woensdag 27 mei 2020

Các nhà nghiên cứu cố làm sáng tỏ liên hệ Kawasaki - Covid-19

Các nhà nghiên cứu cố làm sáng tỏ liên hệ Kawasaki - Covid-19

Phần âm thanh 09:10
Học sinh tiểu học trở lại trường ở Paris. Ảnh chụp ngày 14/05/2020. Vì sợ bệnh Kawasaki, một số cha mẹ không dám cho con trở lại trường vào lúc này.
Học sinh tiểu học trở lại trường ở Paris. Ảnh chụp ngày 14/05/2020. Vì sợ bệnh Kawasaki, một số cha mẹ không dám cho con trở lại trường vào lúc này. REUTERS - Benoit Tessier
Giữa căn bệnh của trẻ em gần giống với bệnh Kawasaki và Covid-19 có mối liên hệ gì không ? Đó là điều mà các nhà khoa học đang ráo riết tìm lời giải đáp, bởi vì nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ đang rất lo lắng, nhất là tại Pháp, nơi mà các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học đã được mở cửa trở lại.
Bệnh viêm mạch Kawasaki được đặt theo tên của bác sĩ Nhật Bản Tomisaku Kawasaki, người đầu tiên xác định bệnh này vào năm 1967. Bệnh Kawasaki là một trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh tim ở trẻ em tại các nước công nghiệp phát triển. Ở mức độ nghiêm trọng, bệnh Kawasaki có thể làm viêm mạch máu, viêm các động mạch vành cung cấp máu cho tim, dẫn đến phình động mạch hoặc thu hẹp các động mạch. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân bị sưng cơ tim, viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Đa số bệnh nhân Kawasaki là trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng bệnh này có thể xảy ra ở lứa tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, bệnh này hiếm khi xảy ra đến mức hầu như trong chúng ta chưa ai nghe nói đến bao giờ. Cho đến khi có dịch Covid-19, chúng ta mới nghe đến chữ Kawasaki.
Theo Trung tâm châu Âu ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, nơi một số bệnh nhân, có những triệu chứng của bệnh Kawasaki pha lẫn với một triệu chứng của sốc ngộ độc. Cho nên, bộ Y tế Pháp gọi đó là bệnh « Kawasaki giả » ( pseudo-Kawasaki ), còn tiếng Anh gọi là  « giống Kawasaki » ( Kawasaki like ). Đó là một dạng bệnh mà y học gọi là Triệu chứng viêm đa hệ thống trẻ em ( viết tắt theo tiếng Anh là PIMS ). Theo cơ quan Y tế Công cộng Pháp, thời gian trung bình để phát các triệu chứng của PIMS là từ 4 đến 5 tuần sau khi trẻ bị nhiễm Covid-19.
Cụ thể, dạng bệnh hiếm này có những triệu chứng như thế nào, trả lời RFI Pháp ngữ ngày 20/05/2020, giáo sư Alexandre Belot, bác sĩ nhi khoa Bệnh viện Bà mẹ - Trẻ em Lyon và cũng là chuyên gia về các bệnh viêm hiếm nơi trẻ em, cho biết :
« Đầu tiên cần phải nhắc lại cho quý vị thính giả rằng đại đa số những ca Covid-19 nơi trẻ em là những ca không có triệu chứng và nay chúng ta biết được là khả năng lây nhiễm của trẻ em không nhiều. 
Dạng bệnh được mô tả hiện nay là một dạng rất đặc biệt và rất nghiêm trọng, bao gồm các triệu chứng sốt cao, mệt lả, da nổi mụn đỏ giống như bị sởi, mắt đỏ ngầu, sưng đầu ngón chân tay, thậm chí bị choáng váng, vì có thể là huyết áp hạ thấp. Nếu trẻ chỉ bị sổ mũi hoặc bị sốt thì không phải là thuộc dạng bệnh đó với những triệu chứng mà tôi nêu ở trên. Tôi nghĩ là mọi người đều có thể nhận biết những triệu chứng đó, và khi thấy như vậy thì phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay. »
Tại Pháp, theo thông báo của bệnh viện La Timone ở Marseille, đã có một trẻ em đầu tiên bị chết ngày 08/05/2020, sau một tuần lễ được điều trị tích cực với các triệu chứng gần giống như bệnh viêm mạch Kawasaki. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân, một bé trai 9 tuổi sống tại Marseille, đã có tiếp xúc với virus corona, nhưng không có các triệu chứng của Covid-19. Theo thống kê chính thức hiện có 149 ca bệnh PIMS được xác nhận hoặc bị nghi là có liên quan đến Covid -19.
Dạng bệnh viêm này không chỉ xuất hiện ở Pháp mà còn ở một số nước công nghiệp phát triển khác như Anh Quốc, Ý, Bỉ và đặc biệt là Hoa Kỳ, quốc gia bị dịch Covid -19 nặng nhất thế giới hiện nay. Riêng bang New York hôm 13/05 vừa qua thông báo có 102 ca bệnh PIMS, trong đó có 3 em đã chết. Ngay hôm sau, ngày 14/05, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã phát lời cảnh báo đến giới y tế ở Hoa Kỳ về một căn bệnh viêm hiếm ở trẻ em với những triệu chứng giống bệnh Kawasaki, có thể gây tử vong và rất có thể liên quan đến Covid-19. Tại Anh Quốc, hơn 100 trẻ em cũng đã bị các triệu chứng giống bệnh Kawasaki, trong đó có một thiếu niên 14 tuổi đã chết. Đa số các em này đã bị nhiễm virus corona cách đó một tháng.
Tình hình nghiêm trọng đến mức mà Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/05 cho biết tổ chức này cũng đang nghiên cứu về mối liên hệ có thể có giữa bệnh Covid-19 và bệnh Kawasaki. Ông đã kêu gọi các nhà khoa học toàn thế giới nỗ lực nghiên cứu về hai căn bệnh này.
Nhưng làm thế nào để xác định mối liên hệ giữa dạng bệnh giống Kawasaki và Covid-19, giáo sư Belot giải thích :
« Có hai cách để xác định mối liên hệ đó. Cách thứ nhất là xem xét mối liên hệ vi sinh học. Các ca bệnh đầu tiên đều có phản ứng dương tính với virus corona, dù là qua thử nghiệm PCR hay là qua thử nghiệm huyết thanh, hai kỹ thuật xét nghiệm vi sinh học. 
Yếu tố thứ hai là yếu tố dịch tễ học. Chúng tôi đã thiết lập một cơ chế theo dõi, với sự tham gia của cơ quan Y tế Công cộng Pháp và các nhà khoa học, để ghi nhận số ca bệnh mỗi tuần và qua đó đã xác định được hai điểm chính cho thấy có mối liên hệ của dạng bệnh này với Covid-19 : có một đỉnh điểm xảy ra bốn tuần sau khi đợt dịch bệnh bắt đầu ở Pháp, có khi lên đến 30 ca một tuần ( tuần thứ 17 ) và các khu vực địa lý có nhiều ca bệnh này cũng là những khu vực có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất. Như vậy, cả về mặt không gian lẫn thời gian, mối liên hệ này đều được chứng minh. »
Qua các ca bệnh hiện có, hiện nay các nhà khoa học đã có thể rút ra được những nét gì chung của bệnh PIMS, giáo sư Belot cho biết :
« Chúng ta biết rằng dạng bệnh này không xảy ra đối với những trẻ có những bệnh mãn tính ngầm. Những em đó không có bệnh gì đặc biệt. Tỷ lệ trẻ em bị dạng bệnh này nơi các cộng đồng dân cư gốc châu Phi là cao hơn các cộng đồng khác, nhưng đó là những dữ liệu do các đồng nghiệp người Anh đưa ra, chứ ở Pháp chúng ta không có những dữ liệu đó ( vì Pháp không thống kê bệnh nhân theo nguồn gốc sắc tộc ). 
Về mặt di truyền, có hai giả thuyết chủ yếu đang được đưa ra trong các cuộc nghiên cứu để phải thích phản ứng miễn nhiễm mạnh một cách đặc biệt của cơ thể. Một mặt, có thể là có một yếu tố về gen khiến cho cơ thể phản ứng một cách thái quá, dẫn đến những triệu chứng như ta đã thấy ở trên. Mặt khác, cần phải nghiên cứu xem virus gây ra dạng bệnh đó có giống với virus đang lan truyền hiện nay, hay là một biến dạng của virus đó, cho nên mới gây ra những triệu chứng rất đặc biệt. »
Bệnh PIMS nguy hiểm như vậy, nhưng rất may là những ca bệnh này rất hiếm và rất nhiều em đã được chữa khỏi. Trả lời RFI hôm 20/05, giáo sư Belot nêu rõ :
« Hai yếu tố quan trọng cần phải nhấn mạnh: thứ nhất, sự xuất hiện của dạng bệnh này rất hiếm so với hàng triệu trẻ em đã tiếp xúc với virus corona. Thứ hai, chỉ có hàng chục trẻ em bị bệnh này, tất cả đều được ra khỏi phòng hồi sức và việc điều trị đang theo chiều hướng tốt, và hiện nay số ca bệnh đang giảm đi ».
Giáo sư Fabrice Michel, trưởng khoa hồi sức nhi bệnh viện La Timone ở Marseille, nơi có trẻ em đầu tiên chết vì bệnh PIMS, trả lời hãng tin AFP ngày 15/05, cũng đã trấn an các bậc cha mẹ rằng có rất ít trẻ em mắc bệnh này và ở Pháp hiện chỉ mới có một ca tử vong, cho nên không phải lo lắng quá mức. Ông chỉ khuyên là nên đưa con đi khám bác sĩ ngay, nếu thấy trẻ sốt hai ngày liên tiếp.
Vấn đề là làm sao các bác sĩ có thể chẩn đoán sớm các triệu chứng của PIMS để chữa trị kịp thời, tránh để xảy ra tử vong ?
Trả lời kênh truyền hình BFMTV ngày 18/05, bố của bé trai 9 tuổi chết ở Marseille cho biết ông đã đệ đơn kiện bệnh viện La Timone, vì cho rằng cái chết của con ông lẽ ra có thể tránh được. Theo lời người bố, trước khi được đưa vào khoa hồi sức, tình trạng sức khỏe của bé trai này trước đó rất tốt. Đầu tiên, đứa bé chỉ bị sốt cao, hầu như không ăn uống gì nữa và cứ ói mữa liên tục. Bệnh nhân cũng bị tiêu chảy và nổi mụn đỏ khắp người.
Sau lần khám đầu tiên, nghĩ rằng bệnh tình không có gì là trầm trọng, bệnh viện đã gởi trả bé trai về nhà với toa thuốc, trong đó bác sĩ có kê thuốc trụ sinh. Và chính là từ lúc đó, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã suy sụp hẳn. Người bố kể tiếp : « Sau khi chúng tôi về nhà, vợ tôi định tắm cho con thì thấy đầu nó ngả ra đằng sau, mắt trợn trừng, rồi bất tỉnh ». Được đưa vào phòng hồi sức ngày 02/05, lúc đó, bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc một dạng bệnh giống Kawasaki và kết quả xét nghiệm cho thấy đã bị nhễm virus corona từ nhiều tuần trước đó, nhưng không có triệu chứng. Sáu ngày sau, bé trai chết vì bị tổn thương não sau khi lên cơn đau tim.
Như vậy, chính vì đây là một dạng bệnh hiếm mà lại rất mới, cho nên rất khó cho các bác sĩ chẩn đoán kịp thời và khi chẩn đoán được có khi đã quá trễ, như trường hợp bé trai ở Marseille. Rõ ràng là virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà khoa học chưa khám phá hết, khiến cho việc phòng chống bệnh rất phức tạp và không ai có thể tiên đoán được là khi nào dịch bệnh này mới chấm dứt. Đối với các bố mẹ có con nhỏ, có lẻ không ít người sẽ còn bị danh từ Kawasaki ám ảnh cho đến khi nào các nhà khoa học làm sáng tỏ được mối liên hệ giữa căn bệnh hiếm này với Covid-19.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200527-các-nhà-nghiên-cứu-cố-làm-sáng-tỏ-liên-hệ-kawasaki-covid-19

Geen opmerkingen:

Een reactie posten