dinsdag 20 juli 2021

Thái Lan : Biểu tình đông đảo đòi thủ tướng từ chức vì xử lý dịch bệnh kém + Hệ thống y tế Thái Lan gặp khó khăn trước làn sóng dịch mới

 

Thái Lan : Biểu tình đông đảo đòi thủ tướng từ chức vì xử lý dịch bệnh kém

Biểu tình rầm rộ tại Bangkok ngày 18/07/2021 đòi chính quyền quân sự Thái Lan từ chức.
Biểu tình rầm rộ tại Bangkok ngày 18/07/2021 đòi chính quyền quân sự Thái Lan từ chức. REUTERS - SOE ZEYA TUN

Chủ Nhật, ngày 18/07/2021, hàng ngàn người dân Thái Lan đã xuống đường biểu tình đòi thủ tướng Prayut Chan O Cha phải từ chức vì cách xử lý dịch bệnh kém. Cuộc biểu tình cũng diễn ra đúng dịp kỷ niệm một năm phong trào ủng hộ dân chủ Thái Lan.

Những người biểu tình tố cáo chính phủ trì trệ trong việc cung cấp vac-xin, trong khi đất nước đang phải đối mặt với một làn sóng dịch bệnh Covid-19 tệ hại nhất từ đầu mùa dịch khiến các bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải.

AFP cho biết, cảnh sát Thái Lan đã dùng vòi rồng, đạn cao su và hơi cay để giải tán đoàn người biểu tình.

Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng có 403. 000 ca nhiễm bệnh và 3.341 người chết vì Covid-19. Hôm Chủ Nhật, Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục hơn 11 ngàn người trong vòng 24 giờ, một ngày sau số ca tử vong kỷ lục 141 người.

Từ Bangkok, thông tín viên đài RFI, Carol Isoux tường thuật :

« Bất chấp các hạn chế, phòng ngừa dịch tễ, hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường, và cũng như năm rồi, để đòi thủ tướng từ chức và cải cách nền quân chủ. Lập luận của họ rất đơn giản: Để xử lý một cuộc khủng hoảng dịch tễ có quy mô lớn mà Thái Lan đang trải qua như hiện nay, thì cần một chính phủ có năng lực kỹ thuật và một Hiến Pháp bảo đảm sự minh bạch. Nhưng hai tiêu chí này hiện đã không được đáp ứng bởi vì chính phủ bao gồm các cựu tướng lĩnh và Hiến Pháp chỉ bảo vệ trước tiên các lợi ích của quân đội và Hoàng gia.

Một chiếc máy chém giả, biểu tượng rất được ưa chuộng của phong trào cộng hòa Thái Lan vốn thường kín tiếng, đã bị thiêu rụi ngay giữa dòng người biểu tình. Các cuộc đụng độ kéo dài đến tận 9 giờ tối, giờ giới nghiêm được áp đặt tại thủ đô Thái Lan. Những người biểu tình đã ném các loại gạch đá, đồ vật về phía cảnh sát. Lực lượng này đáp trả lại bằng đạn cao su, vòi rồng và hơi cay.

Phong trào ủng hộ dân chủ Thái Lan từng lên đến cao trào hồi năm 2020, với nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn, để rồi phải chấm dứt do các biện pháp hạn chế dịch tễ và các nhà lãnh đạo của phong trào liên tục bị bắt giữ. »

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210719-th%C3%A1i-lan-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-%C4%91%C3%B2i-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh

Covid-19 : Hệ thống y tế Thái Lan gặp khó khăn trước làn sóng dịch mới

Một điểm xét nghiệm virus corona tại Bangkok, Thái Lan, ngày 08/7/2021.
Một điểm xét nghiệm virus corona tại Bangkok, Thái Lan, ngày 08/7/2021. © Sakchai Lalit/AP

Một số quốc gia châu Á từng quản lý tốt tình hình dịch bệnh khi Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, nay đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, nhất là vì sự lây lan quá nhanh của biến thể Delta. Thái Lan là một ví dụ. AFP hôm nay 09/07/2021 cho biết chính quyền buộc phải tăng cường các biện pháp phòng dịch, trong đó có lệnh giới nghiêm ở thủ đô.

Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :

« Có gần 10.000 ca nhiễm mới mỗi hôm và 75 ca tử vong trong ngày. Những con số về dịch bệnh ở Thái Lan không ngừng tăng, các chuyến đi liên tỉnh giờ gần như bị cấm. Chính phủ đang nói đến việc tái phong tỏa Bangkok trong những ngày sắp tới.

Tình hình trong các bệnh viện ở thủ đô và vùng phụ cận của Bangkok nghiêm trọng đến mức bác sĩ Apisamai, thuộc trung tâm xử lý khủng hoảng Covid-19, kêu gọi người dân đi điều trị ở những nơi khác trong cả nước : “Hiện giờ, tại Bangkok, 90% giường bệnh viện đã được sử dụng. Vì vậy, bộ Y Tế kêu gọi những ai đang làm việc tại thủ đô và dương tính với virus corona trở về thành phố quê nhà để được điều trị. Họ có thể yêu cầu và các bệnh viện sẽ lo việc chuyển họ đi."

Thái Lan không phải là một trường hợp cá biệt. Indonesia, Cam Bốt, Miến Điện và Lào cũng ghi nhận những số liệu dịch tễ cao chưa từng có, chủ yếu do biến thể Delta gây ra. Đây là những quốc gia từng quản lý tốt tình hình vào thời kỳ đầu khủng hoảng hồi năm 2020 bằng cách đóng cửa biên giới rất sớm và rất nghiêm ngặt.

Các nước này đã bị bất ngờ bởi làn sóng thứ 3 này, làn sóng dịch bệnh mà họ không lường trước được. Các quốc gia này không có nhiều ngân sách dành cho chương trình tiêm chủng như các nước phương Tây. Tại Thái Lan, sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng bị chỉ trích trong khi chính quyền vừa mới cho mở cửa biên giới một phần cho những du khách đã tiêm chủng. »

Hàn Quốc hôm nay 09/07 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới thường nhật cao kỷ lục tính từ đầu mùa dịch : 1.316 ca và 2 người tử vong. Tình hình tại vùng Seoul đặc biệt đáng lo ngại, 80% số ca nhiễm mới liên quan tới thủ đô và các vùng phụ cận, buộc chính quyền phải cho áp dụng, kể từ thứ Hai tuần tới 12/07, mức giãn cách xã hội cao nhất, mức 4. Các cuộc tụ tập trên 2 người bị cấm sau 18h, trường học phải tổ chức học từ xa trong vòng 2 tuần, từ ngày 14/07. Người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210709-covid-19-y-te-thai-lan-dich-benh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten