donderdag 27 december 2018

Nam Bắc Hàn làm lễ động thổ "đường sắt thống nhất" + Ấn Độ khánh thành cầu đường sắt tại khu vực giáp biên với Trung Quốc

Nam Bắc Hàn làm lễ động thổ "đường sắt thống nhất"

mediaBinh sĩ Hàn Quốc mở cửa biên giới, ngăn đoạn đường sắt nối liền với Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 30/11/2018.REUTERS/Kim Hong-Ji
Seoul không bỏ một cơ hội nào để hun đúc ngọn lửa đối thoại với Bình Nhưỡng. Hôm nay, 26/12/2018, một phái đoàn Nam Hàn đã qua biên giới bằng tàu hỏa để cùng Bắc Triều Tiên tổ chức lễ khởi công nối liền hệ thống đường sắt và đường bộ Bắc-Nam, cho dù tiến trình hoà bình vẫn còn bế tắc vì hồ sơ hạt nhân.
Nói là « khởi công » nhưng buổi lễ chỉ có tính tượng trưng. Tượng trưng bởi vì Bình Nhưỡng vẫn bị Hội Đồng Bảo An trừng phạt. Tuy nhiên, do lo ngại căng thẳng leo thang trở lại, Seoul tìm cách vuốt ve Kim Jong Un bằng mọi giá.
Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias tường trình :
Bằng xe lửa, phái đoàn Hàn Quốc gồm 100 người, hai bộ trưởng và dân biểu đến ga Bàn Môn, ở bên kia biên giới vài cây số. Trong số khách mời còn có nhiều quan chức, Trung Quốc Nga và Mông Cổ.
Phái đoàn hai nước Nam Bắc Hàn thay nhau đọc diễn văn, cắt băng khai trương, ký vào thanh bê tông đặt dưới đường sắt… Nhưng trên thực tế, ngoài các động thái biểu tượng tại ga Bàn Môn, không một chiếc xe lửa nào lưu thông, không một đoạn đường nào trong lãnh thổ Bắc Triều Tiên sẽ được tân trang, nâng cấp, nếu lệnh trừng phạt chưa được giảm nhẹ.
Ngay buổi lễ biểu tượng hôm nay cũng phải được Hội Đồng Bảo An đặc cách cho phép.
Nếu Hàn Quốc có ước mơ mở rộng hệ thống hỏa xa nối liền hai lục địa Á-Âu thì dự án này đang nằm trong ngõ cụt : đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên không tiến triển, lệnh trừng phạt vẫn tồn tại, Bắc Triều Tiên mất kiên nhẫn, căng thẳng có thể bùng lại vào năm tới.
Seoul bắt buộc phải sử dụng các động thái « biểu tượng » để không tác hại đến xu thế đối thoại hiện nay.
Với buổi lễ khởi công ở ga Bàn Môn, Hàn Quốc chứng tỏ nhiệt tâm hợp tác với Bắc Triều Tiên và điều này cần được Hoa Kỳ ủng hộ.
Chosun Ilbo, nhật báo thân Bình Nhưỡng phát hành tại Nhật Bản trong số báo 26/12/2018 tỏ ra lạc quan và cho rằng « thỏa thuận Bàn Môn Điếm » giữa hai lãnh đạo Nam Bắc là không thể đảo ngược.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181226-nam-bac-han-khoi-dong-cong-trinh-thong-nhat-giao-thong-tren-bo

Ấn Độ khánh thành cầu đường sắt tại khu vực giáp biên với Trung Quốc

mediaCầu đường sắt Bogibeel tại bang đông bắc Asam, Ấn Độ.Ảnh : Wikipedia
Thủ tướng Narendra Modi hôm qua 25/12/2018 khánh thành cầu đường sắt Bogibeel, dài nhất Ấn Độ. Cây cầu được xây dựng nhằm mục đích củng cố khả năng phòng vệ của Ấn Độ ở vùng biên giới với Trung Quốc.
Cầu đường sắt Bogibeel dài 4,9 km, bắc qua sông Brahmapoutre, bang Assam, miền đông-bắc Ấn Độ, gần biên giới với Trung Quốc. AFP cho biết chính phủ quyết định xây cầu vào năm 1985. Cầu Bogibeel được xây dựng trong 20 năm, với tổng chi phí lên tới 800 triệu đô la.
Cầu đường sắt Bogibeel cho phép rút ngắn 750 km hành trình đi tàu từ thành phố nói trên đến Itanagar, thủ phủ bang Arunachal Pradesh. Cây cầu được thiết kế để một chiến đấu cơ có thể hạ cánh. Nằm gần thành phố Dibrugarh, cầu sẽ cho phép quân đội triển khai quân nhanh chóng hơn ở bang lân cận, Arunachal Pradesh, có đường biên giới với Tây Tạng. Bắc Kinh coi một phần bang này là đất của Trung Quốc. Sau cuộc chiến biên giới chớp nhoáng Ấn - Trung năm 1962, Bắc Kinh phải rút quân đội khỏi bang này.
Năm 2017, Ấn Độ cũng đã khánh thành một cây cầu dài 9,1 km nối hai bang Assam và Arunachal Pradesh, cụ thể là nối hai thành phố Dhola và Sadiyla, cũng nhằm tăng cường khả năng phòng vệ.
Đối với chính quyền Ấn Độ, vùng Đông Bắc được coi là một địa bàn hiểm yếu. Khu vực này nối liền với vùng đất trung tâm qua dải đất hẹp Siliguri, thường được gọi là « cổ gà », bề ngang rộng từ 20 đến 40 km. New Delhi lo ngại một khi chiến tranh bùng nổ, nếu quân đội Trung Quốc xâm nhập khu vực này, toàn bộ vùng đông bắc sẽ bị cô lập. Hồi mùa hè 2018, Ấn Độ phải triển khai quân đội tại ngã ba biên giới Doklam, sát với khu vực « cổ gà », trong nhiều tháng, để đề phòng Trung Quốc lấn chiếm.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20181226-an-do-khanh-thanh-cau-duong-sat-dai-nhat-nuoc-de-cung-co-quoc-phong-o-bien-gioi-voi-

Geen opmerkingen:

Een reactie posten