Xe ôm Thái Lan khác Việt Nam về quản lý và cách kiếm tiền
Dường như đi đến đâu ở Bangkok cũng dễ dàng tìm được xe ôm, giống như ở Việt Nam.
Nhưng tìm hiểu kỹ bạn sẽ thấy cũng có rất nhiều điều khác biệt ở lực lượng xe ôm tại Thái Lan.
Đồng phục
Rất dễ để nhận ra lực lượng xe ôm ở Thái Lan, với đồng phục, biển số xe riêng màu vàng, thẻ tên.
Anh Chuchart Moomsan, một tài xế xe ôm có 23 năm tuổi nghề ở Bangkok, nói với BBC:
"Chiếc áo khoác vàng này là chứng nhận là chúng tôi cung cấp dịch vụ phù hợp với luật pháp Thái Lan"
Các tài xế chỉ cần đăng ký với Sở Giao thông để được cấp áo, thẻ tên miễn phí.
Điều kiện bắt buộc là phải có giấy phép lái xe chở khách và xe phải đăng ký dưới dạng xe chạy dịch vụ.
Hoạt động tại khu vực cố định
Trên thẻ cài ở áo mỗi lái xe ôm ở Thái Lan có ảnh, số thứ tự và quan trọng nhất là địa điểm đón khách.
Đây có lẽ là điểm mấu chốt tạo nên khác biệt với xe ôm tại Việt Nam.
Xe ôm ở Thái Lan chỉ được đón khách tại các điểm cố định, thường là đầu ngõ, trạm dừng phương tiện công cộng, hay trung tâm thương mại.
Việc này để phân bổ tài xế và khách phù hợp với mỗi khu vực, tránh tình trạng bắt khách dọc đường.
Đón khách lần lượt - mức giá rõ ràng
Du khách Việt tới Bangkok dường như khá lạ lẫm với cảnh khách xếp hàng trật tự chờ đón xe ôm.
Không có chuyện giành khách hay chen lấn, xô đẩy. Thậm chí không mặc cả.
Đã có bảng giá cụ thể và số thứ tự xe đón khách rõ ràng.
Sau mỗi cuốc xe, tài xế lại quay về bến gốc của mình và đợi đón hành khách tiếp theo.
Phương tiện đa dạng
Tại Việt Nam, cánh xe ôm thường chọn những chiếc xe nhỏ, kinh tế và 'lành' như Wave, Dream… Những chiếc xe này thường cũ, và không bắt mắt.
Nhưng tại Thái Lan, xe ôm có thể là xe ga, xe côn tay - vốn người Việt coi là cao cấp.
Nỗi lo chung: Xe ôm công nghệ
Nhưng cũng giống Việt Nam, xe ôm truyền thống ở Thái Lan đang đối mặt với nỗi lo cạnh tranh với xe ôm công nghệ.
Khách bắt xe ôm công nghệ chỉ cần dùng các apps như taxi grabs để đặt xe tới đón.
Cánh xe ôm truyền thống thì đang kẹt ở thế chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Còn gì nữa ở xe ôm Thái Lan?
Người Thái gọi xe ôm là Win ('xe máy cho thuê'),du khách gọi là motorbije taxi.
Các chuyến từ trên 20 bath - 100 baht xuất phát từ các bến cố định thì được quy định giá.
Gần như không bắt khách dọc đường, , trừ những đoạn ngắn, khoảng 1km, giá dưới 20 baht.
Doanh thu một ngày của một lái xe ôm có thể vào khoảng 500-1000 baht nếu làm 8-10 tiếng.
Xe ôm tại Thái Lan bắt đầu phát triển mạnh mẽ sau khi được Sở Cảnh sát Đô thị Bangkok công nhận là loại hình phương tiện công cộng hợp pháp vào năm 1982.
Bài do ban biên tập và phóng viên BBC News Tiếng Việt thực hiện tại Bangkok.
https://www.bbc.com/vietnamese/media-46260559
Geen opmerkingen:
Een reactie posten