dinsdag 27 juli 2021

Tàu sân bay của Anh tiến gần Biển Đông, Trung Quốc phẫn nộ + Mỹ cảnh cáo Trung Quốc về Biển Đông và Đài Loan

 

Tàu sân bay của Anh tiến gần Biển Đông, Trung Quốc phẫn nộ

Ảnh tư liệu chụp ngày 21/04/2017: Các cấu trúc và một phi đạo mà Trung Quốc xây trên đá Subi, quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Ảnh tư liệu chụp ngày 21/04/2017: Các cấu trúc và một phi đạo mà Trung Quốc xây trên đá Subi, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. AP - Francis Malasig

Hải Quân Mỹ trên trang mạng USNI News ngày 25/07/2021 thông báo, căn cứ vào các tín hiệu qua vệ tinh cho thấy tàu sân bay của Hải Quân Hoàng Gia Anh tiến gần đến Biển Đông sau đợt tập trận với hải quân Ấn Độ tại vịnh Bengal vừa qua. Global Times của Trung Quốc cảnh cáo là cụm tàu sân bay này nên tránh thâm nhập khu vực 12 hải lý của Trung Quốc.

Tàu sân bay của Hải Quân MHS Anh Queen Elizabeth được sự hộ tống của khu trục hạm săn tàu ngầm HMS Richmond, khu trục hạm có trang bị tên lửa HMS Defender, tàu chở dầu Tidespring, tàu ngầm Artful, khu trục hạm của Mỹ USS Sulivan, khinh hạm của Hà Lan Evertsen.

Từ sáng Chủ Nhật 25/07/2021, tàu khu trục Defender đã cập cảng Brunei còn chiếc tàu chở dầu Tidesping thì đã rời cảng Singapore để tiến về Biển Đông. Tàu sân bay MHS Anh Queen Elizabeth chuẩn bị cập bến tại Singapore, đúng vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Austin Lloyd đang có mặt tại nước này trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong ấn bản ngày Chủ Nhật 25/07/2020 đề cập đến sự kiện nói trên và cảnh báo : “Điều tàu chiến vào bên trong vùng 12 hải lý thuộc chủ quyền của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” tại Biển Đông và đó là “một sai lầm” của Anh Quốc.  Cũng Hoàn Cầu Thời Báo trích lời một chuyên gia thuộc đại học Bắc Kinh cho rằng “tới nay Anh Quốc luôn từ chối theo chân Mỹ và sẽ không dễ đối đầu với Trung Quốc hay trực tiếp khiêu khích Trung Quốc”, do vậy phía Trung Quốc chờ đợi là Hải Quân Anh sẽ “thận trọng, không bị Hoa Kỳ xúi giục và sẽ không tiến sâu vào vùng biển của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Anh gạt Trung Quốc ra khỏi một dự án nhà máy điện hạt nhân

Thêm một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang xấu đi : Nhật báo tài chính Anh Financial Times ngày 25/07/2021 tiết lộ Luân Đôn đang nghiên cứu khả năng loại đối tác CGN của Trung Quốc ra khỏi dự án  nhà máy điện hạt nhân Sizewell. Đây là một dự án mà CGN hợp tác với nhiều tập đoàn khác, như EDF của Pháp, để cung cấp điện hạt nhân cho Anh. Trị giá toàn bộ hợp đồng lên tới hơn 20 tỷ bảng Anh.

Tàu sân bay của Anh tiến gần Biển Đông, Trung Quốc phẫn nộ (rfi.fr)

Mỹ cảnh cáo Trung Quốc về Biển Đông và Đài Loan

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 31/03/2021.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 31/03/2021. REUTERS - POOL

Hôm qua, 07/04/2021, Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc về những hành động ngày càng hung hăng đối với Philippines và Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh đến những nghĩa vụ của Washington đối với các đối tác châu Á.

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price khẳng định : « Một cuộc tấn công vũ trang chống các lực lượng quân sự, các tàu hay các phi cơ của Philippines tại vùng Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông, sẽ buộc chúng tôi thi hành các nghĩa vụ chiếu theo hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines ».

Ông Ned Price nói thêm : « Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của đồng minh Philippines trước những thông tin về sự tập hợp liên tục của lực lượng trên biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại khu vực gần Đá Ba Đầu ».

Khoảng 200 tàu của Trung Quốc đã bị tuần duyên Philippines phát hiện từ ngày 07/03 ở khu vực Đá Ba Đầu, thuộc Cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, cách tỉnh Palawan của Philippines 320 km. Nhưng đa số các tàu này sau đó đã phân tán ra những khu vực khác của quần đảo Trường Sa. Từ mấy tuần qua, Bắc Kinh vẫn từ chốt rút các tàu của họ, mà Manila khẳng định là đã xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Căng thẳng cũng đã bùng lên giữa Trung Quốc với Đài Loan. Theo Đài Bắc, hôm qua đã có thêm 15 phi cơ Trung Quốc, trong đó có 12 chiến đấu cơ, xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Trong những tháng gần đây, hầu như ngày nào cũng có phi cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Tình hình lên đến mức mà ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) hôm qua đã tuyên bố Đài Loan sẽ « chiến đấu đến cùng » nếu bị Trung Quốc tấn công.

Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price đã bày tỏ mối « quan ngại » của Washington về những hành động này của Bắc Kinh. Ông Ned Price nhắc lại là chiếu theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act), Mỹ có nghĩa vụ cung cấp vũ khí cho Đài Loan nếu đảo này bị Trung Quốc tấn công.

Trong bối cảnh căng thẳng này, hải quân Mỹ thông báo là chiếc khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường John S.McCain hôm qua đã đi ngang qua eo biển Đài Loan trong một chuyến đi « bình thường ».

Mỹ cảnh cáo Trung Quốc về Biển Đông và Đài Loan (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten