donderdag 22 juli 2021

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mềm hơn với Nga, để rắn hơn với Trung Quốc

 

Biden mềm hơn với Nga, để rắn hơn với Trung Quốc

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Diễn đàn Kinh tế St Peterbourg, Nga, ngày 06/06/2021.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Diễn đàn Kinh tế St Peterbourg, Nga, ngày 06/06/2021. © Dmitri Lovetsky/Pool via REUTERS

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nắm quyền đã nửa năm. Nửa năm đầu tiên cũng là thời gian cho phép nguyên thủ Mỹ xác lập đường lối căn bản trong đối ngoại, đặc biệt với Nga và Trung Quốc.


Chính sách của Biden có gì khác so với chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. RFI tiếng Việt xin giới thiệu góc nhìn của chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ Ian Bremmer (*), đăng tải trên trang mạng l’Echo (Bỉ), ngày 17/07/2021, với nhan đề « Pourquoi Joe Biden prend des gants avec la Russie mais sort les griffes face à la Chine » (« Vì sao Joe Biden nhũn nhặn với Nga, nhưng lại giương móng với Trung Quốc »). Nhà chính trị học Ian Bremmer là chủ tịch và người sáng lập viện Eurasia Group, chuyên nghiên cứu và tư vấn về chính trị quốc tế, có trụ sở tại New York.

***

1/ Nhà nghiên cứu Mỹ có nhận định chung gì về chính sách của chính quyền Biden với Nga và Trung Quốc ?

Ông Ian Bremmer lưu ý trước hết đến ấn tượng chung trong công luận tại Hoa Kỳ trước đây về vấn đề này. Theo ông, nhìn chung, mọi người đã từng thống nhất với nhau là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump có thái độ « hết sức cứng rắn với Trung Quốc, và ngược lại mềm dẻo lạ lùng với Nga ». Nhiều chuyên gia chỉ trích ông Trump về « cuộc chiến thuế » với Bắc Kinh « quyết liệt đến mức có hại cho chính lợi ích của nước Mỹ ». Một số người khác cũng khẳng định là Trump và Putin thân thiết « như thể hai ngón tay của một bàn tay ».

Khi Joe Biden đắc cử tổng thống, cũng cùng các chuyên gia nói trên dự báo là tân tổng thống sẽ thay đổi chiến lược này, với dự đoán là Biden sẽ tỏ ra mềm dẻo với Trung Quốc hơn, để gia tăng cơ hội cho một quan hệ song phương hứa hẹn là sẽ tốt đẹp hơn. Đối với Nga, người ta dự đoán là chính quyền Biden sẽ lên án mạnh mẽ Putin về can thiệp bầu cử Mỹ, và các cuộc tấn công tin tặc đòi tiền chuộc nhắm vào nhiều công ty Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhà chính trị học Mỹ Ian Bremmer nhấn mạnh rằng, nếu đối chiếu với thực tế, các phân tích như trên đã tỏ ra « hoàn toàn lỗi thời » : « Biden rõ ràng là cứng rắn với Trung Quốc hơn nhiều so với Trump và mềm mỏng hơn nhiều với Putin và chính quyền Nga ».

2/ Căn cứ vào những gì để nhận định là Biden cứng rắn hơn với Trung Quốc so với Trump ?

Ian Bremmer lần lượt xem xét các bằng chứng. Nhà chính trị học Mỹ ghi nhận là, sau khi mời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mar-a-Lago dùng bữa, ông Donald Trump đã nghe theo lời khuyên của một trong các cố vấn, cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, siêu cường đang lên. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn với Bắc Kinh của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ chỉ tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực.

Thứ nhất là « thâm hụt thương mại » và thứ hai là cạnh tranh công nghệ, đặc biệt với các siết chặt nhắm vào tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã không lên án gì nhiều về những xâm phạm nhân quyền tại Trung Quốc, cụ thể là các nạn nhân người Hồi giáo ở Tân Cương, « ngoài một vài trừng phạt mang tính tượng trưng », và việc tăng cường kiểm soát một số mặt hàng xuất khẩu. Chính quyền Trump cũng « không làm gì nhiều để siết chặt quan hệ với các đồng minh châu Á và châu Âu để thảo ra một chiến lược chung có phối hợp, nhằm ngăn chặn các hành xử ngày càng hung hãn hơn của Trung Quốc ở ngoài biên giới ».

Về phần mình, ông Joe Biden coi Trung Quốc là « mối đe dọa toàn cầu, chính và chủ yếu đối với nền dân chủ, các quyền tự do, và an ninh quốc gia ». Chính quyền Biden « tiếp tục cuộc chiến về thuế » với Bắc Kinh của chính quyền tiền nhiệm. Các trừng phạt và mức thuế trước đây vẫn được duy trì nhằm giữ thế mạnh trong các thương lượng với Trung Quốc về các lĩnh vực khác, kiểm soát hải quan thậm chí được tăng cường.

Ian Bremmer nhấn mạnh đến hàng loạt khác biệt về chính sách Trung Quốc của hai tổng thống. Trump phàn nàn về việc Trung Quốc đánh cắp việc làm của nước Mỹ, Biden khởi động chương trình « Buy American » để cổ vũ các doanh nghiệp đưa việc làm về nước. Về đại dịch Covid-19, Trump lên án Bắc Kinh, gọi virus gây bệnh là « virus Trung Quốc », Biden thúc đẩy một cuộc điều tra chính thức về giả thiết « virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ».

Nhà chính trị học cũng nhắc lại cuộc gặp đầu tiên Donald Trump – Tập Cận Bình vào đầu nhiệm kỳ của ông Trump, giống như cuộc hội ngộ giữa những bạn hữu tại vùng Florida đầy nắng ấm, trong lúc chính quyền Biden trong những tháng cầm quyền đầu tiên, đã tổ chức buổi làm việc với nhóm thành viên « Bộ Tứ chống Trung Quốc » (gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) trước cuộc đối thoại với đoàn Trung Quốc tại vùng Alaska lạnh giá. Đối với chính quyền Biden, kỷ nguyên hợp tác với Trung Quốc đã hoàn toàn khép lại.

3/ Tại sao nói Biden mềm mỏng với Putin hơn Trump ?

Để đánh giá đúng chính sách với Nga của hai chính quyền Donald Trump và Joe Biden, theo tác giả, cần đặc biệt chú ý không lầm lẫn giữa các tuyên bố và các hành động thực. Donald Trump đã « nói nhiều điều tích cực » về tổng thống Nga, nhưng vấn đề là chính phủ của ông Trump và phe Cộng Hòa tại Quốc Hội lại liên tục có lập trường cứng rắn với Nga (để chống lại các hành xử hung hãn của Nga). Nhiều trừng phạt Nga đã được đưa ra trong nhiệm kỳ Trump.

Chính tổng thống Trump đã phản đối dự án dẫn khí đốt Nord Stream 2, có tầm quan trọng chiến lược với Nga. Chính quyền Trump phê chuẩn bán tên lửa chống tăng cho Ukraina, mà đích ngắm đầu tiên là xe tăng Nga. Trump cũng cho tăng cường các lực lượng Mỹ ở khu vực đông Âu, chủ yếu là để làm hài lòng tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, bảo thủ, chống người đồng tính), « người hâm mộ Trump và là đối thủ của Putin ». Ông Donald Trump cũng rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận tên lửa tầm trung với Nga, và từ chối triển hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược START.

Hành xử của đương kim tổng thống Mỹ có phần ngược lại. Trong lúc gọi thẳng Putin là « kẻ giết người », chính quyền Joe Biden lại có thái độ kiềm chế với Nga hơn nhiều so với chính quyền tiền nhiệm. Triển hạn hiệp ước về vũ khí chiến lược, dỡ bỏ các trừng phạt với dự án Nord Stream 2 là các biện pháp giảm căng thẳng. Trong cuộc hội kiến với nguyên thủ Nga tại Genève, Joe Biden đã quyết định « duy trì quan hệ hữu nghị » bất chấp các tấn công tin tặc, và việc Matxcơva ủng hộ Belarus trong vụ chặn máy bay châu Âu bắt đối lập. Tóm lại, chính quyền Biden muốn tạo quan hệ ổn định hơn với Nga, nhằm tập trung vào các thách thức từ Trung Quốc.

Theo chính trị gia Iam Bremmer, chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc nói trên của chính quyền Biden cũng là để đáp ứng các thách thức của tình hình mới. So với cách nay bốn năm, chính quyền Bắc Kinh đã ngày càng trở nên hung hãn hơn, với cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ Hồng Kông, đàn áp ở Tân Cương, áp lực quân sự với Đài Loan, các tiến bộ nhanh chóng về công nghệ. Tình hình này đòi hỏi một phản ứng mạnh hơn từ phía Mỹ và các đồng minh. Chuyên gia Iam Bremmer dự báo : tránh để căng thẳng với Nga xuất hiện trên trang nhất các báo, để tập trung vào các quan hệ ngày càng có tính đối kháng với Bắc Kinh, sẽ tiếp tục là chính sách của chính quyền Biden.

Ghi chú 

(*) Ian Bremmer là tác giả của 10 cuốn sách về chính trị quốc tế đương đại, trong đó có nhiều cuốn nổi tiếng như « The J Curve: A New Way to Understand Why Nations Rise and Fall » (Hiệu ứng đường chữ J : Con đường mới để hiểu vì sao các dân tộc phát triển rồi suy tàn) (2006), « The End of the Free Market: Who Wins the War Between States and Corporations » (Sự cáo chung của thị trường tự do : Ai thắng trong cuộc chiến giữa Nhà nước và Công ty) (2010), mô tả chủ nghĩa tư bản Nhà nước tại các nước như Trung Quốc, Nga và nhiều quốc gia vùng Vịnh, và các hệ lụy về kinh tế và chính trị. Hay « Every Nation for Itself: Winners and Losers in a G-Zero World » (Mọi dân tộc đều chỉ lo cho mình : Người thắng kẻ bại trong một thế giới không cường quốc lãnh đạo) (2012), về các hiểm họa và những cơ hội trong một thế giới thiếu vắng thế lực lãnh đạo toàn cầu.

« Us vs.Them: The Failure of Globalism » (Ta chống Họ : Thất bại của chủ nghĩa toàn cầu) (2018) là cuốn sách mới nhất của Iam Bremmer. « Us vs.Them » nói về sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy dân tộc chủ nghĩa ở khắp nơi với thất bại của « chủ nghĩa toàn cầu », cỗ máy đang sản sinh ra các nhóm xã hội đối kháng, một bên là kẻ thắng và một bên là kẻ bại trong mỗi quốc gia, và trên quy mô thế giới. Iam Bremmer tìm kiếm lối thoát cho chủ nghĩa toàn cầu, khi đặt niềm tin là thất bại sẽ được khắc phục, nếu « các khế ước xã hội » giữa chính quyền và người dân mỗi nước được duyệt xét lại. 

Biden mềm hơn với Nga, để rắn hơn với Trung Quốc (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten