Trung Quốc : Tập Cận Bình muốn theo chân Mao đi vào lịch sử
Đăng ngày:
Thứ Năm, 01/07/2021, trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình nhắc nhiều đến Mao Trạch Đông. Kể từ khi lên cầm quyền, chủ tịch Trung Quốc đi theo di sản của « Người Cầm Lái Vĩ Đại » đến mức đôi khi còn được đặt biệt danh « Người Cầm Lái Vĩ Đại 2.0 ».
Hàng chục nghìn người tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn, 100 phát đại bác và một đội tiêm kích trên không, Trung Quốc mừng đảng Cộng Sản 100 tuổi. Điểm nhấn của sự kiện là một tuần lễ hội. Đây cũng là cơ hội để ông Tập Cận Bình khẳng định hơn nữa quyền lực của mình.
Trong suốt hơn một giờ, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, kiêm chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân, không ngớt lời ca tụng những tiến bộ đạt được trong những năm qua khi nhấn mạnh rằng hàng trăm triệu người đã thoát cảnh nghèo khổ.
Trong bài phát biểu nhấn mạnh đến chủ nghĩa dân tộc, Tập Cận Bình tuyên bố, sau một thế kỷ kém phát triển và bị xâm lược, « người dân Trung Quốc nay đã vùng lên » và xu hướng « hồi sinh » của đất nước là « không thể đảo ngược được », đồng thời cảnh báo « những tên đế quốc » nào tìm cách đe dọa, trấn áp hay chế ngự sự hồi sinh đó.
Tại buổi lễ hoành tráng này, Tập Cận Bình xuất hiện trên ban công Tử Cấm Thành, và trong trang phục truyền thống mầu xám « kiểu Mao Trạch Đông », ông không ngừng nhắc đến Mao Trạch Đông, người lãnh đạo đất nước từ năm 1949 đến năm 1976.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á, Viện Montaigne, phân tích những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật.
***
France 24 : Những điểm nào cho thấy Tập Cận Bình tiếp tục đi con đường Mao Trạch Đông ?
Mathieu Duchâtel : Giống Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình cũng muốn để lại dấu ấn trong lịch sử. Lịch sử Cộng hòa Nhân dân ngày nay chính thức được chia thành ba thời kỳ. Giai đoạn thứ nhất là thời kỳ cách mạng với Mao Trạch Đông, một giai đoạn dài 30 năm. Đó là thời kỳ « Trung Quốc nổi dậy » và chấm dứt cuộc nội chiến và thời kỳ bán chủ nghĩa thực dân.
Tiếp đến là thời kỳ tăng trưởng kinh tế và tìm kiếm sự phồn thịnh. Giai đoạn này tương ứng với thời kỳ của các cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Đặng là nhân vật số một của đảng Cộng Sản Trung Quốc (PCC) giai đoạn 1978 – 1992.
Về phần mình, Tập Cận Bình đặt nhiệm vụ « tìm kiếm sức mạnh » lên hàng đầu trong lịch trình hành động của mình. Sự phân chia thành ba thời kỳ này đặt ông ấy trong thế bộ ba với ba gương mặt tiêu biểu : Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình.
Tư tưởng Mao, được Tập Cận Bình sử dụng như là kim chỉ nam, đặc biệt thấy rõ nhân kỳ Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017, còn thể hiện rõ hơn là trong bài diễn văn ông phát biểu hôm thứ Năm 01/07. Chính vào thời điểm đó mà tên của ông được đưa vào trong Điều lệ Đảng, một vinh dự chỉ có Mao mới có được lúc sinh thời.
Những yếu tố về sự sùng bái cá nhân mà Tập Cận Bình được hưởng ngày nay cũng sử dụng nhiều biểu tượng hình ảnh như thời Mao. Việc dàn dựng các chương trình lễ kỷ niệm mừng 100 năm là một ví dụ điển hình. Nhưng khác với Mao, Tập Cận Bình không tập hợp quần chúng. Chỉ có một sự vận động nâng cao tư tưởng của Đảng và giáo dục tinh thần yêu nước, chứ không còn những chiến dịch vận động quần chúng theo kiểu thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc của Tập Cận Bình có những điểm chung nào với đảng Cộng Sản thời Mao Trạch Đông ?
