vrijdag 23 juli 2021

Tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu về sông Mêkông từ bộ Ngoại Giao Cam Bốt + Diễn đàn Lan Thương-Mêkông: Bắc Kinh hào phóng với Phnom Penh

 

Tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu về sông Mêkông từ bộ Ngoại Giao Cam Bốt

Ngư dân Cam Bốt chèo thuyền đánh cá trở về gần đập Don Sahong, làng Preah Romkel, tỉnh Stung Treng, sát biên giới Cam Bốt - Lào, ngày 21/06/2016.
Ngư dân Cam Bốt chèo thuyền đánh cá trở về gần đập Don Sahong, làng Preah Romkel, tỉnh Stung Treng, sát biên giới Cam Bốt - Lào, ngày 21/06/2016. AP - Heng Sinith

Theo hãng tin Anh Reuters, Tư Pháp Mỹ ngày 19/07/2021 tiết lộ: Tin tặc Trung Quốc đã thâm nhập vào hệ thống tin học của bộ Ngoại Giao Cam Bốt - một đồng minh trung thành của Bắc Kinh tại Đông Nam Á -  để đánh cắp dữ liệu về sông Mêkông.

Hôm thứ Hai 19/07, bộ Tư Pháp Mỹ cho biết là đã có bốn công dân Trung Quốc - ba quan chức an ninh và một tin tặc được thuê mướn - đã bị truy tố về tội tấn công tin học vào hàng chục công ty, trường đại học và cơ quan chính phủ ở Hoa Kỳ và nước ngoài.

Trong bản cáo trạng dài 30 trang, Tư Pháp Hoa Kỳ đã nêu chi tiết các hoạt động của một thực thể bị coi là công ty bình phong do an ninh Trung Quốc điều hành trên đảo Hải Nam. Trong số các mục tiêu tấn công của tin tặc, có cơ quan được gọi là “Bộ A của chính phủ Cam Bốt”, nơi mà các bị cáo đã “đánh cắp dữ liệu liên quan đến các cuộc thảo luận giữa chính phủ Trung Quốc và Cam Bốt về việc sử dụng sông Mêkông” vào tháng 01/2018.

Hai nguồn thạo tin đã xác nhận với Reuters rằng bộ A đó là bộ Ngoại Giao Cam Bốt.

Theo cáo trạng, nhóm tin tặc Trung Quốc lấy được dữ liệu từ bộ Ngoại Giao Cam Bốt vào ngày 10/01/2018, đúng hôm nước này tổ chức tại Phnom Penh hội nghị thượng đỉnh nhóm Hợp Tác Lancang-Mekong (LMC) do Trung Quốc hậu thuẫn (Lancang hay Lan Thương là tên Trung Quốc đặt cho sông Mêkông), tập hợp các nước Trung Quốc, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam. Dữ liệu mà các tin tặc thu được liên quan đến các cuộc thảo luận đó, nhưng cáo trạng không cho biết chi tiết.

Cũng theo bản cáo trạng, vào cùng một ngày, nhóm tin tặc Trung Quốc đã truyền đi các “bí mật thương mại và dữ liệu thủy âm” ngụy trang trong các bức ảnh kỹ thuật số cho thấy một con gấu koala và cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tài liệu đã được gửi đến một tài khoản trực tuyến do tin tặc kiểm soát. Không rõ là dữ liệu thủy âm - dữ liệu được thu thập bằng sóng siêu âm và được sử dụng để theo dõi các đặc điểm dưới nước - có phải là của sông Mêkông hay không.

Theo Reuters, mục tiêu của vụ tấn công cho thấy là ngoài Biển Đông, khu vực sông Mêkông đang nổi lên thành một chiến trường mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu về sông Mêkông từ bộ Ngoại Giao Cam Bốt (rfi.fr)

Diễn đàn Lan Thương-Mêkông: Bắc Kinh hào phóng với Phnom Penh

Người dân Vĩnh Long vận chuyển gạo trên sông Mêkông.
Người dân Vĩnh Long vận chuyển gạo trên sông Mêkông. Wikimedia Commons

Diễn đàn Lan Thương – Mêkông kết thúc ngày 10/01/2018 tại Phnom Penh. Trung Quốc và 5 nước nằm dọc theo sông Mê Kông thông báo sẽ tiến hành hơn 100 dự án cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực. Những dự án này chủ yếu do Bắc Kinh tài trợ và tập trung nhiều ở Cam Bốt.

Những món quà trị giá hàng tỷ euro sẽ được đổ vào Cam Bốt trong nhiều dự án lớn như đường cao tốc, một sân bay mới hay như một bệnh viện mới cho thủ đô Phnom Penh. Chỉ riêng với dự án đường cao tốc, chi phí ước tính đã lên đến hai tỷ euro, theo như tuyên bố của bộ trưởng Giao Thông Cam Bốt, ông Sun Chantol, trong buổi họp báo ngày 10/01/2018.

AFP nhận định Bắc Kinh đã « quen » hào phóng chi hàng tỷ tiền đầu tư với lãi suất thấp để « mua chuộc » sự hữu hảo của các nước láng giềng, nhất là tại Cam Bốt. Và Bắc Kinh đã khẳng định uy thế của mình trên hồ sơ này thông qua diễn đàn Lan Thương – Mêkông.

Thủ tướng Lý Khắc Cường, trước sự hiện diện của các bên tham gia, đã ca tụng mối hợp tác tốt đẹp giữa các nước ở thượng và hạ nguồn sông Mêkông, và kêu gọi hành động vì lợi ích chung.

Dòng sông Mêkông rộng lớn trải dài hơn 4.800km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, đi qua Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Nhưng trên thượng nguồn, Bắc Kinh đã có đến 6 đập nước. Và trong số 11 dự án xây đập thủy điện hạ nguồn, có đến hơn phân nửa là do Trung Quốc đầu tư.

Với việc kiểm soát lưu lượng dòng chảy trên thượng nguồn, có thể nói Trung Quốc đang nắm trong tay một vũ khí gây sức ép lợi hại. Mà bằng chứng là nhờ việc Bắc Kinh xả các đập nước mà Việt Nam đã tránh được nạn khô hạn trong năm 2016.

AFP khẳng định Bắc Kinh thông báo đầu tư vào Cam Bốt, nhưng đích ngắm chính là sông Mêkông.

Diễn đàn Lan Thương-Mêkông: Bắc Kinh hào phóng với Phnom Penh (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten