vrijdag 5 februari 2016

Một ủy ban Liên Hiệp Quốc đòi trả tự do cho nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange


Một ủy ban Liên Hiệp Quốc đòi trả tự do cho nhà sáng lập Wikileaks


mediaNgười sáng lập WikiLeaks, công dân Úc Julian Assange.REUTERS/Paul Hackett/FilesSEARCH
Hôm nay 05/02/2016, nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về bắt giữ người vô cớ đã kết luận nhà sáng lập Wikileaks, Julian Assange bị giam lỏng trái phép, ông phải được tự do ra khỏi sứ quán Ecuador tại Luân Đôn và phải được bồi thường thiệt hại cho 3 năm rưỡi bị buộc sống ẩn dật.
Tháng 9 năm 2014, Julian Assange đệ đơn kiện chính quyền Thụy Điển và Anh Quốc lên Nhóm công tác về bắt giữ người vô cớ của Liên Hiệp Quốc (WGAD), coi việc chính quyền 2 nước trên buộc ông phải vào tị nạn trong sứ quán Ecuador là hành vi phi pháp.
Hôm nay, đa số các thành viên ủy ban nói trên đã kết luận việc đẩy nhà sáng lập Wikileaks vào tình trạng giam lỏng trong hơn 3 năm qua là phi pháp, đồng thời yêu cầu chính phủ Thụy Điển và Anh Quốc để Julian Assange được đi lại tự do và bồi thường thiệt hại cho ông.
Ông Seong-Phil Hong, báo cáo viên trưởng của nhóm công tác, ra thông cáo nói rõ : « Nhóm công tác về giam giữ người tùy tiện coi các hình thức tước quyền tự do khác nhau trong đó có trường hợp của Julian Assange là việc giam giữ vô cớ…».
Một khi quyết định của ủy ban Liên Hiệp Quốc được chính thức hóa, nhà sáng lập Wikileaks cho biết sẽ yêu cầu trả lại hộ chiếu cho ông.
Ngay lập tức, Luân Đôn và Stockholm đã lên tiếng bác bỏ quyết định của các chuyên viên Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh rằng Julian Assange đã tự ý chạy vào sứ quán Ecuador và ông ta không hề mất quyền tự do.
Trong một bức thư gửi tổ chức quốc tế, bộ Ngoại giao Thụy Điển tuyên bố « không đồng ý » với kết luận của ủy ban Liên Hiệp Quốc nói trên. Ngoài ra chính phủ Thụy Điển yêu cầu không ai được can thiệp vào công việc tư pháp đang tiến hành.
Các quyết định của ủy ban Liên Hiệp Quốc trên thực tế không có giá trị ràng buộc pháp lý, nhưng vẫn có tác dụng tạo sức ép nhất định.
Từ tháng 6 năm 2012, Julian Assange phải chạy vào sứ quán Ecuador tại Luân Đôn để tránh bị Anh cho dẫn độ về Thụy Điển để xét xử trong một vụ kiện ông xâm hại tình dục xảy ra năm 2010. Xa hơn, nhà sáng lập Wikileaks lo sợ, sau vụ kiện đó ông sẽ bị chính quyền Thụy Điển dẫn độ tiếp sang Mỹ để xét xử tội tiết lộ bí mật quốc gia. Bởi vì cũng trong năm 2010, Julian Assange đã cho công bố trên trang mạng Wikileaks hàng loạt các tài liệu thuộc loại tuyệt mật liên quan quốc phòng và ngoại giao của Mỹ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160205-mot-uy-ban-lien-hiep-quoc-doi-tra-tu-do-nha-sang-lap-wikileaks


Geen opmerkingen:

Een reactie posten