Quan hệ Mỹ-Việt 2016 trong tam giác chiến lược Mỹ-Việt-Trung
Năm 2015 được công nhận là một năm rất tốt đẹp trong quan hệ Mỹ-Việt, với việc hai bên xích lại gần nhau một cách rõ nét trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng thể hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông. Với năm 2016 vừa bắt đầu, câu hỏi đặt ra là đà củng cố và tăng cường quan hệ Mỹ-Việt được thấy trong năm 2015 có sẽ được duy trì hay không ?
Với năm 2016 vừa bắt đầu, câu hỏi đặt ra là đà củng cố và tăng cường quan hệ Mỹ Việt được thấy trong năm 2015 có sẽ được duy trì hay không. Ngay vào những ngày năm 2016 này, nhiều tín hiệu theo chiều hướng tích cực đã được tung ra, cho thấy là rất có khả năng quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam nói riêng, với với khối ASEAN nói chung, sẽ được củng cố thêm.
Đối với Việt Nam, theo nhật báo Mỹ New York Times ngày 02/01/2016, thì một chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay vào tháng 5 là một điều hoàn toàn có thể diễn ra. Còn đối với khối Đông Nam Á, thì vào ngày 15-16 tháng 2 tới đây, một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ mở ra tại California, Hoa Kỳ.
Cho dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng việc thúc đẩy thêm quan hệ Mỹ-Việt có thể sẽ gặp một số cản lực do việc Tổng thống Obama, một người rất quan tâm đến việc khôi phục vai trò quan trọng của Mỹ tại Châu Á sẽ kết thúc nhiệm kỳ 2 của mình, trong lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, theo thông lệ, sẽ có tác động trì hoãn các hoạt động đối ngoại của nước Mỹ. Đó là chưa kể đến Đại Hội Đảng Cộng sản Việt Nam vào hạ tuần tháng Giêng này, sẽ bầu ra một ê kíp lãnh đạo mới, với chủ trương đối ngoại như thế nào thì chưa ai được rõ.
Để hiểu rõ thêm về triển vọng quan hệ Mỹ-Việt trong năm 2016, RFI đã đặt câu hỏi với giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
Đối với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nếu không có sự cố gì nổi bật, thì quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục chiều hướng “tăng tiến” như đã được ghi nhận trong năm 2015, cả trong lãnh vực quốc phòng lẫn kinh tế, thương mại. Ẩn số quan trọng sẽ chi phối đà phát triển đó tuy nhiên lại đến từ Việt Nam: Đó là chính sách của giới lãnh đạo mới tại Việt Nam, sẽ được cử ra nhân Đại hội Đảng lần thứ 12 trong tháng Giêng này.
Mời quý vị nghe bài phỏng vấn mà Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho ban Việt ngữ RFI:
Quan hệ Mỹ-Việt năm 2016 : 5 điểm cần theo dõi
Nguyễn Mạnh Hùng :Trong năm 2013, Việt Nam sẽ có một dàn lãnh đạo mới.
(1) Vấn đề quan trọng nhất là cần phải theo dõi chính sách của lãnh đạo mới của Việt Nam như thế nào trong tam giác chiến lược Mỹ-Hoa-Việt.
(2) Mức độ hợp tác quốc phòng giữa hai bên đi đến đâu ? Việt Nam sẽ làm gì để gia tăng hợp tác đó, và Mỹ giúp Việt Nam tăng cường năng lực phòng thủ đến mức độ nào ? Liệu Mỹ có bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí hay không ?
(3) Việc ký kết và thi hành Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mang lại kết quả nào ? Mỹ giúp Việt Nam đến đâu ? Việt Nam cải tổ đến đâu ? Có đem đến việc giúp Việt Nam bớt lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc hay không ?
(4) Thái độ của Việt Nam nhân cuộc họp Mỹ-ASEAN ở Sunnyland (California-Hoa Kỳ) vào tháng 02/2016 ra sao ?
(5) Chuyến thăm trù liệu của ông Obama tới Việt Nam có diễn ra hay không ? Và nếu diễn ra thì kết quả đến mức độ nào ?
RFI :Sự kiện tối quan trọng sẽ là chuyến thăm Việt Nam của ông Obama vào tháng 5 như báo New York Times từng tiết lộ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Đó là một trong các sự kiện quan trọng, bởi vì kết quả chuyến thăm thể hiện sự cộng tác đến mức độ nào. Chuyến thăm chỉ là một trong những sự khác mà thôi.
RFI : Phải chăng là chuyến thăm chưa hẳn là chắc chắn 100% ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Chuyến đi đó được cả hai bên mong muốn. Nhưng không ai có thể đoán được những yếu tố có thể xẩy ra từ giờ cho đến một năm. (...) Bên Mỹ cũng dự định như vậy, cũng quyết định đi thăm. Chuyến thăm có rất nhiều triển vọng (được thực hiện), trừ phi có điều gì khiến cho sự kiện không thể xẩy ra. Chuyến thăm cũng có thể quan trọng, nhưng cũng có thể là một chuyến thăm cuối nhiệm kỳ, như trường hợp ông Reagan đi thăm Nga vào năm 1988.
RFI : Quan hệ quốc phòng song phương liệu có được thắt chặt thêm ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Như tôi nói ở trên, vấn đề tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam, nhưng nói chung, có nhiều triển vọng tăng tiến thêm. Do đó cần theo dõi xem Việt Nam làm cái gì để tăng tiến quan hệ đó, và Mỹ liệu có đi đến việc bỏ cấm vận vũ khí toàn diện cho Việt Nam hay không, và sẽ giúp Việt Nam đến mức độ nào trong việc tăng cường khả năng phòng thủ cho Việt Nam.
RFI : Về Biển Đông, Mỹ sẽ có những động thái như thế nào ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Việc Mỹ sẽ làm gì ở Biển Đông tùy thuộc vào hai yếu tố : (a) Thái độ và chính sách của Trung Quốc ; (b) Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á trong ASEAN. Nói chung, nếu không có gì đặc biệt xẩy ra, Mỹ sẽ tiếp tục củng cố thế lực của mình trên dãy đảo thứ nhất (first island chain), từ Guam đến eo biển Malacca, tức là vòng ngoài của Biển Đông (quốc tế gọi là Biển Nam Trung Hoa).
Điểm thứ hai là Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng với các đối tác khác, đồng thời vừa cạnh tranh, vừa cộng tác với Trung Quốc, với mục đích là cố gắng tối đa để Trung Quốc không hoàn toàn độc chiếm Biển Nam Trung Hoa, làm cản trở lưu thông trên biển.
RFI : Bầu cử Mỹ liệu có ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Việt Nam và quan hệ Mỹ-ASEAN ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Có ảnh hưởng bởi vì làm cho Mỹ phải dồn tất cả cố gắng của mình vào cuộc bầu cử đó, và bớt đi sự chú ý trên những vấn đề khác, trừ những vấn đề thật nóng cần phải giải quyết. Đó là một ảnh hưởng gây chậm trễ hay trì hoãn. Nhưng mà nhìn vào dàn lãnh đạo mới (ở Mỹ), dù ai lên, thì chính sách đối với Trung Quốc cũng đều mạnh mẽ hơn. Ông Obama thì hòa hoãn nhiều hơn.
RFI : Mới đây, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan có đòi tăng cường lực lượng Hải quân. Có thể nghĩ là đảng Cộng Hòa có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Không hẳn ! Đảng Cộng hòa hay Dân chủ như nhau. Bà Clinton cũng vậy. đường lối và hành động từ xưa đến nay của tất cả những người đó đều cho thấy là họ sẽ mạnh dạn hơn ông Obama trong việc đối phó với Trung Quốc. Cả Dân chủ lẫn Cộng hòa !
RFI : Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Hoa Kỳ vào tháng 2 này ý nghĩa quan trọng ra sao ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Theo tôi biết – trong những tháng vừa qua mà tôi ở Singapore – thì tôi cảm thấy có cái gọi là « perception gap », tức là hai bên chưa hiểu nhau nhiều. Thì đây sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận, thăm dò để tìm cách hiểu nhau hơn, nhất là để định rõ là hai bên có quan tâm chiến lược chung hay không, và cái nội hàm của mối quan tâm chiến lược đó là gì. Hai bên cũng cần định rõ là phải làm gì chung để đối phó với Trung Quốc ? ASEAN đóng góp đến đâu, Mỹ đóng góp đến đâu trong cái quan tâm chiến lược chung đó ?
RFI : Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN ký kết cuối năm ngoái có thực chất hay chỉ là vấn đề hình thức ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Hình thức thì cũng có, nhưng thể hiện việc Mỹ và ASEAN đã có thêm một bước tiến trong việc tạo ra quan hệ đối tác đó. Về phía ASEAN, tôi nghĩ rằng một đằng họ muốn Mỹ can thiệp rất nhiều, một đằng khác thì họ lại không muốn Mỹ và Trung Quốc đụng độ với nhau. Giữa hai bên còn hiểu lầm nhau nhiều.
Theo tôi, trở ngại chính cho sự cộng tác ở hai bên bờ đại dương là sự chia rẽ của ASEAN và thái độ ỡm ờ của một số quốc gia đối với Trung Quốc...Trước kia, ASEAN thường nói đến khái niệm « ASEAN unity », tức là Đoàn kết ASEAN, hay « ASEAN centrality », tức là vai trò trung tâm của ASEAN trong bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc, để bảo đảm an ninh cho vùng Thái Bình Dương. ...
Nhưng vì chia rẽ với nhau, ASEAN đã không giúp cho Phi Luật Tân (Philippines) vào năm 2012 (khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough Shoal), khiến Philippines thất vọng, và thay vì có một chính sách tập thể gọi là « collective policy » , nhiều nước đã đi tìm giải pháp cá nhân. ASEAN mỗi nước một kiểu !
Ví dụ như Philippines, đã tìm giải pháp cá nhân với Mỹ. Trong khi đại đa số quốc gia ASEAN muốn trở thành trái đệm, trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc, thì Philippines rõ ràng là đã tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, và cho phép Mỹ sử dụng một số căn cứ quân sự trong nước.
Trường hợp thứ hai là Nam Dương (Indonesia). Là nước lớn nhất trong ASEAN, đáng lẽ Indonesia phải đứng ra lãnh đạo khối. Nhưng vì thấy khối này vừa yếu, vừa chia rẽ, Indonesia chẳng muốn thế nữa mà đã tách ra chơi riêng, với chính sách gọi là « hậu ASEAN (Post ASEAN policy) ».
Indonesia muốn tạo ra cái gọi là « tứ trụ Á châu (Asian fulcrum of four)... gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia trong vai trò là cường quốc hàng hải. Tức là Indonesia muốn xếp hàng với các ông lớn, và bỏ mấy ông bé (trong ASEAN). Đó là một quan điểm rất nguy hiểm, và điều đó đã khiến cho các nước khác ở Á châu có phản ứng và nước nào cũng tìm cách riêng.
Ví dụ như Mã Lai Á (Malaysia), từ lâu rất lờ mờ trong chính sách đối với Trung Quốc, tại vì có quyền lợi một phần nào đó ở Biển Đông nhưng không lớn lắm. Thế nhưng gần đây chúng ta thấy Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trên một hàng không mẫu hạm Mỹ, soái hạm của chiếc tàu đã đi vào vùng hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Riêng sự hiện diện đó của Malaysia bên ông Carter lúc ông tuyên bố « bay bất cứ chỗ nào, đến bất cữ chỗ nào », cũng là biểu tượng của một sự ủng hộ thêm, và nhất là lúc ấy, Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Còn Singapore thì rất khôn khéo. Singapore đã cho Mỹ có tàu chiến đóng ở hải cảng Changi - “on the rotational basis”, tức là cứ đi ra đi vào – nhưng nói tóm lại là thường xuyên có mặt ở đó. Bây giờ, Singapore thêm nữa : Mã Lai đã bằng lòng cho Mỹ dùng phi cơ do thám cất cánh từ Mã Lai, và Singapore cũng bắt đầu bằng lòng chuyện đó.
Tóm lại, các nước trên thấy rằng cả khối không đoàn kết với nhau, nhất là trong vấn đề biển với Trung Quốc, các nước lại có quyền lợi khác nhau, cho nên họ làm như vậy. Thế thì sự chia rẽ trong ASEAN cũng tạo ra khó khăn cho Mỹ, khiến Mỹ dè dặt trong việc hoàn toàn ủng hộ ASEAN, và ảnh hưởng đến hiệu quả của hậu thuẫn Mỹ đối với các quốc gia này.
RFI : Nhìn chung, quan hệ Mỹ-Việt năm 2016 sẽ như thế nào ?
Nguyễn Mạnh Hùng :Quan hệ sẽ tiếp tục được tăng cường, nhưng đến mức độ nào thù tùy thuộc thái độ và khả năng của các lãnh đạo mới của Việt Nam. Nếu họ đoàn kết với nhau và có khả năng, thì sẽ có những chính sách bạo hơn. Còn nếu họ không đoàn kết với nhau, và sức mạnh nội tại của Việt Nam không cao, thì chính sách của họ sẽ rón rén hơn, và như vậy, sẽ ảnh hưởng đến bang giao Mỹ-Việt.
RFI : Xin thành thật cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Hoa Kỳ.
Cùng chủ đề
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
-
Việt Nam: Dự Luật về hội chưa thật sự bảo đảm quyền này
Theo chiều hướng hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam chịu sức ép ngày càng mạnh của quốc tế đòi … -
Biển Đông 2016: Việt Nam cần làm gì với Lào, Chủ tịch ASEAN ?
Vào năm 2016, một trong những sự kiện đáng chú ý liên quan đến Biển Đông là việc Lào lên nắm quyền Chủ tịch … -
Giáo hội Công giáo: Làm từ thiện cũng gặp khó khăn
Vào những ngày sắp đến Lễ Giáng Sinh và ngày lễ cuối năm, các linh mục, tu sĩ và thanh niên Công giáo … -
Biển Đông 2015 : Thái độ chống Trung Quốc gia tăng trong ASEAN
Trong năm 2015, Trung Quốc công khai bộc lộ ý đồ chiếm trọn Biển Đông. Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ hơn trong lúc một nửa ASEAN tích cực tìm … -
Biến đổi khí hậu: Nông dân đồng bằng Cửu Long phải thay đổi cây trồng
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và trong số các vùng bị ảnh hưởng … -
TPP: Doanh nghiệp Nhà nước phải theo luật chơi quốc tế
Với việc gia nhập hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, các doanh nghiệp Nhà nước nay phải chấp nhận luật … - http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160111-qh-2016-my-viet-trung-tc
Geen opmerkingen:
Een reactie posten