donderdag 22 juli 2021

Pháp triển khai hệ thống cảnh báo mới chống tội phạm mạng + Pegasus : Điện thoại của tổng thống Pháp có thể đã bị Maroc nghe lén

 

Pháp triển khai hệ thống cảnh báo mới chống tội phạm mạng

Quốc vụ khanh Pháp về Chuyển đổi Công nghệ số Cedric O trong một cuộc họp báo tại Paris, ngày 22/10/2020.
Quốc vụ khanh Pháp về Chuyển đổi Công nghệ số Cedric O trong một cuộc họp báo tại Paris, ngày 22/10/2020. AP - Ludovic Marin

Pháp muốn bảo vệ các công ty vừa và nhỏ trước nguy cơ tin tặc ngày càng gia tăng trên thế giới. Ngày 20/07/2021, quốc vụ khanh Cédric O đặc trách Chuyển đổi Công nghệ số đã khởi động một hệ thống cảnh báo mới trong trường hợp xảy ra sự cố mạng lớn.


Theo chính phủ Pháp, biện pháp được đưa ra nhằm tránh để các doanh nghiệp phải « đơn thương độc mã » đối phó với tin tặc. Cụ thể, khi phát hiện ra một lỗ hổng bảo mật hay một mối đe dọa tin tặc, hệ thống cảnh báo quốc gia  (do Cybermalveillance.gouv.fr và Anssi quản lý) sẽ ra thông báo « ngắn gọn và dễ hiểu » miêu tả những nguy cơ được phát hiện, danh sách các hệ thống liên quan và những biện pháp cần áp dụng.

Thông báo sẽ được gửi đến các tổ chức, ngành nghề liên quan nhanh nhất có thể nhằm giúp các lãnh đạo doanh nghiệp đề cao cảnh giác và tăng cường biện pháp phòng chống.

Biện pháp mới này được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp Pháp thường xuyên bị tin tặc trong thời gian vừa qua, mà một trong những nguyên nhân là cuộc khủng hoảng dịch tễ. Theo ông Christian Poyau, đồng chủ tịch Ủy Ban Chuyển đổi Công nghệ của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp MEDEF, gần một nửa doanh nghiệp Pháp từng là nạn nhân của tin tặc, « ở quy mô doanh nghiệp lớn, đã có hơn 2.000 vụ tấn công ».

Còn theo Anssi (Cơ quan An ninh Hệ thống Thông tin Quốc gia Pháp), số vụ tấn công tin học năm 2020 tăng gấp 4 lần so với năm 2019 và buộc chính phủ Pháp phải triển khai kế hoạch trị giá 1 tỉ euro để đối phó với vấn nạn này.

Pháp triển khai hệ thống cảnh báo mới chống tội phạm mạng (rfi.fr)

Pegasus : Điện thoại của tổng thống Pháp có thể đã bị Maroc nghe lén

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang gọi điện thoại tại thượng đỉnh châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 20/07/2020.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang gọi điện thoại tại thượng đỉnh châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 20/07/2020. AP - John Thys

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị nước ngoài nghe lén điện thoại ? Câu hỏi này được đặt ra sau khi báo chí đưa tin nguyên thủ Pháp và nhiều thành viên nội các nằm trong danh sách các mục tiêu tiềm tàng của phần mềm gián điệp Pegasus - được một số Nhà nước sử dụng để theo dõi các nhân vật quan trọng.

Nhật báo Le Monde và Radio France - nằm trong nhóm 17 cơ quan truyền thông được tham khảo danh sách do mạng lưới nhà báo Forbidden Stories và tổ chức phi chính phủ Amnesty International cung cấp - hôm qua, 20/07/2021, đã tiết lộ thông tin nói trên.

Cụ thể, một trong những số điện thoại của tổng thống Macron nằm trong danh sách những đối tượng có thể bị theo dõi, nghe lén. Đồng thời, số điện thoại của cựu thủ tướng Pháp Edouard Philippe và 14 thành viên chính phủ cũng « nằm trong danh sách các số được một cơ quan an ninh của Nhà nước Maroc sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus chọn lựa, có thể là để theo dõi ». Giám đốc Forbidden Stories, ông Laurent Richard giải thích trên kênh LCI, tất nhiên là không thể kiểm tra kỹ thuật trên điện thoại của tổng thống để xem có bị Pegasus xâm nhập hay không, nhưng ít nhất cũng cho thấy phía Maroc đã có ý định nghe lén.

Trả lời AFP, điện Elysée cho biết : « Nếu việc này được chứng minh, thì rõ ràng rất nghiêm trọng, tiết lộ của báo chí sẽ được làm rõ ». Phía vương quốc Maroc phủ nhận liên can trong vụ gián điệp này.

Le Monde và Radio France cho hay, vào thời điểm những con số này được chọn ra, ngoài thủ tướng Edouard Philippe và vợ, trong danh sách còn có các bộ trưởng quan trọng như ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner, các bộ trưởng Kinh Tế Tài Chính, chủ tịch Quốc Hội, các chính khách thuộc nhiều đảng khác nhau.

Một quốc vương, 3 tổng thống, 7 thủ tướng trong danh sách

Không chỉ các thành viên chính phủ Pháp mà theo Radio France, quốc vương Maroc Mohammed VI cùng với những người thân cận cũng « nằm trong danh sách các mục tiêu tiềm tàng » ; và theo Washington Post, còn có cả tổng thống Irak (Barham Saleh), tổng thống Nam Phi (Cyril Ramaphosa). Tổng cộng vào lúc danh sách được lập ra có bảy thủ tướng, trong đó có ba thủ tướng hiện vẫn đương nhiệm của Pakistan (Imran Khan), Ai Cập (Mostafa Madbouli), Maroc (Madbouli Saad-Eddine El Othmani).

Forbidden Stories và Amnesty International nắm trong tay 50.000 số điện thoại, được các khách hàng của công ty Israel NSO (bán phần mềm Pegasus) chọn lựa để theo dõi từ năm 2016, và đã chia sẻ cho nhóm 17 cơ quan thông tấn quốc tế. Sự kiện được tiết lộ hôm Chủ nhật 18/07.

Trước khi tin tổng thống Emmanuel Macron có thể bị nghe lén điện thoại được đưa ra, tư pháp Pháp hôm qua 20/07 đã mở điều tra theo đơn kiện của các nhà báo bị Maroc theo dõi nhờ phần mềm Pegasus. Thủ tướng Pháp Jean Castex nói rằng hiện thời cuộc điều tra chưa đạt được kết quả.

Tổng thống Pháp thường xuyên sử dụng điện thoại, coi đó là phương tiện để làm việc, điều hành đất nước ; có thể thấy hai chiếc iPhone được đặt cạnh Emmanuel Macron trong bức chân dung chính thức của ông.

Pegasus : Điện thoại của tổng thống Pháp có thể đã bị Maroc nghe lén (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten