thế kỷ 19 Frederic Chopin trong một công viên ở thủ đô Vacxava, Ba Lan. AP - Czarek Sokolowski

27 bản Etude viết cho đàn piano của Chopin nhắm vào một hay nhiều mức độ khó của nhạc cụ. Tuy nhiên đối với những nghệ sỹ dương cầm có tài thời đó, việc kiểm soát kỹ thuật ngón tay không bao giờ là mục đích để chơi tác phẩm của Chopin. Nó chỉ là cái cớ, hay nói đúng hơn là phương tiện biểu đạt những dòng thơ âm nhạc.Mười hai Etude trong tập op.10 của Chopin không chỉ là những bài tập luyện ngón đơn thuần dành cho một điểm kỹ thuật cụ thể, mà còn là mười hai bức họa âm thanh tuyệt trác.

Bộ Etude này được chia làm hai tập, opus.10 và opus.25, trong đó kèm thêm 3 bản Etude Mới được viết riêng cho giáo trình piano. Mỗi tập Opus bao gồm 12 bài. Một phần không nhỏ trong opus.10 được sáng tác trước thời gian Chopin chuyển đến ở Paris. Là một giáo sư dương cầm có tiếng, đôi khi Chopin sử dụng tác phẩm của mình để dạy học sinh. Vì thế không có gì lạ khi ông viết nhiều Etude như vậy cho piano.

Bản N°4 (op.10), mệnh danh « Thác lũ » tập trung vào kỹ thuật di chuyển ngón cái trên phím đen, cũng như sự nhanh nhạy của các ngón tay ở tốc độ cực nhanh. Bài này nằm trong tập đầu tiên mà Chopin đề tặng Liszt, nghệ sỹ piano người Hungari nổi tiếng, đang làm mưa làm gió thời bấy giờ. Giai điệu « Thác lũ » cuồn cuộn được chơi luân phiên từ tay phải sang tay trái, thể như một sự đối đầu không ngừng nghỉ giữa lửa-nước , giữa sáng-tối, và giữa cái thiện-cái ác.

Nếu như bản số 4 là dòng thác dữ dội thì Etude số 5 (Op.10) lại là con suối loang loáng ánh nắng. Với tiêu đề « Trên phím đen », tác phẩm này là một « thách đố » với các nghệ sỹ : tay phải chỉ được chơi trên phím đen (ngoại trừ 1 nốt trên phím trắng ở ô nhịp 66), bởi Chopin đã viết nó ở giọng sol giáng trưởng (6 dấu giáng), chạy trên nền hợp âm ở tay trái. Đây là một trong những « trang sức » yêu thích của hầu hết nghệ sỹ piano chuyên và không chuyên. Món đồ này khiến họ quên đi cảm giác phải chinh phục kỹ thuật chạy ngón, mà đơn giản chỉ như trò chơi con trẻ chạy theo những nét lướt thoăn thoắt, tinh nghịch của mười ngón tay .

Một trong hai Etude chậm duy nhất của Chopin, không thể không nhắc tới giai điệu đẹp sâu thẳm trong bài số 3 (opus.10) hay còn gọi là Etude « Nỗi Buồn ». Tiêu đề này được đặt tên bởi một trong những nhà xuất bản thời bấy giờ. Khi những nốt nhạc đầu tiên của « Nỗi buồn » vang lên, hiếm ai nghĩ rằng trước tiên hết nó là một bài tập luyện ngón : ưu tiên rèn luyện sự độc lập của từng ngón tay, mỗi tay chơi hai bè khác nhau. « Nỗi buồn » được viết ở thể ba đoạn : đoạn 1 và 3 là phần ballad trữ tình, mang nặng u sầu, đoạn 2 là phần phát triển về giai điệu cũng như kỹ thuật, nơi mà cảm xúc ngày càng đầy hơn, day dứt hơn và màu hòa thanh thì dữ dội, thôi thúc hơn.

Và những dòng tự sự « Nỗi Buồn » ấy đã chạm thấu tâm hồn của biết bao thế hệ , vậy nên về sau giai điệu được nhiều nghệ sỹ đặt lời và chuyển thể cho thanh nhạc. Ví dụ như :  Albert Valentin đã viết lời bằng tiếng Pháp mang tên « Mon cœur vous dédie sa mélodie » cho bộ phim « La Chanson de l'adieu ». Năm 1939, ca sỹ Tino Rossi đã trình bày nó với bài hát cùng tên « Nỗi Buồn », lời Loysel/Marcuse. Trong điện ảnh, nhiều bộ phim cũng sử dụng giai điệu này như : « La Chanson du souvenir » (1945) , « Un été italien » (2008) và « The Master » (2012)…

Etude « Cách Mạng » số 12 (op.10) là một trong những tác phẩm dương cầm nổi tiếng của mọi thời đại. Bởi một phần, bản nhạc gắn liền với sự kiện lịch sử : đó là sự thất bại của nhân dân Ba Lan chống thế lực xâm lược Nga tháng 11 năm 1831. Do điều kiện sức khỏe không tốt, Chopin đã không thể tham gia cuộc chiến này. Thất vọng, cô đơn và bất lực, ông đã dùng âm nhạc làm vũ khí, dốc trọn cảm xúc của mình vào những đường chạy đầy bão tố (phần này  do tay trái đảm nhiệm).

Giữa cảnh tượng khốc liệt của chiến tranh, giữa những tiếng ầm ì bom đạn, những tiếng người hỗn loạn, la ó, là bài ca yêu nước, vang lên, hiên ngang và bất chấp. Giai điệu bi tráng ấy được Chopin đặt trọn tình yêu, thêu vào chuỗi các hợp âm ở phần tay phải. Bản Etude « Cách Mạng » là cơn bão nội tâm và âm nhạc là người bạn tâm giao duy nhất giúp Chopin vợi đi nỗi đau mất mát quê hương.

Độ khó đáng gờm ở những bản Etude, mà Chopin đã gửi gắm vào tay những người trò giỏi của mình, không thể cản trở âm nhạc vang lên. Chúng được biết đến như một kiệt tác nghệ thuật nhiều hơn là bài luyện ngón thông thường. Mỗi Etude là một bài thơ, một bức họa, một câu chuyện được tạo nên bởi những nốt nhạc từ trái tim. Đó là thứ âm nhạc thuần khiết vượt ra ngoài những ràng buộc của kỹ thuật điêu luyện đơn thuần.

Frédéric Chopin : Những bản Etude nên thơ - Tạp chí âm nhạc (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten