Thứ tư, 17/2/2016 | 18:04 GMT+7
Toan tính của Trung Quốc khi đưa tên lửa đến Hoàng Sa
Sự hiện diện của những giàn tên lửa HQ-9 sẽ không làm bùng phát một cuộc khủng hoảng, nhưng đủ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông.
Một hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: Wuxinghongqi
|
Ngày 17/2, Fox News công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm từ năm 1974.
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng đây là "một nỗ lực dựng chuyện của một số hãng truyền thông phương Tây", các quan chức Mỹ và Đài Loan đã xác nhận sự hiện diện của 8 bệ phóng tên lửa HQ-9 trên hòn đảo này.
Theo bình luận viên Sam Roggeveen của Interpreter, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai các vũ khí quân sự hiện đại tới đảo Phú Lâm. Hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã điều chiến đấu cơ J-11 tới đường băng trên hòn đảo này.
Ông Roggeveen chỉ ra rằng trong các bức ảnh vệ tinh được công bố, các xe quân sự trong hai khẩu đội tên lửa HQ-9 đậu song song trên bãi biển chứ không phải nằm trong các công sự chuyên dụng. Dù HQ-9 là hệ thống tên lửa di động sử dụng các xe tải hạng nặng để di chuyển, chúng vẫn cần có nhà kho, căn cứ để bảo dưỡng phương tiện, đạn tên lửa và radar. Hình ảnh vệ tinh cho thấy những công sự, nhà kho này chưa xuất hiện trên đảo Phú Lâm.
Từ đó, chuyên gia này nhận định tên lửa HQ-9 có thể chỉ được triển khai tạm thời trên đảo Phú Lâm chứ không phải là phương án bố trí lâu dài. Trong môi trường khắc nghiệt trên Biển Đông, các hệ thống vũ khí hiện đại rất dễ bị ăn mòn, rỉ sét, giống như những gì mà chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc gặp phải hồi năm ngoái khiến chúng nhanh chóng bị rút về đất liền.
Chiến đấu cơ J-11 được Trung Quốc đưa đến đảo Phú Lâm. Ảnh: 81.cn
|
Dù các tên lửa HQ-9 này hiện diện trên đảo Phú Lâm là tạm thời hay lâu dài, chúng cũng sẽ khiến cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực quan ngại, bởi hệ thống phòng không hiện đại này có thể bao phủ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và cửa ngõ phía nam đảo Hải Nam, nơi có các căn cứ tàu ngầm và hải quân lớn của Trung Quốc, theo chuyên gia Euan Graham tại Viện Lowy ở Australia.
Toan tính chặt chẽ
Graham cho rằng việc Bắc Kinh đưa tên lửa HQ-9 tới Phú Lâm là một động thái leo thang được tính toán chặt chẽ đường đi nước bước trong quá trình "quân sự hóa" trên Biển Đông. Nếu chiến lược dài hạn của Trung Quốc là chiếm ưu thế quân sự trên Biển Đông, việc triển khai tên lửa HQ-9 sẽ phục vụ mục tiêu ngắn hạn là răn đe Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng không gần Hoàng Sa.
Chiến dịch tuần tra tự do hàng hải gần đây nhất của Mỹ được thực hiện trong phạm vi 12 hải lý gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Phú Lâm không xa. Hành động này của Mỹ lúc đó đã khiến Trung Quốc bất ngờ, và việc đưa HQ-9 tới Phú Lâm có thể là động thái ngăn chặn những chuyến bay có mục đích tương tự của Mỹ trong tương lai, chuyên gia này nhấn mạnh.
Mặc dù trong thời bình, những tên lửa này không thể khai hỏa vào các máy bay Mỹ hoạt động gần đó, nó có thể mang giá trị răn đe nhất định, buộc các chiến lược gia Mỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện hoạt động bay trong khu vực.
Bắc Kinh nhiều khả năng cũng đã tính toán rằng sự hiện diện của các giàn tên lửa HQ-9 này sẽ không làm bùng phát một cuộc khủng hoảng tên lửa nghiêm trọng, nhưng nó cũng đủ để mở rộng ảnh hưởng của nước này trên Biển Đông.
Theo Graham, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ở Washington hồi tháng 9 năm ngoái rằng Trung Quốc "không có ý định theo đuổi quân sự hóa", nhiều khả năng ông Tập đang nói tới quần đảo Trường Sa. Bởi vậy, Bắc Kinh sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bố trí các vũ khí phòng không ở Hoàng Sa.
Hai khẩu đội tên lửa HQ-9 bố trí trên bờ biển đảo Phú Lâm. Ảnh: Fox News
|
Đây có thể là một động thái của Bắc Kinh nhằm thăm dò phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi nước này có thể tiến hành các bước quân sự hóa những đảo nhân tạo phi pháp được bồi đắp ở Trường Sa, hay thậm chí là tuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không trên Biển Đông.
Các quan chức hải quân Trung Quốc cũng từng rào trước đón sau về động thái này, khi tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trên các đảo nhân tạo "tùy theo mức độ mối đe dọa".
Về bối cảnh chính trị, động thái này của Trung Quốc diễn ra trong lúc lãnh đạo các nước ASEAN đang tham dự hội nghị cấp cao với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Sunnylands. Sự xuất hiện của tên lửa HQ-9 trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể được coi là "lời răn đe" của Trung Quốc rằng ASEAN không được quá gần Mỹ trong vấn đề Biển Đông, theo Graham.
Tuy nhiên, những toan tính của Trung Quốc có thể làm xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với những cam kết của nước này. "Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể tuyên bố rằng các tên lửa này chỉ thuần mục đích phòng thủ, sự hiện diện của chúng chắc chắn sẽ khiến cam kết không quân sự hóa Biển Đông của họ bị nghi ngờ", Felix Chang, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ, nhận định.
Trí Dũng
- Tên lửa Trung Quốc nghi đặt ở Hoàng Sa dễ vô hiệu hóa (17/2)
- Mỹ lo Trung Quốc dùng tàu sân bay độc chiếm Biển Đông (21/1)
- Trung Quốc có thể mượn cớ tàu Mỹ để lập vùng nhận dạng phòng không (28/10)
- Sự im lặng của Nhà Trắng về chuyến tuần tra Trường Sa (28/10)
- Vì sao Mỹ chọn tuần tra gần đá Vành Khăn và Subi (27/10)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/toan-tinh-cua-trung-quoc-khi-dua-ten-lua-den-hoang-sa-3356613.html
"Nếu chúng thực sự được triển khai thì đây dường như là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm phản ứng lại các hoạt động tự do hàng hải", bà Rapp-Hooper nói.
Theo bình luận viên Daniel Hurst từ Guardian, việc tên lửa và radar Trung Quốc xuất hiện ở Hoàng Sa sẽ một lần nữa thổi bùng lên căng thẳng vốn đã dâng cao trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong cuộc gặp với đại diện 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kêu gọi các bên liên quan giảm căng thẳng, dừng cải tạo đất, ngừng quân sự hóa khu vực có tranh chấp và giải quyết bất đồng bằng phương pháp hòa bình.
Việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm cũng buộc thế giới phải đặt ra những mối hoài nghi về tuyên bố không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh nhiều lần đưa ra trước đây, ông Felix Chang, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ, nhận định.
Quan sát viên Tyler Rogoway từ trang tin Foxtrot Alpha đánh giá vụ việc lần này chỉ là khởi đầu cho những động thái quân sự hóa dồn dập hơn trong tương lai của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc đang ngày đêm bồi đắp phi pháp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo. Nước này cũng đã hoàn tất việc xây dựng trái phép một đường băng trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Rogoway, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ điều những vũ khí tương tự hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm đến các thực thể này trong vài tháng hoặc vài năm tới.
Thứ tư, 17/2/2016 | 14:57 GMT+7
Tên lửa Trung Quốc ở Hoàng Sa sẽ khiến Biển Đông thêm dậy sóng
Việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, nếu là thật, có thể khởi đầu cho loạt động thái quân sự dồn dập trong tương lai của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Ảnh chụp một bãi biển trên đảo Phú Lâm trong hai ngày 14/2 và 3/2. Ảnh: ISI
|
Fox News hôm qua dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều động một hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại cùng một hệ thống radar đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một quan chức Mỹ lên tiếng xác thực độ chính xác của các bức ảnh. Tướng David Lo, người phát ngôn cơ quan phòng vệ Đài Loan, cho hay một số nguồn cấp điện cho tên lửa cũng được thiết lập trên đảo.
Theo bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa vũ khí tới Hoàng Sa. Nhưng việc điều động tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm là "bước phát triển đáng chú ý".
Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối của Hà Nội, Bắc Kinh liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây."Nếu chúng thực sự được triển khai thì đây dường như là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm phản ứng lại các hoạt động tự do hàng hải", bà Rapp-Hooper nói.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay tên lửa Trung Quốc đưa tới đảo Phú Lâm là hệ thống phòng không HQ-9, tầm bắn 200 km. Khi đi vào hoạt động, nó sẽ tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
HQ-9 sở hữu nhiều đặc điểm tương tự hệ thống phòng không hiện đại S-300 của Nga. Nó cũng có thể tích hợp vào một mạng lưới phòng không lớn hơn, đồng thời sử dụng các cảm biến chủ động và bị động để xác định mục tiêu.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: ausairpower.net
|
Việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm cũng buộc thế giới phải đặt ra những mối hoài nghi về tuyên bố không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh nhiều lần đưa ra trước đây, ông Felix Chang, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ, nhận định.
Vị trí đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồ họa: Guardian
|
Trung Quốc đang ngày đêm bồi đắp phi pháp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo. Nước này cũng đã hoàn tất việc xây dựng trái phép một đường băng trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Rogoway, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ điều những vũ khí tương tự hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm đến các thực thể này trong vài tháng hoặc vài năm tới.
Hiện tại, vũ khí phù hợp nhất mà Trung Quốc có thể chuyển đến các đảo nhân tạo chính là những hệ thống tên lửa, ví dụ như tên lửa đất đối không hay tên lửa chống hạm, bởi các hệ thống này dễ lắp đặt và không yêu cầu những trang thiết bị quá tinh vi, cầu kỳ đi kèm, Rogoway nhận xét.
"Điều chắc chắn là chúng ta còn rất ít thời gian để ngăn chặn Trung Quốc thôn tính Biển Đông", ông Rogoway nhấn mạnh. "Một khi nước này hoàn thành quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo thì hy vọng quay ngược đồng hồ để làm lại là rất ít ỏi".
Vũ Hoàng
- Nhật quan ngại trước tin Trung Quốc điều tên lửa ra Hoàng Sa (17/2)
- Trung Quốc nói đưa hệ thống phòng không lên các đảo từ lâu (17/2)
- Tên lửa Trung Quốc nghi đặt ở Hoàng Sa dễ vô hiệu hóa (17/2)
- Đài Loan khẳng định Trung Quốc đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm (17/2)
- Truyền thông Mỹ tố Trung Quốc đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm (17/2)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/ten-lua-trung-quoc-o-hoang-sa-se-khien-bien-dong-them-day-song-3356347.html
Thứ tư, 17/2/2016 | 15:47 GMT+7
Tên lửa Trung Quốc nghi đặt ở Hoàng Sa dễ vô hiệu hóa
Với kích thước kềnh càng, thời gian chuẩn bị tác chiến lâu, khả năng phòng thủ tầm gần kém, tên lửa HQ-9, loại bị nghi đặt trên đảo Phú Lâm dễ trở thành con mồi của tên lửa, máy bay đối phương.
Hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: Anpdz
|
Ngày 17/2, các quan chức Mỹ và Đài Loan xác nhận Trung Quốc đã triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 với 8 bệ phóng tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo Fox News. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và ngang ngược lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không hoàn toàn bác bỏ thông tin do Fox News đăng tải, mặc dù nói rằng đây là một "nỗ lực dựng chuyện của các hãng truyền thông phương Tây".
HQ-9 là hệ thống tên lửa phòng không tầm cao do Tổng công ty Quốc phòng Trung Quốc (CPMIEC) nghiên cứu và chế tạo để tác chiến chống lại các mục tiêu bay như chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay trinh sát ở cả tầm thấp lẫn tầm cao, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa không đối hải, và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Theo Air Défense, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu hệ thống tên lửa phòng không tầm xa từ năm 1980 nhưng không thành công. Đến năm 1993, khi những tên lửa S-300 PMU-1 của Nga được nhập về Trung Quốc, các kỹ sư quân sự nước này đã áp dụng gần như nguyên bản các giải pháp thiết kế và những đặc điểm hệ thống tên lửa của Nga để cho ra đời phiên bản HQ-9 đầu tiên vào năm 1997 với xe và ống phóng giống hệt S-300 PMU-1.
Tên lửa HQ-9 có trọng lượng 1.300 kg, dài 6.8 m, trọng lượng đầu đạn 180 kg, tầm tác chiến thấp nhất là 6 km và xa nhất 200 km, tầm bắn hiệu quả với máy bay là 150 km. Theo các tài liệu của Trung Quốc, tên lửa đạt tốc độ Mach 4.2 (khoảng 1400 m/s) nhưng chưa được kiểm chứng. Thời gian để chuẩn bị tác chiến của HQ-9 khoảng 6 phút, thời gian phản ứng với mục tiêu là từ 12-15 giây.
HQ-9 sử dụng hệ thống điều khiển tên lửa kết hợp: máy lái tự động quán tính giai đoạn đầu; giai đoạn giữa kết hợp máy lái tự động quán tính trên tên lửa để chỉnh tầm và lệnh vô tuyến từ đài điều khiển mặt đất để chỉnh hướng; giai đoạn cuối dẫn bằng lệnh vô tuyến kết hợp dữ liệu về mục tiêu do cơ cấu bám qua tên lửa. Bán kính diệt mục tiêu của HQ-9 là 35 m, ngòi nổ vô tuyến cận đích được kích hoạt khi đạn cách mục tiêu 5 km.
Mỗi lữ đoàn tên lửa phòng không HQ-9 được biên chế 6 tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn gồm một xe chỉ huy, một xe radar điều khiển hỏa lực, 8 xe chở các hệ thống phóng, tức là ở một thời điểm, mỗi tiểu đoàn có thể phóng đồng loạt 32 quả tên lửa, cả lữ đoàn có cơ số tên lửa sẵn sàng chiến đấu là 192 quả.
Truyền thông Trung Quốc ca ngợi rằng HQ-9 vượt trội hơn hệ thống S-300, thậm chí ngang tầm với hệ thống tên lửa S-400 mới nhất của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng về thông số kỹ thuật, HQ-9 mới chỉ tạm gọi là tương đương S-300, thậm chí chưa thể so sánh với S-300 đời đầu chứ chưa nói tới thế hệ S-300 PMU-1, S-300 PMU-2. Điểm yếu lớn nhất của HQ-9 nằm ở hệ thống radar và khả năng phòng thủ tầm gần.
Hệ thống tên lửa S-300 của Nga. Ảnh: Sputnik
|
Đài radar điều khiển hỏa lực mảng pha HT-233 của HQ-9 được cho là thiết kế giống với radar 30N6E trong tổ hợp S-300 của Nga. Tuy nhiên, kích thước của HT-233 được cho là nặng nề, to lớn hơn so với nguyên gốc, tuổi thọ ngắn, mức tiêu thụ điện năng lớn.
Với kích thước lớn, hệ thống HQ-9 có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi các hệ thống tên lửa chống bức xạ, tên lửa hành trình như Tomahawk của Mỹ và Scalp của Pháp.
Bên cạnh đó, đài radar trinh sát dò tìm Type 305B/YLC-2V của HQ-9 được đánh giá là chưa đủ khả năng phát hiện các chiến đấu cơ tàng hình tối tân của Mỹ như F-22 và F-35, cộng với thời gian chuẩn bị tác chiến tương đối dài (6 phút) khiến HQ-9 hoàn toàn có thể trở thành "con mồi" của các chiến đấu cơ tàng hình này.
Một điểm yếu nữa của HQ-9 là khả năng phòng thủ gần tương đối kém so với S-300 của Nga, nên trong thực chiến, các loại trực thăng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, bay ở độ cao thấp và linh hoạt như Apache và Tigre được đánh giá có thể trở thành khắc tinh của HQ-9.
Nguyễn Hoàng
- Nhật quan ngại trước tin Trung Quốc điều tên lửa ra Hoàng Sa (17/2)
- Trung Quốc nói đưa hệ thống phòng không lên các đảo từ lâu (17/2)
- Tên lửa Trung Quốc ở Hoàng Sa sẽ khiến Biển Đông thêm dậy sóng (17/2)
- Đài Loan khẳng định Trung Quốc đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm (17/2)
- Truyền thông Mỹ tố Trung Quốc đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm (17/2)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/ten-lua-trung-quoc-nghi-dat-o-hoang-sa-de-vo-hieu-hoa-3356407.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten