dinsdag 26 januari 2016

Giấc mơ Trung Đông của Trung Quốc

Thứ Tư, 27/01/2016

Giấc mơ Trung Đông của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại trụ sở Liên đoàn Ả Rập tại Cairo, Ai Cập, ngày 21/1/2016.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại trụ sở Liên đoàn Ả Rập tại Cairo, Ai Cập, ngày 21/1/2016.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã kết thúc chuyến công du Trung Đông đầu tiên với thành quả là cả ba nước Ả rập Xê út, Iran và Ai Cập đều cam kết tăng cường các mối quan hệ với Bắc Kinh. Thông tín viên Saibal Dasgupta của đài VOA tại thủ đô Trung Quốc gửi về bài tường thuật.
Chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình tới các nước Trung Đông được thực hiện không lâu sau khi các biện pháp chế tài quốc tế đối với Iran được dỡ bỏ, mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho Trung Quốc, là nước đã ký kết những hợp đồng trị giá 600 tỉ đô la.
Nhưng những thoả thuận về chính trị của ông Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo Ả rập Xê út và Iran đang được cộng đồng ngoại giao chú tâm theo dõi và nghiên cứu. Các nhà phân tích và các nhà ngoại giao e rằng Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng những vụ mua bán để gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình và làm suy yếu ảnh hưởng của các nước Tây phương đối với vùng Trung Đông.
Hãng tin tân Hoa của nhà nước Trung Quốc tỏ ý cho thấy Trung Quốc không hề ngần ngại trong việc chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Mới đây hãng tin này cho rằng điều mà họ gọi là "bàn tay can thiệp" của phương Tây có hại thay vì có lợi cho vùng Trung Đông.
Chống lại ảnh hưởng của Mỹ
Hôm 23 tháng 1 vừa qua, Iran dường như đã mang lại cho Trung Quốc một cơ hội để gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông khi lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei nói với ông Tập Cận Bình rằng: "Iran chưa bao giờ tin tưởng các nước Tây phương… Đó chính là lý do tại sao Tehran tìm kiếm sự hợp tác của các nước độc lập hơn."
Tổng thống Iran Hassan Rouhani chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Cung Saadabad ở Tehran, Iran, ngày 23/1/ 2016.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Cung Saadabad ở Tehran, Iran, ngày 23/1/ 2016.
Ông Hichem Karoui, một chuyên gia của Học viện Ngoại giao ở Qatar, cho rằng: "Chắc chắn là Iran muốn dùng Trung Quốc để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ trong thời kỳ hậu chế tài." Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: "Tôi không tin là điều này sẽ hữu hiệu bởi vì Trung Quốc không muốn thiết lập những liên minh chính trị có thể làm cho các đồng minh lâu đời của họ, như Ả rập Xê út và Ai Cập, xa lánh họ."
Các nhà quan sát chú ý tới sự kiện là ông Tập Cận Bình đã không đáp lại đề nghị của ông Khamenei. Một nhà ngoại giao làm việc tại Bắc Kinh, không muốn nêu danh tánh, cho biết Trung Quốc chưa sẵn sàng vất bỏ chiếc áo trung lập trong chính sách đối ngoại, mặc dù họ đang dần dà tiến theo chiều hướng này.
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù vị trí của nước nhập khẩu dầu lửa nhiều nhất thế giới giúp cho Trung Quốc có được những ảnh hưởng nhất định ở Trung Đông, nhưng từ nay cho tới một thời gian khá lâu sau này, Bắc Kinh sẽ vẫn hết sức khó khăn để có thể thách thức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Ông Daud Abdullah, Giám đốc tổ chức Theo dõi Trung Đông ở London, nói: "Có một khoảng trống chính trị ở Trung Đông trong lúc ảnh hưởng của Mỹ giảm đi. Đây là một cơ hội cho Trung Quốc. Nhưng đây không phải là một việc dễ dàng. Ảnh hưởng của Mỹ đối với Ả rập Xê út sẽ không thay đổi. Lợi ích của Mỹ trong công nghiệp dầu lửa lớn đến độ không ai dự kiến sẽ có thay đổi trong thời gian tới đây."
Quan tâm về vấn đề khủng bố
Hầu hết các nhà phân tích đồng ý với nhau rằng Trung Quốc đang ra sức theo dõi sát sao những diễn tiến ở Trung Đông vì nhiều nơi trong khu vực này là nơi phát sinh những hoạt động khủng bố, ảnh hưởng tới vùng Tân Cương của Trung Quốc, quê hương của người sắc tộc Uighur nói tiến Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Dinh Tổng Thống ở Cairo, Ai Cập, ngày 21/1/2016.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Dinh Tổng Thống ở Cairo, Ai Cập, ngày 21/1/2016.

Ông Adnan Akfirat, một giới chức phòng quan hệ quốc tế của Đảng Ái quốc đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói: "Trung Quốc không thể không dính líu tới Trung Đông. Trung Quốc không nhắm mắt trước những gì xảy ra trong khu vực này bởi nó ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự ở Tân Cương."
Theo ông Hichem Karoui, nhà phân tích ở Qatar, Trung Quốc cũng đang tìm cách "đồng bộ hoá sự tiếp cận chính trị và kinh tế" đối với Ả rập Xê út bởi vì những mối quan hệ gần gũi hơn với Ả rập Xê út là vô cùng cần thiết cho việc nắm bắt tình hình khủng bố ở Trung Đông.
Đi hàng hai
Nhiều người đã cảm thấy ngạc nhiên một cách thích thú khi ông Tập Cận Bình nhận được những phản ứng thân thiện từ cả Ả rập Xê út lẫn Iran mặc dù hai nước này đang đối đầu với nhau một cách kịch liệt. Thậm chí, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ cho chính phủ Yemen mà không gây tổn hại cho các mối quan hệ với Tehran, tuy chính phủ Yemen đang chiến đấu chống lại một nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn.
Nhà phân tích Karoui cho biết: "Ông Tập Cận Bình dùng ngôn ngữ của người Ả Rập khi nói chuyện với Liên đoàn Ả Rập. Ông ấy đã nói rất nhiều về vấn đề Palestine và về việc cần có hoà bình và an ninh trong khu vực."
Các mục tiêu kinh tế
Đối với Iran, là nước vừa thoát khỏi các biện pháp chế tài quốc tế, sự xích lại gần hơn với Trung Quốc có những động cơ khác.
Trung Quốc cũng muốn siết chặt các mối quan hệ với các nước Trung Đông để phục vụ các lợi ích kinh tế của mình, trong đó có việc nới rộng kế hoạch mới về Con đường Tơ lụa để các công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Đông.
Trung Quốc cũng muốn siết chặt các mối quan hệ với các nước Trung Đông để phục vụ các lợi ích kinh tế của mình, trong đó có việc nới rộng kế hoạch mới về Con đường Tơ lụa để các công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Đông.

Ông Abdullah của tổ chức Theo dõi Trung Đông, nói: "Vấn đề quan trọng nhất là Iran đang hết sức cần có một đối tác kinh tế. Trung Quốc có thể thỏa mãn đòi hỏi này."
Trong khi đó, Trung Quốc cũng muốn siết chặt các mối quan hệ với các nước Trung Đông để phục vụ các lợi ích kinh tế của mình, trong đó có việc nới rộng kế hoạch mới về Con đường Tơ lụa để các công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Đông. Ông Abdullah nói rằng Trung Quốc cũng định bán vũ khí cho Ả rập Xê út.
Mới đây, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, ông Trương Minh, tiết lộ những gì mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nói với các nhà lãnh đạo Trung Đông. Ông nói phát triển kinh tế là "cách thức tối hậu" để Trung Đông thoát khỏi xung đột. Qua việc nới rộng các mối liên hệ về thương mại và đầu tư với Trung Đông, Trung Quốc hy vọng bất mãn và xung đột sẽ tan biến dần.

http://www.voatiengviet.com/content/giac-mo-trung-dong-cua-trung-quoc/3163057.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten