vrijdag 19 februari 2016

Lính Mỹ đào ngũ Dresnok, Jenkins, Parrish và Abshier thành... siêu sao ở Bắc Hàn

Lính Mỹ đào ngũ thành siêu sao ở Bắc Hàn

  • 5 tháng 10 2015
50 năm trước, quân nhân Hoa Kỳ Charles Robert Jenkins rời Nam Triều Tiên để đến miền Bắc và ông trở thành một siêu sao ở Vương quốc Ẩn dật. Simon Fowler thuật lại câu chuyện kỳ lạ của ông.
Vĩ tuyến 38, nơi chia cắt một cách tàn nhẫn hai miền Triều Tiên, là một trong những địa điểm được canh phòng cẩn mật nhất thế giới.
Vào thập niên 1960 - đỉnh điểm của Chiến Tranh Lạnh - khi mà Chiến tranh Liên Triều chỉ mới kết thúc được 10 năm, nơi đây là tiền đồn của cuộc chiến ý thức hệ giữa phe cộng sản ở miền Bắc, có tên là Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK), và miền Nam do Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Cái tên Khu vực Phi quân sự (DMZ) là một nghịch lý, bởi nơi đây đầy rẫy những bãi mìn dày đặc nằm hai bên vĩ tuyến và cũng là nơi thường xuyên nổ ra các cuộc xung đột giữa hai miền.
Vào tháng Giêng 1965, khi căng thẳng giữa hai miền leo thang, anh lính Mỹ Charles Robert Jenkins người vùng Bắc Carolina đã rời khỏi đơn vị, mang theo một khẩu M14 không nạp đạn và bắt đầu đi bộ dọc khu vực DMZ.
Lo sợ sẽ bị gửi sang Việt Nam tham chiến và vì tin rằng nếu trốn sang Bắc Triều Tiên thì mình có thể bị trục xuất về Hoa Kỳ, Jerkins đã có chuyến hành trình làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.
Sau khi bị chính quyền Bắc Triều Tiên bắt giữ, Jenkins đã bị giam lại nước này trong suốt 39 năm tiếp theo.
Kể từ năm 1962, ba lính Mỹ khác từ Nam Hàn cũng đã đào ngũ và chạy sang phía bên kia DMZ, và Jenkins đã ở chung với họ trong một căn phòng dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền luôn tỏ ý nghi ngờ.
Cuộc sống của cả bốn người tại Bắc Hàn có những lúc trong tình thế nguy hiểm, nhưng hầu nhưng hầu như lúc nào cũng là tẻ nhạt trong lúc họ phải cố gắng tìm cách thích nghi với môi trường ở Vương quốc Ẩn dật, điều ít người khác có cơ hội trải nghiệm.
Sự nhàm chán và tuyệt vọng khiến những người Mỹ này đã làm đủ trò nguy hiểm để ‘tiêu khiển’ như “ăn cắp tài sản chính phủ, leo núi mạo hiểm, hay bám vào những mép núi nhỏ xíu ở hai bên vực,” Jenkins nhớ lại trong cuốn hồi ký năm 2009 về thời gian ở Bắc Hàn, cuốn ‘Người Cộng sản Do dự’ (The Reluctant Communist).
Những hoạt động này trở thành những trò tiêu khiển duy nhất của những người Mỹ, vì “nhìn từ nhiều góc độ, chúng tôi cảm giác như mình đã chết”.
Image copyrightGetty Images
Image captionCây cầu dành riêng cho xe lửa Freedom Gate nối Bắc Hàn với khu vực DMZ
Giống như mọi công dân Bắc Hàn, bốn người Mỹ bị một ‘lãnh đạo’ quản thúc và giám sát những phiên tự kiểm điểm của họ.
“Những tên khốn độc ác này thù ghét tôi và những người Mỹ khác đến nỗi chúng không xem chúng tôi là con người và thích biến cuộc sống của chúng tôi thành địa ngục,” Jenkins kể lại trong hồi ký.
Việc bị đánh đập và tra tấn tâm lý là điều thường xuyên diễn ra, nhưng họ lại thường được ăn no, mặc đẹp vì cần phải xuất hiện trong bộ dạng khoẻ mạnh, hạnh phúc trong các tờ rơi tuyên truyền rải dọc khu vực DMZ qua biên giới Nam Hàn.
Mặc dù phải đối mặt với những buổi thẩm vấn và bị người Bắc Hàn căm ghét, điều kỳ lạ nhất trong cuộc đời của những người Mỹ này là cách mà từng người dần trở thành những ngôi sao trong các bộ phim của Bắc Hàn.

Kẻ lạ mặt ở một miền đất lạ

Chính phủ Kim Nhật Thành ban đầu đã giao một vai tuyên truyền cho James Joseph Dresknok, một người to cao đã đào ngũ khỏi quân đội Mỹ vào tháng Năm 1962, bằng cách cho ông nói qua hệ thống loa tuyên truyền để tác động tâm lý của lính Mỹ ở phía bên kia DMZ.
Thông điệp của ông miêu tả về một mảnh đất nơi mà các binh sỹ có thể sống một cuộc sống vinh quang nếu họ chịu theo ông vượt biên sang Bắc Hàn.
Giống như mọi chính phủ cộng sản khác, Bắc Hàn hiểu rất rõ về vai trò tuyên truyền của điện ảnh.
Trong những năm 1970, ngành này đã thu hút sự chú ý của lãnh tụ tương lai của Bắc Hàn, ông Kim Chính Nhật, người khi đó được cho là đang cố gắng giành được sự chú ý từ cha mình, ông Kim Nhật Thành.
Image copyrightBBC World Service
Image captionÔng Kim Chính Nhật nổi tiếng là mê phim ảnh, và từng ra lệnh bắt cóc đạo diễn phim Hàn Quốc Shin Sang-ok rồi buộc ông này phải làm một bộ phim ca ngợi cộng sản, Godzilla
Kim Chính Nhất đã gửi các đạo diễn đi học nghệ thuật điện ảnh ở nước ngoài, ông này cũng đã viết một cuốn sách về tầm quan trọng của điện ảnh trong đấu tranh cách mạng và ông cũng đã sản xuất một vài bộ phim tuyên truyền quan trọng thời bấy giờ.
Kim Chính Nhật đóng vai trò quan trọng trong việc làm ra bộ phim ‘kinh điển’ của Bắc Hàn, phim “The Flower Girl”.
Được sản xuất năm 1972 dựa trên câu chuyện được nói là do ông Kim Nhật Thành viết, "The Flower Girl" kể về sự tàn ác của các địa chủ ở Triều Tiên trước khi Bắc Hàn được lực lượng cộng sản ‘giải phóng’.
Hình ảnh của diễn viên Hong Yong-hui thậm chí còn xuất hiện trên giấy bạc của Triều Tiên cho đến năm 2009 và ở ngoài đời bà này chỉ được nhắc đến với tên nhân vật mà bà thủ vai.
Năm 1978, Bình Nhưỡng cho ra đời loạt phim 20 tập với tên gọi "Unsung Heroes", miêu tả chiến tranh liên Triều từ góc nhìn của Bắc Hàn.
Do những diễn viên nhìn giống người phương Tây không dễ kiếm ở Bắc Hàn nên cả bốn người Mỹ đào ngũ đều được yêu cầu đóng các nhân vật Tây phương phản diện.
Jenkins đóng vai tiến sĩ Kelton, một nhà tư bản hiếu chiến người Mỹ, luôn mong chiến tranh tiếp diễn để các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ có thể hưởng lợi.
Jenkins bị cạo phần tóc trên đỉnh đầu và hóa trang giống như các diễn viên kịch câm.
Trong khi đó, Dresnok vào vai Arthur, đồn trưởng một trại giam giữ tù binh chiến tranh.
Larry Abshier vào vai Carl, cấp dưới của hai chỉ huy ác độc người Mỹ và Parrish vai Lewis, một quan chức người Bắc Ireland luôn căm thù người Anh đã đóng chiếm nước mình.
Nhân vật của Parrish chiếm được rất nhiều thiện cảm; nhân vật Bắc Ireland của ông cuối cùng đã từ bỏ quân Anh để gia nhập Bắc Hàn.
Điều này khiến ông được nhiều người dân Bình Nhưỡng mến mộ, thậm chí nhiều người đi trên đường phố tại Bình Nhưỡng khi bắt gặp đã đối đãi với ông như một anh hùng cộng sản thực sự.
Image copyrightREUTERS
Image captionGọi là khu vực Phi quân sự, nhưng DMZ lại là một trong những nơi được canh phòng cẩn mật nhất thế giới

Đời diễn viên

Điều khôi hài ở đây là cả bốn lính Mỹ, không một ai tốt nghiệp trung học, đã từ những người bị cầm giữ như tù nhân bỗng trở thành những nhân vật nổi tiếng tại nhiều rạp phim ở Bắc Hàn.
“Sau khi bộ phim đầu tiên, Nameless Heroes, được công chiếu, tôi đi xuống đường và người ta reo lên ‘Tiến sỹ Kelton!’ và thậm chí còn lại xin chữ ký của tôi," Jenkins thuật lại.
Trong khoảng thời gian còn lại ở Bắc Hàn, Jenkins được gọi vào đóng nhiều bộ phim cho đến bộ phim cuối cùng của ông, Pueblo, vào năm 2000.
Bộ phim này dựa trên một sự kiện xảy ra năm 1968, khi mà tàu hải quân Mỹ USS Pueblo bị tấn công và bị quân đội Bắc Hàn bắt giữ.
Con tàu nay vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Chiến tranh Giải phóng Tổ quốc ở Bình Nhưỡng.
Dresnok trong thời gian ở Bắc Hàn đã trở thành một nhân vật được yêu thích trên màn ảnh. Một trong các vai chính mà ông đóng là vai một vị tướng trong phim ‘Từ 5 giờ tối đến 5 giờ sáng’.
Câu chuyện kể về một nhóm lính Bắc Hàn trong chiến tranh liên Triều, với nhiệm vụ vượt qua những vùng đất nguy hiểm để cắt đứt cuộc tấn công dẫn đầu bởi vị tướng xấu xa do Dresknok vào vai, và họ chỉ có 12 giờ đồng hồ để hoàn thành sứ mạng.
Những người lính Bắc Hàn, dưới sự chỉ đạo của một tư lệnh mà sức khoẻ đang ngày một yếu dần, là một nhóm những binh sỹ trẻ nhưng yêu nước nồng nàn, đã đẩy lùi quân Mỹ, những người ngu ngốc đến nỗi thông báo cho báo chí về kế hoạch tấn công ngay trước khi hành quân.

'Gỡ băng'

Những người lính Mỹ đào ngũ không chỉ được yêu cầu đóng phim, mà còn phải phục vụ cho thú mê phim ảnh của ông Kim Chính Nhật.
Bốn người này thường xuyên bị yêu cầu ghi lại các đoạn hội thoại trong bộ sưu tập phim khổng lồ của ông Kim Chính Nhật.
Những đoạn hội thoại này sau đó sẽ được dịch lại và bắn phụ đề vào các phim trong bộ sưu tập của ông Kim Chính Nhật.
Những đoạn băng thường bị chia ra nhiều phần để những người Mỹ đào ngũ không thể hiểu được ý nghĩa của chúng cũng như đoán tên phim.
Jenkins nhớ lại đã được cho nghe một phần của bộ phim Mary Poppins nhưng không hề hiểu nổi các nội dung đó đang nói về cái gì.
Số phận của Dresnok, Jenkins, Parrish và Abshier trải qua nhiều biến cố trong quãng thời gian ở Bắc Hàn.
Abshier mất ở tuổi 40 tại Bình Nhưỡng năm 1983 vì một cơn tim đau tim, trong khi Parrish cũng qua đời vì suy thận trong thập niên 1990.
Jenkins kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản, vốn bị bắt cóc nhằm đào tạo các điệp viên của Triều Tiên sử dụng tiếng Nhật.
Cả hai đã được phép chuyển tới Nhật Bản năm 2004 sau một cam kết cho các nạn nhân Nhật Bản bị bắt cóc quay về nước, và sau khi bị quân đội Hoa Kỳ sa thải, Jenkins ở lại hẳn Nhật Bản.
Tuy nhiên, James Joseph Dresnok vẫn tiếp tục lựa chọn sống ở Bắc Triều Tiên cùng gia đình mà ông đã gây dựng nên và ông không có ý định quay trở về Mỹ.
Cuộc đời của ông cùng mối quan hệ phức tạp giữa ông và Jenkins được thuật lại trong phim tài liệu “Crossing the Line”.
Ông tâm sự với các nhà làm phim: “Tôi thực sự cảm thấy mình đang ở nhà. Tôi sẽ không đánh đổi điều này với bất cứ gì khác”.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Culture.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten