dinsdag 13 juli 2021

Chợ phim quốc tế Cannes đi tìm một mô hình mới cho thời kỳ hậu Covid-19 + Công nghiệp điện ảnh Mỹ Hollywood... thất thu 7 tỷ đô la vì... Corona !

 

Chợ phim quốc tế Cannes đi tìm một mô hình mới cho thời kỳ hậu Covid-19

Phần âm thanh 09:23
Chợ phim quốc tế tại Cannes - khu trưng bày của điện ảnh Israel vắng bóng người. Ảnh ngày 09/07/2021.
Chợ phim quốc tế tại Cannes - khu trưng bày của điện ảnh Israel vắng bóng người. Ảnh ngày 09/07/2021. © RFI Tiếng Việt / Thanh Hà

Năm 2020, 80 % doanh thu của nền công nghiệp điện ảnh Pháp « bốc hơi » vì virus corona. Làng điện ảnh Mỹ mất 2 tỷ đô la sau vỏn vẹn 2 tháng Covid-19 hoành hành tại Trung Quốc và đến cuối tháng 5/2020, thiệt hại lên tới 17 tỷ đô la.Buồn hiu chợ phim Cannes 2021

Làm thế nào để vực dậy nền công nghiệp điện ảnh sau hơn một năm rưỡi bị đại dịch ? Làm thế nào để khán giả quay lại các rạp chiếu phim ? Báo chí liệu có bi quan quá đáng khi cho rằng virus corona có nguy cơ khai tử Hollywood ?

Khách tham quan bất ngờ với những gian trưng bày thưa thớt, gần 3/4 diện tích khu vực bị bỏ trống. Không thấy đại diện của các hãng phim Trung Quốc hay Nhật Bản, Ấn Độ hay Mỹ, Brazil trong khuôn viên này. Khu vực dành cho điện ảnh Tây Ban Nha yên ắng với một vài tấm áp phích trên tường. Gian hàng của Ý cũng vậy. Một quầy giới thiệu phim của Kirghizistan lạc lõng gần gian trưng bày của Israel.

Mới chỉ 2 năm trước, vào tháng 05/2019, chợ phim Cannes là điểm hội ngộ của 12.500 người trong ngành đến từ 122 quốc gia. Chợ phim của Cannes cũng có thảm đỏ để đón những khách mời đến dự hơn 100 cuộc hội thảo. Đây cũng là nơi hơn 850 bộ phim được trình chiếu cho giới chuyên nghiệp qua gần 1.500 xuất chiếu khác nhau. Năm 2019 phá nhiều kỷ lục : Lần đầu tiên, hơn 2.700 bộ phim đã được bán ra trong dịp này, trong số đó có đến 330 bộ phim tài liệu.

Covid-19 giải thích cho sự vắng lặng của khu chợ phim ở Cannes năm nay. Đại đa số các sinh hoạt đều diễn ra qua cầu truyền hình.

Ở mãi tận cùng lối đi trong khu chợ phim là cả một không gian rộng lớn của UniFrance, với sân thượng nhìn ra biển. UniFrance là một hiệp hội được hình thành từ năm 1949, để quảng bá cho nền điện ảnh Pháp với thế giới bên ngoài. Hàng năm vào tháng Giêng, hiệp hội này tổ chức « chợ phim Pháp lớn nhất » tại Paris. Ngoài Cannes, UniFrance hiện diện tại các liên hoan phim uy tín của thế giới từ Toronto đến Berlin, hay lễ hội điện ảnh của Hồng Kông, Los Angeles …

Điện ảnh Pháp không quá tệ

UniFrance đến Cannes lần này trong bối cảnh cả ngành công nghiệp điện ảnh của thế giới đang lao đao. Ở hải ngoại, số khán giả vào rạp xem phim Pháp năm ngoái giảm 70 % so với 2019. Tuy nhiên, trả lời đài RFI Việt ngữ, Gilles Renouard, phó tổng giám đốc UniFrance không quá bi quan. Ông giải thích : Covid-19 đẩy mọi người vào tình cảnh đen tối. Số lượng khán giả vào xem phim đã giảm mạnh, vì rất nhiều rạp chiếu phim trên thế giới đã đóng cửa trong nhiều tuần lễ và nhiều đợt. Dù vậy, vẫn có 13,7 triệu người nước ngoài đi xem phim Pháp (hơn 45 triệu vé vào cửa năm 2019) và điện ảnh Pháp cũng thu về được hơn 86 triệu euro (275 triệu euro năm 2019), Pháp đã xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài được hơn 600 bộ phim, thay vì 869 phim một năm trước đó.

Nhìn kỹ hơn về các hoạt động của UniFrance theo từng khu vực địa lý, Gilles Renouard giải thích : « Phim Pháp hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới và đối với chúng tôi thì khu vực nào cũng quan trọng. Riêng tại châu Á, phim Pháp được đón nhận tốt, đặc biệt là ở Nhật và Hàn Quốc và đôi khi là cả tại Trung Quốc. Đối với Đông Nam Á, nhiều nước đang mở thêm các rạp chiếu phim, trong số này có Việt Nam. Unifrance theo dõi chuyển biến này và muốn đồng hành với họ để điện ảnh có một chỗ đứng xứng đáng tại các quốc gia này ».

Phó giám đốc UniFrance cho biết tiếp vì sao trong năm vừa qua, Pháp đứng khá vững trên thị trường phim quốc tế : « Như tất cả mọi nền điện ảnh trên thế giới, phim Pháp bị ảnh hưởng nhiều dưới tác động của khủng hoảng y tế. Tuy nhiên, do các hãng phim ở Hollywood từ chối cho phát hành vào thời điểm khó khăn này, đây cũng là cơ hội đối với điện ảnh Pháp. Tại nhiều nơi trên thế giới, các rạp chiếu phim vẫn được hoạt động và họ cần có phim để phục vụ công chúng. Cũng phải nói thêm là trong hơn một năm rưỡi qua, các phim trường của Pháp vẫn hoạt động và nhờ vậy vẫn có phim mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phân phối cho các đối tác nước ngoài. Thêm vào đó, các hãng phim Pháp đã có những bước chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19 ».

Qua phim ảnh Pháp là hình ảnh của nước Pháp

Thể loại nào của phim Pháp có sức thu hút hơn cả ? Gilles Renouard, thuộc hiệp hội UniFrance, trả lời : « Xu hướng hiện tại là đa dạng hóa các thể loại phim, phim kinh dị cũng có, phim hoạt họa cũng có và nhu cầu về phim nhẹ nhàng giải trí hiện đang rất lớn. Đức hay Nga rất ưa chuộng loại phim giải trí của Pháp. Còn khách hàng châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản hay Hàn Quốc thì thị hiếu hướng về thể loại phim có chọn lọc một chút và đó cũng có thể là những bộ phim mang tính chất thử nghiệm. Chẳng hạn như ngay sau thành công của bộ phim Chân dung một cô gái bốc lửa do Céline Sciamma thực hiện, tất cả những tác phẩm khác của Sciamma cũng đã được phân phối hết cho các đối tác Á châu. Thành công đó là một cú hích cho điện ảnh Pháp. Về phía thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy thị hiếu của khán giả ở đây thiên về những bộ phim giải trí nhẹ nhàng, phim để cả nhà cùng có thể xem được ».

Ông Renouard cũng nói rõ hơn về sức hấp dẫn của điện ảnh Pháp trong mắt các nhà phân phối ngoại quốc : « Lợi thế đầu tiên của điện ảnh Pháp là tài năng, ở đây tôi muốn nói đến cả một thế hệ mới, từ các diễn viên đến đạo diễn, kỹ thuật viên, nhiếp ảnh gia. Họ đang mang lại một làn gió mới trên các phim trường. Họ là những sứ giả đưa điện ảnh của Pháp ra thế giới bên ngoài.

Có rất nhiều đạo diễn Pháp được mời công tác ở ngoại quốc và đó cũng là một kênh đắc lực đưa phim Pháp bay cao, bay xa. Lợi thế nhứ nhì là môi trường làm phim được Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia bảo trợ rất đắc lực. Sự bảo trợ đó bao gồm từ tài chính đến việc khuyến khích các nhà phân phối tham gia vào khâu sản xuất. Lợi thế thứ ba là phim ảnh Pháp gợi lên cho khán giả hình ảnh của nước Pháp, văn hóa Pháp. Do vậy, phim Pháp rất dễ chinh phục các đối tác nước ngoài ».

Thu hút trở lại chú ý của công chúng

Nhưng câu hỏi quan trọng nhất có lẽ là nền công nghiệp điện ảnh Pháp cần làm những gì để chinh phục trở lại khán giả một khi các rạp chiếu phim mở cửa trở lại ? Và liệu rằng sau đại dịch, công chúng có còn hăng hái đi xem phim nữa hay không ? Gilles Renaourd phân tích : « Mục tiêu đặt ra ở đây là, cùng với các đối tác nước ngoài của UniFrance, khởi động lại các chương trình công chiếu phim ảnh của Pháp. Chính vì vậy năm nay vào dịp Quốc Khánh 14 tháng 7, mà người Anh, Mỹ gọi là ngày Bastille Day, chúng tôi tổ chức chiếu phim Pháp liên tục trong 24 giờ tại 60 quốc giả khác nhau. Đây nhất loạt là những bộ phim mới lần đầu đến với khán giả ở Munich, Berlin, Tokyo hay Sao Paulo. Chúng tôi muốn đưa điện ảnh đến gần nhất với khán giả ở mọi nơi vào thời điểm các rạp chiếu phim mở cửa trở lại.

Ngoài ra trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi đã phải thích nghi với tình huống và thay đổi hoàn toàn cung cách hoạt động. Nghề của chúng tôi là phải đi ra nước ngoài, phải tiếp xúc với các nhà sản xuất, với các đoàn phim, với các nhà phân phối : virus corona ngăn cản chúng tôi làm tất cả những công việc đó. Covid-19 hạn chế đáng kể số khán giả vào xem phim, một phần các rạp chiếu phim ngưng hoạt động trong nhiều tuần lễ, thậm chí là nhiều tháng. Chúng tôi bắt buộc phải tìm ra những kênh mới để đưa phim ảnh đến với đại chúng. Unifrance đã tổ chức hàng loạt các sự kiện qua video, thực hiện các cuộc phỏng vấn, giao lưu qua cầu truyền hình. Thậm chí, chúng tôi thực hiện cả những đoạn phim quảng cáo và phổ biến qua mạng.

Do các rạp chiếu phim bị đóng cửa, chúng tôi cũng đã chuyển hướng khuyến khích xem phim qua màn ảnh nhỏ trong khi chờ đợi phim lại được chiếu ở rạp … Nhưng mong muốn sau cùng thì vẫn là đưa khán giả trở lại các rạp chiếu phim ».

Tiêu điều làng Hollywood

Nhìn sang kinh đô của nghệ thuật thứ 7 thế giới, virus corona cướp mất hào quang của Hollywood. Tháng 11/2020, hãng phim Disney thông báo sa thải 32.000 nhân viên trên thế giới, chủ yếu là nhân viên trong các trung tâm giải trí. Trước đó, những tên tuổi như MGM, Paramount cũng đã chia tay với một phần cộng tác viên. Theo thông tin từ trang mạng Dot.la của thành phố Los Angeles, có từ 120.000 đến 150.000 nhân viên phục vụ trong các phim trường bị cho thôi việc. Các nhà sản xuất làm ăn thua lỗ. Báo Hollywood Reporter tháng1/2021 ghi nhận « Tính đến 13/03/2020 công nghiệp điện ảnh Mỹ thua thất thu 7 tỷ đô la » do các rạp chiếu phim tại nhiều nước trên thế giới đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Với đà này, đến cuối tháng 5/2020, thiệt hại lên tới 17 tỷ đô la. Trong trường hợp virus corona kéo dài thì « những kịch bản đen tối nhất là một thực tế ».

Vài tuần trước liên hoan Cannes, chủ nhân rạp Cinerama Dome, một biểu tượng của làng điện ảnh Mỹ tại thành phố Thiên Thần, thông báo vĩnh viễn đóng cửa các rạp chiếu phim Pacific Theatres vì lý do tài chính.

Có tin đồn là các nhà phân phối Netflix, hay hãng phim Disney và thậm chí là tập đoàn Apple sẽ mua lại Cinerama Dome. Tuy nhiên, theo giáo sư Gene del Vecchio, đại học Nam California, thật là bất công nếu đổ tất cả trách nhiệm cho Covid-19, bởi trước đại dịch, « các rạp chiếu phim ở Mỹ đã trong tình trạng tài chính khó khăn », virus corona chỉ là một đòn chí tử trong bối cảnh các nhà sản xuất liên tục đi tìm lợi nhuận và các tập đoàn cung cấp như Netflix ngày càng trong thế mạnh để khai tử màn ảnh lớn. Đó là mối họa thứ nhì, nguy hiểm không kém virus corona, mà Hollywood đang phải đối mặt.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20210713-ch%E1%BB%A3-phim-cannes-%C4%91i-t%C3%ACm-m%E1%BB%99t-m%C3%B4-h%C3%ACnh-h%E1%BA%ADu-covid-19

Geen opmerkingen:

Een reactie posten