maandag 26 juli 2021

Hỏa hoạn vẫn hoành hành dữ dội ở miền tây Hoa Kỳ + Nóng kỷ lục kéo dài, cháy lớn tại Canada và Mỹ : Hậu quả rõ ràng của Biến đổi khí hậu

 

Hỏa hoạn vẫn hoành hành dữ dội ở miền tây Hoa Kỳ

Những cột lửa kinh hoàng lan nhanh ở miền Tây nước Mỹ, vùng Paisley, bang Oregon, ngày 20/07/2020.
Những cột lửa kinh hoàng lan nhanh ở miền Tây nước Mỹ, vùng Paisley, bang Oregon, ngày 20/07/2020. REUTERS - DAVID RYDER

Ở miền tây nước Mỹ, các vụ hỏa hoạn vẫn đang hoành hành dữ dội. Bang California đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì thiên tai tại một số khu vực.

Còn ở bang Oregon, nơi bị tác hại nặng nề nhất với vụ hỏa hoạn kinh hoàng nhất từ hơn 100 năm nay, gió đã đỡ mạnh một chút, mang lại niềm hy vọng là các đám cháy sẽ dịu bớt phần nào. 

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết chi tiết : 

« Từ hôm qua, lực lượng cứu hỏa của Mỹ phải chiến đấu với sáu vụ hỏa hoạn mới phía bờ tây. Như vậy tổng số vụ hỏa hoạn chưa được dập tắt trong vùng lên đến gần 90 vụ. Khu vực bị tác động nặng nhất hiện giờ vẫn là bang Oregon, nơi đang phải đối phó với vụ cháy dữ dội nhất từ hơn một thế kỷ nay. 200.000 hecta đã bị lửa thiêu rụi kể từ ngày 06/07 vừa qua, 2.300 nhân viên cứu hỏa đã được huy động để dập lửa.

Những cơn gió mạnh, khiến công việc của các nhân viên cứu hỏa trở nên khó nhọc hơn, đã dịu bớt đi trong hai ngày qua. Nhà chức trách hy vọng công tác cứu hỏa có thể tiến triển tốt hơn. Tạm thời mới chỉ có một nửa số vụ cháy được khống chế. 

Tại bang California bên cạnh, 8 đám cháy vẫn tiếp tục và lửa đang lan nhanh, đe dọa một số khu dân cư. Hàng ngàn người đã phải di tản trong những giờ qua. Thống đốc Gavin Newsom đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 4 hạt phía bắc của bang.

Trước những vụ hỏa hoạn ngày càng dữ dội và nạn hạn hán xảy ra liên miên năm này qua năm khác trong khu vực, ngày càng có nhiều chuyên gia cảnh báo về những hậu quả và mối nguy hiểm của tình trạng khí hậu bị hâm nóng ».

Hỏa hoạn vẫn hoành hành dữ dội ở miền tây Hoa Kỳ (rfi.fr)

Nóng kỷ lục kéo dài, cháy lớn tại Canada và Mỹ : Hậu quả rõ ràng của Biến đổi khí hậu

Ngọn lửa bùng lên tại các khu phố ở Lytton, miền tây Canada, ngày 30/06/2021.
Ngọn lửa bùng lên tại các khu phố ở Lytton, miền tây Canada, ngày 30/06/2021. via REUTES - 2 RIVERS REMIX SOCIETY

Sau một tuần nóng kỷ lục, bang British Columbia, miền tây Canada, tiếp tục phải đương đầu với nạn cháy rừng. AFP hôm qua, 02/07/2201, ghi nhận hàng chục vụ cháy rừng tại miền tây Canada và vùng California, Hoa Kỳ.

Gần 500 người chết trong đợt nóng kể từ ngày 25/06 tại Canada, ít nhất 16 người chết tại Mỹ. Ngôi làng Lytton, với khoảng 250 dân, cách thành phố Vancouver, Canada, 250 km về phía đông bắc, bị lửa tiêu hủy đến 90%. Lytton là nơi ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục, 49,6°C trong tuần vừa qua, cao hơn gần 5°C so với mức kỷ lục trước đó vào năm 1937. Nhiều nơi tại bang British Columbia nhiệt độ vượt quá 40°C, tức cao hơn 20°C so với nhiệt độ trung bình vào thời điểm này.

Các bang miền tây bắc nước Mỹ, Washington và Oregon cũng ghi nhận mức nóng kỷ lục trong tuần qua. Tại bắc California, một trận cháy rừng lớn thiêu hủy 200 km². Riêng tại British Columbia, Canada, cơ quan quản lý rừng ghi nhận 9 trận cháy lớn, với tổng diện tích hơn 600 km².

Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này là hiệu ứng « vòm nhiệt », khi không khí nóng dưới mặt đất không tỏa đi được do áp suất không khí rất cao ở phía trên, áp suất cao nén xuống không khí bên dưới làm tăng sức nóng tại chỗ. Mức nóng lại càng gia tăng trong bối cảnh khu vực miền tây Canada và Mỹ đang trong giai đoạn khô hạn.

Kể từ thứ Năm, 01/07, hiệu ứng « vòm nhiệt » tiếp tục di chuyển về phía đông Canada, tới các vùng bình nguyên miền trung Canada. Ngoài bang British Columbia, các bang Alberta, Saskatchewan, Manitoba, một phần vùng lãnh thổ tây bắc và cả khu vực phía bắc bang Ontario (miền đông Canada) cũng đang bị đợt nóng này đe dọa.

Hiện ứng « vòm nhiệt » là một hiện tượng khí hậu được giới khoa học biết đến, và không phải là mới với khu vực này. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, đợt nóng đến sớm hơn so với mọi năm và kéo dài. Trả lời Le Monde, nhà khí hậu học Nikos Christidis, cơ quan khí tượng Anh, cảnh báo « nếu không có biến đổi khí hậu do con người, sẽ gần như không thể nào có một kỷ lục nhiệt độ cao như vậy tại miền tây Hoa Kỳ. Xác suất của một kỷ lục nhiệt độ như vậy chỉ là vài chục nghìn năm mới xảy ra một lần ».

Hiện tại, nhiệt độ Trái đất mới tăng quá 1,2°C so với thời tiền công nghiệp, mà các hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện tượng « vòm nhiệt » nói trên đã xảy ra dữ dội và thường xuyên. Giới khoa học về khí hậu nhiều lần nhấn mạnh, nếu nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5°C, các hiện tượng khí hậu bất thường, cực đoan sẽ còn xảy ra dồn dập hơn nữa, với mức độ dữ dội hơn nữa. 

Nóng kỷ lục kéo dài, cháy lớn tại Canada và Mỹ : Hậu quả rõ ràng của Biến đổi khí hậu (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten