dinsdag 12 mei 2020

Trung Quốc đang mất châu Âu vì kiểu ngoại giao “dao to búa lớn”

Trung Quốc đang mất châu Âu vì kiểu ngoại giao “dao to búa lớn”

Trung Quốc viện trợ khẩu trang và thiết bị y tế cho Hy Lạp. Ảnh ngày 21/03/2020. Ảnh minh họa
Trung Quốc viện trợ khẩu trang và thiết bị y tế cho Hy Lạp. Ảnh ngày 21/03/2020. Ảnh minh họa REUTERS - ALKIS KONSTANTINIDIS
Vào lúc nước Mỹ của tổng thống Donald Trump ngày càng co cụm, không ngần ngại gây bất hòa với các đồng minh châu Âu, Bắc Kinh từng nghĩ rằng có thể chiếm được vị trí của Washington, nhất là vào lúc cả Mỹ lẫn châu Âu đều đang bị dịch Covid-19 xuất xứ từ Trung Quốc tác hại. Thế nhưng, theo nhận định của tờ báo Mỹ Bloomberg ngày 07/05/2020, với một “chiến dịch tung tin thất thiệt vụng về và xấu xa”, Trung Quốc đang hứng chịu hệ quả ngược lại với mong đợi.
Trên trang ý kiến của Bloomberg, nhà bình luận Đức Andreas Kluth đã tìm cách lý giải vì sao mà uy tín của Trung Quốc càng lúc càng lụn bại tại châu Âu cho dù về mặt kinh tế, cường quốc châu Á vẫn rất hấp dẫn.

Trung Quốc đã để lộ bộ mặt “bất cần đạo lý”

Nhận xét đầu tiên của tác giả là nếu 2019 là năm mà châu Âu bắt đầu nghi ngờ về ý đồ địa chính trị của Bắc Kinh, thì năm 2020 sẽ đi vào lịch sử như là thời điểm châu Âu công khai thách thức Trung Quốc. Lý do không phải là vì ho trách cứ Bắc Kinh là đã để cho virus corona chủng mới gieo rắc tại họa, như tổng thống Mỹ và ngoại trưởng của ông đang cố làm, mà vì Trung Quốc, với động cơ lợi dụng tối đa đại dịch thông qua một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ và trắng trợn, đã vô tình để cho châu Âu thấy rõ bộ mặt trục lợi “bất cần đạo lý” của họ.
Đối với Andreas Kluth, động cơ chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc khá rõ: Trước một nước Mỹ thất thường thời Trump, Bắc Kinh đã thấy họ có cơ hội để vươn lên thành siêu cường thứ hai thế giới. Và phần thưởng địa chính trị lớn nhất trong cuộc đọ sức đó là Liên Hiệp Châu Âu, từ lâu nay vẫn gắn bó với Mỹ về mặt an ninh, nhưng trong những năm gần đây đã có căng thẳng với tổng thống Trump và có vẻ sẵn sàng mở cửa cho thương mại, đầu tư và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vào lúc tâm dịch chuyển từ Vũ Hán qua các nước châu Âu như Ý và Tây Ban Nha, Trung Quốc thoạt đầu đã có phản ứng đúng đắn.
Bắt đầu từ giữa tháng Ba, Trung Quốc gởi qua châu Âu các lô hàng lớn bao gồm khẩu trang, thiết bị y tế, được tô điểm với lá cờ Trung Quốc. Một số thiết bị đã cho thấy chất lượng kém cỏi, nhưng người ta đều bỏ qua mà chỉ chú ý đến cử chỉ tốt đẹp của Bắc Kinh. Lẽ ra Trung Quốc nên dừng lại ở mức “ngoại giao khẩu trang” như thế để vươn lên.

Các nhà ngoại giao nhưng lại tung tin vịt, tin đồn, tin ngụy tạo

Thế nhưng không! Thay vào đó, các thuộc hạ của chế độ bắt đầu loan tin thất thiệt, nhằm mô tả các nền dân chủ châu Âu như là đã suy yếu, bất lực, so với chế độ mạnh mẽ của Trung Quốc.
Ví dụ như tại Pháp, đại sứ quán Trung Quốc cho đăng trên trang web của mình những thông tin như nhà dưỡng lão Pháp bỏ mặc cho người già chết. Tại Ý thì họ cho loan truyền tin đồn là nguồn gốc Covid-19 thực ra xuất xứ từ châu Âu, hay phát tán một clip video được ngụy tạo, cố ý chỉnh sửa để cho thấy người dân Roma chơi quốc thiều Trung Quốc để tỏ lòng biết ơn.
Tại Đức, các nhà ngoại giao Trung Quốc cố thúc giục chính quyền Berlin công khai ca ngơi Trung Quốc nhưng đã không thành công. 
Phản ứng trước những sự kiện nêu trên, bộ phận ngoại giao châu Âu đã tập hợp trong một báo cáo những thông tin thất thiệt mà Trung Quốc và một kẻ tình nghi thông thường khác là Nga loan truyền. Trung Quốc đã phản ứng ngay, gây sức ép với các tác giả để họ hạ giọng. Điều này tuy nhiên đã làm cho sự vụ xấu đi hơn. Các nghị sĩ châu Âu đã tức giận thêm và đòi lãnh đạo châu Âu phải cam đoan là không tự kiểm duyệt trước sức ép của Trung Quốc.

Ngay từ trước khi có dịch, Trung Quốc đã hành xử thô lỗ

Tại một số quốc gia châu Âu, những căng thẳng nói trên không có gì là mới mẻ. Ngay trước khi có dịch Covid-19, Thụy Điển rất bực tức trước việc đại sứ Trung Quốc đe dọa báo chí của họ và một số chính khách Thụy Điển đã muốn trục xuất nhân vật này.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có một số thành viên khác của châu Âu lại có dấu hiệu sẵn sàng bỏ qua cách đối xử mạnh tay của Trung Quốc.
Đây là trường hợp các quốc gia phía nam và Đông Âu, như Croatia và Hungary, đã hưởng ứng 2 nỗ lực địa chính trị lớn của Trung Quốc: 1) Diễn đàn gọi là 17+1, trong đó Bắc Kinh cố tổ chức hợp tác kinh tế với 17 quốc gia châu Âu, và 2) Kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, bị xem là cố gắng của Trung Quốc nhằm biến các nước châu Á, châu Phi và châu Âu thành chư hầu kinh tế của Bắc Kinh.
Trước khi đại dịch bùng lên, châu Âu đã khá thất vọng với tính chất một chiều của công cuộc “đối tác” nói trên, cả về kinh tế lẫn chính trị.
Một ví dụ diển hình là quan hệ giữa hai thủ đô Bắc Kinh và Praha: Hai bên đã đồng ý trở thành thành phố kết nghĩa: Praha chấp nhận chính sách một nước Trung Hoa, tức không xem Đài Loan là một quốc gia, Trung Quốc thì gởi một vài con gấu trúc đến sở thú Praha. Nhưng có điều là các con gấu trúc đó không bao giờ đến. Do một số tranh chấp khác leo thang giữa hai nước, Bắc Kinh đã giận dữ nuốt mọi cam kết. Đô trưởng Praha chán ngán trước sự tình đã tìm kết nghĩa với một thành phố khác: Đài Bắc.

Ngay cả Đức, đối tác số 1 của Trung Quốc cũng bắt đầu nghi ngại

Đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu là Đức, cũng đã nâng cao cảnh giác sau khi một số tập đoàn Trung Quốc đã tung tiền mua phần hùn trong nhiều tập đoàn công nghệ học Đức, từ một công ty sản xuất robot đến một công ty năng lượng. Năm ngoái, Berlin đã siết chặt các quy định về vụ mua nhạy cảm này.
Liên Hiệp Châu Âu đã theo gương Đức với một hệ thống giám sát đầu tư sẽ có hiệu lực trong năm nay. Với mục tiêu là bảo vệ tính tự chủ của công nghệ và công nghiệp châu Âu, hệ thống giám sát này sẽ gián tiếp cản đường thâu tóm của Trung Quốc.
Diễn biến của hồ sơ 5G trong năm nay sẽ cho thấy hướng đi chung của châu Âu đối với Trung Quốc. Cho đến nay, dù chính quyền Mỹ luôn kêu gọi châu Âu tẩy chay tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi, một số thành viên Liên Âu hoặc là nghe theo, hoặc là phớt lờ Mỹ, hoặc là do dự trước có nên cho phép  Hoa Vi xây dựng mạng lưới 5G cho mình hay không.
Tại Đức xu hướng có vẻ thiên về việc chống Hoa Vi. Anh Quốc, đã ra khỏi Liên Âu, có thể xét lại việc cho Hoa Vi tham gia vào kế hoạch xây dựng hệ thống 5G của mình.

Chính Trung Quốc đã tự hại mình

Theo nhà bình luận Andreas Kluth, Trung Quốc chỉ có thể tự trách mình trước các phản ứng nghi kỵ nói trên. Các viên chức Trung Quóc đã tạo nên một nỗi tức giận chung đối với Bắc Kinh trên một lục địa gồm những nước hầu như luôn bất đồng với nhau trên mọi việc. Vào đầu năm, khi chưa có dịch, chương trình hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu đầy ắp những thượng đỉnh Châu Âu-Trung Quốc nhằm chào mừng quan hệ song phương sâu đậm thêm. Thế nhưng, đại dịch đang diễn ra có lẽ là cơ hội để châu Âu bắt đầu tự giải thoát ra khỏi một quan hệ tồi tệ.
Kể cả khi ta cho rằng chiến dịch tuyên truyền ấu trĩ của Trung Quốc chỉ nhằm mục tiêu đối nội, hay nhắm vào cộng đồng người Hoa hải ngoại, kiểu “ngoại giao” đó hoàn toàn không thể được coi là một chiến lược cao siêu. Nếu nó phản ánh chất lượng quan chức nhà nước của Bắc Kinh thì nỗi lo ngại hiện nay trước sự vươn lên của Trung Quốc có lẽ là quá đáng.
www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200512-trung-quốc-đang-mất-châu-âu-vì-kiểu-ngoại-giao-dao-to-búa-lớn

Geen opmerkingen:

Een reactie posten