maandag 19 juli 2021

Pháp: Nghệ thuật cảnh quan Paris, nơi hàm chứa thế giới quan và trật tự xã hội

 

Pháp: Nghệ thuật cảnh quan Paris, nơi hàm chứa thế giới quan và trật tự xã hội

Phần âm thanh 09:46
Công viên Monceau, quận 8 Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 04/07/2021 .
Công viên Monceau, quận 8 Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 04/07/2021 . © RFI Tiếng Việt

Dù với mật độ xây dựng dày đặc hàng đầu châu Âu, ở bất cứ khu phố nào của Paris, từ quận trung tâm đến giáp ngoại vi, cư dân và du khách vẫn dễ dàng tìm thấy một ốc đảo xanh mát để dừng chân, thư giãn, nhất là trong những ngày hè nóng nực. Có được điều đó là vì thủ đô Paris sở hữu kho tàng quý giá vườn và công viên đa dạng về phong cách, với lịch sử gần 4 thế kỷ hình thành.


Nghệ thuật vườn Pháp cổ điển : Từ vườn Phục Hưng Ý đến phong cách vườn Le Nôtre

Cho đến trước thế kỷ 16, cảnh quan tự nhiên của thành Paris chỉ là những vườn rau quả, đất nông nghiệp, những cánh rừng hay cảnh sắc tự nhiên của các dòng sông, mặt nước. Đến đầu thế kỷ 18, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu quy hoạch Paris (APUR), tính cả các khu vườn tư gia, không gian xanh chiếm đến 73% diện tích toàn Paris. Các khu vườn cảnh trang trí có thiết kế cầu kỳ, bài bản chỉ thuộc khuôn viên của các lâu đài, dinh thự hay nhà thờ, tu viện. Đây thường là những khu vườn khép kín, sau những bức tường đá cao hay là sân trong bao bọc bởi các toà nhà.

Lịch sử các vườn hoa, công viên của Pháp bắt đầu được đánh dấu từ thế kỷ 16. Những khu vườn thượng uyển đầu tiên, như vườn của cung điện Tuileries rồi đến Luxembourg, lần lượt ra đời dưới thời hoàng hậu Catherine de Médicis và thái hậu Marie de Médicis, cả hai đều xuất thân từ là công tước vùng Florence - cái nôi của nghệ thuật vườn Ý. Chịu ảnh hưởng nghệ thuật Phục Hưng Ý, các vườn thượng uyển Paris thời ban đầu mang nhiều phong cách của đất nước này. 

Từ nền tảng đầu tiên đó, thế kỷ 17 chứng kiến sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật vườn kiểu Pháp. Kế thừa những nét cơ bản của nghệ thuật vườn Phục Hưng Ý vùng Florence, phong cách vườn kiểu Pháp đã phát triển lên tầm cao mới, có quy mô và ý đồ thiết kế rõ ràng hơn. Người có công đầu và tên tuổi gắn liền với thành công này là nhà thiết kế cảnh quan đại tài André le Nôtre. Nối nghiệp truyền thống ba đời thiết kế vườn hoàng gia, ông là cha đẻ của khu vườn cung điện Versailles được xây dựng dưới thời vua Louis XIV. 

Chính Le Nôtre cũng là người được giao thiết kế lại vườn Tuileries, cùng với hàng loạt khu vườn lâu đài trên khắp nước Pháp, giờ đều trở thành những di sản vườn quý giá, như vườn lâu đài Vaut-le-Vicomte, Chantilly, Saint-Cloud, Sceaux ...  Kiểu mẫu vườn Versailles trở thành mẫu mực, được nhân rộng ra khắp các khu vườn của châu Âu thời bấy giờ. Thậm chí quy hoạch ban đầu của thủ đô Washington, Hoa Kỳ do nhà quy hoạch Pháp Pierre-Charles L’Enfant thiết kế, còn được mô phỏng theo bố cục của quần thể vườn cung điện Versailles. 

 

Công viên Buttes Chaumont, quận 19, Paris, 11/07/2021.
Công viên Buttes Chaumont, quận 19, Paris, 11/07/2021. © RFI Tiếng Việt

 

Tầm nhìn mở ra đến tận chân trời

Những khu vườn phong cách Pháp thường đặc biệt chú trọng vào luật phối cảnh và thị giác. Nếu nghệ thuật vườn Phục Hưng Ý, điểm mạnh nằm ở việc hài hoà với khung cảnh xung quanh thì đến nghệ thuật vườn Pháp do Le Nôtre phát triển, không gian tự nhiên, bầu trời, ánh sáng đã thành một phần của bố cục, các giới hạn bị phá bỏ. Cảnh quan vườn trải dài hết tầm mắt, đến cuối đường chân trời. Nghệ thuật vườn Pháp có tính thẩm mỹ và biểu tượng cao, thể hiện tư tưởng con người thời đó : chế ngự, làm chủ thiên nhiên. Với triết lý tư duy con người chiến thắng, chinh phục thiên nhiên hoang dã, cái đẹp nằm trong sự trật tự, tỉ lệ. Vì thế, tính vần luật được áp dụng lên tự nhiên, thậm chí sửa đổi nó. 

Rất nhiều thủ pháp thị giác được đưa vào trong thiết kế của André le Notre, tiêu biểu như thủ pháp « phối cảnh chỉnh sửa ». Ở vườn Versailles, kích thước các hồ nước, thảm cỏ và khối cây được thiết kế rộng dần ra ở phía xa cuối đường chân trời, để từ mỗi vị trí nhìn là những bậc thềm độ cao khác nhau, khung cảnh như được kéo gần lại, không bị hút nhỏ ở phía xa theo luật thị giác thông thường, để vẫn giữ được sự cân xứng song song và tỉ lệ đồng nhất. 

Trả lời phỏng vấn RFI Pháp ngữ, Pierre-André Lablaude, kiến trúc sư trưởng về công trình lịch sử, phụ trách vườn cung điện Versailles, phân tích « đặc trưng đầu tiên của nghệ thuật vườn của Le Nôtre là tính đối xứng, đó là nguyên tắc cho sự hoàn hảo ». Từ trên cao nhìn xuống, trật tự đối xứng của lối đi và mảng khối kỷ hà vừa tương phản, vừa tôn lên sự uốn lượn mềm mại của luống cây. Các trục, tuyến, giao điểm, được bo viền, tạo khối bằng các khối cây cắt tỉa kỹ lưỡng hình khối vuông vắn. Các vòi phun nước hay mặt hồ tạo điểm nhấn và dẫn dắt lối đi dạo. Tất cả kết hợp nhuần nhuyễn tạo thành một bức thảm thêu tuyệt đẹp khổng lồ trải ra giữa đất trời. 

Nghệ thuật vườn Anh Quốc : Trả lại vẻ đẹp tự thân của thiên nhiên 

Về mặt phong cách thiết kế, chính Napoléon đệ Tam là người thúc đẩy đưa phong cách vườn Anh Quốc vào Pháp hồi đầu thế kỷ 18. Nguồn tạo cảm hứng lớn cho Hoàng đế ấn tượng về không khí dễ chịu và vẻ đẹp của những khu vườn nước Anh, trong thời gian ông bị lưu đày trên đảo quốc này. 

Đối lập hoàn toàn với phong cách vườn Pháp, nghệ thuật vườn Anh Quốc ra đời trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp, lại đề cao vẻ đẹp vốn có của tự nhiên. Nó xuất phát từ mong muốn cân bằng với khung cảnh cứng nhắc của các nhà máy, xí nghiệp. Con người thấy dễ chịu trong những vườn cây mọc tự do, không vần luật, không cắt tỉa khô cứng. Các yếu tố địa hình, dòng nước, thực vật được mô phỏng gần gũi với dáng vẻ tự nhiên. Các loại cây và hoa được lựa chọn đa dạng màu sắc, hình dáng, chủng loại … 

Triết lý và phong cách này cũng nhanh chóng được lan rộng ở châu Âu, kéo dài đến đầu thế kỷ 20. Ở Pháp, những khu vườn kiểu Anh mọc lên ngay trong những khu vườn phong cách Pháp cổ điển. Từ Tuileries đến Versailles, một góc vườn hoa được dành thiết kế theo kiểu vườn Anh. Ngày nay, khi đến thăm vườn Versailles, du khách sẽ nhận thấy sự đối lập này khi rời vườn chính, rẽ sang khu vườn Trianon, được thiết kế hoàn toàn theo phong cách tự nhiên, lãng mạn của vườn kiểu Anh. 

Những khu vườn xây mới dưới thời Napoléon trở về sau cũng đều theo phong cách này. Đó cũng là biểu hiện sự biến đổi tư duy trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Thiên nhiên ở đây không phải để chế ngự, mà là để hoà mình trong đó, tận hưởng và thư giãn. 

Công viên Monceau, quận 8 Paris, ngày 04/07/2021 .
Công viên Monceau, quận 8 Paris, ngày 04/07/2021 . © RFI Tiếng Việt

Từ vườn dinh thự đơn lẻ đến hệ thống công viên công cộng : Xoá mờ dần những lằn ranh giai cấp 

Về mặt sử dụng, từ thời kỳ Trung Đại và Phục Hưng, những khu vườn này đều thuộc sở hữu riêng của Hoàng cung, giới quý tộc hoặc Giáo hội. Ngay cả các cánh rừng lớn như Boulogne, Vincennes hay Saint-Germain-en-Laye đều thuộc sở hữu của nhà vua, là nơi hoàng tộc nghỉ ngơi và săn bắn.

Dần dần, các khu vườn thượng uyển cũng mở cửa cho công chúng, nhưng có sự chọn lọc và phân biệt với từng tầng lớp khác nhau. Như vườn Tuileries, từ thế kỷ 18, có mở cửa trong tuần cho hoàng tộc, còn giới quý tộc chỉ được đến viếng thăm vào ngày Chủ Nhật. Mỗi năm một lần, vào dịp lễ thánh Louis, vườn thượng uyển mở cửa cho binh lính và người lao động.

Phải chờ đến sau Cách mạng Tư sản Pháp, lật đổ nền quân chủ chuyên chế vào cuối thế kỷ 18, các khu vườn hoàng cung, và nhiều lãnh địa của quý tộc được mua hoặc quốc hữu hoá, để mở đón mọi tầng lớp thị dân. Tuy vậy, sự chuyển đổi này vẫn mang những dấu ấn của phân chia giai tầng trong xã hội. Các giới khác nhau thường lui tới những địa điểm tách biệt. Vườn Tuileries vẫn chia khu vực riêng giữa giới thượng lưu và dân thường ở hai cánh của vườn. 

Giới thượng lưu coi việc đi dạo là một hoạt động có lợi cho sức khoẻ để hưởng không khí trong lành. Nếu vườn Luxembourg là nơi nghỉ ngơi thư giãn với gia đình, yên tĩnh suy tư, đọc sách hay trò chuyện, thì vườn Tuileries hay đại lộ Champs Elysées lại là nơi để giới thượng lưu chưng diện, giao lưu. Giới trung lưu và dân thường lại hay chọn nghỉ ngơi ở những cánh rừng, thảm cỏ rìa thành phố, thường kết hợp với những lễ hội, trò chơi hay tụ họp ở những quán rượu. 

Công viên công cộng trong một tư duy hoạch định hệ thống 

Sang đến thời kỳ Cách mạng công nghiệp thế kỷ 19, vai trò của cây xanh không còn chỉ giới hạn ở trang trí, làm đẹp, mà là một yếu tố của vệ sinh, chất lượng đời sống đô thị. Chính mong muốn xây dựng thủ đô Paris thông thoáng, sạch sẽ hơn, mà Hoàng đế Napoléon đệ Tam đã cho tiến hành cuộc đại quy hoạch lại thủ đô. Trong đường lối chung này, lần đầu tiên các không gian xanh được nhìn nhận không đơn lẻ, mà trong một tổng thể, cấu thành một hệ thống phủ khắp đô thị. 

Phần công việc đồ sộ đầu tiên của Adolphe Alphand - kỹ sư trưởng phụ trách quy hoạch cây xanh, là cải tạo lại hai cánh rừng Boulogne và Vincennes, sửa sang, thiết kế lại và trồng thêm cây ở những vườn hoa, đường dạo hiện có, để mở cho đại chúng. Nhưng di sản cảnh quan lớn mà nhà hoạch định này để lại, là việc thiết kế hai công viên lớn là Buttes-Chaumont ở phía đông bắc và Montsouris ở phía nam. Cùng với đó là 24 vườn hoa mới và các đại lộ được mở rộng và trồng thêm hàng ngàn cây xanh, tạo mạng lưới những điểm và trục xanh rải đều khắp thành phố. 

Cũng như Le Nôtre, một lần nữa, một nhà quy hoạch cảnh quan đã góp phần làm kinh đô ánh sáng Paris trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế. Chính Adolphe Alphand là người phụ trách thiết kế khu vực Triển lãm Hoàn Cầu diễn ra tại Paris các năm 1867, 1878 và 1889. Tâm điểm là việc thiết kế ngoạn mục toàn bộ cảnh quan khu vực Champ-de-Mars và Trocadéro trải rộng trên 46 hectare, đón triển lãm đầu tiên năm 1867. 

Từ thành công này, ông đã nâng triển lãm lên tầm thế giới. Hai cuộc triển lãm sau đó, ông tham gia lần lượt vào hội đồng thẩm định rồi tổng giám sát và điều hành xây dựng, thu được thành công vang dội. Lượng khách tham quan và số công ty tham dự cũng ngày càng đông : từ gần 52 ngàn công ty với 15 triệu lượt khách năm 1867 lên 62 ngàn công ty và 32 triệu khách năm 1889 trong vòng 6 tháng triển lãm. Chính ông cũng là người ủng hộ việc xây dựng tháp Eiffel cho Triển lãm Hoàn cầu 1889. Ngày nay, quần thể công viên, quảng trường Trocadéro kéo dài đến Champ-de-Mars và tháp Eiffel đã trở thành biểu trưng không những của Paris mà của cả nước Pháp. 

Như vậy, kế thừa di sản nghệ thuật vườn cổ điển Pháp, với tầm nhìn quy hoạch mạng lưới cây xanh bài bản ở nửa cuối thế kỷ 19, mà kho tàng vườn, công viên của Paris vừa phong phú và có giá trị nghệ thuật cao. Từ đó đến nay, đây đều là những không gian công cộng, không còn ranh giới giai tầng xã hội. Ở đó, thiên nhiên ngày càng được trân trọng, gần gũi và quý báu với sức khoẻ và tinh thần của cư dân đô thị.

Pháp: Nghệ thuật cảnh quan Paris, nơi hàm chứa thế giới quan và trật tự xã hội - Tạp chí văn hóa (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten