donderdag 13 december 2018

Việt Nam : Lo ngại việc Trung Quốc mua nhà ở TP.HCM tăng đột biến

Lo ngại việc Trung Quốc mua nhà ở TP.HCM tăng đột biến

Những chung cư đang được xây dựng ở TP.HCM năm 2011.
Những chung cư đang được xây dựng ở TP.HCM năm 2011.
 AFP
Một thông tin mới được công bố hôm 11/12 của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2018, khách hàng Trung Quốc chiếm đến 31% lượng khách mua bất động sản tại TPHCM, trở thành những nhà đầu tư dẫn đầu thị trường bất động sản ở Việt Nam, trên cả Mỹ, Nam Hàn. Thống kê này của CBRE được cho biết là chỉ tính đến những giao dịch thành công từ CBRE, không phải của toàn thị trường. Tuy nhiên, thông tin này cũng gây những lo ngại cho một số người dân Việt Nam, vốn có tâm lý ngại Trung Quốc.
Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ người Trung Quốc mua nhà ở TP HCM đã tăng nhanh chóng từ con số 2% trong năm 2016 lên gấp đôi vào năm 2017 và 31% trong 9 tháng đầu năm nay, theo con số thống kê mới nhất của Công ty nghiên cứu Thị trường CBRE Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Bất động sản - Động lực tăng trưởng mới do Forbes tổ chức tại TP HCM hôm 11/12/2018. Dường như con số này không làm mấy người Việt Nam yên tâm, nhất là khi tính đến yếu tố lịch sử.
Luật sư Minh Thọ ở Sài Gòn nêu ý kiến của mình với tư cách một người dân:
Ngoài Trung cộng ra, với các nước khác mình không phải bận tâm lắm, vì các nước văn minh họ tôn trọng luật pháp quốc tế, họ trọng danh dự Quốc thể. - Ls. Minh Thọ
“Để trả lời câu hỏi, rằng người dân Saigon nói riêng và dân VN nói chung, có suy nghĩ gì về số liệu trên hay không, tôi cho rằng, nếu hỏi 100 người thì có lẽ khoảng 90 người có cảm giác “nhồn nhột”. Tại sao? Vì bản chất của chính quyền Trung cộng thì dân VN đã quá rõ từ hàng ngàn năm nay rồi. Họ muốn thôn tính VN bằng mọi cách, bất chấp mọi thủ đoạn.
Những tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc được luật sư Minh Thọ nói đến như là một yếu tố tác động đến tâm lý lo ngại này.
Ngoài Trung cộng ra, với các nước khác mình không phải bận tâm lắm, vì các nước văn minh họ tôn trọng luật pháp quốc tế, họ trọng danh dự Quốc thể. Còn Trung cộng thì luôn bắt nạt các nước láng giềng bé nhỏ xung quanh mình, thì làm sao mà tin tưởng được. Trên thực tế, chính quyền Trung cộng đã dùng sức mạnh bạo lực cưỡng chiếm nhiều vùng biển đảo của VN và đã, đang quân sự hóa Biển Đông, nhằm phục vụ cho chiến lược thôn tính của chúng. Chính vì thế, việc người Trung cộng mua bất động sản gia tăng một cách đột biến tại Saigon và khu vực miền Trung VN, đặc biệt là Đà Nẵng, Khánh Hòa và trên khắp cả nước, thì rõ ràng, mình không thể nào an tâm được.
Theo bảng thống kê của CBRE được báo chí trong nước trích dẫn thì ngoài Trung Quốc còn có nhiều nước khác cũng mua bất động sản tại Việt Nam những năm gần đây, nhưng những người Việt trong nước mà chúng tôi hỏi chuyện đều cho rằng, họ không ngại nếu nước khác mua bất động sản ở Việt Nam dù để ở hay để đầu tư, nhưng với Trung Quốc thì khác. Cô Trần Thanh Mai, sinh viên ĐHSP TPHCM cũng có cùng suy nghĩ:
Cái tư tưởng bành trướng của Trung Quốc từ xưa đến nay khiến em và rất nhiều người Việt Nam tin rằng Trung Quốc đến Việt Nam không chỉ vì kinh tế.  - Trần Thanh Mai
Không chỉ người Trung Quốc mà người Hàn Quốc họ mua nhà ở Việt Nam cũng rất nhiều nhưng thật ra người Việt Nam có tâm lý bài Trung.
Cái tư tưởng bành trướng của Trung Quốc từ xưa đến nay khiến em và rất nhiều người Việt Nam tin rằng Trung Quốc đến Việt Nam không chỉ vì kinh tế. Đã có quá nhiều bài học cho Việt Nam rồi. Chính trị và an ninh của Việt Nam không vững mạnh, nếu một mai rơi vào trường hợp như bán đảo Crimea thì Việt Nam có đối phó được hay không, đó  một dấu hỏi của rất nhiều người Việt Nam hiện nay.
Trong những năm qua, ở Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ biểu tình phản đối Trung Quốc ở các thành phố lớn từ năm 2007 trở lại đây, chủ yếu liên quan đến tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. Đỉnh điểm của các vụ biểu tình phải nói đến là vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 vào gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Các cuộc biểu tình đã dẫn đến bạo động đốt phá ở một số khu công nghiệp của Việt Nam, nhắm vào các công ty của Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc thậm chí đã phải ra thông báo cảnh báo công dân nước này tại Việt Nam.
Mới đây nhất là các vụ biểu tình của hàng ngàn người dân ở nhiều thành phố lớn tại Việt Nam phản đối dự luật Đặc khu vì lo ngại người Trung Quốc sẽ được thuê đất đến 99 năm. Những phản đối dữ dội của người dân và cảnh báo từ phía các chuyên gia độc lập đã khiến Quốc hội Việt Nam phải ngưng việc thông qua dự luật gây tranh cãi này.
Vì sao người Trung Quốc muốn mua đất ở VN?
Báo cáo mới của CBRE cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhất vẫn là các căn hộ cao cấp ở khu vực trung tâm thành phố.
Người Việt Nam biểu tình phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất tới 99 năm. Ảnh chụp hôm 10/6/2018.
Người Việt Nam biểu tình phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất tới 99 năm. Ảnh chụp hôm 10/6/2018. AFP
Nhưng ngoài Sài Gòn, người Trung Quốc cũng mua đất đai ở nhiều địa phương khác tại Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng. Những khu dân cư ven biển ở Đà Nẵng từ nhiều năm nay người dân không còn lạ với việc người Việt đứng tên để người Trung Quốc mua đất xây nhà sinh sống.
Theo đánh giá của Bộ Tài Chính thì giá bất động sản Việt Nam thu hút người Trung Quốc bởi giá rẻ hơn các nước trong khu vực. Giá bất động sản cao cấp ở trung tâm TP.HCM dao động từ 3.000 USD đến 6.000 USD m2, bằng một nửa so với mức 7.000 USD-9.000 USD/m2 bất động sản cùng phân khúc ở Bangkok và chưa đến 10% so với giá nhà ở Hồng Kông.
Còn theo các chuyên gia của CBRE, lý do người Trung Quốc mua bất động sản ở thành phố tăng vọt là vì quy định cho phép người nước ngoài được mua 30% số lượng đơn vị nhà ở trong các dự án bất động sản tại Việt Nam có hiệu lực kể từ năm 2015.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, việc người Trung Quốc mua nhà ở Việt Nam cũng giống người Hàn Quốc hay người các nước khác muốn sang làm việc ở Việt Nam mà thôi vì chính sách về nhà ở của Việt Nam hiện rất thoáng.
“Chính sách nhà ở của Việt Nam được thay đổi rất mở trong luật 2014, trong đó tạo điều kiện cho tất cả những cá nhân nước ngoài có visa công việc vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở. Thời hạn là 50 năm và nếu hết thời hạn mà còn có nhu cầu thì được gia hạn và nếu không có nhu cầu thì có thể chuyển nhượng trên thị trường.
Người dân Việt luôn có tâm lý lo ngại cũng như cảnh giác người Trung Quốc vào nhiều, chiếm các vị trí quan trọng mang tầm chiến lược ở Việt Nam, nhất là với 3 đặc khu trong dự luật Đặc khu gây tranh cãi là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Blogger Trần Bang, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng từng nói với RFA về dự luật đặc khu rằng 99 năm rất là dài, có thể kéo dài đến 3,4 thế hệ và ảnh hưởng rất xấu đến an ninh quốc phòng. Khi đấu giá, họ sẵn sàng ra giá cao để thuê được 3 điểm quan trọng nằm tại đầu và giữa của đất nước, kết hợp với Hoàng Sa, Trường Sa, kết hợp với đường lưỡi bò thì Việt Nam nằm hoàn toàn trong vòng tay họ.
Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ có một góc nhìn tích cực hơn trong vấn đề hợp tác quốc tế dù ông biết nhiều người Việt Nam cũng nghĩ theo hướng quan ngại vì từ xưa đến nay cũng có những vấn đề nhất định.
“Về địa chính trị thì Việt Nam ở vị trí khó khăn nhưng về địa kinh tế thì Việt Nam được tiếp cận một thị trường hơn 1,4 tỷ dân, là thị trường rất lớn, thế thì phải nói đấy là lợi thế. Tôi cho rằng tất cả câu chuyện quan ngại hay không là ở chỗ Việt Nam có được nền kinh tế thông minh, xã hội thông minh hay không, chứ tất cả mọi chuyện đều giải quyết được.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định hiện nay người nước ngoài chỉ được mua nhà gắn với quyền sử dụng đất ở, và các dự án hay nhà ở được phép bán không thuộc những nơi hiểm yếu về an ninh quốc phòng.
https://www.bing.com/videos/search?q=giang+sinh+2018&view=detail&mid=164262C65372DDF75BE0164262C65372DDF75BE0&FORM=VIRE

Geen opmerkingen:

Een reactie posten