Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ : Pháp điều tra 4 tập đoàn dệt may
Đăng ngày:
AFP ngày 01/07/2021 dẫn một nguồn tin tư pháp cho biết văn phòng công tố chống khủng bố quốc gia Pháp (Pnat) hồi cuối tháng 6/2021, đã mở cuộc điều tra về việc « chứa chấp tội ác chống nhân loại » nhắm vào bốn tập đoàn dệt may lớn thế giới.
Đây là lần đầu tiên tư pháp Pháp điều tra về chính sách trấn áp thẳng tay những cộng đồng thiểu số Hồi Giáo tại Trung Quốc, gồm người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh và Kyrgyz. Cuộc điều tra được tiến hành theo đơn kiện được hai tổ chức phi chính phủ (le collectif Éthique sur l’étiquette, Viện Duy Ngô Nhĩ Châu Âu - IODE) và một nạn nhân thoát khỏi trại cải tạo nộp tại Paris vào đầu tháng 04/2021.
Trả lời RFI ngày 01/07, bà Dilnur Reyhan, chủ tịch Viện Duy Ngô Nhĩ Châu Âu (Institut d’Ouïghour d’Europe), bên nguyên đơn, cho biết :
« Có 12 thương hiệu bị nhắm đến, đặc biệt như Uniqlo, Zara, Skechers… thuộc sở hữu của 4 tập đoàn lớn thế giới. Người ta nghi ngờ họ có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với việc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Họ đã lợi dụng, làm giàu nhờ sử dụng lao động cưỡng bức và chính sách diệt chủng mà Trung Quốc tiến hành để tạo điều kiện cho các tập đoàn đa quốc gia cùng làm giàu, cùng lợi dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Đó là những người bị giam trong những trại tập trung nhưng cũng có những người Duy Ngô Nhĩ sống ngoài trại và bị chính quyền điều đi nơi khác như những « nô lệ » để làm việc trong những nhà máy của chính quyền dưới sự kiểm soát của cảnh sát ».
Cụ thể, bốn tập đoàn dệt may bị nhắm đến gồm chi nhánh Uniqlo Pháp, tập đoàn Nhật Bản Fast Retailing, Inditex (sở hữu các thương hiệu Zara, Bershka, Massimo Duti), SMCP (Sandro, Maje, de Fursac…) và nhà sản xuất giầy thể thao Skechers. Bên nguyên đơn cáo buộc những tập đoàn này lợi dụng bông giá rẻ do các nhà máy sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương cung cấp.
Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ : Pháp điều tra 4 tập đoàn dệt may (rfi.fr)
Các thương hiệu lớn bị tố cáo dùng lao động khổ sai Duy Ngô Nhĩ
Đăng ngày:
Trung Quốc đã chuyển hàng chục ngàn người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại lao cải đến lao động tại các nhà máy phục vụ cho ít nhất 80 thương hiệu lớn nhất thế giới. Trong một báo cáo chi tiết được công bố hôm nay, 02/03/2020, một trung tâm tham vấn Úc đã tố cáo sự kiện nói trên.
Theo Viện Chiến Lược Chính Trị Úc ASPI, từ năm 2017 đến 2019, hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ, bị giam giữ ở vùng Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc, đã bị đưa đến các nhà máy “thuộc chuỗi cung ứng của 83 thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới về công nghệ, dệt may và xe hơi”.
Bản báo cáo 56 trang nêu rõ các thương hiệu trong ngành điện tử như Apple, Sony, Samsung, Microsoft, Nokia..., ngành dệt may như Adidas, Lacoste, Gap, Nike, Puma, Uniqlo, H&M..., hoặc các hãng xe hơi như BMW, Volkswagen, Mercedes-Benz, Land Rover, Jaguar...
Danh sách cũng bao gồm các tập đoàn lớn của Trung Quốc. Ngoài các hãng xe hơi, còn có các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Haier, chuyên sản xuất các thiết bị gia dụng, Hoa Vi hay Oppo trong ngành điện thoại thông minh.
Theo hãng tin Pháp AFP, chính quyền Trung Quốc đang thi hành một chính sách an ninh tối đa ở Tân Cương để đối phó với tình trạng bạo lực thường được quy cho các thành phần ly khai Duy Ngô Nhĩ.
Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh đã giam giữ ít nhất một triệu người Hồi Giáo ở Tân Cương trong “các trại lao cải”. Trung Quốc phủ nhận con số này và khẳng định các trại này chỉ là những “trung tâm huấn nghệ” nhằm tạo công ăn việc làm và chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện ASPI, những người lao động Duy Ngô Nhĩ bị chuyển đến các nhà máy ở nơi khác tại Trung Quốc đều bị tước quyền tự do và bị buộc phải làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ.
Viện ASPI tố cáo : “Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ những người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động trong chuỗi sản xuất của họ, và như vậy là đang vi phạm luật cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức”.
Báo cáo kêu gọi các tập đoàn có liên can mở ngay các cuộc điều tra về sự tôn trọng quyền con người trong các nhà máy cung ứng cho họ ở Trung Quốc, bao gồm cả các cuộc thanh tra và kiểm toán độc lập và chặt chẽ.
Chính quyền Trung Quốc từng chính thức thừa nhận đã chuyển “lực lượng lao động dư thừa” từ Tân Cương sang các vùng khác nhân danh cuộc chiến chống đói nghèo.
Các thương hiệu lớn bị tố cáo dùng lao động khổ sai Duy Ngô Nhĩ (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten