Dấu ấn văn hóa “Pali Pali” (빨리 빨리) trong đại dịch Covid tại Hàn Quốc
Đăng ngày:
Dấu ấn văn hóa « Pali » (Khẩn trương) trong đại dịch Covid tại Hàn Quốc ; Cuba cắt mạng xã hội và internet để triệt đường thông tin của người biểu tình ; Washington cũng có tượng Nữ Thần Tự Do ; Trung Quốc khan hiếm đất canh tác ở vùng đông bắc ; Thành phố Venise của Ý cấm du thuyền khổng lồ. Trên đây là một số chủ đề trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này của RFI.
Người nước ngoài khi tới Hàn Quốc có lẽ thường bất ngờ trước những tiếng quát tháo của người dân địa phương khi chuyến bay bị trễ, thái độ giận dữ khi tàu điện ngầm hay xe bus đến muộn hay đơn giản là họ ăn xong một bữa ăn chỉ trong vòng 5-10 phút. « Pali Pali » (Nhanh lên ! Nhanh lên nào !) trở thành nét đặc trưng cho lối sống đương đại ở Hàn Quốc và được áp dụng triệt để trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay.
Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul :
« “Pali” có nghĩa là “nhanh” trong ngôn ngữ Hàn Quốc. Từ này được lặp lại hai lần mang phong thái thúc giục “nhanh lên, nhanh lên” và trở thành một cụm từ tượng trưng cho tính khí nóng vội của người Hàn Quốc.
Văn hóa “Pali” được hình thành sau chiến tranh Triều Tiên khi mà mọi thứ đã bị tàn phá một cách nặng nề. Để sống sót và độc lập, người dân Hàn đã buộc phải chuyển mình, thay máu trong khoảng thời gian 20 năm từ một nền kinh tế lệ thuộc vào nông nghiệp và công nghiệp nhẹ chuyển sang nền kinh tế công nghiệp nặng và hóa chất trong khoảng những năm 1970 đến 1980. Nhờ văn hóa này mà kỳ tích sông Hán đã xuất hiện và đưa Hàn Quốc vươn tầm thế giới và chỉ đứng sau Nhật Bản trong thời gian này.
Năm 2020, khi đại dịch Covid bắt đầu từ Trung Quốc lan ra các lãnh thổ xung quanh một cách khá chậm chạp thì đột nhiên tốc độ lây nhiễm virus tại Hàn Quốc vượt qua tất cả các nước láng giềng cũng như chính Trung Quốc và trở thành quốc gia có tốc độ lây nhiễm Covid-19 nhanh nhất thế giới. Cũng ngay sau đó, chính quyền đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật tiếp cận với đại dịch bằng cách khẩn trương tổ chức những trung tâm lấy mẫu xét nghiệm virus trên cả nước.
Với tốc độ xét nghiệm nhanh khiến cả thế giới ngỡ ngàng, Hàn Quốc lại trở thành một hình mẫu để các nước phương Tây cũng như toàn thế giới học tập để nhanh chóng phát hiện ra bệnh nhân Covid, nhanh chóng cách ly và nhanh chóng điều trị. Hiện nay, Hàn Quốc cũng đang tuyên bố sẽ tiêm chủng với một tốc độ nhanh khủng khiếp với khoảng 1 triệu liều tiêm một ngày và trạm tiêm chủng được bố trí ở khắp nơi như nhà thuốc, phòng khám tư nhân hay bệnh viện.
Nhưng với tốc độ cách ly nhanh chóng mặt như vậy, thì những người trong khu cách ly lại gặp phải một cú sốc lớn về tâm lý. Việc thay đổi cuộc sống từ không có thời gian để, ăn, uống, ngủ, nghỉ chuyển sang một cuộc sống dư thừa thời gian làm cho nhiều người bị choáng ngợp. Để giúp cho người cách ly có việc làm, Hàn Quốc đã phát cho họ những quyển vở tập tô của trẻ nhỏ để họ có thể tập tô và làm quen với cuộc sống chậm rãi trong khoảng thời gian cách ly khó khăn.
Văn hóa “Pali Pali” mang đến cho Hàn Quốc một sức sống mới vươn tầm ra thế giới nhưng điều này cũng tạo một áp lực vô hình lên cá nhân trong cuộc sống gia đình, hay công việc. Hậu quả là căng thẳng kéo dài, mệt mỏi vì thành tích cá nhân và khó có thể cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống ».
Cuba cắt mạng xã hội và internet để triệt đường thông tin của người biểu tình
Covid-19 là « giọt nước làm tràn ly » khiến người dân Cuba liều mình xuống đường hôm 11/07/2021. Họ đòi « Tự do », « Đả đảo chế độ độc tài » nhưng chính quyền La Habana kiên quyết bác hiện tượng « bùng nổ xã hội » mà quy đó là « cuộc chiến thông tin và truyền thông chống Cuba ».
Mạng xã hội Twitter, với hashtag SOSCuba, bị ngoại trưởng Bruno Rodriguez cáo buộc hôm 13/07 là làm mất ổn định chế độ. Theo AFP, hashtag SOSCuba được tung ra từ đầu tháng Bẩy để đánh động về tình hình dịch tễ ở Cuba ngày càng xuống cấp do dịch bệnh và kêu gọi cứu trợ nhân đạo. Số tin nhắn trên Twitter đã tăng vùn vụt, chỉ từ 8 tin vào 05/07 đã lên tới hai triệu vào ngày 12/07. Tương tự với Miến Điện, không đối phó được với các cuộc biểu tình bất ngờ, chính quyền La Habana cắt mạng di động để chặn nguồn thông tin của người dân.
Trả lời RFI ngày 12/07, ông Vincent Bloch, giảng viên Đại học New York và chuyên về Cuba, giải thích :
« Không thể bác bỏ là mạng xã hội đã cho phép người dân bớt e dè, sợ hãi gia nhập các đoàn người biểu tình. Họ hiểu rằng có rất nhiều người sẵn sàng phản ứng giống họ. Họ cập nhật thông tin từng giờ từng phút, từ đó mà một phong trào đã được hình thành. Nhiều người được sống trong những thời khắc tự do nhưng không kéo dài.
Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi bắt đầu phong trào biểu tình ôn hòa, lực lượng giữ an ninh đã kiểm soát được hoàn toàn đường phố. Internet bị cắt lúc 13 giờ 38, có nghĩa là chưa đầy hai tiếng sau khi diễn ra những cuộc tập hợp đầu tiên.
Các cuộc biểu tình đều là tự phát nhưng những người biểu tình thấy trước mặt họ các nhà lãnh đạo sẵn sàng đối phó với tình huống đó qua các đội tuần tra thường xuyên và dày dặn kinh nghiệm ».
Washington cũng có tượng Nữ Thần Tự Do
Tìm lại « tự do » hàng ngày như trước khi bị dịch Covid-19 cũng nằm trong dụng ý của tượng Nữ Thần Tự Do, phiên bản thu nhỏ, được khánh thành tại Washington (Mỹ) đúng ngày Quốc Khánh Pháp 14/07/2021 trong khuôn viên tư dinh của đại sứ Pháp. Đối với hai ngoại trưởng Pháp và Mỹ tham dự buổi lễ, « vị khách mời đặc biệt » của Mỹ trong vòng 10 năm còn thể hiện « tình bác ái » giữa hai dân tộc và mối liên kết bền vững giữa hai nước.
« Em gái » của Nữ Thần Tự Do soi sáng thế giới trên đảo Liberty (New York) chỉ cao 3 mét, nằm trong số 12 phiên bản được làm từ khuôn gốc của nhà điêu khắc Auguste Bartholdi, cha đẻ của bức tượng gốc. Viện Nghệ Thuật và Thủ Công Quốc Gia (CNAM) sở hữu bộ sưu tập Bartholdi, cũng như phiên bản bằng đồng cao 3 mét, được đúc vào năm 2011 và được trưng bày suốt 10 năm trong sân bảo tàng của CNAM ở quận 3 Paris trước khi đưa sang thủ đô của Hoa Kỳ.
Ông Olivier Farron, tổng giám đốc Viện CNAM, giải thích với thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington :
« Đối với tôi có hai ý quan trọng, thứ nhất là phải trưng bày di sản. Đây là một phần di sản của Pháp, từ Bartholdi rồi Gustave Eiffel. Đó là một thành tựu tuyệt vời của cả nghệ thuật cũng như nghề thủ công. Vì thế đó là một công trình có ý nghĩa.
Ý thứ hai, tôi nghĩ rằng đây là một biểu tượng đẹp cho mối quan hệ giữa Pháp và Hoa Kỳ hiện giờ qua những tự do. Chúng ta đang tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch tễ trong khi Hoa Kỳ thay đổi nhiều nhờ tìm lại được tự do. Chúng ta cũng cần nối lại mối quan hệ bền chặt hơn giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Tôi nghĩ là việc này mang một ý nghĩa, một biểu tượng vô cùng quan trọng ».
Tuy nhiên, « tự do » này vẫn không trọn vẹn. Vẫn theo thông tín viên Anne Corpet, những người Pháp sống ở Washington bất bình về Travel Ban, cấm mọi chuyến đi từ Pháp sang Hoa Kỳ, trừ trường hợp bất khả kháng, kể cả đối với người Pháp đã được tiêm chủng.
Trung Quốc khan hiếm đất canh tác ở vùng đông bắc
Trong lĩnh vực môi trường, những vùng đất đen ở đông bắc Trung Quốc, nổi tiếng là mầu mỡ cho canh tác ngũ cốc, đã bị mất năng suất, một phần do khai thác quá mức trong suốt 40 năm qua. Được Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc cảnh báo trong Sách Trắng 2021, tình trạng này, nếu tiếp diễn, có thể trở thành một thách thức lớn cho vấn đề an ninh lương thực của Trung Quốc.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh ngày 14/07 :
« Ra Sách Trắng về đất đen ở vùng đông bắc Trung Quốc là sự kiện đầu tiên trong lĩnh vực này và cũng là dấu hiệu cho thấy « lửa đang cháy trên đồng ».
Tập tài liệu dài 50 trang bằng tiếng Hoa bắt đầu với việc nhắc lại tầm quan trọng của vựa ngũ cốc vùng Đông Bắc. Ngô, đậu nành và nhất là gạo, 1/3 sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đến từ 18,53 triệu ha đất trồng trọt trải trên ba tỉnh Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm.
Vấn đề ở chỗ, theo các tác giả báo cáo, với việc khí hậu nóng lên và phương thức quảng canh, đất đã bị cằn đi. Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2000, diện tích trồng trọt đã tăng thêm hơn 2 triệu ha, còn diện tích rừng thì giảm bớt 410.000 ha, các thảo nguyên 570.000 ha và các vùng ngập nước 1,12 triệu ha.
Ngày 28/12/2020, chủ tịch Trung Quốc từng coi đây là « vấn đề nghiêm trọng » và bảo vệ đất đen trở thành một ưu tiên quốc gia. Ngoài việc « sử dụng hợp lý » đất đai và áp dụng những công nghệ nông nghiệp mới nhất, các nhà khoa học còn khuyến nghị cách chăn nuôi tôn trọng môi trường hơn ».
Ý : Thành phố Venise cấm du thuyền khổng lồ
Cũng vì vấn đề môi trường và bảo vệ cảnh quan, những du thuyền sừng sững như những tòa nhà sẽ bị cấm neo đậu ở Venise từ tháng 08/2021 để bảo vệ thành phố được xếp hạng Di sản Thế giới từ năm 1987 nhưng lại nằm trong danh sách « gặp nguy » từ nhiều năm nay.
Thông tín viên Anne Le Nir tường trình từ Roma :
« Sau nhiều năm đẩy tới đẩy lui quyết định, rồi những cuộc đấu tranh của các hiệp hội bảo vệ Venise và khu đầm, cuối cùng thành phố khiến cả thế giới mơ tưởng sẽ thoát khỏi những con tầu du lịch khổng lồ.
Một nghị định về điểm này vừa được chính phủ thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/08. Nói chung chỉ có những tầu chở tối đa 200 hành khách mới có thể được cập bến ở quảng trường Saint-Marc. Tất cả những con tầu khác sẽ phải neo đậu ở cảng Marghera.
Dĩ nhiên, biện pháp này cũng khiến nhiều người không hài lòng vì nó sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ đã dự kiến hỗ trợ tài chính cho những lĩnh vực sẽ bị tác động nặng nhất ».
Dấu ấn văn hóa “Pali Pali” (빨리 빨리) trong đại dịch Covid tại Hàn Quốc - Tạp chí đặc biệt (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten