Biển Đông 2015 : Thái độ chống Trung Quốc gia tăng trong ASEAN
Trong năm 2015, Trung Quốc công khai bộc lộ ý đồ chiếm trọn Biển Đông. Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ hơn trong lúc một nửa ASEAN tích cực tìm đối sách : Việt Nam Malaysia và Philippines thiết lập thế đối tác chiến lược, Singapore mở rộng cửa cho phi cơ Mỹ trú đóng và Indonesia dọa kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế.
Trước thái độ càng lúc càng hung hăng của Bắc Kinh, Washington cũng có những phản ứng cứng rắn hơn. Ngoài việc vạch trần các hành động bị đánh giá là coi thường luật lệ quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông thông qua việc công bố thường xuyên hình ảnh vệ tinh về các công trình mà Bắc Kinh đang xây dựng trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, giới lãnh đạo chính trị cũng như quân sự Mỹ đã tranh thủ mọi diễn đàn để phản đối hành vi của Trung Quốc.
Trên hiện trường, lực lượng Mỹ bắt đầu có những hành động cụ thể. Đáng chú ý nhất là quyết định khởi động chiến dịch được mệnh danh là tuần tra vì quyền tự do hàng hải (FON) tại Biển Đông, đánh dấu bằng việc cử khu trục USS Lassen, trang bị tên lửa dẫn đường tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi ở Trường Sa ngày 27/10/2015.
Tương tự như Hoa Kỳ, nhiều nước Đông Nam Á cũng có những tuyên bố bất đồng tình với Trung Quốc hoặc có những quyết định biểu lộ thái độ cứng rắn hơn trước những động thái của Bắc Kinh tại Biển Đông. Trong số 4 nước ASEAN bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Đông, Việt Nam, Malaysia và Philippines đã quyết định liên kết chặt chẽ với nhau hơn để chống lại áp lực từ phía Trung Quốc.
Giới phân tích đặc biệt nêu bật hai sự kiện : Ngày 07/08, hai Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Malaysia Najib Razak đồng ý nâng cấp quan hệ song phương từ đối tác toàn diện lên hàng đối tác chiến lược. Qua ngày 17/11, đến lượt Việt Nam và Philippines ký kết quan hệ đối tác chiến lược bên lề Thượng đỉnh APEC ở Manila.
Ngay cả những nước không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như Indonesia và Singapore cũng không ngần ngại có những động thái thể hiện sự không đồng ý với các yêu sách quá đáng của Trung Quốc cũng như những hành vi quyết đoán của Bắc Kinh nhằm buộc cả thế giới công nhận đòi hỏi của Trung Quốc về Biển Đông.
Cụ thể là vào trung tuần tháng 11, Jakarta đã đe dọa sẽ kiện Trung Quốc ra trước « Tòa án Hình sự Quốc tế » nếu « yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và một phần của lãnh thổ Indonesia không được giải quyết thông qua đối thoại ». Còn Singapore thì chỉ mới đây thôi, ngày 07/12 đã đồng ý cho Mỹ triển khai phi cơ do thám tối tân P8 Poseidon trên lãnh thổ của mình, để tuần tra trên Biển Đông.
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine (Hoa Kỳ), một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, các diễn biến trên đây trong tình hình Biển Đông trong năm 2015, đều bắt nguồn từ thái độ thách thức quốc tế một cách « lộ liễu » và « trơ tráo » của Trung Quốc. Mời quý vị nghe phân tích của Giáo sư Long trong bài trả lời phỏng vấn RFI.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc ngày càng thách thức lộ liễu
Ngô Vĩnh Long :Vấn đề nổi cộm nhất ở Biển Đông năm 2015 là việc Trung Quốc tiếp tục bồi đắp và các đảo nhân tạo ở Trường Sa và xây dựng những cơ sở trên đó, với ý định dùng để kiểm soát Biển Đông và đe doạ an ninh của toàn khu vực. Không những đã bất chấp phản kháng của các láng giềng và các nước khác trên thế giới về những hoạt động này, mà các lãnh đạo Trung Quốc lại càng ngày càng có thái độ thách thức rất lộ liễu.
Một ví dụ cụ thể là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến thăm Hoa Kỳ cuối tháng 09/2015, không những tuyên bố trước là không muốn bàn về hồ sơ Biển Đông với Tổng Thống Mỹ Barack Obama, mà trong cuộc họp báo chung của hai lãnh đạo ngày 25/09, Tập Cận Bình đã tuyên bố một cách trơ tráo rằng những hòn đảo ở Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc tự ngàn xưa, do đó Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như những quyền hạn và quyền lợi hợp pháp của mình trên các vùng biển xung quanh vùng đảo Trường Sa.
Ngày 07/11, Tập Cận Bình đã lập lại tuyên bố trên trong một diễn văn tại Đại học Quốc gia Singapore, nhưng lần này lại nói cứng hơn rằng : « Chính phủ Trung Quốc bắt buộc phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ... »
ASEAN cứng rắn hơn
RFI : Với Malaysia – một nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông - làm chủ tịch, ASEAN có mang lại điều gì tích cực cho việc thúc đẩy một lập trường chống lại các hành động của Trung Quốc không ?
Ngô Vĩnh Long :ASEAN, với Malaysia làm chủ tịch, đã đem hồ sơ Biển Đông ra bàn cãi một cách tích cực hơn, mặc dầu Trung Quốc đã làm áp lực rất mạnh đối với một số nước để nhận chìm hồ sơ này.
Một ví dụ tích cực là Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN kết thúc ngày 06/08/2015 đã có những ngôn từ và nội dung cứng rắn hơn những lần trước. Tôi xin chỉ đề cập đến 2 điều trong Tuyên bố chung này để chứng minh :
1) Điều 150 của Tuyên bố chung, tức là điều thứ nhất của đoạn về Biển Đông, cho biết sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây cũng như những vấn đề đang tiếp tục xảy ra, trong đó có vấn đề bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo mà đã hủy hoại hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
2) Điều 151 nói là các Ngoại trưởng nhấn mạnh việc cần thiết của các bên trong việc phải thực thi toàn diện Tuyên bố Ứng xử (DOC) trên Biển Đông, cũng như trong việc không được đe doạ dùng vũ lực hay dùng vũ lực.
Hai điều trên rõ ràng là đề cập đến thái độ và những hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông mà ASEAN không đồng ý. Lập trường này giúp cho Mỹ có hành động mạnh hơn.
Hình thành thế đối tác chiến lược Việt Nam – Malaysia – Philippines
RFI : Phải chăng các nước Đông Nam Á bị Trung Quốc lấn lướt đã thấy cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc và cần phải liên thủ chặt chẽ hơn với nhau ? Ví dụ như việc Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Malaysia và Philippines. Phải chăng là để tìm tiếng nói chung kháng lại những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông ?
Ngô Vĩnh Long :Đúng như thế. Các nước này đã nâng cấp quan hệ hầu cùng nhau tìm hậu thuẫn và trợ giúp của các nước ngoài khu vực có khả năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và vài nước Âu Châu như Anh, Đức và Pháp. Các nước này đều có quyền lợi mật thiết trong khu vựcvà cần được trợ giúp để có thể vận động dân chúng họ trong việc bảo vệ những quyền lợi riêng của nước họ cũng như lợi ích chung với các nước trong khu vực.
Nếu chỉ một mình Philippines hành động, thì tiếng nói không được mạnh, mặc dù ta thấy việc Philippines kiện Trung Quốc là một hành động rất ngoạn mục. Thành ra, Philippines cần sự ủng hộ của các nước khác..., và đặc biệt của Việt Nam, vì Việt Nam là nước bị chèn ép và bị thiệt hại nhiều nhất trong khu vực.
Ý nghĩa quan trọng nhất của quan hệ đối tác chiến lược giữa ba nước Việt Nam, Malaysia và Philippines là hợp tác chặt chẽ để đẩy mạnh hồ sơ Biển Đông, vận động được hậu thuẫn của các nước có khả năng như tôi vừa nói. Nhưng nếu không hợp tác chặt chẽ, thì lẽ dĩ nhiên vd nâng cấp quan hệ trên giấy tờ chỉ là vấn đề hình thức thôi.
Thành ra, vai trò tích cực của Việt Nam rất quan trọng trong quan hệ tam quốc này, một phần là vì Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải bị Trung Quốc đe doạ lớn nhất nên có tiếng nói có trọng lượng nhất với các nước trong và ngoài khu vực.
RFI : Việt Nam đã đóng vai trò chủ động trong việc nâng cấp quan hệ ?
Ngô Vĩnh Long :Nếu một mình Việt Nam muốn thì cũng không được. Tôi nghĩ là trong việc này có tác động của Philippines, vốn từ lâu đã muốn Việt Nam có vai trò tích cực hơn. Sau đó thì Philippines và Việt Nam thúc đẩy Malaysia.
Chỉ cách đây hai năm thôi, Malaysia vẫn e dè, nếu không muốn nói là có những hành động ủng hộ Trung Quốc. Nhưng càng ngày Malaysia càng có những hành động thắt chặt thêm quan hệ với Việt Nam và Philippines.
Đối với Malaysia, lợi ích rất là lớn. Mặc dù đảo của Malaysia ở Biển Đông bị lấn áp ít, nhưng vì hầu hết lưu thông trên biển từ Mỹ, Âu Châu, Úc, Trung Đông, Ấn Độ phải đi qua eo biển Malacca, nếu bị chặn trên Biển Đông, thì vai trò của eo biển Malacca sẽ yếu đi, do đó lợi ích của Malaysia cũng sẽ yếu đi.
Indonesia nhập cuộc
RFI : Trong năm 2015, Indonesia cũng tỏ rõ thái độ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư giải thích thế nào về thay đổi lập trường này ?
Ngô Vĩnh Long : Indonesia có quan hệ khá lớn với Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và an ninh lưu thông trên Biển Đông bị Trung Quốc đe dọa cũng làm cho sự phát triển của Indonesia bị đe dọa.
Cách đây vài năm, Indonesia nghĩ là lợi ích của mình không bị đe dọa, hay ít bị đe dọa hơn. Nhưng từ khi Trung Quốc xây đảo nhân tạo (ở Trường Sa), rồi xây đường bay trên đó, thì Indonesia càng ngày càng thấy quan ngại, và cảm thấy là mình phải đóng một vai trò gì đó.
Đặc biệt vì Indonesia là nước lớn nhất ở Đông Nam Á, nên vai trò rất quan trọng, không những đối với Đông Nam Á, mà còn đối với Ấn Độ Dương. Cũng như Malaysia, mối đe dọa ở Biển Đông có hại rất lớn cho Indonesia.
Singapore mở rộng cửa cho quân đội Mỹ
RFI : Singapore, nước không có bất kỳ tranh chấp nào trên Biển Đông phải chăng cũng công khai thể hiện thái độ quan ngại khi sẵn sàng cho Mỹ đặt phi cơ do thám P8 Poseidon trên lãnh thổ của Singapore sau khi đã đồng ý mở cảng tiếp nhận 4 chiến hạm hiện đại của Mỹ ?
Ngô Vĩnh Long : Đúng như thế. Nếu so sánh với Malaysia, thì Singapore còn dựa trên địa thế ở eo biển Malacca nhiều hơn để buôn bán và phát triển. Đầu tư của Mỹ ở Singapore năm 2014 là lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, với gần 1,5 tỷ đô la. Với vốn đầu tư lớn của Mỹ và một vài nước khác Singapore cũng đã có thể đầu tư gần 800 triệu đô la vào Trung Quốc năm 2014.
Có thể nói Singapore là nước trung gian, nơi có bao nhiêu chuyên chở hàng hoá trên biển qua lại từ Biển Đông hay trước khi vào Biển Đông.
Sự hiện diện của chiến hạm Mỹ và của máy bay do thám P8-Poseidon có lợi rất lớn cho Singapore trên bình diện an ninh và kinh tế.Do đó, mặc dầu Singapore có quan hệ kinh tế lớn với Trung Quốc và mặc dầu người gốc Trung Quốc chiếm đa số ở Singapore, sự hiện diện và bảo trợ của Mỹ rất quan trọng đối với vấn đề phát triển - nếu không nói là sống còn - của Singapore.
Vấn đề bảo vệ an ninh và ổn định cho Singapore phát triển cũng có lợi ích lớn cho Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc...
Hơn một nửa ASEAN tán đồng hành động của Mỹ ở Biển Đông
RFI : Nói tóm lại, phải chăng có thể tổng kết là trong năm 2015, trong nội bộ ASEAN, đã có 5 hay 6 nước (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore, và có thể có Brunei) thiên về chủ trương cần phải bảo đảm tự do thông thương trên Biển Đông, chống lại việc Trung Quốc muốn quân sự hóa khu vực ?
Ngô Vĩnh Long : Vâng. Có thể tổng kết tình hình Biển Đông 2015 rõ ràng như thế. Và ở đây còn rõ ràng nữa, là các nước này đã hiểu là nếu chỉ có họ mà thôi, thì họ không thể tự mình chống lại sự bành trướng càng ngày càng lộ liễu của Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng tất cả các nước này, và nhiều nước khác, đều nghĩ rằng chỉ có Mỹ là quốc gia có thể giúp họ có tiếng nói đối với Trung Quốc, không phải vì Mỹ (mạnh) về phương diện quân sự, mà vì Mỹ là nước có buôn bán lớn nhất với Trung Quốc...
Nếu Trung Quốc không dịu xuống, thì năm, hay sáu nước Đông Nam Á này tự mình khó chống lại, cho nên họ biết rằng họ cần có tiếng nói chung để giúp chính quyền Mỹ vận động dân chúng Mỹ để có một đường lối càng ngày càng rõ ràng và cứng rắn đối với Trung Quốc.
Cùng chủ đề
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
-
Biến đổi khí hậu: Nông dân đồng bằng Cửu Long phải thay đổi cây trồng
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và trong số các vùng bị ảnh hưởng … -
TPP: Doanh nghiệp Nhà nước phải theo luật chơi quốc tế
Với việc gia nhập hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, các doanh nghiệp Nhà nước nay phải chấp nhận luật … -
Dự luật tôn giáo tiếp tục bị chỉ trích
Quốc hội Việt Nam hiện đang thảo luận về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là bản dự thảo luật thứ năm về tôn giáo. … -
Biển Đông: Mỹ cứng rắn với Trung Quốc nhưng còn mâu thuẫn nội bộ
Trong những ngày qua, tình hình Biển Đông sôi động hẳn lên với quyết định có phần cứng rắn của Mỹ, ngày 26/10/2015 … -
Việt Nam: Xã hội dân sự độc lập còn gặp nhiều khó khăn
Các tổ chức xã hội dân sự độc lập, đặc biệt là các tổ chức không được đăng ký, vẫn còn gặp rất nhiều khó … -
Mỹ tuần tra Biển Đông: Việt Nam và Đông Nam Á cần tích cực ủng hộ
Biển Đông phải chăng sắp sửa dậy sóng ? Đây là câu hỏi mà rất nhiều nhà quan sát đang đặt ra vào lúc … -
Quốc tế phải giám sát việc thực thi Công ước chống tra tấn
Mặc dù đã ký và phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về tra tấn, nhưng tình trạng bức cung, nhục hình dẫn …
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20151214-bien-dong-2015-thai-do-chong-trung-quoc-gia-tang-trong-asean
Geen opmerkingen:
Een reactie posten