donderdag 4 februari 2016

Virus Zika, một hiểm họa mới, gây bệnh teo não ở thai nhi + WHO họp khẩn + Virus chứng nhỏ đầu lan rộng ở châu Mỹ

Virus Zika, một hiểm họa mới

  • 2 tháng 2 2016
Hôm 01/2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nâng mức cảnh báo lan rộng virus Zika do muỗi truyền lên mức toàn cầu chứng tỏ sự lo sợ về một đại dịch gây những hậu quả lâu dài và khôn lường do tấn công vào não của bào thai là có cơ sở vì muỗi truyền virus này có mặt trong một khu vực phân bố tới 3,9 tỷ người.

Khoảng trống bệnh học

Virus Zika được biết đến lần đầu tiên năm 1947 tại Uganda và mặc dù bệnh nhân có các triệu chứng gần giống với sốt xuất huyết hay sốt Chikungunia nhưng diễn biến lâm sàng thường thoảng qua nên vẫn thường được coi như vô hại cho tới gần đây tại Brazil.
Hiện chưa có bằng chứng trực tiếp rằng phụ nữ mang thai nhiễm Zika virus sẽ gây rối loạn phát triển não bộ và thần kinh của bào thai vì các nghiên cứu như vậy có thể vi phạm các giới hạn đạo đức y học, trong khi các nghiên cứu và thử nghiệm gián tiếp trên môi trường nuôi cấy mô thần kinh chưa chắc đã phản ánh đúng các tương tác bệnh học mà virus gây ra do không tái lập được giai đoạn phát triển của não trong bào thai.
Image copyright
Mặc dù chỉ 20% số ca nhiễm bệnh sẽ biểu hiện bệnh lý như sốt phát ban, đau xương cơ, nhức đầu v.v... nhưng tỷ lệ ảnh hưởng tới não của bào thai đang phát triển trong tử cung bệnh nhân ở những ca có biểu hiện bệnh và các ca nhẹ hơn vẫn là điều chưa biết.
Microcephaly là một bệnh trước đây được xem là dị tật bẩm sinh ở trẻ em khi các sơ sinh bị nhỏ đầu ở mức hai tới ba lần của độ lệch chuẩn so với kích thước trung bình do não phát triển lệch lạc gây rối loạn hệ thần kinh vận động, thính giác, thị giác. Dị tật xuất hiện nếu đột biến của gene Microcephalin cùng xuất hiện ở tinh trùng của cha và trứng của mẹ.
Tuy nhiên từ tháng 5/2015 tại Brazil người ta thấy tỷ lệ các trẻ em bị microcephaly tăng gấp 10 lần so với tần suất trung bình chứng đầu nhỏ bẩm sinh thường gặp tại các vùng đã xảy ra dịch Zika, đồng thời có một tương quan thống kê cao là các bà mẹ đã nhiễm virus này khi mang thai.
Các ca dị tật cũng tăng đột biến tương ứng với khi mật độ muỗi cao trong mùa mưa và trùng hợp với các đỉnh dịch của sốt xuất huyết hay sốt Chikungunia.
Image copyright Getty
Các nghiên cứu di truyền quần thể cho thấy chủng Zika hiện đang lan truyền bùng nổ tại châu Mỹ cũng tương tự tới 99% trình tự gene so với chủng đã lan truyền tại Đông Nam Á trước đây gây nên một nỗi khiếp sợ rằng nó sẽ bùng phát tiếp tại Đông Nam Á và châu Phi do muỗi truyền nó đã bản địa hóa tại các vùng lãnh thổ trên.
Đặc biệt sự lan truyền quá nhanh của virus có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng vì nhiều cộng đồng dân cư chưa hề tập nhiễm sức đề kháng với virus này.

Xét nghiệm và điều trị tốn kém

Hiện tại các cố gắng chẩn đoán chính xác cho Zika là không đơn giản và rất đắt đỏ đặc biệt là với các nước có thu nhập trung bình và thấp do các phương pháp chẩn đoán định lượng gene (Q RT-PCR) sẽ khó chính xác nếu virus đã qua giai đoạn biểu hiện trong khi đó các phản ứng miễn dịch thông thường thì rất dễ nhầm lẫn với virus sốt xuất huyết hay sốt Chikungunia do chúng cũng một họ Flavivirus.
Còn phương pháp miễn dịch đặc hiệu thì không biết là do sơ sinh mới nhiễm hay nhận từ mẹ qua nhau thai. Khuyến cáo hiện nay là làm đồng thời tất cả các xét nghiệm.
Đã có các bằng chứng rằng Zika sau khi nhiễm do muỗi truyền có thể qua quan hệ tình dục và chắc chắn lây qua đường truyền máu.
Do các lợi ích quan trọng của sữa mẹ mà cho tới nay WHO vẫn bảo lưu việc khuyến khích cho sơ sinh dùng sữa mẹ mặc dù Zika được tìm thấy trong sữa khi mẹ nhiễm virus này.
Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, phương pháp chẩn đoán hình ảnh vẫn là một chi phí tài chính lớn cho bệnh nhân hay ngành y tế do giá thành cao trong lúc các sơ sinh nếu phát hiện nhiễm Zika sẽ liên tục phải được theo dõi bằng chẩn đoán hình ảnh não và các điều trị phức tạp khác.

Đâu là giải pháp?

Image copyright AFP
Hiện tại Zika virus đã lan rộng trên 20 nước châu Mỹ và bắt đầu gây lây nhiễm tại chỗ do muỗi có sẵn ở địa phương gặp nguồn bệnh vãng lai, gây tâm lý lo lắng và khiếp sợ nhất là đối với các hộ gia đình trong độ tuổi sinh sản đặc biệt khi vaccine và các thuốc đặc hiệu chống virus này là chưa được tìm ra.
Muỗi truyền virus này Aedes aegypti và có khả năng lớn là cả Aedes albopictus và Aedes polynesiensis.
Hai loài đầu là các loài xâm lấn có phạm vi toàn cầu (invading species) nên có thể gặp chúng ở hầu hết các vùng cận và nhiệt đới thậm chí ôn đới trong khi khả năng tránh và kháng với nhiều thuốc diệt của các loài này đã được phát hiện đồng thời lan rộng rất nhanh.
Trong một khoảng thời gian 10-20 năm, nếu không phát minh được các thế hệ thuốc diệt côn trùng mới hay các phương pháp phòng trừ hữu hiệu, muỗi chắc chắn sẽ mang đến các thảm họa toàn cầu.
Hiện nay có hai phương pháp đang được thử nghiệm và thậm chí đã thương mại hóa là giảm nhẹ khả năng truyền bệnh của muỗi qua miễn dịch quần thể hoặc tiêu diệt muỗi bằng muỗi chuyển gene.
Phương pháp sử dụng Rickessia (Wolbachia) gây nhiễm cho muỗi nhằm tăng cường hệ miễn dịch nội tại của quần thể muỗi dẫn tới diệt virus hay ký sinh trùng khi muỗi hút máu là một ý tưởng tuyệt vời, không may Wolbachia lại đồng thời gây giảm khả năng sống, hút máu, sinh sản và tuổi thọ của muỗi vì vậy sẽ khó tồn tại và lan rộng trong quần thể tự nhiên.
Image copyright
Nguy cơ lớn nhất của giải pháp này là theo tính toán, chỉ trong vòng 10 năm, muỗi nhiễm Wolbachia sẽ mất dần khả năng kháng bệnh đồng thời nó có thể kết hợp với gene kháng thuốc, khi đó Wolbachia sẽ giúp các dòng kháng thuốc lan ra toàn quần thể muỗi và gây một thảm họa thực sự.
Muỗi chuyển gene vì thế đang dần trở thành một lựa chọn tối ưu do nó được thiết kế để tiêu diệt một loài cụ thể, không ảnh hưởng tới các côn trùng có lợi khác như ong, kiến đặc biệt khả năng kháng là khó xảy ra do tốc độ và hiệu quả tiêu diệt của phương pháp. Do chỉ có muỗi cái hút máu, nên khi chỉ thả một số lượng lớn muỗi đực gây vô sinh hay gây chết đời con sẽ làm sụp đổ quần thể muỗi tự nhiên.
Trong tương lai, các dòng muỗi chỉ sinh con đực có thể được chấp thuận sử dụng trong phòng trừ, về nguyên tắc lý thuyết chỉ cần thả “một con” muỗi đực như vậy, cả quần thể sẽ loài sẽ bị đực hóa và tuyệt diệt trong khoảng 3 năm.

Từ chối trách nhiệm

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà nghiên cứu chuyên về muỗi, hiện sống tại Oxford, Anh Quốc. Nội dung bài viết chỉ nhằm cung cấp thông tin chung chung, không thay thế cho cho các tư vấn về chăm sóc sức khỏe từ bác sỹ hay các chuyên gia y tế. BBC không chịu trách nhiệm về các triệu chứng mà độc giả gặp phải do làm theo các thông tin nêu trong bài, cũng không ủng hộ cho các sản phẩm hay dịch vụ nào được nêu, được tư vấn trên các trang mạng. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn thấy lo ngại về sức khỏe cá nhân.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/02/160202_zika_disease_hoang_kim_phuc_comments

WHO họp khẩn về virus Zika

  • 1 tháng 2 2016
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp tại Geneva để quyết định có coi sự bùng nổ của virus Zika đã gây ra 'tình trạng khẩn cấp toàn cầu'.
Sự lan truyền của loài virus này tại vùng Nam Mỹ bị coi là 'bùng nổ mạnh' và WHO coi vấn đề đã tới mức 'gây báo động'.
Đa số các vụ lây nhiễm virus Zika do muỗi đốt không có triệu chứng gì bên ngoài nhưng lại có khả năng, tuy chưa xác nhận 100%, về bệnh teo não của thai nhi nếu người mẹ mắc virus.
Nếu WHO công bố đây là 'tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại quốc tế' thì virus Zika sẽ bị coi là 'hiểm họa toàn cầu'.
Từ đó, ngân khoản và đầu tư chuyên môn sẽ được tập trung vào vùng châu Mỹ La Tinh và các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.
WHO đã bị phê phán là phản ứng chậm với vụ bùng phát Ebola ở Tây Phi.
Virus Zika do muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) - loại muỗi cũng mang theo virus gây sốt xuất huyết và sốt vàng da gây ra.
Virus này lần đầu được phát hiện ở châu Phi vào thập niên 40 nhưng nay đã lan sang châu Mỹ La Tinh.
Các khoa học gia nói có chứng cứ ngày càng rõ về mối liên hệ của virus với chứng nhỏ đầu (microcephaly) ở trẻ em.
Virus Zika có thể dẫn tới sốt và phát ban nhưng đa số người nhiễm virus không có biểu hiện bệnh, và cho tới nay vẫn chưa có cách chữa.
Cách duy nhất phòng chống Zika là làm sạch ao tù nước đọng, nơi muỗi sinh sản và bảo vệ tránh bị muỗi đốt.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/02/160201_zika_virus_who_decision

Virus chứng nhỏ đầu lan rộng ở châu Mỹ

  • 28 tháng 1 2016
Image copyright Getty
Dự báo khoảng ba đến bốn triệu người sẽ bị nhiễm virus Zika ở khu vực châu Mỹ trong năm nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.
Đa số sẽ không có biểu hiện bệnh nhưng virus Zika được cho là có liên quan tới khiếm khuyết não ở trẻ.
Tổng giám đốc WHO, Tiến sỹ Margaret Chan nói virus Zika “từ mối đe dọa dạng nhẹ đã tăng thành tỷ lệ đáng báo động”.
Bà cho thiết lập “nhóm khẩn cấp” Zika sau khi virus này nhanh chóng lan rộng.
Nhóm sẽ họp vào thứ Hai 01/02 để quyết định xem liệu có nên coi Zika là vấn đề khẩn cấp toàn cầu.
Image copyright Reuters
Image caption Cách phòng tránh virus Zika duy nhất hiện nay là bảo vệ khỏi bị muỗi đốt
Lần gần đây nhất tình trạng khẩn cấp quốc tế được công bố là dịch virus Ebola ở Tây Phi khiến hơn 11.000 người chết.
Zika lần đầu được phát hiện ở Uganda vào năm 1947 nhưng chưa từng gây ra dịch bệnh lan truyền ở mức độ này.
Brazil cho biết trường hợp phát hiện nhiễm virus Zika đầu tiên ở Nam Mỹ là vào tháng 5/2015.
Virus lan truyền qua một loại muỗi, kể từ đó đã lan rộng ra trên 20 quốc gia trong khu vực.

Virus Zika là gì

Image copyright James Gathany CDC
Image caption Muỗi vằn không chỉ làm lây truyền virus zika mà cũng là nguyên nhân gây sốt vàng da, sốt xuất huyết
  • Do muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) - loại muỗi cũng mang theo virus gây sốt xuất huyết và sốt vàng da
  • Lần đầu được phát hiện ở châu Phi vào thập niên 40 nhưng nay đã lan sang Mỹ Latinh
  • Các khoa học gia nói có chứng cứ ngày càng rõ về mối liên hệ của virus với chứng nhỏ đầu (microcephaly) ở trẻ em
  • Có thể dẫn tới sốt và phát ban nhưng đa số người nhiễm virus không có biểu hiện bệnh, và cho tới nay vẫn chưa có cách chữa
  • Cách duy nhất phòng chống Zika là làm sạch ao tù nước đọng, nơi muỗi sinh sản và bảo vệ tránh bị muỗi đốt

Tin liên quan


Geen opmerkingen:

Een reactie posten