Nhân kỷ niệm cuộc chiến 1979, BBC tổng hợp lại một số tư liệu tiếng Anh về bối cảnh và bài học của cuộc xung đột này:
Sau chiến thắng 1975, miền Bắc Việt Nam đã chọn ưu tiên chiến lược là Liên Xô xa xôi và xa dần kẻ thù lịch sử, láng giềng Trung Quốc, theo bài trên Bách khoa Toàn thư Anh Quốc, Britannica, mục về Việt Nam.
"Với thành công nhanh chóng trong chiến dịch bài Hoa, đuổi đi giới thương nhân gốc Hoa, Việt Nam còn mở vịnh Cam Ranh cho hải quân Liên Xô vào, và ký kết Hiệp ước hữu nghị với Moscow.
"Quân đội Việt Nam cũng đã xâm chiếm Campuchia để trục xuất quân Khmer Đỏ.
"Rất sớm sau khi Đặng Tiểu Bình có chuyến thăm được ca ngợi tới Mỹ, Bắc Kinh đã tuyên bố ý định trừng phạt Việt Nam vào tháng 2 năm 1979."
Reg Grant, trong một cuốn sách về Chiến tranh Việt Nam đã đặt xung đột Trung - Việt vào nhóm các cuộc chiến mới nảy sinh ở vùng Đông Dương sau 1975.
Cuộc chiến Biên giới 1979 là hệ quả của chiến tranh Campuchia, khi xung đột nhỏ lẻ ở vùng biên giới với Việt Nam nổ ra vì các cuộc tập kích của Khmer Đỏ.
Theo tác giả này, các diễn biến ở biên giới khiến Việt Nam "đưa quân xâm lược Campuchia toàn diện vào Giáng Sinh 1978, và đến 7/01/1979 thì chiếm Phnom Penh và thiết lập một chính phủ mới".
"Quân Khmer Đỏ bị đẩy ra khỏi các đô thị và tiếp tục quấy nhiễu quân Việt Nam ở các tuyến dọc biên giới Thái Lan."
"Trung Quốc là nước hỗ trợ chính cho chế độ Pol Pot. Ngày 17/02/1979, Trung Quốc tung quân xâm lược Việt Nam. Họ không muốn chiếm nước này mà chỉ muốn ngăn sự hung hãn của Việt Nam."
"Nhưng quân Trung Quốc không thể nào tiến được trước sức chống trả bền bỉ của phía Việt Nam và đến ngày 6/3/1979, họ phải rút quân về."
Các bên cùng thất bại
Theo Britannica, cuộc chiến Trung - Việt diễn ra khi Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, đã ủng hộ Trung Quốc, một phần vì dư âm của sự thù ghét với Bắc Việt sau chiến tranh.
Liên Xô đáp trả với lời đe dọa chống lại Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng không thắng được lực lượng dân quân biên giới của Việt Nam.
Sau ba tuần với những trận giao tranh dữ dội, Việt Nam tuyên bố gây ra con số 45,000 thương vong cho phía Trung Quốc và Trung Quốc đã rút quân.
Chính sách của Mỹ đem lại hậu quả tiêu cực.
"Uy tín quân đội chính quy của Trung Quốc bị phá tan, Campuchia vẫn ở lại trong phe Liên Xô-Việt Nam, và các chiến thuật sử dụng lá bài Trung Quốc của Hoa Kỳ trở nên vô duyên," Britannica viết.
Với Trung Quốc, một mục tiêu của việc phát động cuộc chiến đánh vào đồng minh của Liên Xô còn là nhằm để chia rẽ Washington và Moscow.
Nhưng trái với mong đợi của Bắc Kinh, chiến tranh biên giới Việt-Trung cũng không ngăn được cuộc gặp Mỹ- Xô được lên kế hoạch từ trước đó, cũng như việc kí kết Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược lần thứ hai (SALT II).
Đàm phán đã đi đến thỏa thuận ở Vladivostok và cuối cùng hai bên cũng đi đến bản Hiệp ước dự thảo.
Quá trình hòa hoãn Liên Xô và Mỹ chỉ ngưng lại khi Moscow đưa quân vào Afghanistan, bắt đầu một cuộc dính líu quân sự mới cho tới khi Liên Xô tan rã.
Còn Hà Nội sau cuộc chiến lại càng phụ thuộc vào Moscow cho tới khi Liên Xô sụp đổ, với các hệ luỵ về thể chế cho nước Việt Nam cộng sản.
Bài học cho Trung Quốc
Riêng với Trung Quốc, đây là cuộc chiến lớn nhất về mặt quân sự kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
Và bài học Bắc Kinh có thể rút ra thì rất nhiều, theo một tác giả gốc Trung Quốc, Zhang Xiaoming.
Trong bài trên The China Quarterly 2005, ông xác định qua các tài liệu Trung Quốc rằng Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo cổ vũ cho chuyện tấn công để "dạy cho Việt Nam một bài học".
Dù Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, gồm cả Hoa Quốc Phong không phản đối, nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc cũng không hoàn toàn đồng thuận về cách dùng quân của ông Đặng.
Rốt cuộc, người ủng hộ rõ nhất cho Đặng là Trần Vân, nhân vật kỳ cựu trong Đảng.
Nhưng Zhang Xiaoming cho rằng chính Trung Quốc "mới là bên nhận một bài học".
Ông Đặng bỏ qua cơ chế chỉ huy bình thường, và trực tiếp giao cho Hứa Thế Hữu tấn công từ phía Đông (Quảng Tây), và điều động Dương Đắc Chí, từ quân khu Vũ Hán (miền Trung Trung Quốc) xuống chỉ huy cánh quân phía Tây từ Vân Nam đánh vào Việt Nam.
Ông Đặng, bắt chước Mao Trạch Đông, đã trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến và chỉ 'tham vấn trước' với một số nhân vật lão thành trước khi đưa ra một cuộc họp kéo dài 5 tiếng ở Bộ Chính trị.
Ông cũng bỏ qua vai trò của tư lệnh quân khu Côn Minh, tướng Vương Tất Thành.
Quyết định này của Đặng Tiểu Bình có hệ quả nghiêm trọng cho quân Trung Quốc: vì thiếu phối hợp hai cánh quân, họ bị tổn thất nặng nề, theo Zhang Xiaoming.
Đến giữa tháng 1/1979, chừng 320 nghìn quân Trung Quốc đã tập kết ở các tuyến dọc biên giới Việt Nam.
'Dùng dao mổ trâu chém gà'
"Cách dụng binh của Hứa Thế Hữu là "dùng dao mổ trâu chém gà" (niudao shaji - ngưu đao sát kê) tấn công tổng lực và toàn diện vào mọi điểm phòng vệ của Việt Nam."
Mục tiêu của chiến dịch "phản kích tự vệ" - cách Trung Quốc chuẩn bị dư luận trong và ngoài nước về cuộc xâm lăng - là nhanh chóng "tiêu hao sinh lực địch".
Trung Quốc đưa 9 quân đoàn đánh xuyên biên giới và huy động cả hơn 200 nghìn dân Quảng Tây phục vụ chiến dịch, trong đó 26 nghìn dân quân tham chiến trực tiếp, theo Zhang Xiaoming.
Tại một số mặt trận như ở Cao Bằng, tỷ lệ quân Trung Quốc so với lực lượng Việt Nam là 8:1.
Nhưng tổn thất của phía Trung Quốc là rất lớn.
Bài của Zhang Xiaoming nhắc lại rằng Trung Quốc từng nói họ giết và làm bị thương 57,000 quân Việt Nam, còn Đài Tiếng nói Việt Nam vào thời gian đó nói họ giết và làm bị thương 42,000 quân Trung Quốc.
Nhưng theo tác giả này, các nghiên cứu được cập nhật (cho đến 2005) tin rằng số quân Giải phóng Nhân dân TQ bị giết trong cuộc chiến là 25 nghìn, và số bị thương là 37 nghìn.
Ngay cả con số Bắc Kinh thừa nhận (6700 tử sĩ và 15000 thương binh) cũng đưa số thương vong lên 21 nghìn, trên tổng quân số chừng 300 nghìn tham chiến, một tỷ lệ rất cao.
Trung Quốc đã tổng kết, rút ra nhiều bài học về chiến thuật, về thông tin liên lạc, vũ khí.
Dù vậy, Zhang Xiaoming cho rằng vẫn có một bài học Trung Quốc chưa rút ra từ cuộc chiến với Việt Nam.
"Vì bị ảnh hưởng của tư tưởng Mao, coi chiến tranh là 'sự nối dài của mục tiêu chính trị', Trung Quốc vẫn chưa đánh giá lại xác đáng về chiến thắng hay thất bại nhìn từ góc độ quân sự thuần tuý."
Cuộc chiến 1979, nhìn từ phía Trung Quốc, là cách Bắc Kinh phản ứng lại sự bành trướng ra Đông Nam Á của Hà Nội, và cũng là cách ngăn chặn tham vọng toàn cầu của Moscow, theo Zhang Xiaoming.
Và đây có thể là bài học lớn nhất cho các quốc gia trong vùng đang tiếp tục có các tranh chấp trong một bối cảnh địa chính trị mới như ngày nay.
Cần có thái độ và ứng xử ra sao với quá khứ chiến tranh để rút ra bài học xử lý các nguy cơ xung đột Việt - Trung trong hiện tại cũng như tránh được các nguy cơ chiến tranh trong tương lai.
Đây là mạch chủ đề chính được cuộc Tọa đàm Trực tuyến của BBC thứ Năm tuần này thảo luận với các khách mời nhân 31 năm Việt Nam đánh dấu trận chiến Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) trong cuộc chiến tranh Biên giới kéo dài một thập niên với Trung Quốc.
Từ Hà Nội hôm 16/7/2015, Nhà văn Phạm Viết Đào có thân nhân hy sinh trong trận chiến Vị Xuyên nói đây là trận chiến 'lớn nhất ở Đông Nam Á'.
Ông nói: "Về trận Vị Xuyên, phía Trung Quốc theo thông tin tôi nhận được là họ làm rất rầm rộ vào năm 2009, họ kỷ niệm hai mươi năm, họ coi là 'Chiến thắng Lão Sơn'.
"Và 'Chiến thắng Lão Sơn' ấy đã được các tài liệu, sách báo của Ấn Độ và Nhật Bản coi là một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á' bởi vì lúc ấy Trung Quốc huy động năm, sáu chục vạn quân vào cái (trận chiến) này."
Và nhà văn Phạm Viết Đào nói thêm:
"Chúng tôi biết rằng trận Lão Sơn này, Trung Quốc gọi là Lão Sơn ấy, chính đích thân tướng Lưu Á Châu là con rể của Phó Thủ tướng (Trung Quốc) Lý Tiên Niệm, đã viết rất nhiều cuốn sách về (trận chiến) này. Và chính Nguyên soái (Trung Quốc) Diệp Kiếm Anh đã viết thư tay Lưu Á Châu vào lấy tài liệu.
"Và ông đã viết tiểu thuyết về trận Lão Sơn này, và chính quyển tiểu thuyết này đã được một Tạp chí của Việt Nam là Hồn Việt giới thiệu và tôi đã phản ánh rất dữ việc tại sao một Tạp chí của Việt Nam giới thiệu một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc viết về Lão Sơn, trong khi chúng tôi là những người nhà văn muốn viết thì không ai được viết," blogger Phạm Viết Đào nói với Tọa đàm.
Nên tưởng niệm?
Khi được hỏi liệu trận chiến Vị Xuyên nói riêng và chiến tranh biên giới Việt Trung có nên được Việt Nam tưởng niệm, đánh dấu hàng năm hay không, Đại tá Phạm Hữu Thắng, nhà nghiên lịch sử quân sự nêu quan điểm cho rằng ở Việt Nam hàng năm đã có ngày '27 tháng Bảy' dành cho thương binh, liệt sỹ.
Đại tá Thắng từ Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, từ Hà Nội, nói:
"Tưởng niệm thường xuyên, theo quan điểm của tôi thì nhìn chung vào dịp 27/7 đã có tưởng niệm thương binh, liệt sỹ rồi.
"Thế còn những địa danh cụ thể thông thường nó gắn liền với từng đơn vị một.
"Tôi nghĩ rằng những cuộc tưởng niệm ấy thì do từng địa phương, từng đơn vị một tổ chức thôi thì còn được.
"Còn có tính chất quốc gia thì tôi nghĩ là cũng không cần thiết," nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam nói.
Tuy nhiên ngay trước đó, Đại tá Phạm Hữu Thắng cũng khẳng định trận Vị Xuyên là một trận chiến 'ác liệt' nhất trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung vốn kéo dài một thập niên, bắt đầu từ ngày 17/2/1979.
Ông nói: "Cuộc chiến Vị Xuyên là cuộc chiến đấu được coi là ác liệt nhất ở toàn bộ tuyến biên giới mà sau khi Trung Quốc tấn công tháng 2/1979 và đã bị đẩy lui về phía bên kia biên giới.
"Sau đó, cuộc xung đột biên giới vẫn diễn ra cho đến năm 1988. Cuộc chiến Vị Xuyên từ giữa năm 1984, mùa hè 1984 cho đến hết 1985, được coi là giai đoạn ác liệt nhất.
"Và không chỉ ác liệt ở chỗ Vị Xuyên mà còn ác liệt của cả tuyến biên giới.
"Còn từng trận đánh cụ thể, thì thực ra cái tuyên truyền; và các tài liệu nghiên cứu về cuộc Chiến tranh Biên giới vẫn đang trong tình trạng bảo mật, cho nên việc nghiên cứu cụ thể về các trận đánh đó, thì tôi cũng chưa có điều kiện," nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nói với BBC.
Tuy vậy, một khách mời khác tại Tọa đàm của BBC cho rằng việc đánh dấu, 'tưởng niệm hàng năm' trận Vị Xuyên cũng như Chiến tranh Biên giới Việt - Trung 1979 là 'chuyện đương nhiên' mà 'không nên đặt ra câu hỏi'.
Nhà báo tự do, cựu chiến binh Chiến tranh biên giới Việt - Trung, ông Ngô Nhật Đăng, nói:
"Theo tôi không cần phải đặt ra câu hỏi, mà việc phải tưởng niệm trận Vị Xuyên là việc tất nhiên phải làm.
"Trận Vị Xuyên kéo dài, không phải (chỉ là) năm 1979 sau đó một tháng, mà (trận) Vị Xuyên kéo dài đến năm 1984, và sự hy sinh xương máu của cả hai phía rất là lớn.
"Theo tôi, việc tưởng niệm là điều tất nhiên."
'Né tránh sự thực'
Đề cập vấn đề bài học ứng xử với quá khứ, mà cụ thể là trận chiến Vị Xuyên hay Chiến tranh Biên giới 1979 và mối liên hệ với vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, nhà báo Nguyễn Giang của BBC nêu quan điểm:
"Về vấn đề đang xảy ra trên Biển Đông bây giờ, tôi có cảm giác là trong một giới nhất định ở Việt Nam, họ tìm cách gần như là né tránh một sự thực, tức là rõ ràng là đang bị lấn.
"Gần đây thì đỡ hơn, nhưng có một thời gian có cảm tưởng thậm chí báo chí không được nói lên tên là 'Tàu Trung Quốc', cái đó rất là vô lý ở chỗ là chính Trung Quốc họ nói, cũng đăng ngay trên báo của họ.
"Tại sao phía Việt Nam lại không đưa? Vậy thì tôi hiểu là chính sách ngoại giao của Việt Nam thấy có vẻ như là, nhìn từ bên ngoài vào, có vẻ gọi là mềm mỏng.
"Nhưng mềm mỏng đấy, mà phía bên kia họ không coi là mềm mỏng, thì chúng ta phải xem lại. Đấy là việc rất bình thường trong chuyện quan hệ đối tác.
"Tức là chúng ta tỏ ra mềm mỏng bao nhiêu, người ta nghĩ là mình né tránh.
"Thì né tránh, thì tội gì người ta không lấn tới? Đấy là cái logíc bình thường cuộc sống, không nói riêng chuyện Trung Quốc, Việt Nam hay nói các nước trong khu vực.
"Đấy là một câu hỏi rất là lớn. Rồi chuyện một quốc gia tự mình làm quên lịch sử của mình, thì người khác sẽ nhắc cho mình, mà là lịch sử của họ. Cái đấy cũng là một câu hỏi tiếp."
Và Nguyễn Giang nhấn mạnh:
"Càng né tránh thì càng bị động, đó là quan điểm của tôi cho các sử gia Việt Nam, còn các nhà hoạch định chính sách, tôi không biết họ suy nghĩ thế nào, thì cũng không dám bình luận," nhà báo chia sẻ với Tọa đàm.
Lịch sử lặp lại?
Từ Studio của BBC tại London, Thạc sỹ Nguyễn Bảo Châu, Giảng viên Chính trị Quốc tế, thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế của Việt Nam, người đang tu nghiệp nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học East Anglia, Anh Quốc, bình luận với Tọa đàm về bài học lịch sử kết nối giữa Vị Xuyên 1984 và Biển Đông 2015.
Thạc sỹ Bảo Châu nói: "Tôi cho rằng lịch sử có thể đang lặp lại trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
"Bởi vì ngoài sự kiện biên giới năm 1979, hiện nay đang có khu vực tranh chấp ở Biển Đông, theo tôi bài học ở đây đó là chúng ta (Việt Nam) cần phải thấy được sự chú ý là điều giống nhau trong luận điệu của Trung Quốc.
"Ví dụ trong sự kiện xâm chiếm biên giới, thì Trung Quốc tuyên truyền cho người dân Trung Quốc là 'Việt Nam xâm lược', là 'Trung Quốc tự vệ, dạy cho bài học' v.v...
"Những luận điệu đó không có bằng chứng (cơ sở), cũng như là so sánh với tình trạng ở Biển Đông hiện tại, thì việc đặt giàn khoan, cũng như xây dựng đảo nhân tạo, theo tôi thấy Trung Quốc cũng có rất nhiều luận điệu.
"Ví dụ như là để bảo vệ môi trường, sinh thái v.v..., nhưng mà không đưa ra được một bằng chứng rõ ràng nào, thì chúng ta cần phải rút kinh nghiệm và đưa ra cái bất nhất trong hành động và trong luận điệu của Trung Quốc...
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang rút kinh nghiệm và đang chủ động hơn trong việc đưa ra, nói với thế giới về quyền tài phán, chủ quyền lãnh thổ của mình, và chúng ta đã góp phần đưa được vào chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông, cũng như trong những tuyên bố của Asean, trong lần Thượng đỉnh gần nhất.
"Tôi nghĩ đấy cũng là một tín hiệu mừng trong đấu tranh ngoại giao, trong mọi mặt trận của Việt Nam," nhà nghiên cứu nói với BBC.
Khách mời
Bàn tròn "Từ Vị Xuyên 1984 tới Biển Đông 2015" được phát trực tuyến trên kênh YouTube của BBC Việt ngữ từ 19h30-20h00 giờ Việt Nam, hôm 16/7/2015, với các khách mời tham gia từ Việt Nam và hải ngoại là:
- Đại tá Phạm Hữu Thắng, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam.
- Thạc sỹ Nguyễn Bảo Châu, giảng viên Khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam.
- Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào, thân nhân Liệt sỹ trận Vị Xuyên.
- Nhà báo tự do, blogger, Ngô Nhật Đăng, cựu binh phía Việt Nam trong cuộc chiến Việt - Trung.
- Nhà báo Nguyễn Giang, Trưởng Ban Việt ngữ, Trưởng vùng Đông Á, Thế giới vụ BBC.
Một số khía cạnh được thảo luận tại tọa đàm gồm có:
- Thái độ nào cần có với quá khứ, nhất là đối với di sản chiến tranh quá khứ?
- Xử lý như thế nào di sản quá khứ, mà trong đó có xung đột chiến tranh, để đạt được hiệu quả cho hiện tại và tương lai.
- Thiếu sòng phẳng với quá khứ để thu được lợi ích bang giao, hợp tác trong hiện tại liệu có phải là một cách làm đúng, không thể phê phán. Mời quý vị theo dõi toàn bộ chương trình Tọa đàm tại đây.
"Chúng tôi biết rằng trận Lão Sơn này, Trung Quốc gọi là Lão Sơn ấy, chính đích thân tướng Lưu Á Châu là con rể của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm, đã viết rất nhiều cuốn sách," trong khi ở Việt Nam chỉ gần đây mới được nói đến trận đánh, theo blogger Phạm Viết Đào từ Hà Nội.
Trả lời tại Tọa đàm trên mạng Google+ do BBC Tiếng Việt chủ trì hôm 16/7, ông Phạm Viết Đào còn nói:
"Chính Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã viết thư tay Lưu Á Châu vào lấy tài liệu."
"Chính quyển tiểu thuyết này đã được một Tạp chí của Việt Nam là Hồn Việt (Tạp chí thuộc Hội nhà văn Việt Nam) giới thiệu,"
"Tôi đã phản ánh rất dữ việc tại sao một Tạp chí của Việt Nam giới thiệu một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc viết về Lão Sơn, trong khi chúng tôi là những người nhà văn muốn viết thì không ai được viết."
“Và nhà văn Đào Thắng có nói với tôi chuyện này về chính ông Đỗ Mười khi gặp nhà văn Hữu Thỉnh. Và ông Đào Thắng cũng khuyến khích ‘Tại sao các anh không viết (về) Chiến tranh Biên giới?”
“Thì ông Đào Thắng nói: ‘Bây giờ bác về hưu rồi, chúng tôi đang là người ở đây, thì chúng tôi thấy khó, không thể viết được."
“Rõ ràng cuộc chiến tranh Lão Sơn, phía Trung Quốc, theo thông tin tôi nhận được, rất nhiều báo mạng Trung Quốc nói rất nhiều.
Mặt trận Vị Xuyên
Ngày 12/7 năm nay, truyền thông Việt Nam lại có nhiều bài nhắc về trận đánh biên giới với Trung Quốc năm 1984 tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.
Là người đã thăm lại chiến trường cũ Vị Xuyên và chụp hình với người địa phương, nay ông Phạm Viết Đào cho hay:
“Và những thông tin đầu tiên tôi viết trên blog của tôi là tôi dựa vào báo mạng của Trung Quốc do anh Hà Minh Thành (ở) Nhật Bản thông tin cho tôi rằng dịch một tài liệu từ một trang mạng Trung Quốc nói về trận Lão Sơn.
“Và sau đấy BBC có đưa lại và trở thành một dư luận lần đầu tiên người ta biết chiến tranh Vị Xuyên là tôi nghĩ rằng phía Trung Quốc, người ta nói rất nhiều về trận này.
“Còn phía Việt Nam tại sao lại không làm chuyện này, thì thời gian qua, sau khi tôi lên tìm hiểu và tôi là một trong những người cùng với Thiếu tướng Lê Duy Mật, chúng tôi đã quyết liệt kiến nghị 5 điểm phải đưa cuộc chiến tranh này vào tất cả các thứ, thì sau đấy đã được hưởng ứng.
“Và hiện nay chúng tôi cũng nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi cho Bộ Quốc phòng và sắp tới chúng cũng sẽ tiếp tục làm việc về việc này và hiện nay tất cả những kiến nghị của chúng tôi đã được các cơ quan của chính quyền nói…
“Hiện nay báo chí, rất mừng là năm 2014, 2015 đã nói nhiều đến Vị Xuyên, thì tất cả cái đó phải nói là từ việc blog của tôi đưa lên và BBC là người sau đây tiếp sức đưa sự kiện của trận Lão Sơn ấy lên.
“Rõ ràng, phía Việt Nam, trách nhiệm (im lặng về trận Vị Xuyên) thuộc về ai thì cái đó chúng ta phải tìm, vì hiện nay chúng tôi thấy báo chí đã đưa, các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước cũng đã đặt vấn đề này ra rồi.
“Bây giờ thì người ta thấy đấy là một cuộc chiến tranh lớn, còn vì sao có cuộc chiến Lão Sơn, thì có lẽ (đó là công việc của) các nhà sử học,” ông Đào nói với Tọa đàm của BBC 'Từ Vị Xuyên 1984 tới Biển Đông 2015' giữa tháng 7/2015.
'Mặt trận ác liệt nhất'
Về độ ác liệt của mặt trận Vị Xuyên, nhà văn, blogger Phạm Viết Đào nói thêm với Tọa đàm:
“Trung Quốc năm 1984, 1985, tập trung đến tận 27 sư đoàn như lời của tướng Lê Duy Mật nói.”
Còn Đại tá Phạm Hữu Thắng, từ Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, khẳng định trận Vị Xuyên là một trận chiến 'ác liệt' nhất trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung vốn kéo dài một thập niên, bắt đầu từ ngày 17/2/1979.
Ông nói:
"Cuộc chiến Vị Xuyên là cuộc chiến đấu được coi là ác liệt nhất ở toàn bộ tuyến biên giới mà sau khi Trung Quốc tấn công tháng 2/1979 và đã bị đẩy lui về phía bên kia biên giới.
"Sau đó, cuộc xung đột biên giới vẫn diễn ra cho đến năm 1988.
"Cuộc chiến Vị Xuyên từ giữa năm 1984, mùa hè 1984 cho đến hết 1985, được coi là giai đoạn ác liệt nhất.
"Và không chỉ ác liệt ở chỗ Vị Xuyên mà còn ác liệt của cả tuyến biên giới,” Đại tá Phạm Hữu Thắng khẳng định tại Tọa đàm của BBC.
Ngày 12/7 nhiều báo trong nước đã có bài về cuộc chiến biên giới với Trung Quốc năm 1984 tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.
Trong tháng 4 và tháng 5/1984, Trung Quốc đã mở nhiều chiến dịch dọc biên giới từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh và chiếm nhiều điểm cao mà trước đó Việt Nam nắm giữ.
Cuối tháng 6/1984, Việt Nam quyết định tổ chức tiến công để giành lại những cao điểm bị Trung Quốc chiếm đóng. Việt Nam đã điều sáu trung đoàn tham gia.
Trong đó trận đánh nhằm giành lại Núi Đất (Trung Quốc gọi là Lão Sơn) ngày 12/7/1984 được cho là một trong các trận đánh đẫm máu và khốc liệt nhất ở Á châu nhiều thập niên trở lại đây tuy nhiên một thời gian dài không được nhắc tới nhiều ở trong nước.
Núi Đất là cao điểm thuộc về Việt Nam sau chiến tranh biên giới 1979, cùng với một cao điểm khác là Núi Bạc (Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn).
Trận đánh giành lại Núi Đất (Cao điểm 1509) cùng một số điểm cao khác do sư đoàn 356 thực hiện đã kết thúc với tổn thất lớn về binh lính cho phía Việt Nam, có tài liệu nói là do bội phản "từ một sỹ quan quân báo cao cấp".
Núi Đất lúc đó nằm trong lãnh thổ Việt Nam, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên, nay là tỉnh Hà Giang.
Các tài liệu nói trận đánh bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài tới 17 tiếng đồng hồ.
Con số lính Việt Nam tử trận các nguồn đưa ra không thống nhất, một số nguồn chính thống nói khoảng 600 cán bộ chiến sỹ sư đoàn 356 hy sinh, bên cạnh 400 cán bộ chiến sỹ sư đoàn 316 và 312.
Nguồn nước ngoài thì nói riêng trận Núi Đất con số người thiệt mạng phía Việt Nam là 3.700.
Phần lớn các hài cốt của họ chưa quy tập được.
Tới năm 1992, quân chính quy Trung Quốc mới rút khỏi Núi Đất và Núi Bạc.
Thông tin về giai đoạn xung đột Việt - Trung sau cuộc chiến 1979 ít được nhắc tới ở Việt Nam cho đến bây giờ.
Một số tường thuật năm nay còn gọi cuộc chiến 1984 là do "Trung Quốc xâm lược".
Hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất liền vào năm 1999 nhưng mãi tới năm 2009 mới thống nhất được đường biên.
Quá trình đàm phán biên giới đất liền được nói kéo dài hơn 35 năm.
Ngày 12/7 năm nay, truyền thông trong nước lại có nhiều bài nhắc về trận đánh biên giới với Trung Quốc năm 1984 tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.
Nhà báo Trần Trang của BBC Tiếng Trung hiện ở London cho biết trận đánh tại nơi mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn từ lâu thường được đề cập công khai tại Trung Quốc. Trần Trang: Trận Lão Sơn được nhớ tới như một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc chiến Việt – Trung. Tại Trung Quốc, người ta gọi đây là cuộc chiến tự vệ chống Việt Nam. Có nhiều chương anh hùng được kể về trận đánh, được truyền thông đại chúng tại Trung Quốc cổ vũ trong thập niên 1980. BBC Tiếng Việt: Chắc anh vẫn nhớ khi còn bé đã được kể cho nghe thế nào về sự kiện này?
Tôi còn nhớ mình dự một giảng đường lớn ở thị trấn tôi ở, nghe tường trình về một anh hùng trong trận Lão Sơn. Tôi còn nhớ tên ông ấy, Xu Liang, là một trong những sinh viên đại học tham gia đánh trận. Ông bị mất một chân trong trận này. Lúc đó, ông ngồi trên xe đẩy và kể lại trận đánh đẫm máu. Ông kể mình bị bộ đội Việt Nam bắn và cụt chân. Tôi nhớ khi đó mình rất ngưỡng mộ hành động anh hùng của ông.
BBC Tiếng Việt: Có tin nói nhiều cựu binh Trung Quốc trong trận chiến biên giới 1979 đánh Việt Nam sau này không hài lòng vì cho rằng không được nhà nước quan tâm. Còn các cựu binh của trận Lão Sơn thì sao?
Có một vài tin tức rải rác nói rằng các cựu chiến binh chỉ sống nhờ tiền hưu còm cõi, không có mấy hỗ trợ. Trong các dịp kỷ niệm chiến tranh, một số người thăm lại nghĩa trang tưởng nhớ đồng đội đã khuất. Đó cũng là dịp có một số bài nói rằng cựu binh không được hỗ trợ đầy đủ.
Một số cựu chiến binh thì trở thành doanh nhân, một số người rất giàu. Có vẻ như những nhóm này đã giúp nhiều hơn cho những người từng là đồng đội của họ.
Việt Nam kỷ niệm
Báo chí Việt Nam cho biết sáng 11/7, hàng trăm cựu chiến binh thuộc sư đoàn 356 từng chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên đã tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm, cầu siêu cho vong linh những liệt sĩ đã hi sinh.
Sư đoàn 356 xem ngày 12/7 hàng năm là “ngày giỗ trận của sư đoàn” vì ngày đó năm 1984, hơn 600 cán bộ chiến sĩ sư đoàn đã tử trận.
Trong tháng 4 và tháng 5/1984, Trung Quốc đã mở nhiều chiến dịch dọc biên giới từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh và chiếm nhiều điểm cao mà trước đó Việt Nam nắm giữ.
Cuối tháng 6/1984, Việt Nam quyết định tổ chức tiến công để giành lại những cao điểm bị Trung Quốc chiếm đóng.
Phía Việt Nam đã điều sáu trung đoàn tham gia.
Trong đó trận đánh nhằm giành lại Núi Đất (Trung Quốc gọi là Lão Sơn) ngày 12/7/1984 được cho là một trong các trận đánh đẫm máu và khốc liệt nhất ở Á châu nhiều thập niên trở lại đây tuy nhiên một thời gian dài không được nhắc tới nhiều ở Việt Nam. Xem toàn bộ Chuyên đề 'Cuộc chiến Biên giới Việt - Trung 1979'
Geen opmerkingen:
Een reactie posten