Sau nhiều nỗ lực cải cách của Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980, Tập Cận Bình quay trở về với tư tưởng Lê-nin chính thống, đặt kỷ luật nội bộ lên trên hết, và ông đã tiến hành một quá trình tái tập trung quyền lực mạnh mẽ. Ngày nay, không ai còn nói về dân chủ trong nội bộ Đảng, hay cân bằng giữa các phe phái nữa.
Hơn nữa, Đại Hội Đảng lần thứ 19 là một cột mốc quan trọng. Ông ấy đã cho đưa vào Điều lệ Đảng : « Chính phủ, quân đội, xã hội và trường học, Bắc, Nam, Đông, Tây : Đảng lãnh đạo tất cả ». Một công thức của chính Mao Trạch Đông.
Trong bài phát biểu, Tập Cận Bình không ngừng nhấn mạnh đến « chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa ». Phải chăng đó cũng là mong muốn nối dõi Mao ?
Người ta còn nhớ là Liên Xô từng phê phán Mao Trạch Đông có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Tập Cận Bình, ông ấy cũng vậy, chú trọng nhiều vào việc huy động tinh thần yêu nước. Ông ấy dùng điều này để phục vụ cho một dự án nhằm chứng minh sự ưu việt của mô hình xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc so với các nền dân chủ tự do.
Tập Cận Bình muốn chứng tỏ rằng « chủ nghĩa xã hội Trung Quốc sẽ chiến thắng ». Luận điệu của các quan chức Trung Quốc nhắm vào các đối tác phương Tây liên tục nhấn mạnh sự bất lực của phương Tây trong việc ngăn chặn dòng chảy lớn của lịch sử : đó là « Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số một thế giới » và phương Tây phải ý thức được những hệ quả - ngụ ý rằng không nên chống đối lại điều đó.
Nhưng cuộc cạnh tranh ý thức hệ được biến thành mốt thời thượng, và ngày nay chỉ tập trung vào tính hiệu quả của các mô hình quản trị nhằm xây dựng sức mạnh kinh tế. Nếu như Mao Trạch Đông trước đây từng xuất khẩu Cách Mạng và tìm cách thống lĩnh phe xã hội chủ nghĩa, thì Tập Cận Bình giờ có một cách tiếp cận toàn diện hơn cho cuộc cạnh tranh. Đó chính là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với các nền dân chủ phương Tây – trên thực tế chính là với Hoa Kỳ.
Ngược lại, hai nhân vật này đối lập với nhau ở điểm nào ?
Ngay cả khi các tham chiếu về chủ nghĩa Mác là bất biến, chẳng hạn như trong việc chỉ trích mô hình dân chủ, và cho dù việc điều hành Đảng là theo tư tưởng Lê-nin, Trung Quốc của Tập Cận Bình là một mô hình chủ nghĩa tư bản Nhà nước.
Dự án của Tập Cận Bình dành cho Trung Quốc dựa trên sự tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh để trở thành cường quốc canh tân sáng tạo nhất. Do vậy, ông ấy huy động mọi công cụ của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là tài chính, và dựa vào một nền kinh tế toàn cầu hóa mà Mao Trạch Đông đã bác bỏ, chỉ vì vấn đề ý thức hệ. Những dự án lớn hiện nay tại Trung Quốc cũng như tại châu Âu là chuyển đổi xanh và số hóa nền kinh tế, trong một cuộc đua đổi mới để tạo việc làm và tăng trưởng.
Trung Quốc : Tập Cận Bình muốn theo chân Mao đi vào lịch sử (rfi.fr)
Củng cố quyền lực của Đảng, Tập Cận Bình khai thác niềm tự hào dân tộc
Đăng ngày:
“Make America Great Again” đã đưa Donald Trump vào Nhà Trắng, liệu rằng khẩu hiệu “Making China Great Again” có giúp chủ tịch Trung Quốc nắm quyền đến mãn đời như Mao Trạch Đông và bảo vệ được vị thế của đảng Cộng Sản thêm một 100 năm nữa hay không ?
Báo Anh, The Guardian trong ấn bản ngày 30/06/2021 lưu ý độc giả rằng nửa năm trước lễ hội tại Bắc Kinh đánh dấu 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ tịch kiêm tổng bí thư Tập Cận Bình từng tuyên bố, thế giới có chao đảo thế nào đi chăng nữa, thì Trung Quốc vẫn “bất bại”.
Phát biểu tại Trường Đảng hôm 11/01/2016, tức 5 ngày sau vụ tòa nhà Quốc Hội Mỹ, điện Capitol tại thủ đô Washington bị tấn công, lãnh đạo Trung Quốc đã rất tự tin cho rằng : “chỉ cần nhìn vào cung cách thiên hạ đối phó với đại dịch và hệ thống chính trị của thế giới” cũng đủ để Bắc Kinh khẳng định rằng Trung Quốc “có thể làm tốt hơn thế (…) Thời gian và lịch sử đang đứng về phía chúng ta (…) điều đó giải thích vì sao chúng ta lại quyết tâm đến thế và đầy tự tin”.
Dưới một hình thức khác, thông điệp này đã được lặp lại trong bài phát biểu trước toàn dân hôm 01/07/2021 từ quảng trường Thiên An Môn, nơi mà năm 1949 Mao Trạch Đông đọc bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, khi ông Tập tuyên bố : “Thời kỳ mà người dân Trung Quốc bị chà đạp, đau khổ, bị áp bức đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ (…) nhân dân Trung Quốc đã vùng lên” và sẽ đương đầu với tất cả mọi chủ nghĩa “bá quyền”.
Lãnh đạo số 1 Trung Quốc đã không quên nhắc đến những thành quả kinh tế to lớn đưa nước này lên vị trí nền kinh tế thứ hai toàn cầu ngày nay. Trung Quốc đã trở thành một quốc gia “có mức thịnh vượng trung bình” : Đó là nhờ những “hy sinh to lớn của Đảng”. Đằng sau những tuyên bố này đâu là dụng ý của ông Tập Cận Bình?
Cây bút xã luận của đài phát thanh Pháp France Inter, nhà báo Pierre Haski từng làm việc nhiều năm tại Bắc Kinh ghi nhận : Không phải mới đây mà từ trước đến giờ đảng Cộng Sản Trung Quốc liên tục tuyên truyền rằng Đảng và đất nước chỉ là một. Điều đó cho phép nhiều thế hệ lãnh đạo ở Bắc Kinh phủi tay mỗi khi đảng Cộng Sản Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, thì Bắc Kinh coi đó là những lời chỉ trích mang tính “bài Trung Hoa”.
Ông Tập Cận Bình tiếp tục khai thác mạnh luận điểm đó khi cho rằng mọi mưu đồ chia rẽ Đảng và nhân dân Trung Hoa đều thất bại (….) hơn 95 triệu đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng như hơn 1,4 tỷ người Trung Hoa sẽ không bao giờ chấp nhận “để bị chia rẽ”.
Nói cách khác, phải chăng ông Tập Cận Bình muốn dùng sức mạnh tập thể để hù dọa thế giới ? Mục tiêu đầu tiên mà Bắc Kinh nhắm tới là Hoa Kỳ. Ý đồ này càng lộ rõ hơn nữa khi trong bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc đề cập đến tính chính đáng của một “nước mạnh cần một đội quân hùng mạnh” và do vậy cần “tăng tốc tiến trình hiện đại hóa hệ thống quốc phòng”.
Chiến lược này có còn hiệu quả nữa hay không ? Trên đài truyền hình France 24 chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz phân tích : khơi dậy niềm tự hào dân tộc mới là trọng tâm cả bài diễn văn của ông Tập Cận Bình vào lúc đảng Cộng Sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm. Các vế lý tưởng, tinh thần cách mạng 100 năm trước đây gần như đã chìm vào quên lãng.
Bởi như nhà báo Pierre Haski ghi nhận : về thực chất mô hình “xã hội chủ nghĩa với những nét đặc thù của Trung Quốc” giờ đây khác xa với tư tưởng của Karl Marx xưa kia. Hơn thế nữa, Bắc Kinh ngày nay đủ tự tin để khẳng định về một “mô hình Trung Quốc”. Trong mô hình đó mọi tiếng nói bất đồng đều phải trả cái giá rất đắt. Điều đó từng được chứng minh qua đợt thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989, hay gần đây hơn là nguyện vọng tự do của Hồng Kông…
Ông Tập Cận Bình biết rõ hơn ai hết, sự tồn tại của đảng Cộng Sản tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Cũng chính phép lạ kinh tế đó đến nay mới chính là bức tường thành mà các nền dân chủ phương Tây chưa vượt qua được trong cuộc “đọ sức” với Trung Quốc.
Củng cố quyền lực của Đảng, Tập Cận Bình khai thác niềm tự hào dân tộc (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten