zaterdag 23 mei 2020

Chạy đua vũ trang : Ngân sách quốc phòng thế giới tăng kỷ lục + SIPRI : Trung Quốc, nhà sản xuất vũ khí số 2 của thế giới + Trung Quốc đã làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại ?

Chạy đua vũ trang : Ngân sách quốc phòng thế giới tăng kỷ lục



Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2019 lên đến 181 tỷ đô la, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2019 lên đến 181 tỷ đô la, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Reuters
Chi phí quân sự của các nước trên thế giới năm 2019 đã tăng kỷ lục từ 10 năm vừa qua, theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IISS) công bố ngày 14/02/2020, ngày khai mạc Diễn Đàn An Ninh Munich (Đức). Bối cảnh đối đầu căng thẳng và chạy đua trang bị công nghệ cao giữa các đại cường là động cơ chính.
Tính trung bình, ngân sách quốc phòng của các nước tăng thêm 4%. Hai nước đứng đầu là Mỹ với 685 tỷ đô la, thứ nhì là Trung Quốc, với 181 tỷ. Cả hai đều gia tăng chi phí võ trang đến 6,6% trong năm 2019 so với một năm 2018.
Theo Viện IISS, trụ sở tại Luân Đôn, chỉ một mình Hoa Kỳ chi tiêu quân sự trong năm 2019 tăng thêm 53,4 tỷ đô la. Sau Mỹ, Trung Quốc, là Ả Rập Xê Út, Nga và Ấn Độ chiếm ba hạng còn lại trong Top 5. Pháp, Nhật, Đức đứng hạng 8, 9 và 10.
Việc Trung Quốc tăng cường hải quân, không quân, chế tạo tên lửa siêu thanh gây lo ngại cho Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đối với châu Âu, mối lo nước Nga của Putin, cũng như tình hình bất ổn tại Ukraina, tiếp tục buộc các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu phải tăng ngân sách quân sự, thêm 4,2% so với năm 2018. Áp lực của Washington cũng làm cho các thành viên NATO, đặc biệt là nước Đức, phải nhanh chóng tăng chi phí quốc phòng mỗi năm cho đủ 2% GDP.
Châu Âu còn mối lo thứ ba là tình hình tại Trung Đông sẽ diễn biến ra sao một khi Hoa Kỳ chuyển bớt lực lượng, tái bố trí ở châu Á để đối đầu với Trung Quốc ? Hiện tại, Washington vẫn củng cố hiện diện quân sự gần biên giới với Nga và tăng thêm lực lượng ở vùng Vịnh để răn đe Iran.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200215-chay-dua-vu-trang-ngan-sach-quoc-phong-the-gioi-tang-ky-luc


SIPRI : Trung Quốc, nhà sản xuất vũ khí số 2 của thế giới


Tầu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh (Liaoning) ngày 11/12/2016 trên biển Bột Hải (Bohai). Ảnh minh họa.
Tầu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh (Liaoning) ngày 11/12/2016 trên biển Bột Hải (Bohai). Ảnh minh họa. REUTERS/Stringer
Trong một thập niên, Trung Quốc đã vươn lên thành nhà sản xuất vũ khí thứ nhì của thế giới. Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm - SIPRI công bố ngày 27/01/2020, Trung Quốc đứng sau Mỹ nhưng đã qua mặt nước Nga và đứng hàng thứ 5 trong số các nhà xuất khẩu vũ khí.

Quảng cáo
Cách nay 10 năm, Trung Quốc là một trong những khách hàng quan trọng nhất của Nga và Ukraina, nhưng theo ông Nan Tian, một trong những đồng tác giả bản báo cáo của viện SIPRI, giờ đây Bắc Kinh không còn "phải trông cậy vào vũ khí của các nước khác". Lý do, "phần lớn khối lượng sản xuất của các tập đoàn Trung Quốc mà tổng trị giá ước tính lên tới khoảng từ 70 đến 80 tỷ đôla, là nhằm phục vụ quân đội nước này".
Giới chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm cũng lưu ý rằng các tập đoàn Trung Quốc giữ bí mật về doanh thu nên báo cáo không cho phép phân tích thấu đáo về hồ sơ này. Dù vậy, trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017, SIPRI đã chú ý đến các tập đoàn lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo vũ khí và nhận thấy rằng ba trong số này đã có tên trong danh sách 10 tập đoàn hàng đầu của thế giới.
Ngoài ra, các công ty Trung Quốc đặc biệt hoạt động trong ba lĩnh vực : hàng không không gian, điện tử và các loại trang thiết bị quân sự sử dụng trên bộ. Trong ba lĩnh vực vừa nêu, các công ty của Trung Quốc đạt đến trình độ cao để có thể xuất khẩu sang các quốc gia khác. Vẫn theo chuyên gia Nan Tian, máy bay tự hành của Trung Quốc được sử dụng tại Libya và Yemen.
http://www.rfi.fr/vi/châu-á/20200127-sipri-trung-quoc-nha-san-xuat-vu-khi-so-2-cua-the-gioi

Trung Quốc đã làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại ?

Máy bay của Không quân Trung Quốc tập dượt cho lễ diễu binh Quốc Khánh 01/10. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 22/09/2019.
Máy bay của Không quân Trung Quốc tập dượt cho lễ diễu binh Quốc Khánh 01/10. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 22/09/2019. REUTERS/Jason Lee
Ngày Quốc Khánh Trung Quốc mồng 1 tháng 10 không thể thiếu một lễ diễu binh. Trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang xấu đi và các hiệp định quốc tế về nguyên tử đang bị "xét lại", cuộc diễu binh năm 2019 tại Bắc Kinh sẽ được tổ chức "trọng thể nhất và hoành tráng nhất trong lịch sử của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa".
Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (Fondation pour la Recherche Stratégique, FRS) ngày 24/09/2019, hai tác giả Antoine Bondaz và Stéphane Delory khẳng định : Trung Quốc sẽ phô trương tên lửa đạn đạo quy ước và tên lửa đạn đạo hạt nhân hiện đại nhất vào ngày Quốc Khánh 01/10/2019. Trong số này sẽ có nhiều tên lửa mới nhất, với khả năng phán ứng rất nhanh. Thông điệp của Bắc Kinh là Trung Quốc đã nắm bắt công nghệ cao và đang đi tiên phong ngay cả trong lĩnh vực chế tạo vũ khí.
Antoine Bondaz và Stéphane Delory trước hết nhắc lại Tập Cận Bình cho tổ chức diễu binh thường xuyên hơn những người tiền nhiệm.
Từ năm 1949 đến 2009, Trung Quốc tổ chức tổng cộng 14 cuộc diễu binh. Từ khi lên cầm quyền năm 2013, ông Tập Cận Bình không mấy khi bỏ lỡ cơ hội để phô trương mức độ trung thành của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân với Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Lãnh đạo họ Tập đã cho tổ chức lễ duyệt binh năm 2015, 2017, 2018 và hai lần trong năm 2019. Các đợt diễu binh rầm rộ này nhằm quảng bá cho hình ảnh của một nước Trung Quốc đang "hồi sinh", một "quốc gia thịnh vượng với một đội quân hùng mạnh", "tầm cỡ quốc tế".
Vậy lần này, Trung Quốc sẽ phô trương những loại vũ khí tối tân nào ?
Hai đồng tác giả đã dựa vào ảnh vệ tinh chụp được từ căn cứ quân sự Dương Phương (Yang Fang), ngoại ô tây bắc Bắc Kinh, trong lúc các quân nhân tập dợt chuẩn bị cho cuộc diễu binh 01/10/2019. Từ năm 2015, đây là địa điểm để tập dợt, chuẩn bị cho mỗi cuộc diễu binh.
Qua ảnh vệ tinh, hai tác giả của bài nghiên cứu khẳng định Trung Quốc sẽ phô trương ít nhất 36 tên lửa xuyên lục địa và hầu hết trong số này là những loại tên lửa đời mới nhất sắp hoặc vừa được đưa vào hoạt động, như trường hợp của loại tên lửa DF-41 hay DF-31AG. Nếu căn cứ vào báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, lần này Trung Quốc sẽ "trưng ra đến hơn 1/3 số lượng tên lửa xuyên lục địa" mà Bắc Kinh đang nắm giữ.
Ngoài ra sẽ có loại tên lửa hạng nặng DF-5B/C với tầm bắn 12.000 km. Đặc điểm của loại vũ khí đôi khi bị các nhà quân sự phương Tây coi là "lỗi thời" này nằm ở chỗ chúng có khả năng mang những đầu đạn hạt nhân thu nhỏ do Trung Quốc chế tạo.
Quan khách trên quảng trường Thiên An Môn nhân ngày Quốc Khánh Trung Quốc năm 2019 lần đầu tiên sẽ trông thấy tên lửa địa đối không liên lục địa lớp JL-2. Loại vũ khí này đã được Hải Quân Trung Quốc sử dụng từ một vài năm gần đây, nhưng chưa bao giờ được cho ra mắt công chúng. Theo các chuyên gia Pháp, việc trưng ra đến 8 tên lửa JL-2 lần này nhằm "khoe khả năng can thiệp và răn đe của Trung Quốc trên biển".
Cùng với tên lửa tầm xa, còn phải kể đến một loạt tên lửa hành trình, tên lửa tầm ngắn, tầm trung và nhất là tên lửa siêu thanh (DF-17)... Hai nhà nghiên cứu Pháp cho rằng, chỉ riêng trong lĩnh vực phát triển tên lửa siêu thanh không mang tính chiến lược DF-17, dường như cả Nga lẫn Mỹ cũng đang bị Trung Quốc qua mặt.
Không Quân Trung Quốc cũng được trang bị những phương tiện tối tân không kém, nào là máy bay không người lái siêu thanh WZ-8, nào là drone tàng hình Sharp World.
Thông điệp của Bắc Kinh là gì ?
Với tất cả những phương tiện tối tân như vậy Trung Quốc muốn chứng minh điều gì ? Nghiên cứu của  FRS lưu ý : thứ nhất, từ hình thức đến nội dung, cuộc diễu binh mừng Quốc Khánh 2019 là cơ hội để Bắc Kinh chứng minh đã có những bước tiến dài trên con đường hiện đại hóa quân đội, nhanh chóng cải tạo và nâng cấp các phương tiện phòng thủ từ hạt nhân đến các loại vũ khí quy ước.
Thứ hai là các loại vũ khí hiện đại của Trung Quốc có khả năng phản ứng vừa nhanh, vừa chính xác, qua đó Bắc Kinh ngầm nhắn nhủ các quốc gia trong khu vực nên suy nghĩ kỹ trước khi muốn mạo hiểm đọ sức với Trung Quốc.
Điểm thứ ba là chính quyền của ông Tập Cận Bình phô trương các loại vũ nguyên tử để chứng minh rằng, ngay cả trong lĩnh vực này, Trung Quốc không thua kém Mỹ và Nga. Điểm này rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang dâng cao. Bắc Kinh muốn Washington hiểu rằng Trung Quốc không dễ để Hoa Kỳ hù dọa.
Sau cùng, qua cuộc diễu binh 2019, Trung Quốc để cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh hiểu rằng, về vũ khí và quốc phòng, chớ ai mong đợi Bắc Kinh tự trói tay với những hiệp định đa phương. Trung Quốc sẽ không đàm phán với một ai về bất cứ mảng nào trong ngành công nghiệp chế tạo vũ khí.
http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20190927-tq-cong-nghe-che-tao-vu-khi-hien-dai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten