maandag 1 februari 2016

Ðài truyền hình hải ngoại SBTN (California), một 'cô gái tuổi tròn trăng'

SBTN, một 'cô gái tuổi tròn trăng'
Sunday, January 31, 2016 3:32:41 PM



Bài liên quan



Ngọc Lan/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) - Mười lăm năm trước, khi nhạc sĩ Trúc Hồ bắt tay vào thực hiện ước mơ “làm một đài truyền hình mang tính network đi khắp mọi tiểu bang Hoa Kỳ để mình có một tiếng nói chung, tạo nên một sự đoàn kết cho cộng đồng người Việt hải ngoại,” SBTN (Saigon Broadcasting Television Network) vẫn còn quá lạ lẫm với tất cả người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ.
Từ trái, nhạc sĩ Trúc Hồ, bà Hạnh Nhơn, cùng ông Lê Văn Chính, cô Thanh Hà, và ông Tony Đinh, ba thành viên ban tổ chức Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 7, tại San Jose năm 2009. (Hình: Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH)
Giờ đây, sau 15 năm gầy dựng và trưởng thành, tên gọi SBTN đã trở thành một “brand name” - một đài truyền hình “hàng hiệu” mà bất cứ ai yêu thích các chương trình TV Việt Ngữ đều không thể không biết tới, không chỉ tại Hoa Kỳ mà cả ở Canada và Úc.

SBTN, đài Việt network đầu tiên


Nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài SBTN, hệ thống truyền hình Việt Nam đầu tiên phát hình 24 giờ/ngày, nhớ lại: “Mười mấy năm về trước, có người hỏi tôi tại sao không làm đài truyền hình 'local'? Tôi trả lời nếu có làm thì tôi chỉ muốn làm đài mang tính cách network, phú sóng mọi tiểu bang trên khắp Hoa Kỳ để mình có một tiếng nói, có một nơi để thông tin những tin tức của người Việt, liên quan đến người Việt, để tạo cho cộng đồng mình sự đoàn kết, để bảo tồn văn hóa Việt, cũng như phục vụ cho người Việt lớn tuổi cần biết tin tức trên thế giới cũng như tại quê nhà Việt Nam.”
Ước mơ là vậy, lý tưởng là thế, nhưng khi bắt tay vào làm, “mọi thứ khó khăn hơn những điều mình tưởng tượng.”
Tác giả “Trái tim mùa Đông” kể, “Khoảng Tháng Mười Một hoặc Tháng Mười Hai, 2000, sau khi bay qua Colorado ký hợp đồng với một công ty Mỹ để bắt tay vào chuyện làm TV, lúc trở về tôi cảm thấy lo. Lo vì một ngày 24 tiếng, chương trình đâu ra để làm? Trong khi cơ sở hạ tầng lúc đó cũng chưa có, chỉ có Trung Tâm Asia có máy móc để 'edit video' thôi.”
Phóng viên Mai Phi Long phỏng vấn Joshua Wong, lãnh đạo sinh viên trong cuộc Cách Mạng Dù, ở Hồng Kông. (Hình: SBTN)
Nhưng khó khăn hơn hết, theo ông Trúc Hồ, là khán giả Việt Nam chưa hiểu được chuyện muốn xem SBTN thì phải trả thêm mỗi tháng một ít tiền.
“Vì thế, trong hai năm đầu hoạt động, SBTN không có khán giả coi. Cứ thử tưởng tượng không có khán giả mà mình phải cố tồn tại thì khó khăn vô vàn. Tiền đốt hàng tháng, và tưởng chừng cứ ngồi chờ ngày nó sụp thôi,” tổng giám đốc SBTN nói.
Ông nhớ lại những ngày đã qua, “Tôi phải đọc hết các 'TV guide' của các đài Mỹ để mày mò làm nên cho mình một chương trình chỉ 6 tiếng cho một ngày 24 tiếng. Rồi nhờ Việt Dzũng lên nói tin tức, huấn luyện người đọc tin tức. Sau một thời gian tưởng chừng như không có đường thoát thì đùng một cái bà con hiểu là coi đài phải trả tiền, rồi Direct TV nhảy vào thì người ta mới biết SBTN.”
Ông tâm sự, “Ngành truyền thông này thực ra không có tiền, báo chí không có tiền, TV cũng không có tiền. Chỉ vì muốn cộng đồng mình vững mạnh, muốn có một tiếng nói, muốn có những hoạt động cộng đồng, những điều đó cần thiết cho một cộng đồng tị nạn. Bằng TV, mình có thể ghi nhận lại hết những hoạt động của người Việt mình khắp nơi trên thế giới. Hiện giờ phóng viên SBTN có mặt ở khắp nơi trên thế giới, kể cả trong nước. Họ làm việc một cách âm thầm, vì lý tưởng muốn mang sự thật trong nước ra cho đồng bào hải ngoại biết.”
Từ buổi đầu khó khăn đó, có thể nói, SBTN như người Việt đầu tiên đặt những bước tiên phong đi vào ngành truyền thông network, để sau này mới có thêm nhiều đài khác nữa.
“Những người cộng tác với SBTN từ những ngày đầu như anh Việt Dzũng, hầu hết đều là tự nguyện, thiện nguyện, chứ nếu tính đến lương bổng thì chúng tôi đã không thể tồn tại đến ngày hôm nay,” Trúc Hồ nói một cách trân trọng.
Tổng Giám Đốc Trúc Hồ (ngồi) và một số nhân viên đài SBTN. (Hình: SBTN)

Tất cả là nhờ khán giả


Mặc dù ngay tại thời khắc đang trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Trúc Hồ cho rằng ông vẫn phải “đấu tranh để tồn tại.”
Thế nhưng, người sáng lập ra SBTN vẫn khẳng định, “Sau 15 năm nhìn lại, điều mà cho dù ngày mai mất tất cả tôi vẫn vui. Đó là, chính khán giả SBTN là những người đã đi cùng lý tưởng với tôi, đã gìn giữ nó, bảo vệ nó, từ những ngày nó còn chập chững những bước đi đầu tiên cho đến khi trưởng thành và là đài truyền hình có số lượng khán giả coi đông nhất như hôm nay.”
“Khán giả đã đi cùng tôi đến với từng chương trình Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, khán giả đã cùng tôi đi ký Thỉnh Nguyện Thư, khán giả đã đi cùng tôi tưởng niệm 40 năm ngày 30 Tháng Tư ở Washington, DC, khán giả đã cùng tôi Hát Cùng Biển Đông... Khán giả chính là người bảo vệ cho SBTN,” tổng giám đốc SBTN cho biết.
Theo ông Nguyễn Tự Cường, giám đốc điều hành SBTN, thì “đài SBTN hiện phát sóng trên tất cả các tiểu bang của nước Mỹ qua hệ thống Cable và Direct TV, đồng thời cũng phát qua Canada và Úc. Tính hết phóng viên SBTN rải rác khắp nơi có từ 100 đến 150 người.”

Các phóng viên của SBTN trước Tòa Bạch Ốc, từ trái, Destiny Nguyễn, Võ Thành Nhân, Mai Phi Long, Thanh Nguyễn, Vũ Nhân, và Võ Thiện Toàn. (Hình: SBTN)
Để cạnh tranh với các đài khác, ông Cường cho rằng, SBTN phải nhờ vào “thế mạnh đi sát với cộng đồng.”
“Thế mạnh trong tất cả các chương trình của SBTN là đi sát với cộng đồng, làm sao cho tin tức được chuyển tải nhanh chóng hơn để giúp đỡ cộng đồng của mình hiểu biết nhiều hơn về thế giới, về cộng đồng các nơi. Đồng thời, làm sao kết hợp được tất cả các sinh hoạt của cộng đồng ở khắp mọi nơi về làm một, để cho đồng bào của chúng ta dù ở đâu, dù làm gì cũng biết đồng hương của mình đang làm gì, sinh hoạt của họ ra làm sao, đời sống của họ như thế nào.”
“Tất cả chương trình SBTN thực hiện đều là những chương trình thực hiện tại hải ngoại chứ không phải đi vay mượn từ trong nước,” ông nói thêm.

Tâm tình của “người trong nhà” lẫn khán giả SBTN


Ông Mai Phi Long, người cộng tác với SBTN từ năm 2012, hiện là trưởng ban tin tức của SBTN, cũng là gương mặt quen thuộc với khán giả trong chương trình bình luận tin tức mang tên “SBTN Morning,” cho biết, “Ấn tượng nhất của tôi với đài SBTN là một không khí làm việc với tinh thần đồng đội, bảo bọc lẫn nhau, cũng như nhiệt huyết của ban giám đốc, đặc biệt là nhạc sĩ Trúc Hồ, Luật Sư Đỗ Phủ, và Luật Sư Nguyễn Anh Tuấn, với tinh thần dấn thân tranh đấu cho một Việt Nam tự do dân chủ và bảo vệ cộng đồng.”
Kỷ niệm mà ông Mai Phi Long nhớ nhất với đài là “lần tôi cùng nhạc sĩ Trúc Hồ và phóng viên Trần Vũ sang Hồng Kông để thực hiện chương trình tường thuật về cuộc Cách Mạng Dù.”
Từ trái, nghệ sĩ Văn Chung, xướng ngôn viên Diệu Quyên, nghệ sĩ Tuấn Châu, và xướng ngôn viên Bảo Châu, trong chương trình xổ số kỷ niệm đài SBTN bước sang năm thứ 15. (Hình: SBTN)
“Nhớ ngay trong ngày đầu tiên vừa bước xuống phi trường, chúng tôi đã lao thẳng ngay đến nơi biểu tình có hàng trăm ngàn người, bắt tay ngay vào làm việc vì không khí cuộc biểu tình rất sôi động, có nhiều chuyện mình chưa kịp biết nhưng ba anh em đã lao ngay vào biển người đó để mà tường thuật lại sự kiện lịch sử của Châu Á trong khoảng thời gian đó.”
Với nhà văn Huy Phương, thì SBTN là một đài TV mà ông “mong ước phải có ở hải ngoại” bởi vì, “Đài SBTN có lập trường rõ ràng, không chạy theo thị hiếu độc giả cũng như không bị ảnh hưởng chương trình trong nước.”
Là người điều hợp chương trình huynh Đệ Chi Binh trên đài SBTN từ tám năm qua, nhà văn Huy Phương cảm thấy “rất hạnh phúc” với những điều đã làm được từ chương trình này, khi nhiều cuộc hội ngộ, trùng phùng, nhiều việc làm thiết thực, có ý nghĩa đã diễn ra.
“Khi đi ra ngoài, nhiều người nhận ra mình qua chương trình của SBTN nên họ rất niềm nở. Nhiều người cám ơn mình khiến mình cảm thấy rất sung sướng,” ông bày tỏ.
 “Trong suốt thời gian làm việc với đài, điều để lại cho mình nhiều kỷ niệm nhất là đài SBTN mặc dù là đài còn rất nhỏ so với các cơ sở phát thanh khác nhưng sau 15 năm trải qua các gia đoạn từ củng cố, phát triển cho đến bây giờ thì điều làm cho tôi tâm đắc nhất chính là đài đặt ra một tiêu chuẩn lúc nào cũng gắn bó với cộng đồng, lúc nào cũng muốn giữ truyền thống tốt đẹp của người Việt mình, đồng thời lúc nào cũng có một đường hướng đấu tranh để cho dân tộc cũng như đất nước Việt Nam có được một đời sống công bình tự do và no ấm như mình đang được hưởng trên đất Mỹ này,” ông Nguyễn Tự Cường, người gắn bó cùng SBTN từ năm 2006, chia sẻ.
Một điều đặc biệt khi nói về đài SBTN là phải nói đến chương trình Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh.
Luật Sư Đỗ Phủ, phó tổng giám đốc SBTN (trái) và Luật Sư Nguyễn Anh Tuấn, thư ký HĐQT SBTN (phải), trao cho đại diện của “Habitat for Humanity International” tấm chi phiếu $100,000 trong số hơn nửa triệu đô la gây quỹ giúp nạn nhân động đất Nepal. (Hình: SBTN)
Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, chủ tịch Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, nói một cách chắc nịch, “Nói cho đúng ra, nếu không có đài SBTN thì hội này không có tiền đủ để giúp cho anh em thương phế binh ở Việt Nam.”
“Hiện tại hội có 15,000 thương phế binh, gần 5,000 quả phụ. Hằng tuần đồng hương tại rất nhiều tiểu bang vẫn gửi tiền về để giúp cho các thương phế binh, nhưng vẫn không đủ để chúng tôi hoàn thành công tác giúp cho gần 20,000 người như vậy,” bà cho biết.
Bà Hạnh Nhơn nói một cách cảm kích, “Lúc đầu hội chỉ mới có 5,000-6,000 người thôi mà cũng không làm xuể nên mới nhờ anh Nam Lộc giúp cho một chương trình gây quỹ. Khi đó anh Nam Lộc mời Trúc Hồ cùng tham gia. Trúc Hồ đã mang tất cả các phương tiện kỹ thuật cùng 50-70 ca sĩ hát miễn phí cho chương trình đại nhạc hội. Mỗi năm chương trình Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh có thể thu được từ $700,000 đến $1 triệu là nhờ đài SBTN.”
“Chín Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh vừa qua đều có đài SBTN yểm trợ tối đa mà không lấy bất cứ một chi phí nào hết. Nhờ đó mà hội mới có thể hoàn thành nhiệm vụ cứu trợ cho anh em thương phế binh ở Việt Nam,” vị chủ tịch Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH nhấn mạnh vai trò của SBTN.
Trong vai trò một khán giả của SBTN từ những ngày đầu tiên, ông Kenny Diệp, hiện ở Florida, kể, “Tôi coi SBTN từ ngày còn ở California. Lúc đó những chương trình phát thanh Việt ngữ, những chương trình TV mới bắt đầu phôi thai, những chương trình này được hãng Time Warner bảo trợ nên tôi coi. Coi SBTN từ đó, đến khi dọn nhà qua Florida hơn 10 năm cũng tiếp tục coi cho đến ngày hôm nay.”
Lý do để vị khán giả này vẫn trung thành với SBTN vì, “Mình coi thường xuyên nên nó như một điều gì cứ nối dài để cho mình theo dõi, nhất là trong đó có chương trình 'SBTN Morning' rất hay làm cho mình hiểu nhiều về tin tức trong cộng đồng người Việt cũng như tin tức thế giới một cách sinh động hơn những đài khác, không có sự nhàm chán.”
“Đài SBTN rất đa dạng, phong phú nhưng mình không có đủ thời gian để coi hết được mà chỉ coi chọn vài chương trình yêu thích để coi như chương trình 'SBTN Morning,' 'Nhạc Thính Phòng của anh Trúc Hồ và Nguyên Khang,' hay ngay trong lúc này tôi đang coi chương trình của ông Huy Phương nói về người lính đây, cũng là một trong những chương trình tôi thích,” ông Kenny cho biết.
Mười lăm năm, thời gian không dài cho sự khẳng định tên tuổi của một thương hiệu, thế nhưng, ở tuổi 15, SBTN thực sự như một cô gái vào tuổi tròn trăng, với tất cả vẻ đẹp mà ai cũng thích ngắm nhìn, để yêu mến, để nâng niu.

Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=221836&zoneid=1

Ðài truyền hình SBTN thực hiện phim 'Tị Nạn Việt Nam'
Monday, October 07, 2013 5:40:01 PM



Bài liên quan



Huy Phương/Người Việt
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi Cộng Sản chiếm miền Nam, trong một thời gian kéo dài suốt 20 năm, 1.3 triệu người Việt Nam đã từ bỏ chế độ tàn độc này, vượt biển đi tỵ nạn. Trong số này, Liên Hiệp Quốc phỏng định có từ 200,000 đến 400,000 người không đến được bến bờ hoặc chết vì tàu bị đắm, bị hải tặc Thái Lan sát hại.
Trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ đón nhận 823,000 thuyền nhân, Pháp 96,000, Úc cũng như Canada nhận 137,000 người, Anh 19,000.
Một số anh chị em trong Ban Văn Nghệ tại trại Pulau Bidong, trong đó có nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh (thứ hai từ phải) hồi năm 1989. (Hình: Ngô Ngọc Tuệ cung cấp)

Ðể hồi tưởng lại những ngày đã sống, sinh hoạt trong các trại tị nạn, trước khi đến được bến bờ tự do, đài truyền hình SBTN (Hoa Kỳ) sẽ thực hiện một chương trình phim tài liệu dài nhiều tập “Tị Nạn Việt Nam.”

Quý vị đồng bào tị nạn trên khắp năm châu, có những câu chuyện, tài liệu, video, hình ảnh về thời gian ở trong các trại cấm xin vui lòng gửi về đài truyền hình SBTN để đài thu thập, thực hiện cuốn phim lịch sử này.

Ông Ngô Ngọc Tuệ (ngokhanhtue@gmail.com) từ Paris, Pháp, đã hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp tài liệu của SBTN, với những hình ảnh của ban văn nghệ của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản tại Malaysia, của hai trại tị nạn Pulau Bidong và Sungei- Besi trong thời gian 1988-1989.

Trong bức thư viết cho nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh, ông Tuệ đã tâm tình: “Ðã qua 24 năm định cư tại Pháp, hôm nay ngồi lật lại cuốn album để chọn một số hình ảnh cho quý vị, bất chợt bao nhiêu kỷ niệm ngày ấy trở về, trong lòng cảm thấy bồi hồi, ngân ngấn nước mắt. Giai đoạn đó, quả thật đối với nhiều người chúng ta rất khó quên! Cũng hy vọng qua chương trình này, đài SBTN sẽ là nhịp cầu nối kết những bạn bè gần xa ngày xưa lại với nhau!”

Nói về dự án cho tập phim “Tị Nạn Việt Nam,” người thuyền nhân 24 năm về trước tại Pulau Bidong đã khen ngợi:”Quý vị đã, đang và sẽ tiếp tục làm những điều - mà theo tôi nghĩ - tất cả chúng ta đều mong muốn thực hiện!”

Nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh, tuy sau Tháng Tư, 1975 vẫn còn được nhận nhiều vai diễn trong đoàn kịch Kim Cương, Trần Hữu Trang, nhưng vào Tháng Năm, 1988, cô quyết định đem theo đứa con trai 12 tuổi, vượt biển đi tìm tự do. Rời Bến Tre, cô đến được Pulau Bidong và mãi đến năm 1990, Ngọc Ðan thanh mới được đến định cư tại Mỹ, theo diện đã từng phục vụ trong quân đội ở Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương.

Trong hai năm tại các trại định cư ở Malaysia và Philippines, Ngọc Ðan Thanh đã đem hết khả năng văn nghệ của mình để phục vụ cho những “người di tản buồn” đồng hoàn cảnh với cô, trên xứ người những ngày chờ được đi định cư tại một nước thứ ba. Ngọc Ðan Thanh hứa, trong khả năng, sẽ đóng góp những hình ảnh của thời gian 23 năm về trước, cũng như tiếng nói của cô cho dự án thực hiện bộ phim dài nhiều tập “Tị Nạn Việt Nam” do đài truyền hình SBTN thực hiện.

Ðồng bào vượt biển, vượt biên đã qua những ngày ở trại tị nạn, xin giúp cung cấp tài liệu và gởi về địa chỉ: SBTN, 10501 Garden Grove Blvd., Garden Grove, CA 92843, hoặc email cho đạo diễn vutran@sbtn.tv.


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=174830&zoneid=1

SBTN khởi chiếu '40 Năm Nhìn Lại' từ 16 Tháng Tư
Thursday, April 16, 2015 2:16:25 PM



Bài liên quan


 

Ngọc Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) - 40 năm sau cột mốc 30 Tháng Tư, người Việt trong nước nghĩ gì, người Việt ngoài nước nói gì?
40 năm sau cơn sóng gió lưu vong, người Việt tị nạn đã hình thành nên những cộng đồng như thế nào tại các quốc gia trên thế giới, từ Bắc Âu, Tây Âu, Úc Châu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ?
40 năm sau cơn sóng gió lưu vong, người Việt tị nạn đã mất gì, được gì, thành công gì và ước mơ gì cho tương lai...
Đó là những gì được đạo diễn Vũ Trần, một thuyền nhân trẻ ra đời sau khi cuộc chiến đã chấm dứt, ghi nhận lại trong loạt phóng sự tài liệu “40 Năm Nhìn Lại,” cuốn phim bắt đầu được trình chiếu trên đài truyền hình SBTN từ ngày 16 Tháng Tư, vào lúc 1 giờ trưa mỗi Thứ Năm hằng tuần, và chiếu lại vào lúc 10 giờ sáng và 8 giờ tối Thứ Bảy sau đó. Tất cả đều chiếu theo giờ California.

Vũ Trần, đạo diễn phim tài liệu phóng sự "40 Năm Nhìn Lại" (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

***

“40 Năm Nhìn Lại” là phóng sự tài liệu dài 15 tập, mỗi tập 45 phút, được đài truyền hình SBTN giao cho Vũ Trần thực hiện từ trong nửa năm, kể từ mùa Hè 2014, về cộng đồng người Việt tị nạn qua 15 quốc gia với hơn 50 thành phố, với sự giúp sức biên tập kịch bản từ nhà văn Phan Nhật Nam.
“Đối với tôi, người sinh sau năm 1975, đây thực sự là một thử thách lớn bởi vì tiếng Việt tôi không rành, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội cho một người trẻ, thế hệ sau chiến tranh như tôi tìm hiểu và học hỏi về lịch sử của người Việt tị nạn Cộng Sản sau 1975,” Người thực hiện cuốn phim phát biểu trong buổi chiếu ra mắt báo giới và bạn hữu vào tối Thứ Ba vừa qua.
Cũng nhân dịp này, phóng viên Người Việt đã có cuộc trao đổi với Vũ Trần về việc thực hiện loạt phóng sự đầy xúc động này.

Ngọc Lan (NV): Cảm nghĩ của Vũ khi nhận công việc này, lúc nhận và khi đi thực hiện, có gì khác nhau?

Vũ Trần: Khác nhau 100%. Trước hết những phóng sự tôi từng làm ở SBTN 10 năm qua chưa từng dính dáng đến cộng đồng Việt Nam nhiều, nên lần này quả thực là một thử thách lớn cho tôi. Trước hết, tôi đi một mình. Thứ nhì, tôi không có nhiều mối liên lạc với người Việt khắp nơi. Cho nên, trong 'project' này, tôi như một đứa trẻ không biết gì về cộng đồng, tôi tự đi tự tìm hiểu lấy theo mắt nhìn của mình. Đó là thử thách lớn nhất của tôi.
Thật sự tôi đã học được rất nhiều điều, không những là bài học lịch sử về thuyền nhân mà còn là những bài học xử sự ngoài đời, những con người tôi gặp qua trong hành trình 6 tháng thực hiện bộ phim này dạy tôi cách xử sự ra sao, cách nhìn nhận phẩm giá con người từ cuộc sống như thế nào.

NV: Điều mà Vũ cảm thấy nhớ nhất trong sáu tháng thực hiện bộ phim này là gì?

Vũ Trần:
Điều lưu lại trong đầu tôi nhiều nhất chính là những nghĩa trang, những ngôi mộ của người Việt đã nằm xuống nơi đất khách. Một cái gì đó rất bùi ngùi khi mình tới thăm. Nhiều lúc cứ thấy dậy lên câu hỏi tại sao mình không chết trên quê hương của mình mà lại chết nơi xứ người? Đó cũng là một di tích để cho thế hệ thứ hai, thứ ba của họ khi tới thăm mộ phải đặt câu hỏi tại sao lại có ngôi mộ của người Việt mình khắp nơi trên thế giới thế này? Những người nằm đó đương nhiên có nỗi nhớ quê hương của họ, muốn về nhưng về không được, và không biết đến bao giờ họ mới được trở lại quê hương. Đó là điều bùi ngùi nhất mà tôi không thể quên được trong chuyến đi, và cũng chính từ suy nghĩ đó mà đến bất kỳ thành phố nào, tôi cũng đều tìm đến thăm nghĩa trang hay mộ của những người Việt đã nằm xuống.

NV: Những nơi nào Vũ đã đi qua?

Vũ Trần
: Tôi đi tổng cộng 15 nước, với hơn 50 thành phố, gồm 4 nước Bắc Âu, 6 nước Tây Âu, Brazil ở Nam Mỹ, Úc và Tân Tây Lan ở Châu Úc, dĩ nhiên là phải có Mỹ và Canada.
Chủ đề của tôi khi thực hiện bộ phim này không chỉ tìm những người thành công mà tôi muốn tìm những gia đình bình dân, những tiểu thương rất bình thường, không nổi tiếng nhưng họ nói lên được sự cố gắng bền chí, kiên cường của người Việt tị nạn mình tại khắp nơi.
Một thuyền nhân Việt Nam định cư tại São Paulo, Brazil, trong công việc buôn bán chợ trời để mưu sinh (Hình: Vũ Trần)


NV: Trong hơn 50 thành phố đã đi qua thì thành phố nào để cho Vũ nhớ nhất?

Vũ Trần: Đó là thành phố São Paulo ở Brazil. Trong đầu tôi không bao giờ nghĩ là có người Việt mình ở đó. Mặc dù tôi có đọc được bài báo nói có người Việt sống ở Brazil nhưng không mường tượng được đó lại là người Việt thuyền nhân. Thế nên khi biết được điều này, tôi xin phép anh Trúc Hồ, tong giám đốc của SBTN, được bay xuống Brazil gặp họ. Mà ngay khi tới đó, tôi cũng chỉ biết là có nhà hàng Miss Saigon được mở tại đó thôi chứ không có bất kỳ một sự liên lạc nào hết. Tôi đến em nhà hàng ăn và hỏi chuyện.
Đương nhiên, tôi chưa lột tả được hết cái khổ sở trong những năm tháng đầu tiên khi họ đặt chân đến Brazil, nhưng một tuần ở với họ, tôi có thể biết được nhiều câu chuyện về cộng đồng Việt chỉ khoảng 100 người tị nạn tại nơi này.

NV: Xin giới thiệu một chút về bản thân Vũ?

Vũ Trần: Tôi rời Việt Nam lúc 10 tuổi cùng gia đình và anh trai vào năm 1991, năm cuối cùng của làn sóng vượt biên. Ghé Hồng Kong, ở đảo tới cuối năm 1994 mới qua Mỹ. Lúc sang Mỹ tôi định cư ở Minnesota do cô bảo lãnh. Sau đó tôi học về hội họa đến năm 2005 ra trường. Sau khi ra trường thì làm cho đài SBTN tới giờ.

NV: Khi thực hiện bộ phim liên quan đến thuyền nhân sau 40 năm, cũng trong tâm tình của một thuyền nhân, Vũ có nhận ra được sự đồng cảm gì không?

Vũ Trần: Đương nhiên, bởi trước hết mình là người Việt với nhau. Mình không chỉ có sự đồng cảm là thuyền nhân mà còn là vì người Việt với nhau, nên khi vừa gặp là có gì đó hợp rơ nhau liền. Hay như khi gặp người miền Trung, vì tôi là người Đà Nẵng, là thấy dường như một cảm tình có sẵn rồi, nên tiếp chuyện dễ lắm. Đó là sự gần gũi của người Việt Nam mình. Trong chuyến đi này, tôi rất cám ơn những người Việt khắp nơi đã giúp tôi hoàn thành chương trình này. Không có họ, tôi khó mà hoàn thành công việc của mình.

NV: Bộ phim kéo dài 15 tập theo những nội dung nào và lịch chiếu ra sao?

Vũ Trần: 15 tập của phóng sự “40 Năm Nhìn Lại” không giống nhau, vì nó được chia ra theo từng lãnh vực như truyền thông riêng, lãnh vực giáo dục riêng, kinh tế riêng… Nói chung là sự hình thành 40 năm của cộng đồng khắp nơi. Dĩ nhiên có những sự tương đồng như cộng đồng người Việt tại Canada và Mỹ, sự thành công của người Việt vừa đa dạng vừa giống nhau.
Chương trình được chiếu bắt đầu từ Thứ Năm, 16 Tháng Tư, lúc 1 giờ trưa, chiếu lại vào Thứ Bảy lúc 10 giờ sáng và 8 giờ tối, mỗi tuần. Sau đó phát hành DVD và chiếu trên youtube.

NV: Tâm tình gì Vũ muốn gửi gắm thêm qua loạt phóng sự này?

Vũ Trần: Điều tôi mong muốn nhất trong cuốn phim này chỉ là tôi muốn cho thế hệ sinh sau 1975 như chúng tôi có thể tiếp thu và biết được sự đóng góp của người Việt mình khắp nơi cũng như học hỏi được lịch sử tại sao người Việt mình lại có thuyền nhân, bộ nhân, tại sao lại có những người Việt phải sống xa quê hương như thế.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=205893&zoneid=1


Geen opmerkingen:

Een reactie posten