donderdag 22 juli 2021

Bắc Kinh có cách nhìn thế nào về vấn đề người « Kurdistan » ?

 

Bắc Kinh có cách nhìn thế nào về vấn đề người « Kurdistan » ?

Ảnh minh họa: Một góc thành cổ Erbil, thủ phủ khu tự trị người Kurdistan ở Irak, ngày 17/06/2020.
Ảnh minh họa: Một góc thành cổ Erbil, thủ phủ khu tự trị người Kurdistan ở Irak, ngày 17/06/2020. AFP - SAFIN HAMED

Về lý thuyết, lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng : Bắc Kinh không ủng hộ những phong trào đòi ly khai. Phân tích của Trung Quốc về vấn đề Kurdistan nhấn mạnh đến mối nguy hiểm của việc trao quyền tự trị : Tư tưởng ly khai được xem như là một yếu tố chiến tranh và khủng bố.

Để phân tích mối quan hệ Trung Quốc – Kurdistan, nhà nghiên cứu Didier Chaudet, Viện Nghiên Cứu Pháp về Trung Á, trên tờ Diplomatie (số ra tháng 6-7/2021) tập trung vào mối quan hệ của Bắc Kinh với người Kurdistan tại Irak, một vùng tự trị được Hiến Pháp Irak công nhận.  

Trong hồ sơ này, cũng giống như các hồ sơ Libya, Syria, hay Yemen, Trung Quốc một lần nữa tỏ ra rất thực dụng : Ngay từ năm 2005, người Kurdistan rõ ràng đã trở thành một lực lượng chính trị không thể phủ nhận tại Irak. Mặt khác, vùng lãnh thổ do người Kurdistan kiểm soát tại Irak có nguồn dầu khí  dồi dào. Với sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein, người Kurdistan sở hữu đến 40% nguồn dự trữ dầu hỏa của đất nước.   

Một điểm khác không thể bỏ qua : Việc duy trì quan hệ hữu nghị với Kurdistan ở Irak là một cách thức tốt để gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ, trong trường hợp nước này vẫn có tham vọng về một nhà nước chung cho tất cả các sắc dân nói tiếng Thổ (panturquisme) và hậu thuẫn những phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ.   

Đương nhiên, với những hệ quả tích cực từ sáng kiến « Một vành đai một con đường », việc cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cùng bác bỏ tư tưởng ly khai là một điều quan trọng cho Ankara, nhất là vào lúc mối quan hệ với phương Tây đang lạnh giá. Nhưng mối quan hệ hữu hảo giữa Bắc Kinh và người Kurdistan ở Irak mang lại một sự bảo đảm cho Trung Quốc trong tương lai, nhất là trong trường hợp quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nồng ấm trở lại.   

Cuối cùng, người Kurdistan, tại Irak cũng như ở Syria, đều được Trung Quốc xem như một lực lượng chủ đạo trong cuộc chiến chống quân thánh chiến xuyên quốc gia, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. Bằng chứng cho cách nhìn này là người Trung Quốc hiện diện trong hàng ngũ người Kurdistan Syria để chiến đấu chống quân thánh chiến.   

Thế nên, việc Trung Quốc thiết lập những mối quan hệ thân tình kể từ năm 2005 với những tác nhân chính trị Kurdistan – Irak chính yếu cũng là lẽ thường tình. Người ta có thể nhận thấy, từ năm 2009, đầu tư của Trung Quốc trong các dự án khai thác dầu hỏa cũng như là cơ sở hạ tầng hay như viễn thông đã tăng đều. Năm 2014, vào lúc quân khủng bố Daech hoạt động đặc biệt tích cực tại Irak, Trung Quốc đã mở một tòa lãnh sự ở Erbil, thủ phủ của Kurdistan-Irak, một hình thức bày tỏ tình đoàn kết của Bắc Kinh trước một kẻ thù chung.  

Và cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay, dịch Covid-19, rất có thể cho phép củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương. Trong suốt giai đoạn tháng 3-4/2020, Trung Quốc đã biết cách thể hiện tình liên đới với Kurdistan-Irak : Ngay từ ngày 08/3, chính phủ vùng tự trị đã nhận được 200 ngàn chiếc khẩu trang từ Bắc Kinh. Tiếp đến là các thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, các bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19.   

Các doanh nghiệp Trung Quốc có quan tâm đến khu vực cũng đến hỗ trợ cho Kurdistan-Irak, như cung cấp khẩu trang, bộ xét nghiệm… Tổng lãnh sự Trung Quốc Ni Ruchi đã khôn khéo phô trương sự hậu thuẫn này trên các kênh truyền hình Kurdistan. Và vào lúc đại dịch hoành hành,  Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện kinh tế : Tháng 9/2020, một nhà đầu tư Trung Quốc đã đề nghị Erbil cho xây dựng một điểm du lịch có diện tích rộng không dưới 2000m² trong lòng thủ phủ Kurdistan. Đến tháng Giêng năm 2021, thành phố Erbil chứng kiến lễ khởi công xây dựng một trung tâm thương mại to lớn nhờ vào nguồn tài chính của Trung Quốc.   

Hệ quả là, người Kurdistan ngày càng xem Trung Quốc không còn như là một tác nhân kinh tế xa xôi, mà như là một trong số các cường quốc lớn cần phải sáng suốt xây dựng tình hữu nghị. Bắc Kinh đã khôn khéo gầy dựng ảnh hưởng tại vùng này mà vẫn không gây nguy hiểm cho mối bang giao với chính quyền trung ương Irak. Điều này có được cũng nhờ vào việc chính quyền Donald Trump đã gây thất vọng cho người Kurdistan-Irak khi từ chối ủng hộ họ trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập năm 2017 và tệ hơn nữa là việc bỏ rơi người Kurdistan-Syria !

Bắc Kinh có cách nhìn thế nào về vấn đề người « Kurdistan » ? (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten