zaterdag 17 juli 2021

Nguồn gốc Covid-19: WHO đòi kiểm tra các phòng thí nghiệm Trung Quốc + WHO cảnh báo rất nhiều khả năng xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn

 

Nguồn gốc Covid-19: WHO đòi kiểm tra các phòng thí nghiệm Trung Quốc

Bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) tại phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh tư liệu chụp ngày 23/02/2017.
Bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) tại phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh tư liệu chụp ngày 23/02/2017. AP

Tổ Chức Y Tế Thế Giới, ngày 16/07/2021 kêu gọi Bắc Kinh có thái độ "minh bạch", cho mở điều tra thấu đáo về nguồn gốc virus gây ra đại dịch Covid-19.

Vào lúc virus corona đã cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người trên toàn cầu, và dưới áp lực của cộng đồng quốc tế ngày càng mạnh, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đưa ra một loạt đề xuất nhằm đẩy mạnh nghiên cứu về nguồn gốc dẫn tới thảm họa y tế hiện nay.

Một cách cụ thể, định chế đa quốc gia này xem việc « kiểm tra các phòng thí nghiệm và cơ quan nghiên cứu có liên quan đang hoạt động tại vùng mà những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/2019 » là điều cần thiết. Tổ Chức Y Tế Thế Giới « chờ đợi Trung Quốc ủng hộ giai đoạn mới này trong tiến trình nghiên cứu khoa học, minh bạch chia sẻ tất cả mọi thông tin xác đáng »

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại hôm đầu tuần, tất cả các thành viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã nhận được một tài liệu với những giai đoạn cụ thể cho phép đẩy mạnh công việc điều tra tìm hiểu về nguồn gốc virus corona. Và theo thông tin mà AFP có được, Tổ Chức Y Tế Thế Giới không còn loại trừ giả thuyết virus đã thất thoát khỏi các phòng thí nghiệm Trung Quốc do « tai nạn ». Do vậy cơ quan này đề xuất thủ tục cho phép thẩm định về « mức độ an toàn » tại các phòng thí nghiệm.

Ngoài ra ông Tedros Adhanom Ghebreyesus còn đề nghị ưu tiên điều tra tại các khu vực địa lý nơi SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu, điều tra tại các khu chợ động vật ở Vũ Hán. Sự kiện hiếm thấy là Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã trực tiếp yêu cầu Bắc Kinh « hợp tác tốt hơn để tìm hiểu về những gì « đã thực sự xảy ra ».

Trả lời báo chí quốc tế, tổng giám đốc cơ quan này tiếc rằng Trung Quốc đã « thiếu sót » trong việc chia sẻ thông tin và những « dữ liệu thô » liên quan đến virus corona chủng mới. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đó thực sự là cả một « vấn đề ».

Đương nhiên Bắc Kinh đã mạnh mẽ bác bỏ những chỉ trích nói trên. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên cùng ngày (16/07/2021) khẳng định « một số thông tin mang tính cá nhân không thể được sao chép và lọt ra ngoài lãnh thổ.

Ông này đồng thời bác bỏ tuyên bố của tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho rằng « còn quá sớm » để loại trừ hẳn giả thuyết Covid-19 bắt nguồn từ một tai nạn và virus  đã thất thoát ra bên ngoài phòng thí nghiệm.

Nguồn gốc Covid-19: WHO đòi kiểm tra các phòng thí nghiệm Trung Quốc (rfi.fr)

Covid-19 : WHO cảnh báo rất nhiều khả năng xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn

Đường phố Sydney hoang vắng vì những biện pháp phong tỏa chống biến thể delta của virus corona.
Đường phố Sydney hoang vắng vì những biện pháp phong tỏa chống biến thể delta của virus corona. AFP - SAEED KHAN

Ủy ban khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15/07/2021 cảnh báo rằng có rất nhiều khả năng xuất hiện các biến thể mới « nguy hiểm hơn » của virus corona.

Thông cáo của nhóm chuyên gia cố vấn cho tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo « đại dịch còn lâu mới kết thúc. Có rất nhiều khả năng xuất hiện và lây lan các biến chủng mới, có thể là nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn » so với các virus corona đã được ghi nhận.

Chủ tịch ủy ban, giáo sư Didier Houssin nhấn mạnh trong cuộc họp báo : « Xu hướng hiện nay rất đáng lo lắng. Mười tám tháng sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch tễ quốc tế, chúng ta tiếp tục chạy theo sau con virus, và virus tiếp tục đuổi theo chúng ta ».

Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 4 biến chủng đáng ngại : Alpha, Beta, Gamma và Delta. Riêng biến chủng Delta, nhận biết đầu tiên tại Ấn Độ, đang lây nhiễm rất nhanh chóng trên thế giới, gây ra những đợt dịch lớn. Lây nhanh hơn các loại khác, biến chủng Delta còn kháng lại vac-xin nhiều hơn, cho dù việc tiêm chủng vẫn giúp tránh được nhiễm Covid thể nặng và tử vong. 

Ủy ban nhấn mạnh hai khuyến cáo chính : phân bổ vac-xin công bằng và không đưa ra những sáng kiến ít căn cứ khoa học như tiêm thêm mũi vac-xin chống Covid thứ ba - chủ yếu từ tập đoàn Pfizer/BioNTech.

Giáo sư Houssin nêu rõ, cần tiếp tục đấu tranh cho việc phân phối vac-xin hợp lý trên thế giới, khuyến khích việc chia sẻ các liều, sản xuất tại địa phương, bỏ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, gia tăng năng lực sản xuất cũng như nguồn tài chánh cần thiết để thực hiện tất cả các hoạt động trên.

Tình trạng bất bình đẳng về vac-xin từ nhiều tháng qua đã bị Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức phi chính phủ và các quốc gia đang phát triển tố cáo. Trong khi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu nhắm đến việc tiêm chủng đại đa số dân chúng trong những tuần lễ tới, các nước nghèo nhất chỉ mới tiêm ngừa được khoảng 1% dân số.

Ông Didier Houssin cũng cho rằng không nên nghe theo các ý kiến có thể làm tăng nặng tình trạng bất bình đẳng này, như khuyến cáo chích thêm liều thứ ba, khi các dữ liệu khoa học không thực sự chứng minh điều này ở tầm thế giới.

Covid-19 : WHO cảnh báo rất nhiều khả năng xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten