vrijdag 1 mei 2020

Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc nhiễm virus corona + Trung Quốc hết khả năng gánh vác kinh tế toàn cầu

Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc nhiễm virus corona

Ảnh minh họa. Một xưởng dệt may ở phía bắc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 29/04/2020.
Ảnh minh họa. Một xưởng dệt may ở phía bắc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 29/04/2020. AFP - STR
Siêu vi corona thách thức tham vọng « Vành đai - Con đường » của Trung Quốc, bao phủ khắp ba lục địa Á, Âu, Phi và hai phần ba dân số địa cầu. Những thiệt hại khổng lồ về kinh tế do dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc, cùng với tình trạng phong tỏa, hạn chế mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên hầu khắp thế giới khiến dự án bá chủ của Bắc Kinh bị tác động nghiêm trọng.
Tác động thứ nhất liên quan đến tiến độ các công trình trong dự án. Ngay từ tháng 02/2020, sau Tết Nguyên đán, hàng loạt dự án trong khuôn khổ « Vành đai - Con đường » đã bị tạm ngừng hoặc giãn tiến độ do Trung Quốc phong tỏa đối phó với dịch Covid-19 ở trong nước. Sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị tác động, nhân công Trung Quốc, nếu đến được nước sở tại (Sri Lanka, Pakistan, Malaysia, Indonesia, Cam Bốt, Thái Lan…), bị cách ly 14 ngày, đã làm chậm tiến độ của các dự án. Tình hình này sẽ chưa được cải thiện trong thời gian sắp tới vì cho dù Trung Quốc đã « chiến thắng dịch bệnh » nhưng đến lượt cả thế giới đang chống chọi với virus corona.
Tác động thứ hai liên quan đến khả năng « vung tiền » của Bắc Kinh trong tương lai. Virus corona đã làm tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I/2020 giảm 6,8% (GDP năm 2019 là 6%). Thiệt hại này chắc chắn sẽ hạn chế khả năng tài chính của Trung Quốc cho các dự án lớn ở nước ngoài vì Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc với chi phí cho y tế cộng đồng và tái thiết kinh tế trong nước.
Sắp tới, các chủ nợ Trung Quốc sẽ chỉ có thể tái đàm phán nợ với các nước vay vốn và « sẽ không cấp những khoản tín dụng khổng lồ như từng thấy trong quá khứ, ví dụ một dự án lớn về đường sắt, cảng biển hoặc đập thủy điện », theo nhận định với báo mạng Deutsche Welle (17/04) của bà Agatha Kratz, thuộc văn phòng tư vấn Rhodium Group ở New York.
Thực ra, virus corona chỉ là yếu tố tác động mới trong Sáng kiến Vành đai - Con đường. Trước khi xảy ra dịch, dự án đầy tham vọng này đã bị ảnh hưởng vì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chững lại và nhiều ngân hàng bắt đầu giảm tín dụng cho các công trình trong dự án Con đường tơ lụa mới. Ngoài ra, công luận Trung Quốc có thể sẽ chỉ trích việc đầu tư ra nước ngoài thay vì chấn hưng kinh tế, bảo đảm đời sống cho người dân.
Một ý khác được chuyên gia Kratz nêu lên, đó là « một trên 5 đô la mà Trung Quốc cho vay có khả năng gặp khó khăn. Nếu thêm yếu tố Covid-19, thì sẽ phải nhận ra rằng cần phải cải thiện mô hình và chất lượng các khoản tín dụng ».
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Đây là một thách thức rất quan trọng, vì, theo thẩm định của công ty khai thác mỏ BHP, được Deutsche Welle trích dẫn, tổng chi phí cho các công trình liên quan đến Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc có thể lên đến gần 1,3 nghìn tỉ đô la trong vòng 10 năm, đến 2023, cao gấp 7 lần Kế hoạch Marshall cứu châu Âu sau Thế Chiến II.
Dùng « quà » để duy trì ảnh hưởng
Tuy nhiên, do tương lai kinh tế thế giới cũng không sáng sủa trong và sau giai đoạn dịch Covid-19, nên Bắc Kinh vẫn có thể tiếp tục duy trì và mở rộng ảnh hưởng, khiến nhiều nước mang ơn mà không mất nhiều chi phí. « Mọi sự ủng hộ của Trung Quốc đều được hoan nghênh », theo nhận định của chuyên gia Kratz, nên Bắc Kinh « chỉ cần tặng quà, trang thiết bị cho những nước đang cần hoặc cấp một số khoản vay nhỏ với lãi suất thấp để xây dựng bệnh viện dã chiến ».
Chiến lược này đã được áp dụng với Ý, cũng như với một số nước Nam Mỹ và Nam Phi, những khu vực Trung Quốc nắm đến 30-40% tổng khối nợ nước ngoài của những nước này.
Cuối cùng, để tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại những quốc gia trên, Bắc Kinh có thể sử dụng chiến thuật tái đàm phán nợ, như tạm hoãn hoặc giãn thời gian thanh toán, trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại lớn về nhân mạng và tài chính cho những nước này.
http://www.rfi.fr/vi/phân-tích/20200501-phan-tich-trung-quoc-con-duong-to-lua-covid-19

Virus corona: Trung Quốc hết khả năng gánh vác kinh tế toàn cầu

Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc khó có thể còn là đầu tầu của kinh tế thế giới. Ảnh minh hoạ
Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc khó có thể còn là đầu tầu của kinh tế thế giới. Ảnh minh hoạ REUTERS/China Daily
Bắc Kinh có còn khả năng bơm hàng tỷ đô la khắc phục hậu quả kinh tế virus corona gây nên nữa hay không ? Các dự báo cho thấy nền kinh tế nước này điêu đứng vì dịch bệnh, GDP mất 16 % trong quý 1 năm nay theo dự báo của cơ quan tư vấn Anh, Capital Economics.
Trái với Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ hay Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản và cả BCE của Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cho đến thời điểm này không hạ lãi suất chỉ đạo. Cũng chưa thấy Bắc Kinh « sử dụng vũ khí hạng nặng » để cứu nguy kinh tế, ồ ạt bơm thêm hàng tỷ đô la vào các hoạt động kinh tế như đã từng làm hồi năm 2008-2009 để khắc phục hậu quả khủng hoảng toàn cầu.
Cần nhắc lại, khi đó Trung Quốc đã giải ngân 4.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 13 % GDP để duy trì ổn định về kinh tế và qua đó là xã hội, trong lúc thế giới bị chao đảo từ vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản. Cũng nhờ gói kích thích kinh tế quy mô đó mà chẳng những Trung Quốc vẫn được bình yên mà còn tung tiền ra « mua cả một phần thế giới » cắm rễ sâu hơn vào châu Âu qua hàng loạt các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào các nhà máy của châu Âu, từ Hy Lạp đến Bồ Đào Nha và cả tại Anh, Pháp hay Đức.
Lần này, virus corona đánh thẳng vào từ khu vực sản xuất đến xuất khẩu và cả tiêu thụ của Trung Quốc, thái độ thận trọng nói trên của Bắc Kinh đặt ra nhiều nghi vấn.
Thứ nhất phải chăng Trung Quốc từ chối hưởng ứng kêu gọi của thế giới cùng nhau mở van tín dụng, để vực dậy kinh tế toàn cầu vì tin tưởng kinh tế nước này chóng phục hồi sau hai tháng lao đao vì Covid-19 khiến gần như toàn bộ cỗ máy sản xuất bị tê liệt trong ít nhất 6 tuần lễ ? Giả thuyết thứ hai có thể là lực bất tòng tâm : Bắc Kinh không còn tiền để rót thêm hàng ngàn tỷ nhân dân tệ vào cỗ máy kinh tế khổng lồ này nữa ?
Ngân hàng Nhật Nomura và Goldman Sachs của Mỹ cùng thiên về kịch bản thứ nhì. Bắc Kinh giờ đây không còn khả năng dồi dào như hơn 10 năm về trước. Cũng chính vì đã huy động 13 % GDP trong kế hoạch kích cầu hồi 2008-2009, nợ công của Trung Quốc đã nhảy vọt đang tương đương với 150 % GDP hồi năm 2007 nay đã lên tới 266 % vào năm ngoái theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Ý thức được rằng đang ngồi trên một quả bom nổ chậm, từ hai năm qua, Bắc Kinh cố gắng củng cố hệ thống tài chính, giới hạn bớt rủi ro các ngân hàng bị phá sản vì nợ xấu.
Một giới hạn khác đó là khả năng tiêu thụ của Trung Quốc dù rất lớn, nhưng cũng đã đến lúc bão hòa. Trong hơn một chục năm qua, các công trình xây dựng, từ các trung tâm thương mại đế xa lộ, sân bay quốc tế, … ngày càng đồ sộ, các tòa cao ốc đã mọc lên như nấm ở Hoa Lục. Thị trường địa ốc của Trung Quốc cận kề hiện tượng vỡ bong bóng …
Cũng với chính sách kích cầu vừa qua, Trung Quốc đã dễ dàng tạo điều kiện cho các công ty nhà nước « chinh phục thế giới ». Có điều sau Hoa Kỳ đến lượt châu Âu không còn tin tưởng vào lòng tốt của Trung Quốc như ở đầu những năm 2010. Không có gì bảo đảm là sau đại dịch lần này, Trung Quốc vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ trong mắt các nhà đầu tư của Âu Mỹ. 
Đó có thể là một lý do giải thích vì sao Bắc Kinh thận trọng trước khi thông báo « một gói kích cầu quy mô » để tiếp tục rót thêm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước.
Không phải tình cờ mà Ngân Hàng Thế Giới dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay có thể rất gần với số không. Riêng cơ quan tư vấn Capital Economics có trụ sử tại Luân Đôn dự phóng tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc lần đầu tiên sẽ « ở số âm ».  
http://www.rfi.fr/vi/phân-tích/20200402-trung-quốc-hết-khả-năng-gánh-vác-kinh-tế-toàn-cầu

Geen opmerkingen:

Een reactie posten