Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin cho Việt Nam
Đăng ngày:
Công ty Nhật Bản Shionogi đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin Covid-19 với hai công ty của Việt Nam là công ty MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Đây là hợp đồng chuyển giao công nghệ thứ ba mà Việt Nam ký được với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngày 27/07/2021, phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo (bộ Y Tế) Nguyễn Ngô Quang cho biết công nghệ được công ty Shionogi chuyển giao là công nghệ sản xuất vac-xin tái tổ hợp (Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein). Dự kiến đến tháng 06/2022 sẽ hoàn tất mọi hoạt động và đưa vac-xin ra thị trường.
Trước đó, Việt Nam đã đàm phán thành công hai dự án chuyển giao công nghệ. Thứ nhất là dự án đóng ống vac-xin Sputnik V giữa công ty DS-Bio, công ty Vabiotech và Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga. Vabiotech đã đóng ống và gửi mẫu sang Nga để kiểm định chất lượng, dự kiến có kết quả vào ngày 10/08. Thứ hai là dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ vac-xin ARNm với Hoa Kỳ, theo dự kiến hoàn thiện nhà máy sản xuất vac-xin tại Việt Nam vào tháng 06/2022.
Việt Nam hiện tiêm được 4,8 triệu liều vac-xin. Tính đến ngày 20/07, Quỹ Vaccin của Việt Nam đã quyên góp được hơn 355 triệu đô la (8.185 tỉ đồng) từ cộng đồng. Những doanh nghiệp, cá nhân đàm phán, tìm nguồn và nhập khẩu được vac-xin Covid-19 góp cho Quỹ để tiêm miễn phí cho người dân sẽ được giữ lại một phần vac-xin theo tỷ lệ do bộ Y Tế quy định ngày 27/07.
Việt Nam đang tích cực tìm mọi nguồn vac-xin trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đến sáng 28/07 đã có thêm 2.807 ca nhiễm mới được ghi nhận tại 16 tỉnh thành, chủ yếu tại những khu cách ly. Tỉnh Bình Dương cũng nằm trong số những khu vực bị giới nghiêm từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau, áp dụng từ ngày 28/07.
Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin cho Việt Nam (rfi.fr)
Việt Nam đàm phán với Mỹ sản xuất vac-xin ARNm ngay từ quý 4/2021
Đăng ngày:
Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với Hoa Kỳ về chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin ARNm ngừa Covid-19 trong bối cảnh Hà Nội tìm mọi nguồn cung ứng vac-xin để đối phó với đợt dịch lan rộng trên hầu hết khắp tỉnh thành, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi sẽ triển khai thêm hai tuần các biện pháp phong tỏa.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/07, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngoài các cuộc thương lượng với Hoa Kỳ, Việt Nam còn nỗ lực đàm phán « hợp tác với các đối tác tiềm năng tại Nhật Bản, Nga, Cuba, Israel, Anh và Đức trong chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin cũng như cả thuốc điều trị Covid-19 ».
Hãng tin Anh Reuters nêu khả năng Việt Nam sản xuất một loại vac-xin theo công nghệ ARN thông tin, hiện chưa rõ tên, vào quý 4/2021 hoặc vào năm 2022 với mức từ 100 đến 200 triệu liều nếu đạt được thỏa thuận. Được Reuters đặt câu hỏi, hai hãng dược Pfizer và Moderna chưa đưa ra bình luận.
Cũng trong ngày 22/07, chính phủ Việt Nam cho biết sẽ xem xét phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vac-xin nội địa NanoCovax do công ty dược phẩm Nanogen bào chế. Khác với hai dòng vac-xin phổ biến hiện nay (AstraZeneca, Pfizer/BioNTech…), NanoCovax sử dụng công nghệ ADN protein tái tổ hợp và được thử nghiệm giai đoạn 3 trên 13.000 người tình nguyện từ ngày 11/06. Chính phủ cho biết có thể sử dụng rộng rãi loại vac-xin nội địa này từ nay đến cuối năm.
Trước đó, công ty Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (Vabiotech) của Việt Nam cũng đã đóng gói lô vac-xin Sputnik V đầu tiên gồm 30.000 liều. Vabiotech có khả năng gia công, đóng ống khoảng 5 triệu liều một tháng và hướng đến mục tiêu xây dựng nhà máy tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin Sputnik V.
Tính đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 9 triệu liều vac-xin các loại từ nhiều nguồn khác nhau, trên tổng số 105 triệu liều được đặt mua và 70 triệu liệu đang được đàm phán. Sáng 23/07, đã có thêm hơn 1,2 triệu liều vac-xin AstraZeneca về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Dự kiến ngày 25/07, Việt Nam sẽ nhận thêm 3 triệu liều vac-xin Moderna, được chính phủ Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX.
Việt Nam đàm phán với Mỹ sản xuất vac-xin ARNm ngay từ quý 4/2021 (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten