woensdag 17 februari 2016

Ý đồ của Trung Quốc khi thám hiểm mặt trăng

Ý đồ của Trung Quốc khi thám hiểm mặt trăng

mediaHình ảnh xe tự hành mang tên "Thỏ ngọc" của Trung Quốc trên mặt trăng được truyền hình Trung Quốc phát đi rộng rãi ngày 16/12/2013.REUTERS/CCTV via Reuters TV
Hôm qua, 15/12/2013, xe tự động thăm dò Thỏ Ngọc của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trên mặt trăng. Sau 37 năm, giờ đây Trung Quốc tiếp nối Hoa Kỳ và Nga trong công cuộc thám hiểm hành tinh này. Vậy mục đích của Trung Quốc là gì Báo Les Echos qua bài « Từ Trung Quốc đến mặt trăng », góp phần trả lời câu hỏi.
Từ năm 1976 đến nay, không có một phi thuyền hoặc xe tự hành nào của Mỹ hoặc Nga được phóng lên mặt trăng. Như vậy, xe thám hiểm Thỏ Ngọc của Trung Quốc là sứ giả đầu tiên tới thăm chị Hằng kể từ bốn thập niên qua.
Đối với Trung Quốc, sự kiện này mang tính biểu tượng rất cao và minh họa cho khẩu hiệu « giấc mơ Trung Hoa » mà ông Tập Cận Bình đưa ra. Theo ông Philippe Coué, chuyên gia về các chương trình nghiên cứu không gian Trung Quốc, thì ngoài ích lợi về khoa học, sự kiện này trước tiên là « nhằm thử nghiệm các công nghệ mới và củng cố hình ảnh của Trung Quốc như một cường quốc lớn ».
Đương nhiên, Trung Quốc không phải đợi cho đến khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo mới « mơ tưởng » thám hiểm mặt trăng. Từ 10 năm nay, Trung Quốc đã thực hiện chương trình này. Trước khi phi thuyền Hằng Nga 3 đưa xe Thỏ Ngọc lên mặt trăng, trong các năm 2007 và 2009, Trung Quốc đã phóng phi thuyền Hằng Nga 1 và Hằng Nga 2 lên quỹ đạo mặt trăng để chụp và lập bản đồ hành tinh này.
Theo Les Echos, sau Hằng Nga 3, Trung Quốc sẽ phóng Hằng Nga 4 có thể vào năm 2014 hoặc 2015, nhằm chuẩn bị cho mục tiêu là thực hiện chuyến thám hiểm khứ hồi : Hằng Nga 5 sẽ được phóng lên mặt trăng vào năm 2017 và trở về trái đất, mang theo các mẫu vật lấy trên đó. Đương nhiên, Mỹ và Nga đã làm được việc này, nhưng đối với Trung Quốc, đây là một thắng lợi to lớn vì Trung Quốc là cuờng quốc thứ ba vượt qua được thách thức này.
Vậy Trung Quốc chi ra bao nhiêu tiền để thực hiện chương trình thám hiểm mặt trăng ? Les Echos khẳng định : Không ai biết chính xác, trừ giới lãnh đạo tại Bắc Kinh. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được công bố, nhưng ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu không gian lại là ẩn số.
Có chuyên gia nói đến ngân sách 3 hoặc 4 tỷ euro. Chuyên gia Philippe Coué không đồng tình với thẩm định này và nhấn mạnh, Trung Quốc có khoảng 200 ngàn người làm việc trong lĩnh vực không gian.
Vẫn theo chuyên gia này, Trung Quốc có tham vọng đưa người lên mặt trăng vào khoảng năm 2025. Đến năm 2030, sẽ lập trạm nghiên cứu thường trực trên mặt trăng. Để làm được việc này, từ năm 2011, Trung Quốc đã chính thức phát triển một phiên bản mới của tên lửa Trường Chinh, còn mạnh hơn cả Trường Chinh 5 sắp tới được đưa vào hoạt động. Tên lửa Trường Chinh 9 có sức đẩy rất lớn, đủ khả đưa lên quỹ đạo khoảng 100 tấn thiết bị. Loại tên lửa này sẽ được đưa vào hoạt động năm 2021.
Chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc có nhằm phục vụ ý đồ quân sự hay không ?
Các phát biểu gần đây của giáo sư Âu Dương Tự Viễn (Ouyang Ziyuan), Giám đốc chương trình mặt trăng của Trung Quốc làm cho giới quan sát nghi ngại. Hồi tháng 10, trong một bài phát biểu công khai tại Thẩm Quyến, chuyên gia này nhấn mạnh đến tiềm năng chiến lược và quân sự của mặt trăng.
Xin nhắc lại là vào những năm 1950, Mỹ và Nga lúc đó đã dự tính biến mặt trăng thành một căn cứ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tất nhiên, ý đồ này không thành. Tuy nhiên, công nghệ quân sự đã phát triển mạnh từ 40 năm qua, giờ đây, chắc chắn là có nhiều phương cách khác nhau để sử dụng mặt trăng vào các mục đích chiến lược.
Đạo luật về bí mật Nhà nước của Nhật gây lo ngại
Cũng liên quan đến Châu Á, báo Le Monde có bài phân tích : « Tại Nhật Bản : Một đạo luật về bí mật Nhà nước gây tranh cãi ». Đạo luật này được công bố ngày 13/12 vừa qua. Điều gây lo ngại là các điều khoản trong văn bản này rất mơ hồ, chung chung, có thể dẫn đến những hạn chế về thông tin, trái ngược với các quyền được ghi trong Hiến pháp.
Le Monde cho biết là việc ban bố đạo luật trùng với thời điểm Nhật Bản thành lập Hội đồng an ninh quốc gia, cũng như theo yêu cầu của chính quyền Mỹ.
Bộ máy hành chính Nhật Bản vốn có truyền thống kém minh bạch, việc áp dụng đạo luật về bí mật Nhà nước có thể làm tăng thêm tệ nạn này. Một thảm họa hạt nhân như ở Fukushima có thể được coi là thuộc bí mật quốc gia. Điều đáng lo ngại khác là người dân sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi quy trình ra các quyết định của chính phủ.
Theo Le Monde, bối cảnh đạo luật ra đời làm người dân Nhật Bản nhớ lại quá khứ không tốt đẹp. Vào năm 1925, chính phủ Nhật Bản ban hành luật giữ gìn trật tự công cộng, mở đường cho đợt trấn áp biểu tình phản đối sự lớn mạnh của chủ nghĩa quân phiệt, hai năm sau khi xẩy ra một trận động đất ở Tokyo. Đạo luật về bí mật Nhà nước lần này ra đời hai năm rưỡi sau khi xẩy ra các thảm họa ở Fukushima.
Le Monde nhận định, dường như chính phủ Nhật đã áp dụng « Chiến lược gây sốc – Actes Sud 2008 » để thông qua đạo luật về bí mật Nhà nước.
Chiến lược gây sốc được áp dụng trong lĩnh vực kinh tế và nêu lên thành lý thuyết, theo đó, các chính phủ và các nhóm lọi ích tranh thủ sự hoang mang, chấn thương tinh thần của dân chúng sau một cuộc xung đột, một cuộc khủng hoảng hay thảm họa thiên tai, để thúc đẩy các cải cách phục vụ lợi ích của họ. Mối quan tâm, lợi ích của chính phủ Shinzo Abe hiện nay là kiểm soát thông tin và vai trò kiểm soát của cảnh sát. Như vậy, đạo luật về bí mật Nhà nước sẽ nhắm chủ yếu vào các phương tiện truyền thông và các chính trị gia.
Bằng chứng bổ sung, Thủ tướng Shinzo Abé còn bổ nhiệm bốn người thân cận vào hội đồng quản trị cơ quan giám sát truyền thông NHK. Đó là những nhân vật bảo thủ, có đầu óc dân tộc chủ nghĩa. Theo Le Monde, trong chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia này, mục tiêu dường như là tăng cường sự ủng hộ của dân chúng qua việc duy trì lòng yêu nước, nói một cách khác là tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20131216-y-do-cua-trung-quoc-khi-tham-hiem-mat-trang

Geen opmerkingen:

Een reactie posten