maandag 24 december 2018

Nhật Bản : Diễn văn "cuối cùng" của hoàng đế Akihito + Nhật Hoàng Akihito ‘hối hận sâu sắc’ về Đệ nhị Thế chiến

Nhật Bản : Diễn văn cuối cùng của hoàng đế Akihito

mediaNhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko ngày 23/12/2018.Reuters
Đúng sinh nhật 85 tuổi, ngày 23/12/2018, hoàng đế Nhật Bản Akihito đọc bài diễn văn cuối cùng trước khi thoái vị. Tháng 4/2019 ông sẽ nhường ngai vàng cho con trai là hoàng thái tử Naruhito. Trị vì từ năm 1989, Akihito là một vị hoàng đế rất được thần dân nể trọng và yêu mến.
Ông và hoàng hậu Michiko được kính trọng vì lòng nhân từ. Lần đầu tiên trong lịch sử xứ phù tang, hoàng đế và hoàng hậu thường xuyên xuất cung, đến thăm hỏi, an ủi các nhạn nhân mỗi lần Nhật Bản bị thiên tai.
Riêng Akihito, ông đi vào lịch sử Nhật Bản như một vị hoàng đế yêu chuộng hòa bình. Thông tín viên đài RFI Frédéric Charles từ Tokyo tường thuận về bài diễn văn cuối cùng Akihito gửi đến quốc dân.
"Ông là một vị hoàng đế yêu chuộng hòa bình, là người bảo đảm cho bản Hiến Pháp chủ hòa mà thủ tướng Shinzo Abe đang muốn sửa đổi. Hoàng đế Akihito phát biểu với quốc dân lần cuối. Ông đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc đại chiến ở châu Á mà Nhật Bản đã gây ra nhân danh cố hoàng đế Hiroshito, thân phụ của Akihito.
Phát biểu hôm nay, Nhật hoàng kêu gọi người dân "đừng quên rằng rất nhiều mạng sống bị cướp đi trong chiến tranh. Hòa bình và thịnh vượng mà Nhật Bản có được ngày nay là nhờ không biết bao nhiêu hy sinh to lớn của người dân Nhật. Truyền đạt lại một cách chính xác về lịch sử cho các thế hệ sinh ra sau chiến tranh là điều hết sức quan trọng".
Trong suốt thời gian trị vì, hoàng đế Akihito đã thăm quan những địa danh, nơi từng nổ ra những trận đánh trong Thế Chiến Thứ Hai và ông không ngừng nỗ lực hòa giải với tất cả những nước láng giềng châu Á.
Thông điệp của hoàng đế Nhật trái ngược hoàn toàn với lập trường của thủ tướng Shinzo Abe. Chính quyền Tokyo muốn thay đổi bản hiến pháp chủ hòa, sang trang quá khứ lịch sử. Những thế hệ mới sau này hầu như không biết gì về cái thời kỳ ấy".
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20181223-nhat-ban-dien-van-cuoi-cung-cua-hoang-de-akihito

Nhật Hoàng Akihito ‘hối hận sâu sắc’ về Đệ nhị Thế chiến

mediaPhút mặc niệm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong nghi thức tưởng niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, Tokyo, 15/08/2015.REUTERS/Toru Hanai
Nhật Bản vào hôm nay 15/08/2015 đã long trọng kỷ niệm 70 năm ngày Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Nhân dịp này, Nhật Hoàng Akihito đã bày tỏ lòng « hối hận sâu sắc » về cuộc chiến. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến sự kiện Nhật Hoàng đã thay đổi ngôn từ, không theo đúng nội dung trong bài diễn văn được soạn trước, một cử chỉ được cho là nhằm kín đáo chỉ trích quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Shinzo Abe.
Phát biểu trong buổi lễ, Nhật Hoàng tuyên bố : « Nhìn lại quá khứ của chúng ta và khắc ghi trong tâm trí sự hối hận sâu sắc về cuộc chiến, tôi thành thật hy vọng rằng sự tàn phá của chiến tranh sẽ không bao giờ lặp lại ».
Theo giới quan sát, trong thời gian qua, Nhật Hoàng đã nhiều lần tuyên bố hối hận về các hành động đã qua của nước Nhật, nhưng hôm nay là lần đầu tiên mà Nhật Hoàng nói đến sự « hối hận sâu sắc » trong một bài phát biểu thường niên nhân lễ kỷ niệm ngày Thế chiến Thứ Hai kết thúc.
Năm nay đã 81 tuổi, Nhật Hoàng Akihito vẫn luôn luôn kêu gọi nước Nhật là phải luôn luôn nhớ đến những đau khổ do chiến tranh gây ra, và ông luôn cố gắng thúc đẩy sự hòa giải giữa các nước châu Á.
Lòng « hối hận sâu sắc » của Hoàng đế Nhật Bản được xem là một lời chỉ trích tinh tế nhắm vào Thủ tướng Nhật Bản. Trong diễn văn của mình vào hôm qua, ông Shinzo Abe chỉ xác định lòng « vô cùng đau xót » trước những đau khổ mà đế quốc Nhật gây ra trước đây, nhưng cho rằng không nên buộc các thế hệ sinh ra sau chiến tranh phải xin lỗi về những hành động không phải của mình.
Bản thân ông Shinzo Abe không trực tiếp nói lên lời xin lỗi của chính ông mà các nước như Trung Quốc hay Hàn Quốc mong đợi. Ông chỉ nhắc lại những lời xin lỗi và bày tỏ lòng hối hận sâu sắc của các chính phủ Nhật Bản trước đây.
Quan điểm cứng rắn của ông Abe còn được thể hiện vào hôm nay khi ông lại cho gửi lễ vật tới đền Yasukuni, nơi thờ các tử sĩ Nhật Bản, trong đó có một số người bị coi là tội phạm chiến tranh. Phụ tá của ông là dân biểu đảng Dân chủ Tự do Koichi Hagiuda đã đại diện ông Abe đến viếng đền, không phải trong tư cách Thủ tướng, mà là trong vai trò Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do.
Ngoài người thay mặt ông Abe, còn có ít nhất ba thành viên chính phủ Nhật Bản cũng đến viếng đền Yasukuni vào hôm nay : Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Tomomi Inada, Bộ trưởng phụ trách bình đẳng giới tính Haruko Arimura, Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi.
Thái độ của Thủ tướng Nhật và chính phủ của ông liên quan đến chiến tranh đã lập tức bị Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150815-nhat-hoang

Geen opmerkingen:

Een reactie posten