donderdag 22 juli 2021

Kiến trúc « hàng nhái » và tác động lên thẩm mỹ đô thị

 

Kiến trúc « hàng nhái » và tác động lên thẩm mỹ đô thị

Phần âm thanh 09:15
Du khách tham quan và chụp ảnh trước mô hình Tháp Eiffel trong Khuôn Viên Thế Giới, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 02/05/2015.
Du khách tham quan và chụp ảnh trước mô hình Tháp Eiffel trong Khuôn Viên Thế Giới, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 02/05/2015. AP - Andy Wong

Bước vào mùa du lịch, dư luận được thu hút bởi sự xuất hiện trên Đảo Ngọc, Phú Quốc, hai khu tổ hợp lớn vui chơi thương mại, nhà nghỉ du lịch mới lạ và được quảng cáo là « siêu dự án » có một không hai, khu mua sắm giải trí "không ngủ". Nhưng đặc biệt nhất là phong cảnh và kiến trúc nơi đây sao chép lại các địa danh du lịch nổi tiếng như Venise, Mallorca, Thượng Hải, làm dấy lên những bàn luận khen chê nhiều mặt.


Đô thị hay khu giải trí ?

Đầu tiên, cần phân biệt sự khác nhau giữa khu vui chơi với khu đô thị. Các khu du lịch như Bà Nà ở Đà Nẵng, hay Grand World mới khai trương ở Phú Quốc, là những tổ hợp với mục đích giải trí, kinh doanh. Ở đó, du khách sẽ thăm quan các khu vực với hình thức kiến trúc sao chép, "bê nguyên", tái hiện nhiều cảnh quan nơi khác, thời kỳ khác. Một ví dụ tiêu biểu trong loại hình này là các công viên Disney trên thế giới. Ở châu Âu, tại Đức có Europa Park tái hiện kiến trúc các thành phố châu Âu, Aventura World ở Tây Ban Nha quy tụ các kiến trúc nổi tiếng 5 châu lục ... Các khu giải trí theo chủ đề này thường nằm biệt lập,  trong một quần thể công viên khép kín.

Trong khi đó, một khu phố lại mang chức năng là nơi ở, làm việc và cấu thành một bộ phận của cảnh quan đô thị. Vì vậy, hình thức kiến trúc cần hài hoà với bộ mặt chung của khu vực, thành phố đó. Những công trình xây dựng này cần tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế, định hướng quy hoạch có sẵn cho khu vực đó. Việc thẩm định, đánh giá về thẩm mỹ hay tác động của công trình, không chỉ bởi các nhà chức trách, mà có thể là bởi cả công chúng. Đối với những công trình lớn, quan trọng hay ở những vị trí trọng yếu, ban tổ chức thậm chí còn có các cuộc thi, trưng bày lấy ý kiến cộng đồng. 

Tuy vậy, từ hơn chục năm trở lại đây, xuất hiện một dạng đô thị tổ hợp, quy tụ hai loại hình trên. Tiêu biểu ở một số nước đang phát triển mạnh về bất động sản, như Trung Quốc và cả ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, người ta cho xây dựng một phiên bản tháp Eiffel, kiến trúc Haussman hay cung điện Versailles ở thành phố Thiên Đô, Hàng Châu, một London Brigde ở Tô Châu, làng cổ Hallstaff ở Quảng Đông ... Ở Việt Nam, với quy mô nhỏ hơn, ở thời kỳ đầu những năm 2000 ra đời hàng loạt khu đô thị mang phong cách “châu Âu” : Ciputra san sát những toà nhà chắp ghép nhiều ngôn ngữ kiến trúc, The Manor với kiến trúc phỏng châu Âu kiểu mái Mansard Pháp, nhưng lại là những toà cao ốc vài chục tầng.

Tiếp đó, trào lưu này được nâng tầm thành những khu đô thị đa chức năng, sao chép một thành phố nổi tiếng trên thế giới:  Mallorca theo phong cách Tây Ban Nha , Sun Onsen lại là “khu làng Nhật bản”, Sun Grand City theo phong cách Venise Địa Trung Hải ... Các kiến trúc này tạo một quần thể như một “tiểu đô thị” khép kín, ít sự kết nối với các khu lân cận. Chúng mọc lên như một mảnh ghép xa lạ, không chỉ về hình thức, mà còn cả về cấu trúc, tách biệt với mạng lưới hiện hữu. 

Như vậy, với người sử dụng, từ nhu cầu giải trí để “du lịch tại chỗ”, đã hình thành một kiểu lựa chọn nhà ở như được sống ở nước ngoài ngay trên quê hương. Từ góc nhìn của nguời quản lý, nhà quy hoạch, thiết kế kiến trúc, sự sao chép đã vượt quá phạm vi giải trí, trở thành một phần của đô thị. Khi đó, giá trị thẩm mỹ và tổ chức của nó cần có tính tương tác và hài hoà với cảnh quan cũng như mạng lưới đô thị chung. Có nhiều câu hỏi được đặt ra để tìm một cách hiểu, tiếp cận và ứng xử với loại hình xây dựng này.

Sao chép, cóp nhặt có phải một nhu cầu xã hội ?

Nhìn rộng ra, nhu cầu được khám phá, trải nghiệm và sở hữu những thứ mới lạ, hiếm có, là nhu cầu thường thấy của con người. Cũng một phần nhờ nó mà người xưa khai khẩn, tìm ra những vùng đất mới, thúc đẩy văn minh nhân loại, trao đổi học hỏi nhau về các sản vật địa phương, hiểu biết nghề. Tính đa dạng văn hoá và cảm hứng nghệ thuật cũng nhiều khi có được nhờ những giao thoa này.  

Trong quy luật đó, kiến trúc cũng không phải là ngoại lệ. Đầu thế kỷ 20, Pháp tổ chức thường niên những đợt triển lãm Thuộc địa, tái hiện một cách quy mô, nguyên mẫu những tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của các vùng thuộc địa. Một phần các công trình này còn được giữ lại đến ngày nay để du khách tham quan. Từ giữa thế kỷ 19, các triển lãm quốc tế đầu tiên quy tụ các tiến bộ công nghiệp của các đại diện tham gia, dần dần chuyển thành triển lãm các kiến trúc tiêu biểu (Expo universelle) của mỗi quốc gia. Đến nay, triển lãm kiến trúc toàn cầu được tổ chức 5 năm một lần, mỗi đợt kéo dài nhiều tháng trời và thu hút khách tham quan từ khắp thế giới.  

Không chỉ được thưởng lãm với sự hiếu kỳ, nhiều kiến trúc quốc tế được tái hiện, sao chép qua nhiều thời kỳ trong lịch sử. Nó có thể bắt nguồn từ những nhóm người di cư, muốn tái hiện một góc quê nhà tại miền đất mới, như thành phố New Orléans (bang Louisiane) là một góc Pháp giữa lòng nước Mỹ, hay khu phố Sài Gòn ở quận Cam, khu phố Trung Hoa ở Sài Gòn, những kiến trúc biệt thự Pháp được xây dựng tại Đà Lạt. Mặt khác, sự mến mộ phong cảnh, nghệ thuật của một vùng đất, thời kỳ lịch sử khác nhau cũng là một nguồn gốc của sự vay mượn.

Pháp cũng là một trong nhiều quốc gia ưa chuộng văn hoá và cảnh quan vườn Nhật. Nhiều khu vườn tại Pháp tái hiện một góc Nhật Bản trong cách bài trí, các loài thực vật và kiến trúc. Toà lâu đài quốc gia Pena Sintra ngoại vi thành phố Lisboa ở Bồ Đào Nha, do vua Ferdinand II cho xây dựng, cũng là một sự chắp ghép đa dạng tinh hoa các phong cách kiến trúc, họa tiết trang trí, màu sắc và chất liệu của nhiều nền văn hoá trên thế giới.

Có thể thấy, việc sao chép, tái hiện kiến trúc một nơi khác, nhiều phần nằm trong một nhu cầu mở rộng văn hoá, lưu giữ, trải nghiệm cái đẹp bốn phương hay gợi hồi ức nơi chốn. Việc các nhà đầu tư chọn nó như sự đa dạng hoá loại hình sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của một bộ phận dân cư, là một thực tế của thị trường. Tuy nhiên, thành quả của sự sao chép ấy, có giá trị thẩm mỹ và có hài hoà với bối cảnh hay không lại phụ thuộc vào việc nó được thiết kế và thực hiện một cách kỹ lưỡng, chọn lọc hay cẩu thả, dễ dãi. 

Từ vay mượn, có thể trở thành bản sắc ?

Được thử thách bởi thời gian, những kiến trúc vay mượn, ngoại lai ấy nếu phù hợp, đi vào đời sống, sẽ được gìn giữ, dần trở thành một thành phần của bộ mặt đô thị. Cao hơn nữa, vay mượn trên tinh thần học hỏi và chắt lọc, đổi mới trên nền tảng đó, sẽ tạo ra những kiến trúc bản địa mới. Các công trình đó có thể khẳng định giá trị thẩm mỹ nhất định.

Phong cách kiến trúc Romain chịu ảnh hưởng đậm nét của kiến trúc Hy Lạp cổ đại, đặc biệt trong tỉ lệ thức cột. Phong cách này sau đó được sao chép nhiều nhất trong trường phái Tân Cổ điển thế kỷ 18-19, trên khắp các quốc gia châu Âu và Mỹ, làm hình thức cho các toà nhà hành chính, tôn giáo lớn. Cần phải nhấn mạnh là sự sao chép này có tính kế thừa và sáng tạo, nên giá trị kiến trúc của nó có vị trí riêng. Thậm chí chính các “bản sao” trở thành một phong cách riêng, nổi tiếng không kém nguyên mẫu.

Ngay tại Việt Nam, tiếp nối những công trình kiến trúc thuần Pháp như Nhà Hát Lớn Hà Nội, theo phong cách Nhà hát Opera Garnier Paris, thế hệ các toà nhà kiến trúc Đông Dương ra đời. Phong cách này kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật xây dựng hiện đại thời bấy giờ của Pháp với đường nét trang trí truyền thống và khí hậu Việt Nam. Đó là tổng hoà của kết cấu bê tông cốt thép, chi tiết sắt uốn, cửa kính lớn, với vật liệu địa phương như gạch gốm, chạm khắc gỗ. Lớp mái chồng diêm nhiều tầng, đỡ bằng hệ con sơn gỗ lấy âm hưởng của kiến trúc mái đình chùa. Các cửa sổ cửa chớp cao, có ô thông gió trên sát mái,  hàng hiên rộng hay tầng mái vươn xa che chắn mưa nắng, được tính toán phù hợp khí hậu nóng ẩm. 

Tiêu biểu như những công trình trường Viễn Đông Bác Cổ (bảo tàng Luis Finot, nay là bảo tàng Lịch Sử), trường Đại Học Dược ở Hà Nội, hay Bưu điện thành phố, bảo tàng Mỹ Thuật, trường Petrus Ký ở Sài Gòn (trường Lê Hồng Phong ngày nay) ... Một thế hệ kiến trúc sư người Việt đầu tiên được đào tạo từ trường Mỹ Thuật Đông Dương, đã tiếp tục thiết kế và phát triển phong cách này trong các công trình kiến trúc dân dụng ra đời sau đó.

Đừng để nghèo đi những vốn quý

Tìm tòi những tinh tuý kiến trúc bốn phương cần phải giúp làm giàu thêm cho gu thẩm mỹ của công chúng, phong phú thêm chất liệu cho người thiết kế. Còn nếu chỉ dừng ở lớp vỏ bọc, sao chép hời hợt, khiên cưỡng, thậm chí cẩu thả, thì sẽ tạo những sản phẩm kém chất lượng. Hiện tượng này có thể thấy ở một số dự án ở Việt Nam, đó là sự xem nhẹ người sử dụng và thể hiện sự kém hiểu biết về vẻ đẹp của nguyên mẫu.

Mặt khác, nếu những sản phẩm kiến trúc chỉ chú trọng chạy theo đáp ứng những nhu cầu mới lạ, những phong cách ngoại lai, thì sẽ ít có cơ hội ghi nhận, chắt lọc những vẻ đẹp, tinh hoa của kiến trúc bản địa. Đó là những nếp nhà truyền thống, những kiểu trang trí, vật liệu ... Chúng đã tồn tại và thân quen với vùng đất và con người qua nhiều thế hệ và các nghề thủ công truyền thống. Rất nhiều có thể bị lãng quên, chôn vùi dưới những thảm cỏ sân golf xanh mướt, những kiến trúc Tây Âu kiêu kì, và dưới bước chân chớp nhoáng của người phương xa.

Thậm chí, trong công cuộc xây dựng như vũ bão, khâu hoạch định nhiều khi lơi là tính toán những hệ luỵ xã hội, những tác động đột ngột của một khu đô thị rộng lớn, hàng ngàn người sử dụng, đối với đời sống, môi trường và hệ sinh thái địa phương, đặc biệt ở các khu vực thiên nhiên vốn còn hoang sơ, như hàng loạt những dự án phức hợp vui chơi, đô thị gần đây dấy lên nhiều phản ứng của công luận - khắp từ khu du lịch Tam Đảo ở miền Bắc, rồi sân golf ở Tây Nguyên, đến đô thị lấn biển Cần Giờ phía Nam. Như vậy, tưởng chừng chúng ta giàu lên nhờ cóp nhặt thêm nét đẹp, xây thêm hiện đại đẳng cấp, nhưng lại vô hình chung làm nghèo đi nhiều giá trị vốn có. 

Để tránh những sai lầm và nguy cơ đó, sự lưu tâm cần phải đến từ mọi nhân tố. Nhà quản lý có tầm nhìn vĩ mô và dài hạn, không chỉ thấy những lợi ích đầu tư ngắn, mà hài hoà gìn giữ bản sắc và môi sinh bền vững. Khách hàng nâng cao thị hiếu, đánh giá sản phẩm theo những tiêu chí có chiều sâu thẩm mỹ, ít ô nhiễm phá huỷ tự nhiên, trân trọng giá trị và di sản địa phương hơn. Và người thiết kế, nhờ thế có cơ hội để sáng tạo những sản phẩm mang giá trị tương xứng, được giữ đúng vai trò những người có chuyên môn, làm ra cái đẹp, tham gia định hướng thẩm mỹ xã hội. Có như vậy, bộ mặt mỗi đô thị sẽ bớt phải vay mượn những dáng hình xa xôi, và có cơ hội tìm ra bản sắc cho riêng mình.

Kiến trúc « hàng nhái » và tác động lên thẩm mỹ đô thị - Tạp chí xã hội (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten