Afghanistan : Taliban thay đổi, hay thích nghi để tồn tại?
Đăng ngày:
Sau khi giành chính quyền tại Afghanistan, phe Taliban đã cố trấn an thế giới là họ đã thay đổi nhiều so với lần cai trị đất nước cách đây 20 năm. Cho dù Taliban cam kết tôn trọng nữ quyền, cố tỏ ra ôn hòa, thân thiện với thế giới bên ngoài, bộ mặt mới của Taliban vẫn khó thuyết phục được quốc tế.
Hai ngày sau khi Kabul thất thủ, khán giả truyền hình Afghanistan đã chứng kiến những hình ảnh không thể tưởng tượng được dưới chế độ đầu tiên của Taliban (1996-2001) : Một chiến binh được một nữ phóng viên phỏng vấn trên kênh truyền hình Tolo News. Nhà báo Beheshta Arghand ngồi cách người phỏng vấn khoảng 2,5 mét, hỏi ông ta về tình hình an ninh trong thủ đô Afganistan. Kênh truyền hình tư nhân này cũng đưa lên một video cho thấy một nữ phóng viên đang đưa tin từ các phố của Kabul.
Nhưng hình ảnh như thế xuất hiện cùng lúc các lãnh đạo của phong trào Taliban thi nhau nhắc lại rằng họ muốn chấm dứt đổ máu. Tại cuộc họp báo hôm 17/08, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid khẳng định « ân xá toàn thể » cho các công chức nhà nước. Ông này cũng khẳng định Taliban đã rút ra những bài học của lần cầm quyền đầu tiên và sẽ có « nhiều cái khác » trong cách lãnh đạo lần này, cho dù về tư tưởng và tín ngưỡng, « không có gì khác ».
Dưới chế độ Taliban trước đây, các hoạt động như trò chơi, âm nhạc, nhiếp ảnh, truyền hình bị cấm. Tội phạm trộm cắp bị chặt tay, giết người bị hành hình công khai, người đồng tính bị sát hại. Thiếu nữ không có quyền học hành. Phụ nữ ra ngoài phải có đàn ông đi cùng và bị cấm đi làm, nếu bị quy tội như ngoại tình thì họ chỉ có chết vì đòn roi hay bị ném đá giữa đường. Phát ngôn viên Taliban cam đoan các quyền của phụ nữ từ giờ sẽ được tôn trọng, trong « khuôn khổ của luật Hồi giáo »
Ý thức hệ cơ bản của Taliban vẫn như cũ
Mặc dù nhiều nước phương Tây vẫn hoài nghi, Taliban, một phong trào Hồi giáo cực đoan, vẫn nỗ lực trấn an cộng đồng quốc tế. « Ý thức hệ cơ sở của Taliban vẫn như cũ. Họ vẫn muốn áp đặt sharia, một phiên bản cực kỳ hà khắc của luật Hồi giáo », chuyên gia về Afghanistan Sebastien Boussois, tiến sĩ Khoa học Chính trị thuộc Đại Học Tự Do, Bruxelles, nhận xét.
Trong tuyên bố đầu tiên sau khi chiếm được Kabul, bộ chính trị của Taliban đã khẳng định thách thức hàng đầu của họ sẽ là « chứng minh cho thấy họ có khả năng phụng sự quốc gia và bảo đảm an ninh và cuộc sống tiện nghi ».
Theo nhiều chuyên gia, hình ảnh được làm mới này đã giúp cho Taliban dễ dàng tái chinh phục Afghanistan. Thực tế là trở lại lần này, Taliban ít gặp phải sự chống đối của dân chúng và thủ đô Afghanistan đã thất thủ mà không hề có « tắm máu » như lo sợ trước đó.
Phe Taliban đã xây dựng một hình ảnh hoàn toàn khác với một băng đảng hỗn tạp hoành hành ở Afghanistan trong những năm từ 1996-2001. Họ nói : « Chúng tôi đã giải phóng các vị khỏi người Mỹ, những kẻ ngoại đạo, khỏi những kẻ tham nhũng Afghanistan đã bỏ trốn sang Abu Dhabi hay nơi khác cùng với tiền bạc lẽ ra được dùng để làm ổn định đất nước ». Họ có thể tự nhận là những giải phóng quân chứ không phải là người đóng cửa đất nước Afghanistan, nhà nghiên cứu Sebastien Boussois nhận định. « Taliban sẽ nói rằng luật Hồi giáo là phương tiện để tạo lập một chính phủ mạnh và liêm khiết sau những năm tham nhũng thối nát ».
Tìm kiếm sự công nhận của thế giới
Chiến đấu chống lại Mỹ trong suốt 20 năm, Taliban đã tích lũy được những khả năng thích ứng đặc biệt cả về quân sự cũng như chính trị. Trong khi chế độ trước đây của Taliban chỉ được 3 nước công nhận ( Pakisan, Ả Rập Xê Út vàThiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), giờ đấy Taliban đối thoại tốt với đa số các láng giềng. Trung Quốc nói sẵn sàng duy trì « quan hệ hữu nghị ». Nga cảm thấy yên tâm về một số « tín hiệu tích cực ». Thổ Nhĩ kỳ cũng tỏ khen ngợi, còn Iran thì có những động thái cởi mở với Taliban.
Rất có thể rồi các nước phương Tây sẽ đi đến bình thường hóa quan hệ với Taliban, theo chuyên gia Sébastien Boussois. « Nếu chấp nhận cho rằng Taliban đã thay đổi thì người ta sẽ có quan hệ với họ tránh để Afghanistan trở thành một Bắc Triều Tiên mới hay lại rơi vào vòng hỗn loạn triền miên. Nếu các nước phương Tây không làm điều đó, các nước khác sẽ làm, đó là điều xảy ra với Trung Quốc và Nga bây giờ ».
Hiện tại, phản ứng của phương Tây khá tản mạn. Hoa Kỳ sẽ có thể thừa nhận một chính phủ Taliban, nếu « chính phủ này duy trì các quyền cơ bản của nhân dân mình », nhất là đối với phụ nữ. Đức sẽ đánh giá trên hành động thực tế. Luân Đôn muốn chờ xem liệu chế độ hiện nay trở nên ôn hòa hay không. Canada thì nói không có ý định công nhận chính phủ Taliban. Còn với lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu, Josep Borrell, ông thấy Liên Hiệp Châu Âu « sẽ phải nói chuyện với Taliban » càng sớm càng tốt. Về phần mình, Paris nhấn mạnh việc công nhận chế độ Taliban không đặt ra, vì « Pháp công nhận các nước chứ không công nhận các chế độ ».
Taliban đã học được nhiều từ sau năm 2001
Phe Taliban, được coi như là những kẻ bảo trợ khủng bố, đang tìm kiếm sự thừa nhận của quốc tế nhằm tránh một cuộc can thiệp quân sự nước ngoài. Taliban còn nhớ quân Mỹ can thiệp vào Afghanistan 2001 cũng chỉ vì họ từ chối giao nộp Oussama Ben Laden, thủ lĩnh của loạt vụ khủng bố 11/09, chứ không phải vì lý do vi phạm nhân quyền đã kéo dài nhiều năm trước đó.
Cho dù ít có cơ hội Taliban thỏa hiệp về đường lối tư tưởng, nhưng họ sẽ phải làm sao để Afghanisan không còn được sử dụng như là hậu cứ cho các cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới, theo nhận định của nhà báo Wassim Nasr của France 24, chuyên gia về các phong trào thánh chiến.
Lực lượng Taliban giờ mạnh hơn hồi nhưng năm 1990. Họ có nhiều kinh nghiệm về quân sự và chính trị hơn. Điều này không làm họ cởi mở về đầu óc hơn. Nhưng họ sẽ biết phải tránh nguy cơ bị lật đổ lần thứ 2 vì một sự manh động nào đó của Al-Qaida. Họ sẽ phải kiểm soát Al-Qaida, nhà báo Wassim Nasr, giải thích.
Taliban duy trì mối quan hệ vững chắc với các nhóm thánh chiến. Các tài liệu nội bộ cho thấy tất cả các nhánh của Al-Qaida đều đã tuyên thệ trung thành với Tiểu Vương Quốc Hồi Giáo Afghanistan, và một số chiến binh của Al-Qaida còn tham gia chiến đấu với Taliban trong tháng 8 vừa rồi, theo nhà báo Wassim Nasr.
(Theo France24.com)
Afghanistan : Taliban thay đổi, hay thích nghi để tồn tại? (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten