Covid-19: Liều vac-xin thứ 3 gây chia rẽ thế giới
Đăng ngày:
Trong những ngày qua, nhiều quốc gia cho biết sắp tới sẽ đề nghị chích liều vac-xin thứ ba cho công dân nước họ để ngăn chận đà bùng phát trở lại của dịch Covid-19 do sự lây lan rất nhanh của biến thể virus Delta. Dĩ nhiên đó là những nước giàu, vẫn còn dư nguồn vac-xin sau khi đã chích cho ít nhất là 50% dân số.
Thật ra gọi “liều thứ ba” chỉ đúng với những người đã được chích các loại vac-xin cần phải tiêm hai liều. Đúng hơn phải gọi là liều vac-xin “nhắc lại” ( dose de rappel - booster shot ), được tiêm cho những người đã được chích ngừa hoàn toàn nhưng có thể là phản ứng miễn dịch sẽ suy giảm với thời gian, nhất là đối với biến thể Delta và đối với các biến thể khác có thể xuất hiện trong tương lai.
Nhưng việc các nước giàu chích mũi thứ ba cho người dân sẽ càng làm gia tăng sự cách biệt vốn đã rất lớn giữa các nước giàu với các nước nghèo trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, đến mức Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã phải lên tiếng.
Hôm qua, 04/08/2021, WHO đã ra lời kêu gọi các nước nên tạm ngưng chích liều vac-xin thứ ba ít ra là cho đến cuối tháng 9. Tổng giám đốc WHO muốn dành số liều thuốc tiêm đó cho những nước mà cho tới nay chỉ mới chích ngừa cho một bộ phận rất nhỏ dân số. Trong cuộc họp báo tại Genève, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: “ Chúng ta phải cấp tốc đảo ngược xu hướng: từ việc dành đa số liều vac-xin cho các nước giàu đến việc dành đa số cho các nước nghèo”.
Tổng giám đốc WHO đã có phản ứng như trên sau khi hai nước Đức và Israel vừa loan báo mở chiến dịch chích ngừa liều vac-xin thứ ba.
Tiêm mũi thứ 3 ngay từ tháng 9
Hôm thứ Sáu (30/07), Israel thông báo khởi động chiến dịch chích liều thứ 3 cho những người trên 60 tuổi. Để làm gương cho người dân, tân tổng thống Isaac Herzog và phu nhân đã đến một bệnh viện ở ngoại ô Tel-Aviv để được tiêm liều thứ 3 với vac-xin Pfizer. Thật ra theo tập đoàn Pfizer, các nghiên cứu mới cho thấy liều thứ ba có tác dụng vô hiệu hóa biến thể Delta cao gấp 5 lần nơi những người trẻ và gấp 11 lần nơi những người lớn tuổi. Nhưng Israel không dựa trên đề nghị của Pfizer mà chỉ dành mũi thứ ba cho những người lớn tuổi. Vấn đề là Cơ quan Dược phẩm Mỹ (FDA), mà Israel thường nghe theo các khuyến cáo, cho tới nay chưa phê duyệt việc tiêm liều thứ 3 cho những người lớn tuổi.
Hôm Chủ Nhật (01/08), chính phủ Đức cũng thông báo đến tháng 9 sẽ chích liều vac-xin Covid thứ 3 cho một bộ phận người dân đã được chích 2 mũi. Bộ Y Tế Đức giải thích họ đã ra quyết định như vậy sau khi có những nghiên cứu cho thấy phản ứng miễn dịch của một số bộ phận người dân dễ bị tổn thương (người già, hoặc có bệnh nền) sẽ bị suy giảm với thời gian, cho dù đã được chích ngừa hoàn toàn.
Về phần nước Pháp, bộ Y Tế hôm thứ Ba (03/08) cho biết là tuần sau sẽ có thông báo chính thức về những đối tượng sẽ được đề nghị chích liều vac-xin thứ ba.
Bộ Y Tế Pháp nhận thấy đã bắt đầu có một sự đồng thuận trong giới khoa học về khả năng phản ứng miễn dịch của một số người sẽ suy giảm trong thời gian khoảng 9 tháng sau khi được chích liều đầu tiên. Cho nên, rất có thể sẽ phải tiêm ngừa trở lại ngay từ tháng 9 cho một bộ phận người dân, như những người sống trong các viện dưỡng lão, những người trên 80 tuổi, những người có nguy cơ cao bị những dạng Covid nặng.
Trước đó, ngày 12/07, tổng thống Emmanuel Macron thông báo chiến dịch tiêm liều vac-xin “nhắc lại” sẽ bắt đầu ngay từ tháng 9 đối với những người đã được chích mũi đầu tiên vào tháng 1 hoặc tháng 2. Ông Macron ra quyết định như vậy dựa trên ý kiến của Hội đồng Khoa học và Hội đồng Định hướng Chiếc lược Tiêm chủng, được công bố đầu tháng 7. Hôm nay (05/08/2021), trên mạng xã hội Instagram, tổng thống Pháp xác nhận quyết định đó.
Cũng tại châu Âu, Thụy Điển hôm thứ Ba (03/08) thông báo dự trù chích liều vac-xin “nhắc lại” cho phần lớn người dân trong năm 2022, cho dù chiến dịch chích mũi thứ ba có thể bắt đầu ngay từ mùa thu năm nay đối với những người dễ bị tổn thương (những người sống trong viện dưỡng lão, những người trên 80 tuổi và những người có hệ miễn dịch rất yếu ) .
Hoa Kỳ nói "Không" với WHO
Chưa biết các nước giàu khác sẽ phản ứng như thế nào, nhưng trước mắt, Hoa Kỳ đã bác bỏ kêu gọi của WHO, mặc dù nước này chưa chính thức loan báo kế hoạch chích liều vac-xin thứ ba.
Hôm qua, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố rằng nước Mỹ “không cần” chọn lựa giữa việc tiêm phòng cho công dân của mình với việc tặng vac-xin cho các nước nghèo. Bà Psaki nhắc lại rằng Washington đã viện trợ tổng cộng hơn 100 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, tức là nhiều hơn tổng số liều vac-xin mà các nước khác đã tặng.
Bất bình đẳng về vac-xin
Từ nhiều tháng qua, lãnh đạo WHO vẫn chỉ trích tình trạng bất bình đẳng về vac-xin ngừa Covid-19. Tính đến ngày 05/08, các nước có thu nhập thấp chỉ mới tiêm trung bình 1,7 liều cho 100 dân, so với tỷ lệ 101 liều cho 100 dân ở các nước có thu nhập cao.
Vào tháng Năm, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng đề ra mục tiêu tiêm ngừa cho 10% dân số của toàn bộ các nước trên thế giới từ đây đến cuối tháng 9. Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: “ Để đạt được mục tiêu đó phải có sự hợp tác của mọi người, đặc biệt của một số ít quốc gia và của các công ty đang kiểm soát việc sản xuất vac-xin trên thế giới”. Ông kêu gọi các tập đoàn dược phẩm hỗ trợ cho Covax, một cơ chế quốc tế được thành lập nhằm giúp cho các nước nghèo có đủ nguồn vac-xin tiêm cho người dân. Hiện giờ, Covax không thể hoàn thành nhiệm vụ vì không có đủ nguồn vac-xin và chỉ mới phân phối một phần rất nhỏ của số lượng được dự trù ban đầu.
Trên tổng số 4 tỷ liều vac-xin được tiêm trên toàn thế giới cho đến nay, có đến 80% là ở các nước có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình, trong khi các nước này chiếm chưa tới 50% dân số thế giới. Bác sĩ Bruce Aylward, đặc trách Covax trong WHO, đã thừa nhận là mục tiêu đề ra cho cuối tháng 9 rất có thể không đạt được. Với chiến dịch chích liều vac-xin thứ 3 tại một số nước giàu, mục tiêu này lại còn xa vời hơn nữa.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten