donderdag 12 augustus 2021

Covid-19 : Hà Nội xét nghiệm 3,3 triệu mẫu + Covid-19 : Hà Nội xét nghiệm 3,3 triệu mẫu

 

Covid-19 : Hà Nội xét nghiệm 3,3 triệu mẫu

Hàng quán bị đóng cửa do các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang tái bùng phát mạnh tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 12/07/2021.
Hàng quán bị đóng cửa do các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang tái bùng phát mạnh tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 12/07/2021. AFP - NHAC NGUYEN

Theo số liệu chính thức, tính đến hôm nay, 11/08/2021, Hà Nội có khoảng 2.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội đang chuẩn bị cho kịch bản 40.000 ca nhiễm trong thời gian tới.

Một mặt dự kiến kịch bản số ca nhiễm tăng vọt, mặt khác, chính quyền chủ trương xét nghiệm quy mô lớn với hy vọng kịp tách hết các ca nhiễm (tại Việt Nam gọi là « F0 ») ra khỏi cộng đồng.

Hôm qua, 10/08/2021, chủ tịch Hà Nội công bố kế hoạch xét nghiệm quy mô lớn trong mươi ngày tới, với tổng số 3,3 triệu mẫu trên khoảng 8 triệu cư dân. Truyền thông trong nước cho biết, theo kế hoạch của chính quyền, cao điểm của đợt xét nghiệm này, từ ngày 09 đến ngày 15 hoặc 17 tháng 8, sẽ tập trung xét nghiệm khoảng 1,3 triệu mẫu với kỹ thuật PCR.

Đối tượng xét nghiệm là toàn bộ cư dân có triệu chứng ho, sốt, khó thở... tại « vùng đỏ », tức khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly, và nhóm cư dân « cam » bao gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị, lái xe, người giao hàng, bảo vệ tòa nhà và một số hộ gia đình có nguy cơ cao tại « vùng xanh », tức vùng không có dịch.

Ngoài ba nhóm đối tượng nói trên, chính quyền yêu cầu « các huyện còn lại » thực hiện « 2 triệu test nhanh » theo hướng dẫn chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Kế hoạch xét nghiệm quy mô lớn của thành phố Hà Nội vừa được triển khai có phần tương tự với kế hoạch xét nghiệm lớn của chính quyền TP Hồ Chí Minh, dự kiến tổng cộng 5 triệu mẫu, từ ngày 26/6 đến 05/07. Vào thời điểm đó, về mặt chính thức, TP HCM có khoảng hơn 3.000 ca nhiễm, tức cao hơn chút ít so với Hà Nội hiện nay. Chính quyền TP HCM đã  hy vọng nhờ chiến dịch đại quy mô này có thể chặn đứng dịch. Nhưng kế hoạch rút cuộc không thành. Tại Sài Gòn, dịch đã lan sâu vào cộng đồng, hệ thống bệnh viện quá tải, chính quyền thành phố phải chấp nhận để người « F0 » cách ly tại cộng đồng, chuyển từ chiến lược « ưu tiên xét nghiệm » sang « ưu tiên điều trị », hạ thấp số tử vong.

Chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn tại Sài Gòn cũng bị nhiều chỉ trích là đã góp phần làm dịch bệnh gia tăng do các cuộc xét nghiệm tập hợp đông người, và kém hiệu quả (số ca nhiễm phát hiện được là quá nhỏ so với chi phí bỏ ra). Liệu Hà Nội có lặp lại bước đi sai của chính quyền TP Hồ Chí Minh ?

Tăng tốc tiêm chủng trong bối cảnh vac-xin nơi thiếu, nơi thừa

Trong những ngày gần đây, Việt Nam tăng tốc tiêm chủng. Theo bộ Y Tế, hôm qua, 10/08/2021, toàn quốc tiêm được hơn 1,4 triệu liều, mức cao nhất đến nay. Tổng số liều đã được tiêm là hơn 11 triệu. Tuy nhiên, vẫn còn đến hơn 7 triệu liều vac-xin chưa được sử dụng. Từ nhiều tháng nay, chính quyền Việt Nam liên tục bị chỉ trích vì chậm triển khai tiêm chủng, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Sài Gòn, với hơn 10 triệu dân, đang bị đặt trong chế độ phong tỏa, giới nghiêm phòng dịch. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho 70% dân số tuổi trưởng thành trước cuối tháng 8, để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Hôm 09/08, chính quyền thành phố đã yêu cầu bộ Y Tế cấp thêm vac-xin. Tuy nhiên, hôm qua, 10/08, bộ Y Tế chất vấn ngược, yêu cầu thành phố làm sáng tỏ việc không trả lời về đề nghị đặt hàng 5 triệu liều vac-xin Moderna của Mỹ, bất chấp cơ quan y tế trung ương nhiều lần có công văn yêu cầu từ hơn một tháng nay.

Theo số liệu của bộ Y Tế Việt Nam, tính đến hôm nay, đã có 4.487 người chết vì Covid, riêng tại Sài Gòn, có 3.582 ca tử vong. 

Covid-19 : Hà Nội xét nghiệm 3,3 triệu mẫu (rfi.fr)

Covid – Việt Nam: Y tế phía Nam quá tải, nhiều "F0" không cứu kịp

Sài Gòn hoang vắng mùa đại dịch. Ảnh minh họa.
Sài Gòn hoang vắng mùa đại dịch. Ảnh minh họa. © Wikimedia

Dịch bệnh Covid-19 đang đẩy hệ thống bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương miền Nam vào tình trạng quá tải. Nhiều trường hợp trở nặng tử vong do không kịp cấp cứu.


Từ mươi ngày nay, số người tử vong do Covid tại Sài Gòn luôn vượt quá 100. Trong hai ngày liên tiếp 4 và 5/8/2021, số tử vong vượt 200 người. Theo bộ Y Tế Việt Nam, số người nhiễm virus (hay « F0 » theo cách gọi ở Việt Nam) tại thành phố Hồ Chí Minh hiện đã vượt quá 100.000. Theo quy định mới, đa số các « F0 » không triệu chứng tự cách ly và chăm sóc y tế tại nhà để giảm tải cho các cơ sở « thu dung » cũng như điều trị. Tuy nhiên, trong số « F0 » này dự kiến khoảng 5% trường hợp diễn tiến nặng, cần được cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời. Có những ca chuyển nặng rất nhanh, không được cấp cứu kịp, đã tử vong. Số người cần thở máy tăng gấp đôi trong mươi ngày vừa qua, từ hơn 700 người (ngày 28/07) thành hơn 1.300 người (ngày 05/08).  

Theo chính sách mới của chính quyền Việt Nam, hệ thống chăm sóc và điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại Sài Gòn chia thành 5 tầng. « Tầng một » tập trung đa số người nhiễm virus không có triệu chứng để cách ly, theo dõi (gọi là « cơ sở thu dung »). Trước tình trạng quá tải, nhiều cơ sở « thu dung » đã được điều chuyển thành cơ sở điều trị « tầng 2 ». Một bài viết trên trang mạng chính phủ Việt Nam hôm nay 07/08 cho biết « tình trạng quá tải các tầng điều trị của TP HCM làm nhiều bệnh nhân Covid nặng chậm được tiếp nhận, cấp cứu » khiến Quân khu 7 phải « quyết định chuyển đổi » khu thu dung « F0 » không triệu chứng thành bệnh viện dã chiến chuyên điều trị, cấp cứu.  

Sở Y Tế : Các bệnh viện không được từ chối người cấp cứu

Hôm qua 05/08, giám đốc sở Y Tế phải ra « công văn khẩn » yêu cầu tất cả trung tâm cấp cứu, các bệnh viện phải « mở cửa tiếp nhận người bệnh tự đến khám và cấp cứu 24/7, đặc biệt vào ban đêm ». Tuyệt đối không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm nhanh hoặc PCR âm tính với Covid. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận của các bệnh viện là có hạn.  

Trả lời báo Tuổi Trẻ hôm qua, giám đốc một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid ở mức tương đối nặng (thuộc « tầng 3 ») quy mô 500 giường tại Sài Gòn cho biết, bệnh viện này lúc nào cũng trong tình trạng kín giường, do đó việc tiếp nhận được bệnh nhân nữa hay không còn tùy thuộc mức độ bệnh lý, « nếu bệnh nhân cấp cứu sẽ ráng cứu ». Vị bác sĩ này cho biết thêm : « Bên cạnh các ca thở máy không xâm lấn được điều trị hồi phục tốt, có ngày 3-4 ca tử vong, chủ yếu tập trung vào nhóm lớn tuổi, có bệnh nền. Gần đây xuất hiện thêm ở nhóm trẻ tuổi bị béo phì ».  

Tình hình căng thẳng không chỉ tại Sài Gòn. Tỉnh Bình Dương láng giềng cũng là một điểm nóng khác. Số ca mới trong 10 ngày gần đây chiếm gần 70% tổng số ca từ đầu mùa dịch. Hiện vẫn còn gần 400 bệnh nhân có diễn biến nặng, đã có 144 người tử vong vì Covid. Có ngày, số ca mắc mới của Bình Dương vượt 2.000, bằng một nửa ca mới của Sài Gòn, dù dân số chỉ bằng một phần năm. 

Theo trang mạng của bộ Y Tế Việt Nam hôm nay, bệnh viện Hồi Sức Covid-19 tại thành phố HCM hiện đang điều trị 522 bệnh nhân, trong đó 149 người trong tình trạng nguy kịch. Bệnh viện Hồi Sức Covid-19, được thành lập khẩn hồi tháng 7/2021, dự kiến có thể tiếp nhận tối đa 1.000 bệnh nhân rất nặng và nguy kịch (tức « tầng 5 », tầng cao nhất theo hệ thống điều trị Covid tại Sài Gòn). Hiện tại bệnh viện chỉ đón nhận được một nửa số bệnh nhân theo mục tiêu thiết kế do thiếu phương tiện và nhân viên.

Nhìn chung, tình trạng thiếu máy trợ thở, thiết bị ECMO (tim phổi nhân tạo), máy thở oxy dòng cao, bồn chứa oxy, máy chụp X-quang di động…, cũng như thiếu y bác sĩ điều trị, cấp cứu, nhân viên điều dưỡng chuyên về Covid, là phổ biến. Tình hình dự kiến sẽ căng thẳng hơn trong những ngày tới.

Covid – Việt Nam: Y tế phía Nam quá tải, nhiều "F0" không cứu kịp (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten