Bắc Kinh muốn áp đặt ‘‘mô hình Trung Hoa’’: Các nền dân chủ phải đoàn kết
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Đại dịch Covid vẫn là chủ đề trang nhất của nhiều báo Pháp. Le Monde chú ý đến việc chính phủ đang xem xét thực hiện tiêm chủng bắt buộc với nhân viên y tế. « Covax, châu Phi vẫn chờ đợi » : La Croix lo ngại chương trình vac-xin của Liên Hiệp Quốc chậm triển khai tại các nước nghèo. Nhật báo kinh tế Les Echos hoan hỉ với việc kinh tế Pháp đang nối lại với mức tăng trưởng trước đại dịch.
Tuy nhiên, chủ đề lớn có mặt ở hầu hết các báo vẫn là đảng Cộng Sản Trung Quốc, vừa kỷ niệm 100 năm thành lập hôm qua, 01/07/2021. « Nước Trung Hoa cộng sản muốn làm bá chủ thế giới » là tựa trang nhất của Le Figaro thiên hữu. Hồ sơ chính của Le Figaro nhan đề : « Tập Cận Bình biểu dương cho sức vươn lên ‘‘không thể đảo ngược’’ của Trung Quốc… », như một tín hiệu rõ ràng gửi đến Washington, vốn đã thường xuyên mô tả Bắc Kinh, như một « đối thủ chính trị và kinh tế ».
Từ nhiều tháng nay, chính quyền Trung Quốc triển khai chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để quảng cáo cho dịp kỉ niệm. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh đến « đại thắng » trong cuộc chiến chống dịch, được tin tưởng là đã khiến cho uy tín của đảng Cộng Sản trong xã hội Trung Quốc tăng vọt. Lịch sử « cách mạng Trung Quốc » cũng được quảng bá rầm rộ, đặc biệt với thành công trong 40 năm phát triển kinh tế, đưa đất nước ra khỏi tình trạng « chậm phát triển ». Tuy nhiên, toàn bộ những hậu quả thảm khốc của các chính sách của đảng Cộng Sản, như chính sách Đại nhảy vọt (1958), Cách mạng Văn hóa (1966), khiến hàng chục triệu người chết, đã hoàn toàn bị lơ đi.
Thế « bị đẩy vào chân tường » và lời kêu gọi của TT Mỹ
Đặc biệt đáng sợ là tham vọng thống trị thế giới của Bắc Kinh. Xã luận Le Figaro, với tựa đề « Từ lời nói đến hành động », chỉ ra một số nét lớn trong chủ trương của chế độ « cộng sản » Trung Quốc. Quyết tâm thống trị thế giới của đảng Cộng Sản Trung Quốc « dựa trên việc hợp nhất Đảng với toàn xã hội, và tất cả được vận hành theo ‘‘mô hình Trung Quốc’’, tự coi như là kết hợp những gì tinh túy nhất của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa tư bản Nhà nước với chủ nghĩa dân tộc ».
Nhưng theo Le Figaro, đằng sau vẻ ngoài thân thiện để « quyến rũ thế giới », với tuyên truyền về một tương lai mà « các bên cùng thắng », đảng Cộng Sản Trung Quốc đang bắt đầu biến tham vọng « thống trị thế giới » thành hành động.
« Hồng Kông gần như bị đặt trong vòng kiểm soát, (…) áp lực quốc tế đã không giúp nới lỏng ách cai trị người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hoạt động bành trướng tại Biển Đông vẫn tiếp tục ». Từ Trung Á đến châu Phi, « các con đường tơ lụa mới » của Tập Cận Bình đang dần dần bao vây châu Âu. Đảng Cộng Sản Trung Quốc đặt mục tiêu « tái thống nhất » Đài Loan trong thời gian tới, như một « chiến tích », cho phép Tập Cận Bình trở thành « lãnh đạo suốt đời ».
Le Figaro nhấn mạnh là tham vọng như trên của chế độ Trung Quốc đã « đẩy cộng đồng quốc tế vào chân tường, buộc phải lựa chọn giữa một bên là chiến tranh khu vực, thậm chí toàn cầu, và bên kia là chấp nhận một hệ thống toàn trị ». Theo Le Figaro, trước mối đe dọa rõ ràng này, « lời kêu gọi đoàn kết các nền dân chủ của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cần được lắng nghe ».
Liên Âu hiện không có khả năng buộc Trung Quốc phải dè chừng
Cũng về việc đoàn kết giữa các nền dân chủ, La Croix có chùm hai bài nhận định. Trong hai ý kiến được nêu ra, nhà Trung Quốc học François Godement, Viện Montaigne, tỏ ra lo ngại nhiều hơn về chính sách của Liên Âu.
François Godement khẳng định Liên Âu hiện đang hoàn toàn ở vào thế yếu và thiếu chiến lược đối phó với Trung Quốc. Chính sách tách biệt các lĩnh vực « cạnh tranh chiến lược », « xung đột hệ thống » khỏi « hợp tác trong một số lĩnh vực có lợi ích chung » là phù hợp với các chính quyền tiền nhiệm của Tập Cận Bình. Trên bình diện « chiến lược », cho đến nay Liên Âu vẫn bị cầm chân trong các giới hạn cũ, và « không đủ khả năng khiến Trung Quốc lo ngại, do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sự vắng mặt của một chiến lược kinh tế châu Âu thống nhất, và khả năng quân sự giới hạn ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương ». Liên Âu tin tưởng khối 27 nước có thể trở thành « mô hình cho một thế giới đa cực, dựa trên các quy tắc và thương lượng », nhưng đây không phải là cái Trung Quốc cần đến. Phối hợp với Mỹ và Nhật Bản là căn bản.
Đảng Cộng Sản 100 năm nô dịch : Khác biệt giữa Tập và Mao
Nhật báo thiên tả Libération cũng dành ba bài viết trong số này cho đảng Cộng Sản Trung Quốc, với tựa phụ của trang nhất : « Đảng Cộng Sản Trung Quốc : 100 năm nô dịch ». Bài « Trung Quốc : Một thế kỷ của tư tưởng Mao » nói rõ : « dịp một trăm năm kỷ niệm này chính là dịp để Đảng biểu dương cho sự thống trị của Đảng đối với xã hội và với nền kinh tế của một đất nước, mà kể từ 8 năm nay, đã hoàn toàn bị Tập Cận Bình khống chế ».
Tuy nhiên, Mao và Tập thống trị xã hội, nhưng theo các phương thức có nhiều điểm khác nhau. Libération có bài phỏng vấn Chloé Froissart, nhà Trung Quốc học và giáo sư khoa học về chính trị. Bài phỏng vấn, mang tiêu đề « Đảng hút hết tinh túy của Nhà nước ở mọi cấp », so sánh hai chế độ Mao và Tập. Bên cạnh những điểm chung của Mao – Tập (lối cai trị Đảng lãnh đạo toàn diện, thao túng hoàn toàn Nhà nước, dùng truyền thông như là công cụ truyền bá quan điểm của Đảng), các khác biệt - thậm chí các đối lập - nổi rõ.
Chế độ Tập Cận Bình « hết sức lo sợ » sự trỗi dậy của một phong trào Mao mới (hay tân Mao-ít), khi nhiều sinh viên chịu ảnh hưởng tư tưởng Mao, đã tham gia phong trào bãi công của công nhân ở miền nam Trung Quốc, năm 2018. Mao chủ trương « đấu tranh giai cấp », « cách mạng không ngừng » ; Tập dựa vào « chính quyền kỹ trị, và một hệ thống luật pháp hợp thức hóa quyền lực tuyệt đối của Đảng - Nhà nước ». Nhiều nghiên cứu về « đấu tranh giai cấp » bị cấm.
Về ý thức hệ chính thống của đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện nay, theo nhà chính trị học Chloé Froissart, trên thực tế, chẳng còn gì là tư tưởng của Mác, một chế độ đã trở nên « rất tư bản », chế độ của « giới tinh hoa », nơi « các tầng lớp dân chúng nghèo khổ bị loại ra khỏi các chính sách xã hội, các phong trào xã hội bị cấm đoán ».
Những trí thức không phó mặc vận mệnh Trung Hoa cho Tập Cận Bình
Khác với Libération và Le Figaro, Le Monde lưu ý đến những khía cạnh khác trong xã hội Trung Quốc, nơi đảng Cộng Sản không thể lãnh đạo toàn diện, qua bài « Vận mệnh của Trung Quốc và Tập Cận Bình, bộ óc tối cao ». Bài viết của nhà báo Frederic Lemaitre, gửi về từ Bắc Kinh đưa độc giả đến với những gương mặt trí thức xuất chúng gần như ly khai với hệ thống toàn trị, nhưng lại sống ngay trong lòng chế độ. Từ đạo diễn Vương Binh (Wang Bing), tác giả của cuốn phim tài liệu nổi tiếng « Những linh hồn chết » (2018), dài 9 giờ, về những nạn nhân thời Mao, đến sử gia Tần Huy (Qin Hui), cựu giáo sư Đại học Thanh Hoa, tác giả cuốn khảo cứu về sự cáo chung của vương triều nhà Thanh và cuộc cách mạng Tân Hợi 1911. Tác phẩm « Moving Away from the Imperial Regime » (Thoát khỏi đế chế) được bán rất chạy, nhưng ngay lập tức bị chính quyền Trung Quốc cấm. Đạo diễn Vương Binh không thể có phim được chiếu tại Trung Quốc, sử gia Tần Huy buộc phải về hưu sớm.
Đạo diễn Triệu Lượng (Zhao Liang) - người nổi tiếng với bộ phim Khiếu kiện (2009), về những khổ ải của những người dân thường, nạn nhân của các bất công ở địa phương, hy vọng tìm công lý tại Bắc Kinh – vừa hoàn thành bộ phim : I Am So Sorry (dự liên hoan phim Cannes, Pháp, năm 2021). Phim bị cấm tại Trung Quốc. Hay ông Khâu Chí Kiệt (Qiu Zhijie) (họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim trên mạng), giảng dạy tại Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh, là một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, cũng đồng thời là tác giả của « Bản đồ nghệ thuật và Trung Quốc sau 1989 », đề cập đến hàng loạt chủ đề nhạy cảm, trong đó có « biến cố Thiên An Môn ».
Với nhiều trí thức, vận mệnh của Trung Quốc không thể phó thác cho lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Theo nhà nghiên cứu David Ownby, giảng viên đại học Canada, người thường chuyển dịch các khảo cứu quan trọng tại Trung Quốc, trên trang blog Reading the China Dream, cho dù « các trí thức (Trung Quốc) không thể nói lên tất cả những gì họ muốn, nhưng điều này không có nghĩa là họ không thể bày tỏ gì ». Bài viết của Le Monde khép lại với nhận định, « nhiều chỉ dấu cho thấy… nước Trung Quốc của Tập Cận Bình không chỉ bằng lòng với việc sản xuất và tiêu thụ. Đất nước này cũng hoài nghi và phản kháng ».
Pháp : Chính phủ tham vấn về tiêm chủng bắt buộc cho giới y tế
Le Monde chạy trang nhất chủ đề chính phủ Pháp lấy ý kiến về chủ đề hướng đến tiêm chủng bắt buộc với giới nhân viên ngành y tế. Cho đến nay, mới chỉ có 55% nhân viên ngành y tiêm chủng ít nhất một liều. Tại khu vực bệnh viện công (vẫn còn đến 30% chưa tiêm). Liên đoàn các bệnh viện Pháp yêu cầu chính phủ can thiệp, bởi với tốc độ hiện nay phải « hai năm » mới hoàn thành việc tiêm chủng cho ngành y, theo một số ý kiến phản đối.
Ngược lại, Nghiệp đoàn y tá quốc gia CFE-CGC phản đối việc quá chú trọng vào lĩnh vực này, vì điều này có thể tạo hình ảnh sai lầm trên truyền thông là giới y tế từ chối tiêm chủng.
Pháp nối lại với tăng trưởng trước dịch : Biến thể Delta không thực sự đáng ngại
Nhật báo kinh tế Les Echos hoan hỉ với triển vọng kinh tế Pháp năm nay sẽ đạt 6%, tức tương đương với mức trước khủng hoảng y tế, theo INSEE.Chính phủ ít lạc quan hơn khi đưa ra con số 5%. Theo phát ngôn viên chính phủ, yếu tố duy nhất có thể đe dọa thực sự tăng trưởng là biến thể Delta khiến dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn. Về mối đe dọa này, INSEE tỏ ra không lo ngại bằng chính phủ, với nhận định cho dù một số biện pháp siết chặt được áp đặt trở lại, ảnh hưởng sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các lần phong tỏa trước.
Tranh cử tổng thống Pháp : Ba ứng cử viên cánh tả hàng đầu
Gần một năm trước bầu cử tổng thống Pháp, nhật báo thiên tả Libération dành hồ sơ chính hôm nay cho cuộc cạnh tranh giữa hàng loạt ứng cử viên tổng thống tiềm năng của cánh tả. Theo Libération, trong số rất nhiều ứng cử viên tổng thống tiềm năng, ba nhân vật nổi bật nhất là lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélanchon, lãnh đạo đảng Xanh Yannick Jadot và đô trưởng Paris, đảng Xã Hội, bà Anne Hidalgo. Trong hiện tại, theo một thăm dò dư luận, tỉ lệ cử tri ủng hộ một trong ba ứng viên cánh tả là rất thấp, Mélanchon 13%, Hidalgo 12% và Jadot 8%.
Thỏa thuận về thuế toàn cầu « quan trọng nhất » từ một thế kỷ
Trong lĩnh vực kinh tế, một tin vui được nhiều báo đăng tải là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) hôm qua, 01/07/2021, đạt đồng thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia. Theo Le Figaro, « một bước tiến khó khăn » đã đạt được hôm qua, với sự đồng ý của 130 thành viên OCDE, chiếm hơn 90% GDP toàn cầu. Trung Quốc, Nga ủng hộ chủ trương này. Le Figaro nhấn mạnh đến nỗi hổ thẹn của châu Âu, khi hai thành viên, là Irland và Hungary, đã bỏ phiếu chống.
Đức hoan nghênh « một bước tiến khổng lồ » hướng đến công bằng hơn về thuế. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Lemaire hoan hỉ, khi gọi đây là một « thỏa thuận về thuế quan trọng nhất từ một thế kỷ nay ». Theo tổng thống Mỹ Joe Biden, « các công ty đa quốc gia giờ đây sẽ không còn có thể đối lập các nước này với nước kia nhằm hạ mức nộp thuế, để bảo vệ lợi ích của công ty mình, gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia các nước ».
Thỏa thuận chống « tối ưu hóa thuế » (nói một cách khác là chống lách thuế dựa trên các quy định hiện hành vốn rất khác biệt giữa từng quốc gia) bao gồm hai phần chính. Phần thứ nhất cho phép phân bổ lại số lượng thuế tổng trị giá « hơn 100 tỉ đô la » một cách công bằng hơn, nhắm vào các tập đoàn có doanh thu quá 20 tỉ đô la/năm. Phần thứ hai, nhắm vào các tập đoàn có doanh thu trên 750 triệu euro, giới hạn khả năng thu hút đầu tư của « các thiên đường thuế », cho phép mang lại thêm 150 tỉ đô la hàng năm cho toàn thế giới.
Bắc Kinh muốn áp đặt ‘‘mô hình Trung Hoa’’: Các nền dân chủ phải đoàn kết (rfi.fr)
Đảng Cộng Sản Trung Quốc toàn trị trong thế công chống các nền dân chủ
Đăng ngày:
Sự kiện Trung Quốc rầm rộ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản là chủ đề được hầu như toàn bộ báo Pháp ra ngày hôm nay 01/07/2021 chú ý, bên cạnh mối lo càng lúc càng tăng về nguy cơ biến thể Delta của virus gây dịch Covid-19 lan rộng, cũng như đợt nắng nóng chết người đang đè nặng lên miền Tây Canada và vùng tây bắc nước Mỹ.
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc là đề tài trang nhất trên hai tờ La Croix và Les Echos, với nhiều bài phân tích, đánh giá khác nhau cùng với phần xã luận. Trên một số tờ báo còn lại, dù không được nêu lên trang nhất, nhưng sự kiện này đã được nhấn mạnh trong nhiều bài viết bên trong.
La Croix: Trung Quốc và tham vọng bành trướng
Đối với nhật báo Công Giáo La Croix, nhân dịp Đảng Cộng Sản Trung Quốc mừng sinh nhật thứ 100 câu hỏi cần phải đặt ra là “Trung Quốc sẽ đi đến tận đâu?” - tựa lớn chiếm gần như toàn bộ trang nhất.
Theo La Croix, các hoạt động chào mừng nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc là dịp để Bắc Kinh phô trương sức mạnh, sự gắn kết và uy lực kinh tế. Ở trong nước, với 91 triệu thành viên, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ xã hội, và tiếp tục bám rễ vào tất cả các thể chế của đất nước.
Còn ở nước ngoài, theo tờ báo Công Giáo Pháp, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang triển khai một chiến lược gây ảnh hưởng không thể cưỡng lại, trong khi càng lúc càng thúc đẩy một sự cạnh tranh đáng lo ngại với các nền dân chủ.
Trong bài phân tích dài bên trong mang tựa đề: “Kinh tế, ngoại giao... Trung Quốc ở trong thế công”, La Croix điểm qua một loạt những động thái ngày càng hung hăng của Bắc Kinh đang khiến các nền dân chủ phương Tây lo ngại, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan.
Tờ báo nhận thấy là ở nước ngoài, chính sách ngoại giao “chiến lang” hiếu chiến đã cho thấy rõ bộ mặt của Trung Quốc dưới quyền của Tập Cận Bình. Đảng Cộng Sản Trung Quốc giờ đây không còn e ngại khi phải phô trương cơ bắp để đạt được “giấc mơ Trung Hoa”.
Nhà sử học Pháp Michel Bonnin lo lắng ghi nhận: “Hệ thống toàn trị này đang lao về phía trước, với Tập Cận Bình mong muốn khôi phục quyền lực đế quốc Trung Hoa của những năm xưa”.
Dự án khổng lồ “những con đường tơ lụa mới" đánh dấu mong muốn bành trướng ra toàn cầu của Trung Quốc. Được triển khai ban đầu trên lục địa Á-Âu và các vùng biển lân cận, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng này hiện bao gồm cả Trung Đông và Châu Phi, vươn rộng đến Châu Đại Dương, Bắc Cực và gộp luôn cả các nước Châu Mỹ Latinh.
Đây hoàn toàn không phải là một dự án vô vị lợi, mà đằng sau vỏ hào phóng là một loạt mục tiêu địa lý chiến lược.
Theo bà Nadège Rolland, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề chiến lược châu Á thuộc trung tâm National Bureau of Asian Research, thì chính sách bành trướng đó đã “chuyển thành các phiếu bầu tại Liên Hiệp Quốc về các vấn đề liên quan đến lợi ích của Trung Quốc, bao gồm cả nhân quyền, mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc không coi là một quyền phổ quát”.
Một ví dụ rõ nét: Đã có 46 quốc gia ủng hộ cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Sau Hồng Kông sẽ là nền dân chủ Đài Loan?
Một vấn đề đáng chú ý khác được La Croix nêu lên: “Sau Hồng Kông, mà mọi sự có vẻ như đã an bài, vấn đề Đài Loan đang gây lo ngại, với câu hỏi là liệu Bắc Kinh có tìm cách thâu tóm bằng vũ lực vùng lãnh thổ bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc coi là một tỉnh nổi loạn hay không?"
Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á tại Viện Montaigne cho rằng: “Gọng kềm đang siết chặt lại, nhưng một cuộc chiến tranh xâm lược không phải là một lựa chọn vì Trung Quốc không chắc thắng. Cái giá phải trả sẽ quá cao và không có gì đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp”.
Tuy nhiên một số chuyên gia khác vẫn lo ngại trước nguy cơ Bắc Kinh lỡ đà. Trước các động thái của Trung Quốc khiêu khích Đài Loan bằng quân sự càng lúc càng tăng cường độ, chuyên gia Marianne Peron-Doise thuộc Viện Irsem cảnh báo: “Vấn đề với sự leo thang quân sự này là phải dừng lại ở một điểm hoặc đi xa hơn”.
Còn đối với bà Nadège Rolland, luận điệu hiếu chiến của Trung Quốc không có giới hạn: “Được chủ nghĩa dân tộc trong nước kích động, chế độ của ông Tập đang bị sự sống còn của mình ám ảnh. Nếu cần phải hành động đối với Đài Loan, thì ông ta sẽ làm”.
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc Michel Bonnin, giám đốc nghiên cứu tại trường EHESS cho biết thêm: “Trong môt chế độ mà toàn bộ quyền lực tập trung trong tay Tập Cận Bình, không còn ai dám mâu thuẫn với ông ta, khiến ông ta có thể mất đi ý niệm về thực tế và đưa ra những quyết định mạo hiểm”.
Đừng mù quáng mà cần thấy rõ bản chất toàn trị của Trung Quốc
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn là “Toàn trị”, La Croix ghi nhận chua chát là Bắc Kinh ngày nay có thể tự hào về kết quả tốt cả về kinh tế và trong cuộc chiến chống Covid, nhưng với cái giá là người dân bị giám sát trên diện rộng, quyền tự do bị tước bỏ, các sắc dân thiểu số bị di dời.
Vấn đề, theo tờ báo Pháp, là trong thời gian gần đây, tuyên truyền của chế độ không chỉ nhắm vào người dân trong nước, mà trên mạng xã hội, các bộ trưởng và đại sứ Trung Quốc không còn bận tâm che giấu sự khinh thường mô hình dân chủ, thái độ hung hăng thường thay cho các mưu toan cám dỗ trước đây.
Đối với La Croix, phương Tây cần phải nhận thức rõ ràng về bản chất của chế độ Bắc Kinh, và bây giờ là lúc để nhớ lại rằng trong những năm gần đây, Liên Hiệp Châu Âu đã xem Trung Quốc vừa là “đối tác”, vừa là “đối thủ mang tính hệ thống”, và không nên mù quáng trước bản chất độc tài toàn trị của môt chế độ tại một đất nước vừa là một cường quốc vừa là một nền văn minh vĩ đại.
Les Echos: Trung Quốc thịnh vượng không phải là nhờ Đảng
Dù không phải là tựa chính, nhưng sinh nhật thứ 100 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng được nhật báo kinh tế Les Echos đưa lên trang nhất, với một tấm ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giơ tay chào bên trên một tấm băng đỏ mô phỏng một biểu ngữ tuyên truyền viết bằng chữ trắng “Đảng Cộng Sản Trung Quốc đón mừng 100 tuổi ”.
Bên dưới tiêu đề trên, Les Echos đã giới thiệu bài phân tích về “Cách thức Tập Cận Bình đã làm sống lại tư tưởng của Mao”, kèm theo một bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Pháp Jean Pierre Cabestan giải thích “Cách thức Đảng viết lại lịch sử”. Bài báo thứ ba là một điều tra về điều gọi là “Du lịch đỏ đang trong hồi phát triển mạnh”.
Bài xã luận của tờ báo kinh tế Pháp rất độc đáo với ghi nhận là sự thịnh vượng mà người Trung Quốc hiện nay có được không phải là nhờ ơn Đảng là là nhờ ơn thị trường. Thế mà nước này lại tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản một cách hoành tráng, phớt lờ ngày kỷ niệm quan trọng nhất: đó là ngày mà Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cách đây đúng hai mươi năm.
Đối với Les Echos, nhiều năm tuyên truyền ròng rã đã khuyến khích người Trung Quốc cho rằng chính chế độ đã giúp xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực và thúc đẩy tăng trưởng theo cấp số nhân. Thế nhưng những thành công này, trước hết đến từ sự đón nhận mà thế giới đã dành cho Trung Quốc, bằng cách liên kết nước này với cuộc chơi lớn của thương mại thế giới.
Còn báo Le Monde thì tiếp tục loạt ba bài đặc biệt về sinh nhật thứ 100 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bài thứ hai hôm nay là một ký sự lý thú chiếm trọn hai trang báo khổ lớn mang tựa đề “Trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản, ước mơ tột đỉnh của thành phần ưu tú đỏ tại Trung Quốc”.
Theo tờ báo, với 92 triệu thành viên và các tiêu chí kết nạp hà khắc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc – mà đa số hiện nay đều là những người tốt nghiệp đại học – đang duy trì một quyền khống chế cực kỳ chặt chẽ đối với dân chúng.
Le Monde nhận thấy đây là một chiến lược do chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra, đoạn tuyệt với đường lối của các lãnh đạo tiền nhiệm.
Le Figaro: Có nên lo lắng quá mức về Delta?
Như đã nói ở trên, mối lo càng lúc càng tăng về nguy cơ biến thể Delta của virus gây dịch Covid-19 lan rộng là một chủ đề quan trọng khác được báo Pháp hôm nay chú ý. Không hẹn mà gặp, cả Le Figaro lẫn le Monde đều dành tựa lớn trang nhất cho biến thể Delta.
Trong dòng tựa lớn, Le Figaro ghi nhận một cách khách quan : “Biến thể Delta ở Pháp: Điều gì gây lo lắng, điều gì giúp yên tâm”.
Điều gây lo lắng, theo tờ báo cánh hữu là biến thể xuất xứ từ Ấn Độ này dễ lây lan hơn, đang lan rộng khắp thế giới, dần dần chiếm ưu thế trước các biến thể từ Anh (Alpha), Nam Phi (Beta) hoặc Brazil (Gamma). Ở những quốc gia mà biến thể này chiếm ưu thế, các đường cong dịch bệnh bắt đầu vươn lên trở lại, làm dấy lên lo ngại rằng điều đó cũng sẽ diễn ra ở Pháp. Hiện tại, nó chỉ chiếm 10 đến 20% các ca nhiễm mới, nhưng sẽ chiếm đa số trước khi hết hè.
Câu hỏi đặt ra là có nên lo sợ về một đợt sóng thứ tư vào mùa thu này hay không? Đối với tờ báo, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào số lượng người Pháp sẽ được tiêm chủng trước thời hạn đó. Lý do là vì dù dễ lây lan hơn, biến thể Delta vẫn rất dễ bị vac-xin khống chế, trong bối cảnh thuốc chủng không còn thiếu một cách tàn nhẫn như vào mùa xuân.
Vấn đề tuy nhiên là làm sao thúc giục được người dân đi tiêm chủng. Chính phủ đang tìm cách thuyết phục những người còn do dự và bắt đầu nghĩ đến việc tiêm chủng bắt buộc, một điều cấm kỵ tồn tại cho đến nay, với đối tượng bị nhắm trước tiên là giới nhân viên y tế.
Mục tiêu là để không phải tái phong tỏa đất nước hoặc đóng cửa trường học vào đầu năm học tới.
Le Monde: Delta phá hoại tiến trình ra khỏi khủng hoảng?
Le Monde thì có vẻ tương đối bi quan. Trong hàng tựa lớn trang nhất, tờ báo nhìn thấy là “Biến thể Delta đe dọa tiến trình thoát ra khỏi khủng hoảng”
Đà lan rộng của biến thể Delta khiến chính quyền lo ngại trước khả năng có thêm một làn sóng dịch Covid-19 thứ tư nên đã tìm cách thúc đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng.
Theo Viện Pasteur, Pháp vẫn có nguy cơ lâm vào “tình huống xấu nhất” vào mùa thu, mặc dù đã có tiêm vac-xin, nếu số người miễn dịch không đủ đông.
Dẫu sao thì theo tờ báo, Delta đã chịu trách nhiệm về làn sóng thứ ba ở Anh, nhưng vac-xin đã giúp làm giảm đáng kể số ca nhập viện và tử vong.
Chuyên gia Bruce Aylward của WHO cảnh báo: “60% dân số thế giới phải được tiêm vac-xin để ngăn chặn dịch bệnh”. Nhà dịch tễ học này còn lo lắng : Các biến thể có thể khuyến khích các nước giàu giữ lại số thuốc tiêm chủng của họ thay vì chia sẻ cho nước khác.
Libération: Nắng nóng chết người tại Canada
Trang nhất đập mắt nhất hôm nay là của tờ Libération, với bức ảnh mặt trời rực nắng trên nền mầu cam bên trên hàng tựa “Canada 49,6°C”. Ngay bên dưới, tờ báo ghi nhận rằng do biến đổi khí hậu, miền tây Canada đang chịu mức nóng kỷ lục, với nhiệt độ mấp mé 50°C.
Câu hỏi mà tờ báo đặt ra là phải chăng sắp tới đây, Pháp cũng bị lâm vào tình trạng này? Theo Libération, kỷ lục tuyệt đối về nhiệt độ ở Pháp hiện là 46°, ghi nhận vào cuối tháng 6 năm 2019 ở thị trấn Vérargues, tỉnh Hérault. Kỷ lục trước đó có từ năm 2003, khi diễn ra một đợt nắng nóng đặc biệt chết người, với 44,1 độ vào giữa tháng Tám.
Theo Libération, các dự báo khí hậu mới do các nhóm nghiên cứu của cơ quan khí tượng Pháp Météo France thiết lập ước tính rằng nước Pháp có thể tăng gần 4 độ trong giai đoạn 2070-2100 so với năm 1976-2005, nếu lượng khí thải nhà kính không giảm. Nhiệt độ tăng 6 độ thậm chí có thể được quan sát thấy vào mùa hè. Miền tây bắc và đông nam của Pháp cũng như các vùng núi được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc toàn trị trong thế công chống các nền dân chủ (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten