zaterdag 13 februari 2016

Trung Quốc 'cải tạo đảo ở Hoàng Sa' + Báo TQ 'tự khen đảo nhân tạo'

Trung Quốc 'cải tạo đảo ở Hoàng Sa'

  • 4 giờ trước

Image caption Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động của Trung Quốc trên đảo Quang Hòa, bề mặt đã được mở rộng đáng kể

Bài trên tạp chí The Diplomat cho hay Trung Quốc đang cải tạo và xây căn cứ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Bài của tác giả Victor Robert Lee đi kèm nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo cơi nới đảo cũng được Trung Quốc thực hiện ở Hoàng Sa chứ không chỉ tại Trường Sa.
Khác với Trường Sa là nơi nhiều quốc gia tham gia tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc và Việt Nam, tuy nằm hoàn toàn dưới kiểm soát của Trung Quốc.
Bài đăng trên The Diplomat hôm 13/2 viết Trung Quốc dường như đang nạo vét và bồi đắp ở hai vị trí mới trên hai đảo thuộc nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, cách căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của Hoàng Sa chừng 15km về phía bắc-tây bắc.
Ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang xây một căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa (Trung Quốc gọi là Sâm Hàng đảo) thuộc nhóm Lưỡi Liềm.
The Diplomat nhận xét rằng dự án này chỉ dấu rằng Bắc Kinh "có thể phát triển một hệ thống căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ trực thăng săn ngầm như loại Z-18F" mà nước này tự sản xuất.

Cải tạo đảo


Image caption Trực thăng săn ngầm hiện đại Z-18F của Trung Quốc
Theo tác giả Victor Robert Lee, hoạt động nạo vét bồi đắp mới nhất được thực hiện từ đầu tháng 12/2015 trên một bãi san hô gần đảo Bắc mà Trung Quốc chiếm từ năm 1950; và trên đảo Cây, một trong các đảo chính của Hoàng Sa từ tháng 10/2015.
Đảo Bắc và đảo Cây đều khá rộng và nông, mở ra tới 8km, thuận tiện cho việc cơi nới khai thác.
Đặc biệt trên đảo Quang Hòa, Trung Quốc đã hút cát bồi đắp, mở rộng tới 50% diện tích bề mặt, phát triển một cảng biển và căn cứ trực thăng với tám bến đỗ đã được xây dựng và bốn bến đỗ khác sắp hoàn tất.
Bài báo nhận xét với căn cứ trực thăng này, khả năng săn ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tăng lên đáng kể.
"Hệ thống căn cứ trực thăng và điểm tiếp nhiên liệu rải khắp Biển Đông sẽ khiến cho bất cứ vị trí nào cũng có thể tiếp cận được bằng trực thăng như loại Z-18F trong thời gian hai tiếng đồng hồ."
Các căn cứ trực thăng không chỉ nâng cao khả năng trinh sát và phản ứng của quân đội Trung Quốc mà còn có thể thay đổi chiến lược tác chiến trên biển và trên không của cả khu vực.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/160213_thediplomat_china_paracels

Báo TQ 'tự khen đảo nhân tạo'

  • 6 tháng 2 2016
Image copyright Reuters
Image caption Đường băng trên bãi đá Chữ Thập chỉ là một trong ba đường băng được Trung Quốc xây dựng trong hơn một năm qua
Trang China Youth Net của Trung Quốc tự khen đảo nhân tạo của họ và mô tả 'nỗ lực kiến tạo đảo phi pháp' của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa bị bão biển phá tan.
Bài đăng hình chụp vệ tinh mà các trang Trung Quốc như Sina, Baidu đăng lại từ nguồn của China Youth Net (cyol.net - bản điện tử của Thanh niên Nhật báo) nói rằng bão Jasmine hồi tháng 12/2015 đã phá hỏng công trình xây 'hai đảo nhân tạo' ở Corwallis South Reef.
Đây là một phần của nhóm đảo Trường Sa mà Việt Nam gọi là Đá Núi Le.
Bài báo, được trang The Diplomat trích đăng lại cũng nhạo báng "công nghệ kém của Việt Nam" trong quá trình xây cất.
Phía Trung Quốc đưa ra nhận định rằng Việt Nam bắt đầu công tác này từ tháng 4/2015.
So sánh với công trình kiến tạo đảo của Trung Quốc "làm rất tốt" thì phía Việt Nam có thực hiện được một ít tại Đá Núi Le nhưng phần bồi đắp đã bị "cuốn trôi" sau cơn bão.
Bản tiếng Trung đăng trên trang Sina mục quân sự cũng nói rằng công tác 'dùng sa thạch kiến tạo đảo nhân tạo' của phía Việt Nam nay 'vô phương tiến triển'.
Image copyright XINHUA
Image caption Hai chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc đáp trên bãi đá Chữ Thập hôm 6/1
Trung Quốc vốn lâu nay nhận chủ quyền tại khu vực Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải còn Philippines gọi là Biển Tây Philippines.
Đường băng trên bãi đá Chữ Thập chỉ là một trong ba đường băng được Trung Quốc xây dựng trong hơn một năm qua bằng cách nạo vét hàng triệu tấn cát bồi đắp lên bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.

'Kế hoạch công phu'

Đầu tháng 1/2016, Tân Hoa Xã cho biết hai chiếc phi cơ của Trung Quốc đã đáp thành công xuống đảo mà tên quốc tế là Fiery Cross Reef thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
"Các chuyến bay thử thành công chứng minh rằng sân bay có khả năng đảm bảo hoạt động an toàn cho các phi cơ dân sự cỡ lớn," Tân Hoa Xã đưa tin và nói thêm rằng sân bay này sẽ phục vụ cho việc vận chuyển đồ tiếp vận, nhân viên và viện trợ y tế.
Image copyright Xinhua
Image caption Trung Quốc khánh thành hải đăng trên bãi đá Châu Viên
Tuy nhiên họ không đưa thêm chi tiết về loại phi cơ được sử dụng trong chuyến bay thử này.
Hiện chưa thấy báo chí Việt Nam bình luận gì về các tin tức này.
Trang The Diplomat cho hay họ không thể kiểm chứng chuyện "Việt Nam xây đảo nhân tạo" cũng như các hình vệ tinh mà Trung Quốc nói là chụp Đá Núi Le.
Tuy nhiên, hôm 4/2, cũng trang web tiếng Anh này có bài của Koh Swee Lean Collin, một nhà nghiên cứu từ Singapore, mô tả "Việt Nam có kế hoạch công phu" để tăng cường năng lực quân sự tại Biển Đông, từ khả năng trinh sát, theo dõi bằng vệ tinh, drone tới đầu tư vào phi cơ, hỏa tiễn và tàu ngầm nhằm hiện đại hóa hải quân.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten