zaterdag 30 mei 2020

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chấm dứt chính sách ưu đãi Hồng Kông + Hậu quả + Quyền tự trị Hồng Kông : Liên Âu muốn duy trì đối thoại với Bắc Kinh

Tổng thống Trump thông báo chấm dứt chính sách ưu đãi Hồng Kông



//Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế ưu đãi với Hồng Kông, trong cuộc họp bao tại vườn hồng, Nhà Trắng, Washington, ngày 29/05/2020.
//Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế ưu đãi với Hồng Kông, trong cuộc họp bao tại vườn hồng, Nhà Trắng, Washington, ngày 29/05/2020. REUTERS - JONATHAN ERNST
Họp báo tại Nhà Trắng ngày 30/05/202 tổng thống Hoa Kỳ giải thích Trung Quốc « thất hứa » với cộng đồng quốc tế, quy chế tự trị cho Hồng Kông không còn được bảo đảm. Do vậy Washington tiến hành thủ tục rút lại « quy chế đặc biệt » Washington dành cho Hồng Kông.
Theo lời lãnh đạo Nhà Trắng luật an ninh Hồng Kông vừa được Quốc Hội Trung Quốc thông qua là một « tấn bi kịch đối với người dân Hồng Kông, Trung Quốc và toàn thế giới », đe dọa tất cả các quyền tự do tại đặc khu hành chính này.
Thông tín viên đài RFI Louba Anaki tại New York tường trình về buổi họp báo của tổng thống Trump :   
« Trung Quốc viện lý do bảo đảm an ninh quốc gia. Nhưng sự thật, Hồng Kông là một xã hội được tự do, là nơi an toàn và thịnh vượng. Quyết định của Bắc Kinh là một bước thụt lùi, tăng cường sự kiểm soát của guồng máy an ninh Trung Quốc đối với khu vực mà đến nay luôn là một thành trì của tự do ». 
Donald Trump đã tuyên bố như trên về Hồng Kông và cho rằng, không thể tiếp tục xem Hồng Kông là một vùng tự trị đối với Hoa lục. Do vậy ông đã thông báo hủy quy chế đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông.
Điều đó có nghĩa là Hồng Kông không còn được hưởng một số điều khoản ưu đãi về thương mại của Mỹ và đôi bên đình chỉ hợp tác trong lĩnh vực tư pháp.
Ngoài ra nguyên thủ Mỹ lên án Trung Quốc về trách nhiệm trong đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng y tế toàn cầu.
Donald Trump thông báo nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bắc Kinh, chẳng hạn như việc cấm nhập cảnh vào Mỹ một số công dân Trung Quốc bị xem là đe dọa đến an ninh quốc gia.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng đã lên án Bắc Kinh kiểm soát Tổ Chức Y Tế Thế Giới và do vậy, Mỹ quyết định đình chỉ quan hệ và ngừng đóng góp tài chính cho tổ chức này.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200530-tổng-thống-trump-thông-báo-chấm-dứt-chính-sách-ưu-đãi-hồng-kông

Hậu quả của việc Mỹ rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường bỏ phiếu thông qua dự luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông tại Quốc Hội Trung quốc ngày 28/05/2020.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường bỏ phiếu thông qua dự luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông tại Quốc Hội Trung quốc ngày 28/05/2020. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS
Luật an ninh quốc gia áp dụng đối với Hồng Kông là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc hết kiên nhẫn trước làn sóng biểu tình đòi dân chủ kéo dài suốt một năm ở đặc khu hành chính bán tự trị. Hoa Kỳ phản đối trước mắt bằng việc ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 27/05/2020 không xác nhận Hồng Kông có « quyền tự chủ cao », một quyết định có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt, như rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông.
Bắc Kinh hy sinh Hồng Kông để giữ an ninh nội địa
Về đối ngoại, luật an ninh quốc gia mà chính quyền trung ương áp đặt tại đặc khu hành chính là đòn nắn gân phản ứng của phương Tây, trong khi « cả thế giới chống chọi với virus corona và không quan tâm đến tình hình Hồng Kông », theo nhà báo Pháp Dorian Malovic khi trả lời đài France 24 (27/05/2020).
Về đối nội, Bắc Kinh muốn triệt tiêu các cuộc biểu tình rầm rộ, thậm chí là bạo lực, ở Hồng Kông, để tránh nguy cơ phong trào lan sang Hoa lục vào lúc chính quyền trung ương vẫn phải đối phó với những chỉ trích trong nước về cách xử lý dịch Covid-19, tiếp theo là những bất ổn ở Tân Cương và Tây Tạng.
Tuy nhiên, nếu Washington trừng phạt Bắc Kinh bằng cách rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông, thì quyết định này chỉ gây tác động rất nhỏ đến Trung Quốc do « Trung Quốc không còn phụ thuộc vào Hồng Kông như trước nữa », theo nhà nghiên cứu Nicholas Lardy, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, được báo mạng South China Morning Post trích dẫn ngày 27/05. Thực vậy, vào thời điểm được Anh Quốc trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông chiếm khoảng 18% GDP của Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này hiện chỉ còn 3%, theo Ngân Hàng Thế Giới.
Bà Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu về châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), cho rằng « chúng ta sẽ thấy hồi kết của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm tài chính ngang hàng với New York và Luân Đôn. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là điều mà chính phủ Hoa lục sẵn sàng hy sinh ».
Doanh nghiệp Mỹ, dân Hồng Kông bị thiệt
Giới chuyên gia Mỹ, khi trả lời Mark Magnier, thông tín viên tại Washington của South China Morning Post, nhận định chính các doanh nghiệp Mỹ tại đặc khu và người dân Hồng Kông sẽ chịu thiệt hơn chính quyền Hoa lục, nếu Washington rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông.
Nhà nghiên cứu Nicholas Lardy đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta (Mỹ) muốn trừng phạt người dân Hồng Kông vì những việc làm của chính phủ Bắc Kinh ? Thực vậy, theo ông, quyết định trừng phạt Trung Quốc « sẽ tác động vô cùng tiêu cực đến các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Hồng Kông » và đến người dân ở đặc khu hành chính. Tương tự, Richard Bush, thành viên của cơ quan tư vấn Brookings Institution, cũng cho rằng chính « người dân Hồng Kông sẽ bị tác hại về nhiều mặt » và càng cho Bắc Kinh có cớ để cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào nội tình Hồng Kông.
Theo giới phân tích, tùy theo cấp độ nghiêm trọng trong các biện pháp trừng phạt của Washington, khoảng 1.200 doanh nghiệp Mỹ tại Hồng Kông sẽ phải đối mặt với những điều kiện thương mại khó khăn hơn, hoặc chi phí cho khả năng dời trụ sở, cũng như nguy cơ các nhà lãnh đạo bị đưa sang Hoa lục mà không cần tuân thủ luật của đặc khu hành chính.
Quan hệ Mỹ-Trung trước nguy cơ thay đổi sâu sắc
Phòng Thương Mại Mỹ từng đề nghị Bắc Kinh xem lại quyết định bỏ phiếu luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, vì theo họ, đó sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng ở nhiều cấp độ » để Hồng Kông tiếp tục duy trì vai trò là điểm đầu tư hấp dẫn và là trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua đạo luật ngày 28/05 và quyết định này là không thể đảo ngược được.
Giới chuyên gia khuyến cáo, nếu trừng phạt, Mỹ nên nhắm vào Bắc Kinh, chứ không phải vào người dân Hồng Kông. Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Hoa, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng Hoa Kỳ nên « áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân, thực thể vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông » hoặc cũng có thể tính đến « các biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng hợp tác với các thực thể bị cáo buộc là vi phạm luật bảo đảm quyền tự trị của Hồng Kông ».
Hiện Mỹ chưa đưa ra các biện pháp tiếp theo, sau phát biểu của ngoại trưởng Mike Pompeo, nhưng « mọi trừng phạt có nguy cơ thay đổi sâu sắc mối quan hệ Mỹ-Trung, tương lai của Hồng Kông và hệ thống kinh tế thế giới », theo chuyên gia Richard Bush.
www.rfi.fr/vi/phân-tích/20200528-hậu-quả-của-việc-mỹ-rút-quy-chế-thương-mại-đặc-biệt-của-hồng-kông



Quyền tự trị Hồng Kông : Liên Âu muốn duy trì đối thoại với Bắc Kinh


Hình minh họa: Một góc khu trung tâm Hồng Kông ngày 28/05/2020.
Hình minh họa: Một góc khu trung tâm Hồng Kông ngày 28/05/2020. REUTERS - TYRONE SIU
Các quyền tự do căn bản Hồng Kông, nguyên tắc « một quốc gia hai chế độ » có nguy cơ bị hủy hoại, sau khi Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia, cho phép chính quyền trung ương can thiệp vào đặc khu. Hoa Kỳ và một số đồng minh phản ứng ngày càng cứng rắn. Liên Hiệp Châu Âu khẳng định cần duy trì « đối thoại » với Trung Quốc. 
Hôm qua, 29/05/2020, sau cuộc họp qua cầu truyền hình giữa các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Joseph Borrell bày tỏ nỗi « lo ngại sâu sắc » trước việc Bắc Kinh muốn áp đặt luật an ninh với Hồng Kông, có nguy cơ hủy hoại nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ và quyền tự trị của đặc khu hành chính Hồng Kông ». Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao châu Âu cũng tuyên bố : Trừng phạt « không phải là cách giải quyết các vấn đề của chúng ta với Trung Quốc ».
Theo AFP, ông Joseph Borrell cho biết « sẽ nêu các vấn đề này trong khuôn khổ của chính sách theo đuổi đối thoại với Trung Quốc », đồng thời nhấn mạnh là « các quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc dựa trên cơ sở tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau », tuy nhiên, việc Bắc Kinh áp đặt luật này gây hoài nghi về « quyết tâm của Trung Quốc tôn trọng các cam kết quốc tế ».
Lãnh đạo ngoại giao châu Âu cũng giải thích thêm, quan hệ giữa Liên Âu và Trung Quốc là « quá phức tạp để có thể đặt tất cả vào trong một chiếc hộp duy nhất », với Liên Âu, Bắc Kinh vừa là « thế lực cạnh tranh, vừa là đối thủ, cũng vừa là đồng minh ».
Trả lời câu hỏi liệu các diễn biến tại Hồng Kông có ảnh hưởng gì đến thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc, dự kiến sẽ diễn ra tại Leipzig, Đức, ngày 14/09, tới hay không, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu khẳng định trong hiện tại hội nghị này vẫn nằm trong lịch trình.
Đức : Trung Quốc và Liên Âu cần thảo luận thẳng thắn về « các chủ đề khó chịu »
Nửa sau của năm 2020, kể từ ngày 01/07, Đức sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu. Sau buổi họp các bộ trưởng ngoại giao Liên Âu hôm qua, ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết hiện tại châu Âu chưa tính tới việc ban hành các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trong hồ sơ Hồng Kông, mục tiêu trước mắt là hai bên cần ngồi vào bàn đối thoại, để có thể « thảo luận với nhau về các chủ đề khó chịu ».
Theo ngoại trưởng Đức, lập trường của Liên Âu là rất rõ ràng : quyền tự trị của Hồng Kông và các quyền tự do căn bản của người Hồng Kông « không thể nào chỉ còn là chuyện hình thức », và quan điểm của Liên Âu là « bất di bất dịch », nguyên tắc Nhà nước pháp quyền tại Hồng Kông phải được bảo vệ.
Trong cuộc họp hôm qua, các ngoại trưởng 27 nước châu Âu thảo luận để tìm ra một chiến lược về dài hạn của Liên Hiệp với Trung Quốc. Trong lá thư mời gửi đến các ngoại trưởng, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu lưu ý là sự vươn lên thành cường quốc hàng đầu thế giới của Trung Quốc, sẵn sàng áp đặt quan điểm của mình với phần còn lại của thế giới « là một trắc nghiệm đối với các tham vọng địa chính trị của Liên Hiệp Châu Âu ».
Tại thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc tại Leipzig dự kiến, Liên Hiệp Châu Âu có thể ký kết một thỏa thuận về Bắc Kinh và đầu tư. Liên Âu cũng muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong việc bảo vệ môi trường ở châu Phi, cũng như trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, mà Trung Quốc là quốc gia phát thải số một thế giới (chiếm khoảng gần một phần ba lượng khí thải toàn cầu).
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200530-quyền-tự-trị-hồng-kông-liên-âu-muốn-duy-trì-đối-thoại-với-bắc-kinh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten